Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, sinh năm 1920, mất năm 2003, người làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm Hà Nội. Ông đam mê chụp ảnh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 16 tuổi, ông đã tham gia Hội Ái hữu Thợ ảnh Hà Nội, do ông Phan Trọng Tuệ tổ chức, lúc ông làm cho hiệu ảnh Bel Photo. Được tổ chức Việt Minh khuyến khích, Đinh Đăng Định luôn có mặt trong các cuộc tuyên truyền vận động cách mạng của Việt Minh.
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Đinh Đăng Định là một trong số 6 nhiếp ảnh gia vinh dự được giới nhiếp ảnh Hà Nội giới thiệu vào chụp bức ảnh chân dung đầu tiên của Bác Hồ trên cương vị Chủ tịch nước.
Cuộc Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đinh Đăng Định ở lại Thủ đô ghi lại những khoảnh khắc chiến đấu ngoan cường của quân dân Hà Nội. Sau 100 ngày đêm chiến đấu anh dũng, giành nhau với giặc từng ngôi nhà góc phố, ông đã cùng Trung đoàn Thủ đô tạm thời rút khỏi Hà Nội, lên chiến khu Việt Bắc. Tại đây ông được phân công về công tác ở cơ quan Trung ương và nhận trách nhiệm chuyên chụp ảnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những năm tháng được phục vụ Bác Hồ, nghệ sĩ Đinh Đăng Định nhớ mãi lời khuyên của Người “Chú nên chụp nhiều hình ảnh quần chúng nhân dân, nhất là các chiến sĩ quân đội đang ngày đêm hăng hái đánh giặc cứu nước”. Đinh Đăng Định là nhà nhiếp ảnh chụp
Bác Hồ nhiều nhất và có nhiều hình ảnh chụp Bác thành công nhất, sống động nhất, đem đến cho người xem những rung động thật sự.
Năm 1965, Đinh Đăng Định được cử tham gia tổ chức thành lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ Nhất (1965), ông được bầu vào Ban Chấp hành và Ban Chấp hành đã bầu ông làm Tổng Thư ký (nay là Chủ tịch), là vị Tổng Thư ký đầu tiên, đồng thời là người giữ cương vị này lâu nhất, kéo dài 18 năm (từ 1965 đến 1983) của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Nghệ sĩ Đinh Đăng Định cũng là Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Nhiếp ảnh, ra số đầu tiên vào năm 1978, với định kỳ 2 tháng 1 số, in typo đen trắng (về sau được in offset 4 màu, trên giấy couche). Tính đến nay Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống vừa tròn 45 năm. Nhưng thực ra, sau Đại hội Hội NSNAVN lần thứ Nhất (1965), đến năm 1967, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã cho xuất bản tờ “Nghệ thuật Nhiếp ảnh”, in ronéo, ra được 33 số, lưu hành nội bộ, là tiền thân của Tạp chí Nhiếp ảnh mà nghệ sĩ Đinh Đăng Định được coi là Tổng Biên tập và nghệ sĩ nhiếp ảnh Đức Vân là Thư ký tòa soạn.
Từ một nhiếp ảnh gia sáng tác, trở thành nhà quản lý, Đinh Đăng Định gặp không ít khó khăn. Thuở ban đầu tuy chưa chính thức trở thành một tạp chí chuyên ngành, nhưng cũng phải tuyển nhân sự cho bộ máy: thư ký tòa soạn, biên tập viên, đội ngũ cộng tác viên, công tác tài chính... mua sắm vật tư như: máy chữ, máy in roneo, giấy in... trong điều kiện đất nước vừa thoát ra khỏi chiến tranh, khó khăn chồng chất khó khăn. Bao nhiêu trở ngại phải tìm cách khắc phục, ở cái thuở ban đầu ngỡ ngàng, chưa quen việc ấy, nhưng Tổng Biên tập Đinh Đăng Định, bằng sự cố gắng của mình đã vượt qua, tòa soạn đã đi vào hoạt động.
Tờ “Nghệ thuật Nhiếp ảnh” chỉ in được chữ với phương pháp in roneo, không in được ảnh minh họa, muốn có, phải phóng ảnh, đem dán vào với bài. Tuy vậy, dưới sự chỉ đạo của Tổng Biên tập Đinh Đăng Định, nội dung bài vở của tờ “Nghệ thuật Nhiếp ảnh” khá phong phú về thể loại, đa dạng về đề tài, vẫn có đầy đủ các chuyên mục: Lý luận phê bình nhiếp ảnh, Tác giả tác phẩm, Kỹ thuật nhiếp ảnh...
Ngoài Tổng Biên tập đảm nhiệm những bài mang tính định hướng cho mỗi số, còn có một đội ngũ phóng viên, cộng tác viên có hạng trong làng báo chí và nhiếp ảnh như: Nguyễn Long, Nguyễn Chính, Trương Đức Anh, Lê Phức, Mạnh Thường, Hoàng Ánh, Nguyễn Trân, Hoàng Nguyên Kỳ, họa sĩ Lê Thanh Đức... Đặc biệt trong đội ngũ cộng tác viên còn có GS - nhà văn hóa Vũ Khiêu, nhà báo nổi tiếng Lưu Quý Kỳ cũng thường xuyên viết bài cho tờ “Nghệ thuật Nhiếp ảnh”. Có được một đội ngũ cộng tác viên như vậy, trước hết là do Tổng Biên tập Đinh Đăng Định, bằng uy tín của mình chịu khó liên hệ, vận động.
Trong quá trình chuẩn bị bài vở, Tổng Biên tập Đinh Đăng Định luôn nhắc tòa soạn cần chú ý đến những bài viết về kinh nghiệm sáng tác của các anh chị em hội viên, quan tâm hơn nữa đến nội dung tư tưởng của lý luận cũng như về kỹ thuật buồng tối, nên thường xuyên chọn giới thiệu những thành tựu nhiếp ảnh của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước XHCN anh em như Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan...
Năm 1978, sau ngày đất nước thống nhất, nhiếp ảnh có bước phát triển mạnh, tờ “Nghệ thuật Nhiếp ảnh” hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó và bước sang trang mới, đổi thành “Tạp chí Nhiếp ảnh”, được Phủ Thủ tướng cấp giấy phép xuất bản số 03 - VP9, ngày 02/01/1978, Tổng Biên tập Tạp chí là Tổng Thư ký Hội - nghệ sĩ Đinh Đăng Định, Thư ký tòa soạn là Nguyễn Long.
Để đảm đương được nhiệm vụ trong tình hình mới, Tổng Biên tập cho sắp xếp lại tổ chức, lập các bộ phận: biên tập, phóng viên, họa sĩ trình bày... và quy định chức năng nhiệm vụ rõ ràng cho từng bộ phận chuyên môn.
Về nội dung, Tổng Biên tập chủ trương phân khúc rõ ràng với nhiều chuyên mục: Lý luận phê bình; Tác giả tác phẩm; Trao đổi kinh nghiệm; Nhiếp ảnh nước ngoài, cuối tạp chí có mục Tin tức hoạt động nhiếp ảnh...
Đội ngũ cộng tác viên ngoài những cây bút thân quen, là những nhà nhiếp ảnh thường xuyên đóng góp bài ảnh cho tạp chí, còn có các nhà văn, nhà thơ họa sĩ nổi tiếng như nhà thơ Tố Hữu với bài “Về nghệ thuật nhiếp ảnh”, nhà thơ-Bộ trưởng Xuân Thủy có bài “Một hình ảnh đẹp”, đạo diễn điện ảnh Hồng Nghi viết bài trao đổi kinh nghiệm “Chụp ảnh phong cảnh”. Tổng Biên tập Đinh Đăng Định lúc này khá bận rộn, nhưng ông không quên đóng góp cho tạp chí những bài mang tính gợi mở, hướng dẫn hoạt động như “Nâng cao chất lượng ảnh”, chủ yếu là nâng cao nội dung tư tưởng của tác phẩm, nhằm thiết thực phục vụ công cuộc bảo vệ Tổ quốc và kiến thiết dựng xây đất nước.
Tổng Biên tập Đinh Đăng Định viết không nhiều, nhưng những bài đăng trên Tạp chí Nhiếp ảnh được coi là những “định hướng” cho sự phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh ở Việt Nam. Ông luôn lưu ý biên tập viên, phóng viên và cộng tác viên ngoài ảnh nghệ thuật, nên quan tâm nhiều hơn nữa đến ảnh thời sự, ảnh đời thường... cần đi sâu vào các nhà máy, xí nghiệp, công trường, nông thôn vùng sâu vùng xa để phản ánh cuộc sống của họ một cách sinh động.
NSNA Đinh Đăng Định, một Tổng Thư ký Hội NSNAVN lâu năm nhất, một Tổng Biên tập Tạp chí vào thời buổi khó khăn nhất, nhưng đã để lại cho các thế hệ tiếp nối khá nhiều kinh nghiệm trong tổ chức nhân sự, quản trị báo chí về nội dung cũng như hình thức. ☐