Hào khí Tây Nam Bộ: Lịch sử kháng chiến qua những khuôn hình bất tử

Hào khí Tây Nam Bộ: Lịch sử kháng chiến qua những khuôn hình bất tử

Nguyễn Trọng Nghĩa |14:54 07/05/2025

(NADS) - Các nhà nhiếp ảnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long vừa ra mắt tập sách ảnh "TÂY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN - LỊCH SỬ QUA ỐNG KÍNH (1945 - 1975)". Tập sách ảnh như một chuyến hành trình xuyên thời gian về những năm tháng hào hùng, nơi ý chí kiên cường của quân dân Tây Nam Bộ được khắc họa chân thực qua từng khuôn hình.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, đã có lời giới thiệu sâu sắc về tập sách ảnh "TÂY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN - LỊCH SỬ QUA ỐNG KÍNH (1945 - 1975)" làm nổi bật giá trị lịch sử, văn hóa và ý nghĩa tri ân của tác phẩm đối với các thế hệ cha anh. Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống xin giới thiệu toàn văn lời giới thiệu sách của đồng chí.


Trong suốt 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1945-1975), vùng đất Tây Nam Bộ đã viết nên những trang sử hào hùng, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Những trang sử vàng ấy được viết bằng tình yêu nước nồng nàn, tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh tất cả cho độc lập, hòa bình, thống nhất của Tổ quốc. Những chiến công oanh liệt, sự hi sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tây Nam Bộ mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp các thế hệ hôm nay và mai sau.

W_z6576361128565_fbbb99ab5da2e19a0e574fecbae87830.jpg
Tập sách ảnh đen trắng “Tây Nam Bộ kháng chiến - lịch sử qua ống kính (1945 - 1975)”

Tập sách ảnh đen trắng “Tây Nam bộ kháng chiến - lịch sử qua ống kính (1945 - 1975)” là hành trình ôn lại quá khứ hào hùng của cha ông, qua những hình ảnh chân thực, sống động về cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và người dân Tây Nam Bộ. Tập sách được chia thành hai phần chính, mỗi phần là những sự kiện, phong trào nổi bật, có sức tác động, ảnh hưởng lớn đến chiến trường Tây Nam Bộ và cả nước trong hai giai đoạn lịch sử kháng chiến: chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và đế quốc Mỹ (1954 - 1975) xâm lược. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc quý giá, trường tồn cùng thời gian; là câu chuyện đầy ắp cảm xúc, mảnh ghép quan trọng dệt nên bức tranh lịch sử, văn hóa phong phú, giàu sức lay động; giúp các thế hệ hậu sinh thêm thấu hiểu, trân trọng quá khứ, mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của cha ông, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Phần thứ nhất “Tây Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc (1945 - 1954)” đưa chúng ta trở lại với những trận đánh oai hùng, đã được ghi tạc vào lịch sử dân tộc ta, như cuộc tấn công chiếm đồn Định Thủy - Bến Tre, trận Giồng Dứa - Tiền Giang, trận Mương Điều - Cà Mau, trận Ruộng Gò - Mỹ Tho, trận Tầm Vu IV - Cần Thơ… Cùng với đó, những bức ảnh đã phản ánh và lên án đanh thép tội ác man rợ của thực dân Pháp với chính sách “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, reo rắc nỗi tang thương thấu đất, thấu trời. Với tinh thần “tất cả cho kháng chiến”, những khoảnh khắc ghi lại cuộc sống, chiến đấu tại chiến khu Đồng Tháp Mười (khu 8) và U Minh - Cà Mau (khu 9) đã khắc họa đậm nét tầm nhìn xa trông rộng của Trung ương Đảng và Bác Hồ, tinh thần quả cảm và ý chí sắt son của quân và dân miền Tây.

W_z6576362946635_c0c6b60b8a9073f973fa540fd6b9103d.jpg
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ảnh tư liệu
W_z6576369552577_a49b96dca679cc4133150d911f580067.jpg
Quân ta thu vũ khí trận Tầm Vu IV (19/4/1948). Ảnh: Tổ Nhiếp ảnh Khu 9

Phần thứ hai “21 năm khói lửa - Những khoảnh khắc vàng (1954-1975)” trình bày những bức ảnh ghi lại chiến công hiển hách, những sự kiện lịch sử tiêu biểu, như sự ra đời của Mặt trận Giải phóng Tây Nam Bộ, chiến thắng Ấp Bắc, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, việc thực thi Hiệp định Paris,… Qua từng bức ảnh, chúng ta gặp lại những bằng chứng tố cáo mạnh mẽ tội ác dã man của đế quốc Mỹ, hòng dập tắt ý chí đấu tranh của quân và dân ta. Vượt lên bom đạn của kẻ thù xâm lược, quân và dân miền Tây Nam Bộ đã sống, chiến đấu anh dũng, làm nên những thắng lợi vẻ vang, kể những câu chuyện xúc động về tình quân dân cá nước, về lòng dân với Đảng - Bác Hồ và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Những khoảnh khắc đặc biệt đó đã góp phần khẳng định sức mạnh của Nhân dân, sức mạnh của truyền thống yêu nước không bao giờ vơi cạn của đất và người miền Tây anh hùng!

W_z6576384578898_0402b763b56409b3c7c8f852eb49b119.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem sơ đồ trận chiến thắng Ấp Bắc. Ảnh: Bảo tàng Tiền Giang

Điểm độc đáo của cuốn sách là những bức ảnh được sáng tác bởi các phóng viên chiến trường, những người đã trực tiếp tham gia và trở thành một phần của cuộc kháng chiến. Mỗi bức ảnh đều mang đậm dấu ấn cá nhân và cảm xúc chân thật, giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc tinh thần kiên trung, bất khuất của những con người anh dũng, can trường, hồn hậu dưới bóng rừng tràm, rừng đước, vững vàng vượt qua mưa bom, bão đạn, cùng cả nước đi đến ngày toàn thắng. Đó là minh chứng sinh động, khẳng định vai trò, sức mạnh của nghệ thuật nhiếp ảnh - “nghệ thuật của khoảnh khắc” và sự hi sinh lớn lao của những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật. Khi Tổ quốc lâm nguy, những người con ưu tú đã hiên ngang xung trận, hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình cho cách mạng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước. Cuốn sách như một nén tâm hương tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, trong đó có những phóng viên - nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa của đất nước, như Phạm Cổ Phách, Trần Bỉnh Khuol (Hai Nhiếp), Huỳnh Văn Hòa, Bùi Văn Cơ, Trần Đại Dũng, Nguyễn Khắc Tâm… Các anh ngã xuống, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của các anh sống mãi, trở thành bản hùng ca bất hủ về tình yêu quê hương, đất nước, về trách nhiệm cao cả, thiêng liêng của những người “nghệ sĩ - chiến sĩ”, để các thế hệ nghệ sĩ hôm nay và mai sau tự hào tiếp bước.

W_z6576500897638_e0b7bd8f7b8612789f30116efcd6184d.jpg
Hàng vạn đồng bào từ nông thôn đổ về thị xã Cà Mau mừng ngày hội lớn của dân tộc (5/1975). Ảnh: Võ An Khánh

Lịch sử, truyền thống, văn hóa dân tộc Việt Nam được kết tinh qua thực tiễn lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta. Đó là sự hội tụ và tỏa sáng tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, tạo nên sức mạnh bất diệt của dân tộc ta. Việc gìn giữ, trao truyền các giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa cho các thế hệ đi sau là trách nhiệm của những người đi trước. Như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy:

Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Tập sách là nỗ lực rất đáng trân trọng, khắc ghi sâu sắc lịch sử, truyền thống, văn hóa của đất và người Tây Nam Bộ; là sự nhắc nhớ và tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã xả thân vì đất nước trong kháng chiến trường kỳ. Tập sách truyền đi thông điệp mạnh mẽ về khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025), chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, những khoảnh khắc quý giá này sẽ được lan tỏa sâu rộng, góp phần tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Một số hình ảnh trong tập sách ảnh đen trắng “Tây Nam Bộ kháng chiến - lịch sử qua ống kính (1945 - 1975)”

W_z6576371836906_905672c0a74eb2eaaa1ab0e2f468b92c.jpg
Chuyển đại bác 88 ly về vùng căn cứ. Ảnh: Tổ Nhiếp ảnh Khu 9
W_z6576374714595_aa5592d8efde47f895841824b842bdcd.jpg
Tốp địch băng đồng vào trận địa ta phục kích. Ảnh: Đạo diễn Hồ Tây cung cấp
W_z6576376933541_24c457fd2216806b092d0e5cc8eefc90.jpg
Dẫn giải tên đồn trưởng Louis Bertrand về phía sau. Ảnh: Tổ Nhiếp - Điện ảnh Khu 8
W_z6576379231859_64ff8dac3804797756c543f828702a48.jpg
Buổi ra mắt Câu lạc bộ Quân nhân Chiến khu 8, lần đầu tiên công chiếu 2 bộ phim vềchiến thắng Mộc Hóa, La Bang, ngày 24/12/1948 - Bảo tàng Quân khu 9. Ảnh: Tổ Nhiếp - Điện ảnh Khu 8
W_z6576381552640_278abda3e16fa934b6be30dab35a7153.jpg
Ban chỉ huy Khu 9 dự hội nghị triển khai kế hoạch phản công (5/4/1948). Ảnh: Tổ Nhiếp ảnh Khu 9
W_z6576389855425_c87083cb985f4ec262991452a112a904.jpg
Phụ nữ xã Vĩnh Hưng – Hồng Dân (Sóc Trăng) luyện tập mã tấu cho cuộc Đồng khởi 1960. Ảnh: Thái Thành Long
W_z6576393642475_81d69b81807fb6b40c565e75d3861fdc.jpg
Đội tuyên truyền võ trang cắm cờ vùng ven thị xã Cần Thơ (4/1973). Ảnh: Lý Wày
W_z6576396859381_dce24c2701e91530a11d68994e38aba3.jpg
Ngày 24/6/1964 Tiểu đoàn Tây Đô ra mắt tại xã Phương Bình (Phụng Hiệp - Cần Thơ). Đơn vị 2 lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Trần Giác
W_z6576402654312_2acb3446c0cf769e7cdd47d56b969694.jpg
Nụ cười trẻ thơ ngày chiến thắng tại sân bay Mỹ ‚o – Khởi đầu một kỷ nguyên mới. Ảnh: Trần Nhã
W_z6576411133794_7af1ed090adc4e898d7f530c8e859ac3.jpg
Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn (1975). Ảnh: Võ An Khánh

Nguyễn Trọng Nghĩa
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Hào khí Tây Nam Bộ: Lịch sử kháng chiến qua những khuôn hình bất tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO