Nhiều thành tựu trong 16 năm hoạt động
Shinhan Bank Việt Nam có 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, được thành lập và hoạt động theo Giấy phép hoạt động số 341/GP-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp ngày 29/12/2008 (Giấy phép 341). Tính đến ngày 31/10/2024, vốn điều lệ của Shinhan Bank là 5.710 tỷ đồng.
Ngân hàng có trụ sở chính tại đường Trần Bạch Đằng, phường An Khánh, Tp.HCM. Người đại diện theo pháp luật là ông Kang Gew Won - Tổng Giám đốc.

Tính đến tháng 10/2024, mạng lưới hoạt động của Shinhan Bank Việt Nam gồm: trụ sở chính, 29 chi nhánh tại 14 tỉnh, thành phố và 22 phòng giao dịch trực thuộc 11 chi nhánh trên 04 tỉnh, thành phố (Tp.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng), 01 văn phòng đại diện. Số lượng nhân sự toàn hệ thống gồm 2.409 người.
Theo công bố, chiến lược kinh doanh của ngân hàng tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng, tiện lợi, và an toàn cho khách hàng, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số và mở rộng mạng lưới. Đồng thời, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng số hàng đầu tại Việt Nam, mang lại giá trị tốt ưu cho khách hàng và cộng đồng.
Tại kết luận thanh tra của -Thanh tra NHNN đánh giá, trong thời gian hoạt động, Shinhan Bank Việt Nam đã thiết lập bộ máy tổ chức đáp ứng yêu cầu quản lý, phạm vi quy mô hoạt động phát triển tương đối nhanh toàn diện; đội ngũ lãnh đạo ngân hàng cũng đều đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Luật các TCTD 2010…

Đáng nói, phạm vi và quy mô hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Shinhan Bank Việt Nam phát triển tương đối nhanh và toàn diện, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng truyền thống.
Về nợ xấu chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng nợ và dư nợ tín dụng đối với khách hàng là cá nhân, tổ chức kinh tế; dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng liên quan đến các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản ở mức thấp; không phát sinh cấp tín dụng đối với dự án BT, BOT,…
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Shinhan Bank Việt Nam trong thời kỳ thanh tra năm sau cao hơn năm trước. Kết quả thanh tra chưa phát hiện Shinhan Bank VN vượt giới hạn, tỷ lệ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan hoặc vi phạm quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Nhiều vi phạm trong quản trị, tín dụng, xử lý nợ xấu,…
Tuy nhiên, đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng phát hiện một số vi phạm và tồn tại đáng lưu ý tại ngân hàng này.
Cụ thể, hoạt động quản trị điều hành: Biên bản họp Hội đồng rủi ro Quý II/2024 và quý III/2024 có nội dung chưa đúng với thực tế và quy định nội bộ.

Về hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng lớn và hoạt động xử lý nợ xấu, thu hồi nợ sau khi xử lý rủi ro: Kết quả thanh tra cho thấy có tồn tại (quy định chưa rõ hoặc chưa thống nhất) liên quan đến nội dung phí thời hạn bảo lãnh; phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; cho vay với mục đích kinh doanh bắt động sản; quản lý rủi ro, kiểm soát đối với cấp tín dụng để kinh doanh bất động sản, khách hàng, khách hàng và người có liên quan ở mức từ 1% vốn tự có của ngân hàng trở lên; định giá lại tài sản bảo đảm.
Việc cấp tín dụng và hoạt động xử lý nợ xấu, thu hồi nợ sau khi xử lý rủi ro đối với các khách hàng có một số vi phạm, tồn tại về Hợp đồng tín dụng; thẩm định và xét duyệt cấp tín dụng; giải ngân vốn vay; kiểm tra, giám sát vốn vay; tài sản bảo đảm; thực hiện các biện pháp quản lý nợ xấu theo quy định nội bộ.

Hoạt động mua, bán ngoại tệ, chuyển tiền ra nước ngoài: Kết quả kiểm tra chọn mẫu giao dịch mua, bán ngoại tệ cho thấy, một số thỏa thuận mua, bán ngoại tệ thiếu thông tin về cặp đồng tiền giao dịch, tỷ giá giao dịch theo quy định pháp luật.
Về việc chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố: Kết quả kiểm tra chọn mẫu cho thấy, thông tin báo cáo của 2 giao dịch tại tệp thông tin mà Shinhan Bank Việt Nam đã báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước về người chuyển tiền, người thụ hưởng chưa chính xác theo hướng dẫn định dạng báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước tại Phụ lục 2 Công văn số 4878/TTGSNH5 ngày 31/10/2023 của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Thanh tra NHNN chỉ rõ, những sai sót của Shinhan Bank Việt Nam xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về khách quan, chủ yếu do trong quá trình hoạt động kinh doanh, hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng lớn tiềm ẩn rủi ro, nhóm khách hàng, hoạt động xử lý nợ xấu và thu hồi nợ ngoại bảng sau khi xử lý rủi ro vẫn còn một số bất cập do khách hàng không kịp thời gửi thông tin, tài liệu cho Ngân hàng; khách hàng cố tình trì hoãn, không thực hiện đúng các nội dung trong hợp đồng tín dụng; sau khi vay vốn tại Shinhan Bank Việt Nam, khách hàng chủ yếu sinh sống ở nước ngoài dẫn đến khó khăn cho Ngân hàng trong việc liên lạc.
Về chủ quan do sơ suất, thiếu sót của cán bộ/bộ phận làm trực tiếp trong quá trình thực hiện; thiếu sự rà soát kỹ lưỡng của cán bộ, bộ phận kiểm soát, rà soát, phê duyệt để phát hiện kịp thời các tồn tại.
Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc của Ngân hàng Shinhan Bank VN trong từng thời kỳ chịu trách nhiệm chung đối với các vì phạm, tồn tại nêu trên, trong đó chịu trách nhiệm cao nhất là Tổng giám đốc (người đại diện theo pháp luật của Shinhan Bank Việt Nam).
Lãnh đạo các đơn vị, phòng ban, chi nhánh Shinhan Bank Việt Nam (qua từng thời kỳ) chịu trách nhiệm chung về quản lý, điều hành để xảy ra những vi phạm, tồn tại thuộc phạm vi quản lý.
Các cá nhân có liên quan trực tiếp đến các vi phạm, tồn tại chịu trách nhiệm trong việc thực hiện, tham mưu, rà soát, kiểm soát, phê duyệt liên quan đến từng trường hợp vi phạm, tồn tại.
Trước những vi phạm và tồn tại nêu trên, Thanh tra NHNN yêu cầu Shinhan Bank Việt Nam báo cáo, giải trình và khẩn trương đề ra các biện pháp khắc phục. Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát và Ban điều hành được yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm, siết chặt quản trị, tuân thủ quy định pháp luật.
Tổng Giám đốc ngân hàng cũng được chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hạn chế, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn và đúng quy định.