Về Đào Thục xem múa rối nước

Về Đào Thục xem múa rối nước

Bài: Xuân Thái - Ảnh: Phan Huy Thiệp|14:45 04/07/2024

(NADS) - Múa rối nước, môn nghệ thuật truyền thống của người dân Việt Nam mang tính sáng tạo đặc trưng thông qua việc sử dụng những con rối thủ công được chế tác, dưới sự điều khiển khéo léo của các nghệ nhân thông qua hệ thống sào, dây.

Ở Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ 11 với chủ đề "Hà Nội miền di sản" do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức, tác phẩm "Về Đào Thục xem múa rối nước" của tác giả Phan Huy Thiệp đã xuất sắc vượt qua 914 tác phẩm khác và đạt được giải Khuyến khích trong số 11 tác phẩm đoạt giải. Xin giới thiệu bộ ảnh tới bạn đọc. 

d9020e1bc69165cf3c80.jpg
Tác phẩm "Về Đào Thục xem múa rối nước" của tác giả Phan Huy Thiệp - Giải Khuyến khích

Nghệ thuật cộng hưởng được thể hiện trong từng cá nhân và trong tập thể của cả phường múa rối nước Đào Thục. Người nghệ nhân rối nước ở Đào Thục không chỉ cần tình yêu và đam mê với rối nước, mà còn cần sự tập trung cao độ, khi vừa nghe nhạc vừa điều khiển con rối đơn, có lúc là đôi hay ba, vừa phải kết hợp với những nghệ nhân rối nước khác sao cho nhịp nhàng, uyển chuyển tạo nên một sân khấu múa rối nước mãn nhãn, sự kết nối liên tục đã rèn luyện cho người nghệ nhân trở nên nhạy bén và thêm yêu, gắn bó với nghề.

c467f66c47e6e4b8bdf7.jpg
Các nghệ nhân điều khiển rối nước thông qua hệ thống sào, dây từ sau sân khấu
c8d9b295031fa041f90e(1).jpg
Sự thành công của một vở kịch không thể thiếu sự gắn kết của cả tập thể

Sự độc đáo khi chế tạo một con rối là nghệ nhân phải nghiên cứu, đào sâu, tạo ra từng đường nét của con rối bằng trí tưởng tượng và sự quan sát thế giới xung quanh. Những  vật liệu được sử dụng chế tạo rối nước thường gắn liền với người nông dân xưa.

Ở Đào Thục rối được làm từ gỗ sung bởi rối làm từ gỗ sung chỉ có mòn đi sau những năm tháng sử dụng chứ không hề mọt hay vỡ nứt, cũng giống lời chúc của cha ông vẫn còn mãi chẳng hề mất đi. 

1ec4227893f230ac69e3.jpg
Những con rối như những đứa con tinh thần của mỗi người nghệ nhân

Điểm đặc biệt ở con rối Đào thục là những con rối được đục, đẽo thủ công thay vì dùng bằng máy để đúc như ở nhiều nơi khác. Đối với những người dân làng Đào Thục thì việc tự tay mình đẽo gọt từng con rối giống như là đang trao cho chúng cái hồn, cái nét riêng. Với họ, cái giá trị sâu sắc của người tạo nên con rối nằm ở chính từng vết khắc, cái đục đó. Chính nét riêng biệt trên đã để lại dấu ấn với người dân cả trong nước và quốc tế.

a459996d28e78bb9d2f6(1).jpg
Các tiết mục nhận được rất nhiều sự quan tâm của du khách cả trong và ngoài nước

Hầu hết các tiết mục múa rối nước đều bắt nguồn từ những câu chuyện có thật trong dân gian như cấy lúa, câu cá, chăn trâu... hay nhiều tiết mục được biểu diễn theo tích truyện Thạch Sanh đánh Chằn tinh cứu mạng nàng Công chúa, sự tích Sọ dừa, chú Cuội... Từ thủa sơ khai, làng Đào Thục đã có đến 10 tích truyện nổi tiếng vẫn được lưu truyền qua các thế hệ đến tận ngày nay. Bên cạnh những tiết mục mang tính truyền thống, hiện nay làng múa rối nước Đào Thục cũng có những tiết mục hiện đại để phục vụ khán giả.

ad3831c3814922177b58.jpg
Các giá trị truyền thống vẫn được lưu truyền hàng trăm năm nay

Trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nghề múa rối nước làng Đào Thục phải tạm đóng cửa. Tuy nhiên, hiện tại loại hình nghệ thuật này đã quay trở lại. Phường rối nước luôn sẵn sàng tham gia biểu diễn mỗi khi có những đoàn du khách tới thăm làng, có nhu cầu muốn xem biểu diễn rối nước truyền thống.

Với biết bao nỗ lực không ngừng nghỉ, ngày 23/12/2023, nghệ thuật trình diễn múa rối nước chính thức được chứng nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bộ ảnh "Về Đào Thục xem múa rối nước", tác giả Phan Huy Thiệp mong muốn truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống, những nét đẹp tâm hồn cũng như sự kiên cường, bền bỉ của loại hình nghệ thuật dân gian này đến cho người xem.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Về Đào Thục xem múa rối nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO