Trong buổi bình minh của lịch sử, con người chỉ biết dùng một số thứ có sẵn trong thiên nhiên. Khi cần một dụng cụ chặt cây, người nguyên thủy đẻo một hòn đá thành lưỡi rìu, hay làm một mũi xiên cá bằng xương... Họ chỉ biết làm đổi dạng một vật liệu tự nhiên, chứ chưa sáng chế ra một dụng cụ gì mới.
.jpg)
Đất là đối tượng mà con người quan tâm đầu tiên. Theo truyền thuyết của Trung Hoa cổ đại, đất là một trong 5 nguyên tố (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) tạo nên vạn vật. Đất (thổ) là chủ của ngũ hành. Đất còn là một trong ba ngôi tam tài: Thiên (trời), Địa (đất). Nhân (người). Vì vậy, đất trở thành đối tượng được con người sùng kính. Hơn nữa, trong thực tế cuộc sống, con người ngày càng nhận thức rõ vai trò quan trọng của đất đối với sự sống: Đất nuôi dường cây cối, tạo ra lương thực, thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp nuôi sống con người. Do đó, con người coi “cha trời, mẹ đất” là vậy.
Con người tin “đất là mẹ“ của vạn vật nên ngày càng được coi trọng khi việc trồng trọt trở thành hoạt động chủ yếu của loài người.

Đất có nhiều loại, trong đó con người quan tâm đến loại đất sét. Bởi đất sét là loại trường thạch chứa trong các đá phún suất đã bị phong hóa từ thời cổ đại, do tác động của nước mưa, nhiệt độ, acid carbonic trong không khí và các phản ứng hóa, muối khóang cùng các tạp chất khác bị nước cuốn đi, lắng đọng ở những chỗ trũng, hình thành nên loại đất sét trầm tích.
Đặc trưng của đất sét do những yếu tố hóa học cấu tạo nên, làm cho đất sét có những tính năng đặc biệt như: độ dẻo, tính co lại khi khô, tính kết dính tốt và trở nên rắn chắc khi bị nhiệt tác động. Do tính dẻo của đất sét mà người ta có thể nặn thành các hình thù theo ý muốn. Bởi đất sét khô thì rắn, nhưng khi nhào với nước vừa đủ thì lại dẻo.

Từ xa xưa, người nguyên thủy bằng kinh nghiệm sống của bản thân trong việc chinh phục thiên nhiên, đã hình thành nên một ý niệm quan trọng: Đất sét dẻo có thể nặn thành những hình thù khác nhau mà mình muốn và qua lửa có thể cho một sản phẩm rắn và đồ gốm ra đời từ quan niệm đó.
Cách nay khoảng một vạn năm những sản phẩm gốm đầu tiên đã ra đời. Các nhà khoa học cho rằng đồ gốm xuất hiện đầu tiên ở châu Phi và vùng Lưỡng Hà, nơi được mệnh danh là “Vương quốc đất sét” . Tiếp đó lan ra tất cả các châu lục, những nơi có con người sinh sống.


Ở Việt Nam ta, đồ gốm đã có lâu đời từ thuở vua Hùng dựng nước, với sự đa dạng về chất liệu, tạo dáng và nghệ thuật trang trí độc đáo mang rõ bản sắc dân tộc. Gốm là một trong những loại hình tiêu biểu của nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm phát triển, nghệ thuật gốm Việt Nam đã tích lũy được một kho tàng vô giá và rất phong phú. Trong quá trình phát triển các chủng loại đồ gốm nối tiếp nhau xuất hiện phù hợp với từng thời đại, từ gốm đất nung, đến gốm sành nâu, sành xốp, sành trắng và đố sứ. Mỗi chủng loại đã tạo nên những hình thái riêng với sự khác biệt về chất liệu cũng như kỹ thuật sản xuất đã được thử thách qua các thời kỳ từ tiền sử, sơ sử đến hiện đại. Trong đó đáng chú ý nhất là các loại gốm cổ, mà ngày nay được gọi là các loại gốm đất nung thời kỳ đồ đồng, gốm Hán – Việt, gốm men ngọc, gốm hoa nâu thời Lý – Trần, gốm hoa lam, gốm chạm đắp nổi, gốm tam sắc thời Lê – Mạc... Các loại gốm này không chỉ là hiện vật ghi nhận dấu ấn thời đại và quá trình phát triển dân tộc ta, mà còn là những tài liệu sinh động phản ảnh đặc trưng nghệ thuật tạo hình của từng thời đại.
Đọc tập sách “Các làng gốm cổ truyền Việt Nam” của tác giả Trần Mạnh Thường, thấy tác giả đã đề cấp một cách khái quát đến quá trình phát triển nghệ thuật gốm Việt Nam nói chung, đồng thời tác giả đi sâu phân tích, giới thiệu các làng nghề gốm cổ truyền trong cả nước, xuất hiện trong từng thời kỳ của lịch sử nước nhà. Nhưng qua đó, có thể giúp người đọc thấy rõ nghệ thuật gốm sừ Việt Nam đã có từ ngàn xưa với quy mô sản xuất khá lớn như gốm Phùng Nguyên, gốm Đông Sơn, gốm Sa Huỳnh, gốm Ốc Eo, gốm Chu Đậu, gốm Bồ Bát, gốm Bát Tràng, Phù Lãng... Nó không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có tiếng vang trên thế giới thể hiện đồ gốm Việt Nam đã có mặt tại các Bảo tàng gốm nghê thuật của các nước như Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha...

Với tư cách là một nhà báo có nhiều năm hoạt động trên mặt trận báo chí, xin giới thiệu với bạn đọc trong cả nước cuốn sách “Các làng gốm cổ truyền Việt Nam” và mong nhận được những ý kiến đóng góp, để tác giả có dịp bổ sung và chỉnh sửa trong lần tái bản tới.