HỘI NGƯỜI MÙ TỈNH NGHỆ AN “NGUỒN SÁNG TRONG ĐỜI”

Trần Duy Ngoãn|11:03 16/07/2025

Ngày 17/7/1985, HNM Nghệ Tĩnh tiến hành Đại hội lần thứ nhất, những ngày đầu, Hội đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Từ việc vận động hội viên, xây dựng tổ chức đến việc tìm kiếm các hoạt động phù hợp để giúp đỡ người mù hòa nhập cộng đồng. Nhưng chính trong gian khó, ý chí và nghị lực của những người lãnh đạo Hội, luôn mang trong mình bầu nhiệt huyết, ý chí kiên cường tìm bằng được lối thoát cho đời mình và những người đồng tật.

W_20250715_083800.jpg
Chương trình văn nghệ người khiếm thị Nghệ An chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập HNM Nghệ An

Vượt qua mọi rào cản, từng bước đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Hội, năm 1991 sau sự kiện chia tách Tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Hội được đổi tên thành HNM Nghệ An. Qua 40 năm hoạt động (17/7/1985 - 17/7/2025), HNM Nghệ An đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, từ chỗ chỉ tập trung vào các hoạt động an sinh xã hội cơ bản, Hội đã phát triển toàn diện, đa dạng hóa các hoạt động nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên. Đến thời điểm trước ngày 01/7/2025 toàn tỉnh hội đã có 19/20 huyện, thành, thị có tổ chức hội với 2494 hội viên, sinh hoạt tại 203 chi hội. Hội tỉnh có trụ sở khang trang tai phường Trường Thi - TP Vinh.

W_0p8a6216.jpg
Toàn cảnh lễ kỷ niệm
W_20250715_100031.jpg
Đại biểu Trung ương Hội Người mù Việt Nam và tỉnh tham dự lễ kỷ niệm
W_0p8a5710.jpg
Đại biểu dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập HNM Nghệ An

Xác định vị tró của tổ chức hội, ngay từ những năm đầu mới thành lập, Tỉnh hội đã xác định rõ tầm quan trọng của chữ Braille đối với người mù, xem đây là công cụ thiết yếu giúp cán bộ, hội viên học tập, làm việc và tiếp cận nguồn tri thức. Năm 1991, khi Nhà nước phát động “Thập kỷ xóa mù chữ quốc gia (1991–2000)”, hưởng ứng cuộc vận động “Năm xóa mù chữ cho người mù” do Trung ương Hội phát động, Tỉnh hội Nghệ An đã gửi 10 học viên tham gia khóa học tại Trung tâm Giáo dục người khuyết tật tỉnh. Sau hơn ba tháng học tập chăm chỉ, các học viên đã đọc thông, viết thạo chữ Braille và trở thành những người truyền dạy chữ nổi đầu tiên cho hội viên ở hai đơn vị được thành lập sớm nhất của Tỉnh hội là HNM huyện Tân Kỳ và HNM thành phố Vinh.

W_hoi-vien-hnm-tp-vinh-dang-san-xuat-tam.jpg
Hội viên HNM TP Vinh đang sản xuất tăm

Mặc dầu việc tổ chức các lớp xóa mù chữ gặp không ít khó khăn về địa điểm, kinh phí, giáo viên..., nhưng nhờ sự nỗ lực không ngừng của Tỉnh hội cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức từ thiện và cá nhân hảo tâm, Hội đã tổ chức hàng trăm lớp dạy chữ Braille, giúp 1.680 hội viên biết đọc, biết viết, từ đó tạo nền tảng cho việc học tập và phát triển lâu dài, bền vững của hội.

hoi-khuyen-hoc-tinh-tang-cac-xuat-hoc-bong-cho-hoc-sinh-hoc-hoa-nhap-.jpg
Hội khuyến học tỉnh tăng các xuất học bổng cho học sinh học hòa nhập

Cùng với sự phát triển tổ chức hội ở cơ sở, công tác lao động sản xuất chăm lo đời sống luôn được các cấp hội xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Dạy nghề và tạo việc làm là một trong những hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Các cấp Hội đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề phù hợp với khả năng của người mù như, tẩm quất, xoa bóp bấm huyệt, làm hương, làm tăm tre, chổi đót…Thành lập cơ sở sản xuất tập trung, cơ sở dịch vụ tẩm quất cổ truyền hoạt động hiệu quả giúp cho nhiều hội viên có thu nhập ổn định doanh thu đạt khá. Nhiều hội viên đã tự mở các cơ sở dịch vụ tẩm quất cổ truyền không những tạo việc làm cho bản thân mà còn tạo việc làm cho những người đồng tật khác tự chủ về kinh tế, không còn phụ thuộc vào gia đình và xã hội.

W_ban-thuong-truc-tinh-hoi-tang-qua-cho-nhan-vien-co-so-tam-quat-nhan-ngay-nguoi-khuyet-tat-5-.jpg
Ban thường trực tỉnh Hội tăng qua cho Nhân viên cơ sở tẩm quất nhân ngày người khuyết tật 

Đặc biệt, năm 1998, với sự hỗ trợ của Trung ương Hội, HNM Nghệ An đã tiếp nhận Dự án “Phục hồi chức năng” do Liên đoàn những Người tàn tật thị lực Thụy Điển tài trợ. Trong thời gian 5 năm, dự án đã hỗ trợ 550 hội viên và trẻ em mù, giúp họ phục hồi kỹ năng sinh hoạt độc lập và từng bước hòa nhập cộng đồng. Điều ghi nhận đặc biệt đối với HNM Nghệ An là các cấp Hội còn tổ chức các lớp học tiếng Anh, tin học, thường xuyên tổ chức các cuộc thi Đọc -Viết nhanh chữ Braille; đồng thời duy trì 21 tủ sách tại Tỉnh hội và các hội cơ sở. Thư viện tỉnh Nghệ An, Thư viện Sách nói Hồ Chí Minh và Trung tâm Sao Mai đã hỗ trợ nhiều tài liệu như sách chữ nổi, đĩa CD, radio có thẻ nhớ... với nội dung phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu đọc sách, nghe băng và nâng cao dân trí cho hội viên. Nhờ đó, nhiều cán bộ, hội viên không chỉ sử dụng thành thạo chữ Braille mà còn có thể học tập hòa nhập tại các trường phổ thông, cao đẳng, đại học…tiêu biểu như các em: Nguyễn Hữu Ất, Nguyễn Thị Thúy, Đậu Trọng Tình, Lê Văn Huy...

W_hoi-vien-dang-su-dung-dien-thoai-thong-minh.jpg
Hội viên đang sử dụng điện thoại thông minh

Hội còn phối hợp với đài Phát thanh – Truyền hình, báo chí để xây dựng phóng sự, viết tin, bài; đồng thời động viên, khuyến khích hội viên gửi bài về Tạp chí Đời Mới, đăng tải trên các trang Facebook của Hội và tích cực tham gia các cuộc thi viết do các ngành, các cấp tổ chức như: “Tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Kể chuyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “ONKYO - Chữ Braille trong cuộc đời tôi”, “UNESCO - Viết về thơ Đường”, “Văn học Hồ Xuân Hương”, “Mặt trận Nghệ An trong lòng dân” ... Nhiều hội viên tiêu biểu như các cụ: Nguyễn Đăng Khoa, Lê Đình Sơn, Nguyễn Trung Thành… và Nguyễn Thị Thúy đã đạt nhiều giải cao. Ngoài những cuộc thi viết, các hội viên còn tham gia những cuộc thi thể dục thể thao, hội thi “ Tiếng hát Làng Sen”, “Tiếng hát từ Trái tim” như các hội viên: Vi Văn Ngữ, Phan Thị Thương Hoài, Đậu Văn Giang, Nguyễn Văn Lộc…đã đạt nhiều huy chương vàng, mang lại niềm tự hào cho Hội và cộng đồng người mù Nghệ An. Những hoạt động tích cực đó đã góp phần quảng bá hình ảnh Hội, nâng cao nhận thức cộng đồng về người mù, đồng thời khơi dậy và lan tỏa tinh thần vượt khó, vươn lên mạnh mẽ của những con người tưởng chừng bị tước mất ánh sáng, nhưng chưa bao giờ đánh mất niềm tin vào cuộc sống.

W_anh-1-bai-1.-lanh-dao-trung-uong-hoi-tang-co-thi-dua-cho-hoi-nguoi-mu-inh-nghe-an-va-cac-don-vi.jpg
Lãnh đạo TW Hội tặng cơ thi đua cho HNM Nghệ An, các đơn vị
W_dai-dien-lanh-dao-mttq-tinh-tang-co-thi-dua-cho-hnm-na.jpg
Lãnh đạo MTTQ tỉnh Nghệ An tặng cơ thi đua xuất sắc cho HNM Nghệ An

Việc hỗ trợ người mù vay vốn phát triển kinh tế gia đình là một chủ trương mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp người mù ổn định cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng. Với nghị lực phi thường và sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, đoàn thể, nhiều người mù đã không ngừng học hỏi, rèn luyện kỹ năng để hòa nhập và khẳng định giá trị bản thân. Việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi chính là một trong những "đòn bẩy" quan trọng, giúp hội viên biến những ý tưởng kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt thành hiện thực, tạo ra thu nhập ổn định cho gia đình. Vì vậy, HNM Nghệ An đã nhanh chóng tiếp cận chính sách, triển khai nghiêm túc và linh hoạt, phù hợp với đặc thù của người mù. Tính đến nay, sau nhiều năm thực hiện HNM Nghệ An đã tiếp nhận nguồn vốn vay từ Trung ương Hội và địa phương với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng, triển khai gần 300 dự án nhỏ, hàng ngàn lượt hội viên được tiếp cận vốn vay để có việc làm ổn định, cải thiện đời sống. Từ những đồng vốn đầu tiên, người mù đã biết chủ động học hỏi, tiết kiệm chi tiêu, kết hợp sức mình và sự hỗ trợ từ gia đình để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mở cơ sở tẩm quất, kinh doanh nhỏ…Hội đã thường xuyên mở các khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp hội viên sử dụng vốn hiệu quả, trả được nợ vay đúng hạn và có tích lũy để tái đầu tư. Không chỉ vượt lên thoát nghèo, nhiều gia đình hội viên đã có điều kiện sửa sang nhà cửa, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt. Và điều đáng mừng hơn cả là tinh thần tự lập, ý chí vươn lên không ngừng được khơi dậy mạnh mẽ trong mỗi người mù. Họ không còn trông chờ, ỷ lại mà chủ động làm ăn, xây dựng cuộc sống bằng chính sức lao động của mình. Năm 2002, nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện chương trình vốn vay từ “Quỹ Quốc gia về việc làm” HNM Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đến nay, tỷ lệ hội viên nghèo, cận nghèo giảm dần qua từng năm. Người mù Nghệ An ngày càng có thêm việc làm, thu nhập ổn định, góp phần tăng thêm của cải cho xã hội, lan tỏa tinh thần vượt khó trong cộng đồng.

W_20250715_102936-0-.jpg
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND Tỉnh Nghệ An  cho Hội Người mù  Nghệ An

Từ niềm tin ở Hội viên, Các cấp hội tong tỉnh đã tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội triển khai cho vay đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm từ kênh Trung ương hội và nguồn vốn vay từ các kênh của địa phương. Nhiều hộ gia đình người mù ở Nghệ An đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Từ số tiền nhỏ ban đầu, họ đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt từng bước cải thiện cuộc sống, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, kết thúc các dự án toàn hội không có tình trạng nợ quá hạn hoặc tồn đọng vốn.

W_20250715_102044.jpg
Trao tặng Bảng khen của Trung ương HNM Việt Nam cho các Hội viên xuất sắc
W_20250715_103712.jpg
Trao tặng giấy khen của HNM tỉnh cho Hội viên xuất sắc

Song song với công tác vay vốn, tạo việc làm, trong thời gian qua HNM Nghệ An đã vận động cộng đồng, anh em dòng họ, trích quỹ hỗ trợ làm nhà, sửa nhà cho 645 hội viên nghèo giúp vơi bớt những khó khăn, ổn định cuộc sống. Tặng quà và trợ cấp khó khăn trong các dịp lễ tết với số tiền lên đến 22,2 tỷ đồng. Kể từ ngày thành lập đên nay, Hội đã không ngừng phát huy vai trò là mái nhà chung, là điểm tựa vững chắc, đồng thời là ngọn hải đăng soi sáng con đường tri thức và văn hóa cho hàng nghìn người khiếm thị trên địa bàn tỉnh.

W_hoi-nguoi-mu-tinh-nghe-an-thap-huong-tai-nghia-trang-liet-sy-tp-vinh-nhan-ngay-27.7.jpg
Hội người mù tỉnh nghệ An dâng hương tại nghĩa trang liệt sỹ TP Vinh nhân ngày 27.7

Các hoạt động Văn hóa - Nghệ thuật trong HNM đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, khuyến khích sự tự tin và thể hiện bản thân của người khiếm thị. Hội thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, hội diễn "Tiếng hát từ trái tim" tạo sân chơi lành mạnh, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho hội viên. Những tiết mục biểu diễn đầy cảm xúc không chỉ khẳng định tài năng của người khiếm thị mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng. Bên cạnh giáo dục văn hóa, Hội còn quan tâm đến việc phục hồi chức năng và khuyến khích các hoạt động thể dục thể thao giúp hội viên nâng cao sức khỏe, cải thiện khả năng vận động và hòa nhập tốt hơn với xã hội. Nhiều cán bộ hội viên đã đạt được các giải thưởng cao có giá trị tại các cuộc thi viết, nhiều huy chương vàng, bạc tại các cuộc thi liên hoan tiếng hát từ trái tim, hội thi thể dục thể thao dành cho người khuyết tật…

Với những thành tích đã đạt được trong 40 năm qua Hội Người mù Nghệ An đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Ba, Huân chương Lao Động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua và Bằng khen của TW Hội, UBND Tỉnh và UBMTTQVN tỉnh Nghệ An. Đây là sự ghi nhận đánh giá cao của Đảng, nhà nước, các cấp, các ngành đã dành cho hội và là động lực để cán bộ hội viên tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên.

W_0p8a5873.jpg
Một số hình ảnh tại lễ kỷ niệm
W_20250715_090203.jpg
20250715_082856.jpg
W_20250715_090232.jpg
W_0p8a5849.jpg
W_0p8a5752.jpg

Bốn thập kỷ  (1985-2025) một hành trình bền vững cho “Nguồn sáng trong đời” với biết bao nỗ lực, phấn đấu không ngừng của những con người khiếm thị trên mảnh đất xứ Nghệ đầy nắng gió, thiên tai, nhưng nơi đây đã thực sự trở thành mái nhà chung, là chỗ dựa vững chắc cho hàng ngàn hội viên vượt lên số phận, khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Chặng đường tới HNM, cuộc hành trình phía trước vẫn còn nhiều thử thách, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ của các cấp ủy Đảng chính quyền, UBMTTQ, các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm và cộng đồng, HNM Nghệ An sẽ tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng hiểu qủa hoạt động hội để người mù ở Nghệ An ngày càng có nhiều cơ hội vươn lên, hòa nhập với cộng đồng xã hội thực hiện tốt lời dạy “tàn nhưng không phế” của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.                                                                              


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
HỘI NGƯỜI MÙ TỈNH NGHỆ AN “NGUỒN SÁNG TRONG ĐỜI”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO