Khủng hoảng y tế chưa từng có và sự dấn thân của những nhà nhiếp ảnh

Khủng hoảng y tế chưa từng có và sự dấn thân của những nhà nhiếp ảnh

Trần Thị Thu Đông|10:56 09/05/2025

(NADS) - Cuốn sách ảnh “Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 qua lăng kính nhiếp ảnh” tái hiện những khoảnh khắc chân thực của cuộc chiến chống đại dịch, từ sự kiên cường của y bác sĩ đến tinh thần đoàn kết của người dân. Đây không chỉ là tư liệu lịch sử mà còn là lời tri ân sâu sắc dành cho các nhiếp ảnh gia đã dấn thân ghi lại những hình ảnh đầy xúc động.

Khi xem cuốn sách này, chúng ta không chỉ đang xem những bức ảnh mà như đang bước vào một bảo tàng ký ức, nơi thời gian ngưng đọng, và những khoảnh khắc lịch sử sống dậy một cách chân thực và đầy cảm xúc. Đây là câu chuyện về Việt Nam trong những năm tháng “bão giông”, khi đại dịch COVID-19 ập đến, phủ bóng đen lên toàn cầu, đẩy nhân loại vào một cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có.

W_bia-sach-covid19-25-x-25-01.jpg
Sách ảnh “Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 qua lăng kính nhiếp ảnh”

Nhớ lại những ngày đầu năm 2020, khi thế giới bàng hoàng nhận ra sự xuất hiện của một kẻ thù vô hình, lây lan nhanh chóng và tàn khốc. Việt Nam, đất nước vốn thanh bình và tươi đẹp, cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy ấy. Đại dịch không chỉ đe dọa sức khỏe của từng người dân, mà còn thử thách cả hệ thống y tế, kinh tế và trật tự xã hội. Trong cơn đại hồng thủy ấy, chúng ta đã thấy cả nước gồng mình, dựng lên một "pháo đài" kiên cường chống dịch. Nơi tuyến đầu, các bệnh viện trở thành chiến trường khốc liệt, nơi các y bác sĩ ngày đêm chiến đấu, giành giật từng hơi thở, từng mạng sống.

Những trang sách này sẽ đưa chúng ta trở lại những khoảnh khắc ấy. Đấy là những khu cách ly dã chiến vội vã dựng lên, những dãy giường bệnh san sát, chật chội, những phòng cấp cứu luôn trong tình trạng quá tải, những ca cấp cứu khẩn cấp, không gian căng thẳng đến nghẹt thở. Những hình ảnh ấy không hề tô vẽ, không hề cường điệu. Chúng là những bức ảnh rất chân thực về sự khốc liệt của cuộc chiến chống dịch, về những khó khăn, mất mát mà chúng ta đã cùng nhau trải qua.

W_z6580732619126_5b1135c418223d4f39381e8fc4d8bb52.jpg
Những ngày tháng ấy. Ảnh: Vũ Minh Quân (Hà Nội)
Những ngày giãn cách xã hội lịch sử của nhân loại trong đó có Việt Nam, có Hà Nội của chúng ta. Bức ảnh thuộc bộ ảnh thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội năm 2021.
W_z6580753684000_8d504dca5be63a85b254907da1d6cda4.jpg
Phun khử khuẩn, phòng chống dịch tại Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Anh Cường (Đà Nẵng)

Nhưng giữa bóng tối của đại dịch, ánh sáng của lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm vẫn luôn rực rỡ. Trong bối cảnh hiểm nguy ấy, những nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã không quản ngại khó khăn, dấn thân vào tâm dịch. Họ không phải là những chiến binh áo trắng, nhưng họ mang trong mình sứ mệnh cao cả của những người ghi lại lịch sử. Họ đã đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cận kề, làm việc trong điều kiện thiếu thốn, trang thiết bị bảo hộ cồng kềnh, ngột ngạt. Họ đã hy sinh thời gian bên gia đình, gác lại những nhu cầu cá nhân, thậm chí đặt cả sự an toàn của bản thân và người thân vào vòng nguy hiểm.

Điều gì đã thúc đẩy họ, khiến họ vượt qua tất cả? Đó chính là lòng đam mê nghề nghiệp, là tinh thần trách nhiệm cao cả của người nghệ sĩ, người phóng viên. Họ hiểu rằng, trong thời khắc lịch sử này, những bức ảnh của họ không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là những chứng cứ sống động, là tiếng nói chân thực nhất về cuộc chiến chống dịch của dân tộc. Họ đã dùng ống kính để ghi lại những giọt mồ hôi, những ánh mắt mệt mỏi nhưng kiên nghị của các y bác sĩ, những bàn tay nắm chặt nhau động viên, những giọt nước mắt xót xa và cả những nụ cười hiếm hoi trong khu cách ly.

W_z6580745886941_08626db4ab3923c2c1b579d5c67f58a3.jpg
Tại cột mốc 241 bộ đội biên phòng giao lưu-kết hợp với lực lượngbiên giới Hoàng gia Campuchia phòng - chống dịch COVID-19. Ảnh: Cao Minh Dẹt (An Giang)
W_z6580747359600_55537670a983b93a08a4e326cf3e5170.jpg
Lá chắn nơi biên giới. Ảnh: Nguyễn Xuân Chính (Hà Nội)
Cuộc chiến với COVID-19 chưa có hồi kết, những người lính biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới và phòng, chống COVID-19 vùng biên huyện Tây Giang nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung vẫn hằng ngày chốt chặn lối mòn; cắt rừng, trèo đèo, vượt suối tuần tra, kiểm soát dọc tuyến biên cương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vượt biên trái phép.

Cuốn sách ảnh “Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 qua lăng kính nhiếp ảnh” là kết tinh của những nỗ lực phi thường ấy. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện riêng, một mảnh ghép cảm xúc, góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến chống dịch của Việt Nam. Chúng ta sẽ cảm nhận được sự căng thẳng, mệt mỏi, nhưng đồng thời cũng thấy được sự kiên cường, lạc quan, và tinh thần đoàn kết của người Việt Nam. Những bức ảnh này không chỉ kể về đại dịch, mà còn ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam: ý chí bất khuất, lòng nhân ái, tinh thần tương thân tương ái, và niềm tin mãnh liệt vào tương lai.

W_z6580791894984_781351b476194d3860d686d0d95cfc4f.jpg
Trong cuộc chiến đấu chống đại dịch COVID-19, những chiến sĩ áo trắng đã âm thầm, lặng lẽ dấn thân, cống hiến, hy sinh tình cảm và lợi ích cá nhân mang lại cuộc sống bình an cho nhân dân. Họ đã không “chọn việc nhẹ nhàng”... Ảnh: Giang Sơn Đông (Hải Phòng)

Hơn cả một cuốn sách ảnh, đây còn là những tư liệu lịch sử vô giá. Những bức ảnh này không chỉ ghi lại một giai đoạn lịch sử đau thương nhưng hào hùng, mà còn là những bài học quý giá cho thế hệ hôm nay và mai sau. Chúng ta sẽ nhìn lại những hình ảnh này để không bao giờ quên những gì đã trải qua, để trân trọng hơn những giá trị bình dị của cuộc sống, và để biết ơn sâu sắc những người hùng thầm lặng đã góp phần làm nên kỳ tích chống dịch của Việt Nam. Đây cũng là lời tri ân chân thành nhất đến những nhà nhiếp ảnh, những người đã dũng cảm dấn thân, mang đến cho chúng ta những hình ảnh đầy xúc động và ý nghĩa.

W_z6580785939210_d774c79dcc87f4aa2df0a8456f555897.jpg
Tinh thần lạc quan của các y bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí khi vào ứng cứu tại tâm dịch Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Anh (Hà Nội)

Trước đó, ngay từ năm đầu tiên dịch bệnh bùng phát, nhận thức về sức ảnh hưởng nặng nề từ thảm họa y tế của đại dịch COVID-19, đồng thời mong muốn lưu giữ những tư liệu ảnh lịch sử nhằm ghi nhận, tuyên truyền, giới thiệu về các hoạt động trong thời gian căng mình chống dịch của cả nước, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức tuyển chọn và trưng bày 2 cuộc triển lãm ảnh thời sự, nghệ thuật về đề tài “Việt Nam phòng chống dịch COVID-19”. Từ nguồn tư liệu trên, tuyển chọn thêm từ các nghệ sĩ nhiếp ảnh và phóng viên ảnh những bức ảnh phù hợp chủ đề. Đến nay, cuốn sách này ra đời như một chứng nhân lịch sử, ghi dấu lại những khoảnh khắc bi tráng nhưng cũng đầy hào hùng ấy.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn sách ảnh ý nghĩa này.

W_z6580733998372_c67701bce75c55eb88aa7181c917f95d.jpg
Lực lượng cấp cứu bằng taxi phối hợp nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu một phụ nữ F0 đang sinh sống tại huyện Nhà Bè - Thành phố Hồ Chí Minh đến bệnh viện điều trị. Ảnh: Tự Trung (Thành phố Hồ Chí Minh)
W_z6580736576195_a3c48c7ccb064360fd64f7b826389b53.jpg
Một người phụ nữ quỳ xuống khi nhìn thấy tro cốt của mẹ mình được các chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh vận chuyển về gia đình. Tro cốt của các nạn nhân tử vong vì COVID-19 được hỏa táng tại Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) sau đó được tập trung tại nhà tang lễ Thành phố Hồ Chí Minh (quận Bình Tân) và vận chuyển tới các gia đình. Ảnh: Thanh Minh (Thành phố Hồ Chí Minh)
W_z6580773684272_61e33f42702954bf5c468f70a8a64e4d.jpg
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho người lao động. Nhà máy thép Việt Nhật - Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng, đã thực hiện mô hình “BA TẠI CHỖ” cho toàn bộ gần 1000 cán bộ công nhân viên của nhà máy. “BA TẠI CHỖ” gồm: Sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ. Ảnh: Viết Rừng (Hải Phòng)
W_z6580754888960_990b67cb0b6d86f4326cf7ee63a8136b.jpg
Khoảnh khắc được trở về nhà sau thời gian cách ly của hai mẹ con học sinh trường tiểu học Xuân Phương, Hà Nội. Ảnh: Việt Linh (Hà Nội)
W_z6580768545062_016a427c029ae694a62f1a9236a7c28e.jpg
Thông điệp lạc quan vào chiến thắng của người dân Việt Nam trong những ngày cả nước chống dịch COVID-19. Nguyễn Thanh Tùng (Hà Nội)
W_z6580784463771_7abc43d56116c753728204c4b810b3e4.jpg
Hàng ngàn người dân tiêm vaccine tại Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Định (Thành phố Hồ Chí Minh)
W_z6580750218303_6b88bf1aedde4a8fee41d4046fa3069d.jpg
Lực lượng chức năng phường Hàng Mã (Hà Nội) cắt dây thép gai, tháo dỡ chốt kiểm soát ra vào tại phố Hàng Mã (Tháng 9/2021). Ảnh: Nguyễn Hải (Hà Nội)
W_z6580794171357_0ea1b33e384f51eb13a9bb13c405398c.jpg
Ánh sáng hy vọng. Ảnh: Thành Đạt (Hà Nội)
W_z6580795408292_1ab7a200b21cf5d1fb991fb83e4ab790.jpg
Cờ Tổ quốc tung bay trong thời khắc phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) dỡ bỏ cách ly y tế 21 giờ 10 phút tối 20/3, công an phường Trúc Bạch gỡ rào sắt khu vực bị cách ly trong tiếng reo hò của người dân. Trẻ con trong khu phố đứng giữa đường vẫy cờ, hò reo ăn mừng. Ảnh: Vũ Duy Linh (Hà Nội)

Trần Thị Thu Đông

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Khủng hoảng y tế chưa từng có và sự dấn thân của những nhà nhiếp ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO