Tiểu thuyết "Đường lên Điện Biên" - Hào khí một thời

PGS.TS Trần Thị Thu Hoài|14:34 24/04/2025

(NADS) - Chào mừng các sự kiện lịch sử của đất nước trong năm 2025, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ phối hợp cùng Nhà xuất bản Văn học đã ra mắt tiểu thuyết "Đường lên Điện Biên". Đây là tập thứ tư thuộc bộ tiểu thuyết lịch sử "Nước non vạn dặm" – một tác phẩm công phu, sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vậy là đã hoàn thành ba tập đầu tiên của bộ tiểu thuyết lịch sử được xem như đồ sộ, công phu và sâu sắc về lãnh tụ Hồ Chí Minh:
- Tập 1: Nợ nước non
- Tập 2: Lênh đênh bốn biển
- Tập 3: Từ Việt Bắc về Hà Nội

z6532897577888_0849aa1ba357f7b1a771ef1c241a1d85.jpg

Những ngày Tết Ất Tỵ cận kề, khi cầm trên tay tập 4 "Đường lên Điện Biên", lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Viết về lãnh tụ là một đề tài đầy thách thức đối với người cầm bút, nhất là khi đó lại là một lãnh tụ cộng sản như Hồ Chí Minh – một nhân vật mang tính biểu tượng của cả một thời đại. Thách thức lớn nhất không chỉ nằm ở việc sử dụng câu chữ để chạm đến trái tim, khối óc, và tâm hồn độc giả, mà còn ở việc thoát khỏi những ràng buộc hay định kiến trong quá trình miêu tả. Tác giả cần vượt qua lớp lớp sương mù huyền thoại, sự tôn vinh cá nhân để mô tả chân thực một con người vĩ đại – Hồ Chí Minh. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã làm được điều đó.

Cảm giác của tôi sau khi đọc xong từng tập vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Hết tập một ngóng chờ tập hai, rồi hết tập hai lại mong tập ba, và giờ đây, khi đã đọc xong tập bốn, tôi tiếp tục ngóng đợi tập năm – tập cuối cùng của bộ sách. Có thể nói, không phải tác giả nào cũng có thể tạo ra sự chờ đón, háo hức đến vậy từ độc giả, đặc biệt là với một bộ tiểu thuyết lớn viết về một lãnh tụ cộng sản như "Nước non vạn dặm".

Tiểu thuyết Đường lên Điện Biên được bố cục gọn ghẽ thành năm chương, bắt đầu từ sự kiện Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, đến khi Hiệp định Giơnevơ về việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết ngày 20/7/1954. Dù tác giả không đặt tiêu đề cho từng chương, tôi đã khái quát lại để tiện theo dõi mạch truyện:

Chương 1: Tình thế ngàn cân treo sợi tóc sau ngày độc lập

Chương 2: Hòa với Tưởng để tập trung chống Pháp ở Nam Bộ (đến Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946)

Chương 3: Sách lược ứng phó với thực dân Pháp (từ Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 đến bản Tạm ước 14/9/1946)

Chương 4: Từ sau Tạm ước 14/9 đến trước chiến dịch Biên Giới 1950

Chương 5: Từ chiến dịch Biên Giới đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ

“Đường lên Điện Biên” gói gọn 9 năm lịch sử hào hùng:
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.”

Chín năm tuy không dài nhưng là chín năm oanh liệt với tầng tầng lớp lớp các sự kiện lịch sử, thể hiện tư duy, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Đặc biệt hơn, trong 9 năm đó, phần viết về hơn một năm kể từ khi Cách mạng tháng Tám thành công đến lần nhân nhượng cuối cùng để duy trì hòa bình (khi ký kết Tạm ước ngày 14/9/1946) được tác giả đầu tư rất kỹ lưỡng: chiếm 3/5 chương sách, tức hơn một nửa số trang của tập 4. Điều này thật xứng đáng!

Trước khi đọc ba chương này, tôi đã tò mò và đặt không ít câu hỏi: Núi tư liệu đồ sộ về một năm lịch sử này liệu sẽ được xử lý ra sao? Các sự kiện lịch sử quốc tế và trong nước vốn quá đa dạng, phức tạp trong một năm ấy; âm mưu và mục tiêu cũng như mối quan hệ chồng chéo giữa các thế lực thù địch đang rình rập những lợi ích khác nhau tại Việt Nam; khó khăn chồng chất tựa núi, tựa mớ bòng bong, đẩy cách mạng vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc… Tác giả sẽ khắc họa thế nào dưới góc nhìn văn học lịch sử?

Vậy mà mọi thứ đã được xử lý vô cùng gọn ghẽ, rành mạch, hấp dẫn và thuyết phục. Nguyễn Thế Kỷ đã tái hiện cả một không gian lịch sử không thể sống động hơn, không chỉ bằng sử liệu và văn học mà còn bằng cả hư cấu nghệ thuật, lòng yêu quý với những giá trị lịch sử, sự trân trọng đối với trí tuệ, mồ hôi, nước mắt và máu xương của các bậc tiền nhân. Trên hết, ông đã thể hiện sự thấu cảm sâu sắc với tâm hồn, trí tuệ, bản lĩnh của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh.

Chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương hiếm khi nào được thể hiện một cách dung dị, thông tuệ và minh triết như dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Hồ Chí Minh cùng các cộng sự trung thành, mẫn tiệp, và tài giỏi của Người.

“Nhân dân luôn ở bên cạnh chúng ta.” Và Đảng, Chính phủ, cùng Hồ Chí Minh đã nỗ lực hết mình để không phụ lòng tin của nhân dân, để nhân dân luôn trở thành cánh tay đắc lực của Chính thể. Bí quyết sâu xa của những thành công ấy nằm ở chính những chân lý giản dị như vậy.

z6532897303659_0acdee5396da7a9be21590c8b9bab497.jpg

Hoạt động ngoại giao của Chính phủ Hồ Chí Minh kết nối với Lào, Campuchia; với Trung Quốc, Liên Xô; và các nước XHCN Đông Âu đã trở thành những trang viết cuốn hút và đầy hấp dẫn đến ngỡ ngàng. Những câu chuyện với không gian, bối cảnh, nhân vật, hoạt động, mục tiêu và lợi ích sống động được tái hiện một cách chân thực, tạo nên sức lôi cuốn mãnh liệt.

Bên cạnh đó, các hoạt động quân sự, các trận đánh, những cuộc giao tranh sinh tử giữa địch và ta cũng chưa bao giờ khiến tôi xúc động đến thế khi đọc qua từng câu chữ trong tập 4 này. Điều đó gợi lên trong tôi nhiều câu hỏi về sức mạnh, trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam. Và câu trả lời cho thắc mắc vì sao Việt Nam có thể chiến thắng những kẻ thù lớn mạnh đã khiến tôi vỡ òa theo một cách đầy thú vị.

Bám sát sử liệu, nhưng được xử lý bằng bút pháp văn học với mạch xuyên suốt là sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng các cộng sự trung thành, Nguyễn Thế Kỷ đã dựng nên một không gian sinh động với các hoạt động của Đảng và Hồ Chí Minh trong chiều dài 9 năm, từ tháng 8/1945 đến tháng 7/1954. Đọc Đường lên Điện Biên để cảm nhận về tầm nhìn, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam trong những thời khắc chiến tranh gian khó nhất, cũng như để thấy Hồ Chí Minh vĩ đại trong những điều bình dị nhất.

Tầm nhìn và trí tuệ trong thời kỳ chiến tranh ấy, nếu được huy động và sử dụng hiệu quả trong thời bình để phát triển đất nước, thì có lẽ Việt Nam ngày nay sẽ khác rất nhiều.

Và có lẽ chân lý quan trọng nhất cho mọi thành công của chế độ vẫn luôn là: “Nhân dân luôn ở bên cạnh chúng ta.”

Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tác giả Nguyễn Thế Kỷ cùng Nhà xuất bản Văn học vì đã mang đến “một món quà tinh thần” đầy giá trị trong những ngày đầu năm mới.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Tiểu thuyết "Đường lên Điện Biên" - Hào khí một thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO