"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" - nhận diện phận người trong cuộc chiến

Hoàng Tuấn|10:20 24/08/2023

(NADS) - Nói về cuốn tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" nhà văn Tạ Duy Anh chia sẻ: "Tôi nghĩ đây là cuốn tiểu thuyết nên đọc bởi không chỉ là câu chuyện tình dang dở mà qua đó, người viết đã kỳ công đưa lại cho độc giả thấu hiểu hơn những nỗi đau của người dân trong cuộc chiến tranh đã đi qua”.

Tôi gặp lại nhà văn Nguyễn Một tại trụ sở chính của Tập đoàn Trường Hải – nơi có tầm nhìn toàn cảnh TP. HCM. Cuộc gặp nhanh, nhưng đủ để mở ra một câu chuyện sâu sắc và đọng lại nhiều dư ba.

Trong cuộc gặp, nhà văn Nguyễn Một tặng tôi tác phẩm của anh mới được xuất bản: “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín".

z4622271217090_36ca7a2ac7bf356a0990cb574a02ad8a(1).jpg
Nhà văn Nguyễn Một (bên phải) tặng nhà báo Thái Sơn cuốn tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín".

Qua cuốn sách, Nguyễn Một dẫn đưa người đọc quay trở lại với thời kỳ dĩ vãng của lịch sử, nơi mà tận cùng của tình yêu, chiến tranh và những giằng xé trong nội tâm mỗi con người. Đó là những khát khao đầy tính nhân bản.

“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” là một câu chuyện tình, nhưng không phải là một tiểu thuyết diễm tình. Nhân vật chính tên Sơn luôn bị giằng xé bởi tình cảm, bởi lý trí. Trong cuộc chiến nhân vật chính này là một người trung lập, khi xác định không đứng về phía bên nào.

z4629392311530_637d3870a4da27b188ad119f955561a0.jpg
Tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" của nhà văn Nguyễn Một.

Các nhân vật chính còn là ba người tử trận, cùng là anh em ruột trong một gia đình. Hai người chết vì “tận nghĩa với quốc gia”, còn một người “hy sinh vì Tổ quốc”. Họ sống và chiến đấu cho các lý tưởng khác nhau. Nhưng cái chết thì giống nhau, đều bị bắn và đều phơi xác dưới ánh mặt trời, ngay trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của họ.

Quan điểm của những người theo đạo Thiên chúa, nếu điều gì không thể hiểu được, người ta thường cho rằng "đó là ý muốn của Thượng đế". Là một tín hữu Công giáo, nhà văn Nguyễn Một cũng không bỏ qua quan niệm này. Trong một số tác phẩm, nhà văn thường sử dụng điều này vào trong sáng tác. Ở hai cuốn tiểu thuyết mang phong cách huyền ảo trước đó là “Trước mặt là dòng sông” và “Đất trời vần vũ”, nhà văn để hình ảnh chúa Jesus tồn tại ở những mặc khải của con người, nhưng trong “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, sự tồn tại của chúa Giêsu lại chính là sự vắng mặt của Chúa.

z4442732248363_266d45593a04d7fa63bac39568f83e07-170441_618.jpg
Nhà văn Nguyễn Một chia sẻ tại Lễ ra mắt tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Ảnh: Hoàng Anh. 

Trước đó, tại buổi lễ ra mắt cuốn tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín", nhiều nhà báo nhà văn tên tuổi đã có những nhận xét khá sâu sắc. Họ ghi nhận đây là một tiểu thuyết nên đọc. Đọc để chúng ta tìm cách để không xảy ra một cuộc chiến tranh trong tương lai.

Nhà báo Yên Ba, người đã tiếp xúc với “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” từ lúc còn là bản thảo sơ khai cho rằng: “Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này khá lạ. Là một nhân vật không ác, không thiện. Cuốn sách trải dài theo chiều lịch sử trong giai đoạn tang thương của đất nước. Ở đó, sự vô minh của con người trong thời chiến và số phận con người trở nên nhỏ bé trong cuộc chiến vô tri được nhấn mạnh bằng một thủ pháp hoàn toàn khác hai tiểu thuyết trước đó của Nguyễn Một”.

Ở một góc nhìn khác, nhà văn Tạ Duy Anh chia sẻ: “Đọc những đoạn văn như vậy chỉ thấy hãi hùng. Và nó sẽ khiến ta phải gào lên những câu hỏi không bao giờ có lời đáp. Nhưng chiến tranh là như thế. Nó biến tất cả thành vô lý, vô nghĩa. Ý nghĩa nhân văn lớn lao nhất mà ta nhận được sau khi khép lại cuốn sách là lời kết án: Chiến tranh, mi đừng có sinh ra trên thế gian này! Tôi nghĩ đây là cuốn tiểu thuyết nên đọc bởi không chỉ là câu chuyện tình dang dở mà qua đó, Nguyễn Một đã kỳ công đưa lại cho chúng ta đối diện với những nỗi đau của người dân trong cuộc chiến”.

Có mặt tại buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, cuốn tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một đã viết về chiến tranh với góc nhìn mới mẻ, ở đó người trực tiếp gây ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam là đế quốc Mỹ không hề hiện diện mà điều xuyên suốt là vấn đề của con người Việt Nam sau gần 50 năm nhìn lại cuộc chiến. Người đọc sẽ có cảm giác như chính mình đang ở trong cuộc chiến, trực tiếp chịu đựng nó và tìm cách thoát ra khỏi nó. Tiểu thuyết với dày đặc nhân vật như một xã hội thu nhỏ có thân phận người lính, người bình thường và người có vị trí nào đó. Chiến tranh đi qua và xé nát tất cả cuộc đời của các nhân vật, từ tình yêu, mối quan hệ gia đình, giấc mơ..."

z4442732671963_6138803a5775b1cfd9a9ab7585a424fe-170556_375.jpg
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét về cuốn tiểu thuyết. Ảnh: Hoàng Anh

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét, Nguyễn Một đã thành công khi chỉ ra bản chất kinh hoàng trong chiến tranh, chỉ ra số phận con người trước thách thức của chiến tranh nhưng ở đằng sau đó nhà văn đã chỉ ra dân tộc Việt Nam đi qua cuộc chiến với giá vô cùng đắt vì thế mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút hòa bình hôm nay phải được trân trọng và không thể đánh mất được.

“Chúng ta đã đi gần hết nửa thế kỷ sau chiến tranh kết thúc, người Mỹ đã đi khỏi đất nước chúng ta rất lâu rồi nhưng vẫn còn có một “chiến trường” khác vẹn nguyên trong tâm hồn con người Việt Nam, đó là sự tàn phá về tinh thần. Sau gần 50 năm, nhà văn Nguyễn Một đã trở về chiến tranh nhưng không phải đau thương, than khóc thêm một lần nữa và cũng không phải ngạo mạn với chiến thắng thêm một lần nữa mà chúng ta quay trở lại tìm cách để không xảy ra một cuộc chiến tranh trong tương lai”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Được biết, cuốn sách được in ấn và phát hành bởi Công ty sách Liên Việt. Đây là đơn vị từng phát hành tiểu thuyết “Ngược mặt trời” cách đây hơn 10 năm, nó đã thu được những tiếng vang lớn cả trong và ngoài nước: Được giải thưởng Trịnh Hoài Đức 2017 và được dịch sang tiếng Anh rồi phát hành ở Hoa Kỳ với tựa đề “Journey against the sun”.

nguyenmot.jpg

Nhà văn Nguyễn Một

Ông sinh năm 1964 còn có bút danh là Dạ Thảo Linh khi viết những cuốn sách dành cho thiếu nhi như “Hoa dủ dẻ”, “Năm đứa trẻ xóm đồi”, “Long lanh giọt nắng”. “Múa trái chín”...

Ông là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài: truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết. Truyện ngắn “Trước mặt là dòng sông” từng được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim truyền hình. Tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” được giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn 2010, cũng được dịch và đưa vào thư viện Quốc hội Hoa Kỳ dưới nhan đề “Heaven and Earth in Tumult".

Hiện ông đang sống tại tỉnh Đồng Nai, là Ủy viên Hội đồng văn xuôi - Hội Nhà văn Việt Nam và là Giám đốc truyền thông của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO).


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" - nhận diện phận người trong cuộc chiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO