Định hướng sáng tác trong nhiếp ảnh nghệ thuật

Lê Xuân Tùng |14:58 04/07/2024

(NADS) - Việc định hướng sáng tác ảnh nghệ thuật là một vấn đề rất khó, tại Việt Nam hiện nay việc định hướng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm các xu hướng phát triển của kinh tế xã hội, sự phát triển về kỹ thuật và môi trường nghệ thuật nước nhà. Việc định hướng sáng tác ảnh nghệ thuật tại Việt Nam đang trải qua nhiều thay đổi và phát triển theo hướng đa dạng và đa chiều.

W_15-bac-lieu-dang-quang-vinh-ke-vach-duong.jpg
Kẻ vạch đường. Ảnh: Đặng Quang Vinh (Bạc Liêu) - Tác phẩm trưng bày triển lãm Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 38 năm 2023

1. Thực trạng

Trong những năm gần đây, nhiếp ảnh Việt Nam nói chung và nhiếp ảnh nghệ thuật nói riêng đang dần thu hẹp khoảng cách với nhiếp ảnh thế giới. Với xu hướng công nghệ 4.0, việc tiếp cận nhanh chóng với những nền nhiếp ảnh tiên tiến trên thế giới đã làm cho nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam ngày càng trở nên phong phú và đa dạng với nhiều phong cách khác nhau, từ ảnh phong cảnh, chân dung, đến ảnh nghệ thuật đương đại và tư duy sáng tạo ảnh ý tưởng. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã bắt đầu khám phá và thể hiện cái nhìn riêng của mình thông qua ảnh nghệ thuật. Phải nói rằng thời gian gần đây, việc sáng tác ảnh nghệ thuật trong nước đã trở nên rất phong phú và đa dạng. Nhiều nhiếp ảnh gia trẻ xuất hiện với các ý tưởng mới mẻ và có xu hướng tìm lối đi riêng trong phong cách sáng tạo cũng như cách tiếp cận vấn đề rất riêng cho mình đã tạo ra luồng gió mới trong lĩnh vực nghệ thuật này. Chủ đề sáng tác ngày càng đi sâu khai thác mọi mặt của đời sống xã hội, không chỉ giới hạn trong các thể loại truyền thống như trước đây, mà một số nhiếp ảnh gia cũng đã chú trọng vào sáng tác ảnh theo phong cách thể hiện nghệ thuật đương đại và thậm chí phá cách nhưng đều mang hơi thở của cuộc sống. Nhiều nhiếp ảnh gia trẻ đã mạnh dạn tạo ra những tác phẩm độc đáo và đột phá, phá vỡ giới hạn truyền thống và mang lại cái nhìn mới mẻ trong cách tiếp cận và thể hiện cái đẹp từ nhiều góc nhìn khác nhau. Chính sự đa dạng này đã tạo nên một môi trường sáng tạo độc đáo và thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh.

Thời gian gần đây, tại thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện nhiếp ảnh gia trẻ Hoài Anh đã thử nghiệm và đưa ra những tác phẩm táo bạo phá vỡ những quy định truyền thống lâu nay. Tác giả đã cố tình chụp ảnh nhòe nét và quá sáng có chủ ý nhưng vẫn đảm bảo yếu tố thẩm mỹ của tác phẩm. Tác phẩm đã được các nhiếp ảnh gia trẻ đón chào và coi đây có thể là một xu hướng mới trong sáng tác các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật trong tương lai.

Cũng chính nhờ sự phát triển của công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội mới cho nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam. Với sự tiến bộ trong kỹ thuật chụp ảnh, xử lý hình ảnh hậu kỳ và in ấn, các tác giả đã dễ dàng thể hiện ý tưởng và sáng tạo của mình một cách rõ ràng và đa dạng hơn.

Có thể nói chưa bao giờ mạng xã hội đã trở thành một nền tảng quan trọng để chia sẻ và tiếp cận lĩnh vực nhiếp ảnh như hiện nay. Sự bùng nổ mạng xã hội và các nền tảng truyền thông số đã tạo ra một kênh rộng lớn để chia sẻ và tiếp cận nhiếp ảnh nghệ thuật. Các nhiếp ảnh gia có thể dễ dàng chia sẻ tác phẩm của mình và tương tác với cộng đồng nhiếp ảnh trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội như Instagram, Facebook, 500px, Flickr và nhiều nền tảng khác, điều này giúp tăng cường lan tỏa, tạo ra một xu hướng lan truyền nhanh chóng về sự phát triển đa chiều, đa dạng trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Nhiều nhiếp ảnh gia sử dụng các dịch vụ chia sẻ ảnh trực tuyến để trưng bày và xây dựng thương hiệu cá nhân đồng thời cũng là diễn đàn để thể hiện các phong cách mới lạ riêng có của từng cá nhân. Chính điều này đã tạo ra một sân chơi rộng lớn cho những người yêu nhiếp ảnh.

2. Những thách thức và hạn chế

Mặc dù có sự phát triển tích cực, việc xác định hướng sáng tác trong nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam cũng đối mặt với một số khó khăn. Đó có thể là chưa có cơ chế phù hợp hỗ trợ cho các nghệ sĩ trẻ trong sáng tác; hạn chế về tài chính cũng như những thách thức liên quan đến bản quyền và việc bảo vệ tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng xã hội. Cụ thể là những vấn đề như sau:

Thiếu cơ sở hạ tầng và tài chính: Nhiếp ảnh nghệ thuật đòi hỏi sự đầu tư về thiết bị, công nghệ và không gian trưng bày. Tuy nhiên, nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn tài chính và cơ sở hạ tầng phù hợp để phát triển sự nghiệp của mình, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia trẻ mới vào nghề. Thiếu sự hỗ trợ tài chính có thể gây hạn chế trong việc thực hiện các dự án và khó tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, độc đáo, ấn tượng. Việc thiếu cơ sở hạ tầng và không gian triển lãm chuyên nghiệp là một hạn chế lớn trong việc thể hiện và truyền đạt tác phẩm ảnh nghệ thuật.  

Thiếu hệ thống giáo dục đào tạo chuyên nghiệp: Việc đào tạo một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, bài bản cũng còn nhiều khó khăn. Mặc dù chúng ta đã có một số trường Đại học và các tổ chức hoạt động về lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật nhưng chất lượng và quy mô của chương trình đào tạo vẫn còn ít nhiều hạn chế. Điều này đã gây khó khăn cho việc nâng cao trình độ chuyên môn và sáng tạo của các nhiếp ảnh gia trẻ.

Với sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ số, việc chia sẻ và tiếp cận ảnh nghệ thuật đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút sự chú ý của công chúng. Sự thương mại hóa nhiếp ảnh có thể làm cho thị trường nhiếp ảnh phong phú nhưng mặt khác nó cũng có thể làm mất đi giá trị nghệ thuật và tầm nhìn sáng tạo của các tác giả.

Thách thức về bản quyền: Vấn đề bản quyền trong lĩnh vực nhiếp ảnh vẫn còn là một thách thức lớn. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và kiểm soát việc sử dụng các tác phẩm nhiếp ảnh hợp pháp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trên mạng internet. Các nhiếp ảnh gia chân chính rất khó khăn trong việc tự bảo vệ các công trình, tác phẩm của mình khỏi bị sao chép và sử dụng không đúng mục đích. Điều này ít nhiều có tác động tiêu cực đến các tác giả sáng tạo ra các tác phẩm có chất lượng, giá trị nghệ thuật cao.

Sự đa dạng về phong cách và chủ đề: Nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam đang phát triển đa dạng về phong cách và chủ đề. Các nhiếp ảnh gia hoàn toàn tự do thể hiện sự sáng tạo và cá nhân hóa trong cách tiếp cận và biểu đạt ý tưởng của mình. Có những người tập trung vào nhiếp ảnh trừu tượng, chân dung, cảnh đẹp tự nhiên, văn hóa dân gian và nhiều chủ đề khác. Chính sự đa dạng phong cách và đa dạng về chủ đề cũng phần nào gây khó khăn cho các tác giả tự xác định hướng đi cho riêng mình.

3. Xu hướng phát triển trong sáng tác các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật: Mặc dù đối mặt với những thách thức, nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam vẫn đang phát triển và thể hiện sự sáng tạo và tài năng của nhiếp ảnh gia trong nước. Sự kết nối và trao đổi thông tin với cộng đồng nhiếp ảnh quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng tầm nhìn và nâng cao chất lượng sáng tác

Cùng với xu hướng phát triển trong nhiếp ảnh nghệ thuật toàn cầu, những định hướng phổ biến trong nhiếp ảnh từ trước tới nay như: Nhiếp ảnh đường phố, đời thường; Nhiếp ảnh phong cảnh và du lịch; Nhiếp ảnh chân dung và hình ảnh nhân vật cụ thể; Nhiếp ảnh báo chí và sự kiện thì xu hướng trong tương lai chính là nhiếp ảnh kết hợp với công nghệ hiện đại. Sự kết hợp giữa sáng tạo cá nhân, công nghệ và mạng xã hội đã tạo nên một môi trường thúc đẩy sự phát triển và truyền bá ảnh nghệ thuật đến công chúng rộng hơn. Đó là loại hình Nhiếp ảnh nghệ thuật và tương tác, đây là xu hướng mới mẻ cả trên thế giới và Việt Nam trong những năm tới đây. Nhiếp ảnh nghệ thuật tương tác là một loại hình nhiếp ảnh mà người xem có thể tương tác hoặc tham gia vào tác phẩm nhiếp ảnh một cách trực tiếp. Thông thường, loại hình nhiếp ảnh này sử dụng công nghệ số hoặc công nghệ mở rộng như AR (Augmented Reality) đây là một công nghệ cho phép tạo ra các trải nghiệm tương tác đa chiều cho người xem thông qua việc kết hợp các yếu tố kỹ thuật số với hình ảnh thực tế để tạo trải nghiệm độc đáo cho người xem. Với thể loại nhiếp ảnh này, người xem không chỉ là khán giả thụ động xem tác phẩm mà còn có thể tham gia vào tác phẩm, tương tác với các yếu tố của nó, thay đổi hoặc trải nghiệm theo cách mà họ mong muốn, ví dụ họ có thể thay đổi màu sắc, ánh sáng của tác phẩm, thậm chí có cả âm thanh thực tế trong bối cảnh của tác phẩm đó.

Nhiếp ảnh tương tác thường mang lại sự mới mẻ và sáng tạo trong cách tiếp cận và trải nghiệm nhiếp ảnh và đang dần trở thành một lĩnh vực phát triển thú vị và đầy tiềm năng trong ngành nghệ thuật nhiếp ảnh. Chính vì vậy các nhiếp ảnh gia trong nước nên có cách nhìn rộng mở hơn, các tác phẩm nghệ thuật của mình cần thể hiện làm sao hướng đến người xem nhiều hơn./.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Định hướng sáng tác trong nhiếp ảnh nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO