Qua ống kính của Nhiếp ảnh gia Vũ Phi Long (Sơn La), hệ thống bậc thang thủy điện Sông Đà đã được lột tả hết sự hoành tráng, hùng vĩ và vẻ đẹp của các công trình này. Bộ ảnh "hệ thống bậc thang thủy điện Sông Đà" của Vũ Phi Long đã xuất sắc đoạt được Huy chương Vàng Liên hoan khu vực miền núi phía Bắc năm 2024.
Với vị trí địa hình thuận lợi như địa hình núi cao, dòng chảy mạnh và ổn định, sông Đà là một nơi lý tưởng để xây dựng các công trình nhà máy thủy điện lớn. Đến nay, trên dòng sông Đà đã có tới 6 nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, PácMa, Huội Quảng.
Việc xây dựng các công trình thủy điện trên sông Đà không chỉ góp phần giải quyết bài toán thiếu điện trong mùa khô, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các nhà máy thủy điện này hòa vào lưới điện quốc gia, cung cấp nguồn điện ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Tây Bắc cũng như cả nước.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình
Được xây dựng nằm trên sông Đà, tại tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội khoảng 150 km. Công trình do Liên Xô thiết kế và cung cấp thiết bị, khởi công xây dựng 06/11/1979, khánh thành 20/12/1994. Để xây dựng đập, công nhân phải tiến hành hai lần ngăn sông. Đợt 1 vào 12/1/1983 và đợt 2 vào 9/1/1986.
Lực lượng tham gia công trình gồm: 30.000 cán bộ công nhân, 5.000 chiến sỹ, 750 chuyên gia Liên Xô, 1.000 cán bộ ban quản lý công trình.
Công trình thủy điện Hoà Bình có công suất lớn nhất Đông Nam Á thế kỷ 20, với bốn nhiệm vụ, trong đó điều tiết chống lũ đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và cung cấp điện được cho là trọng yếu.
Đập xả tràn có 12 cửa xả đáy và 6 cửa xả mặt với năng lực xả tối đa 35.400m3/s. Hồ chứa nước có dung tích 9,8 tỷ m3 nước. Tại cửa xả lũ được xây những trụ bê tông hình kim tự tháp để giảm vận tốc của nước khi xả. Sản lượng điện bình quân hàng năm của nhà máy khoảng 7-8 tỷ kWh.
Nhà máy thủy điện Sơn La
Nằm trên sông Đà, tại huyện Mường La tỉnh Sơn La, cách Hà Nội khoảng 300 km, nhà máy thủy điện Sơn La là dự án trọng điểm Quốc gia được khởi công xây dựng ngày 2 tháng 12 năm 2005 khánh thành vào ngày 23 tháng 12 năm 2012, trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Công trình thủy điện Sơn La được thiết kế và thi công theo công nghệ mới – Bê tông đầm lăn với nhiều ưu điểm về khống chế ứng suất nhiệt trong bê tông khối lớn.
Nhà máy thủy điện Sơn La có công suất lắp máy 2.400 MW, với 6 tổ máy. Cụm công trình đầu mối gồm đập chính bằng bê tông đầm lăn, tràn xả lũ bằng bê tông cốt thép thông thường và nhà máy thủy điện. Sản lượng điện bình quân hàng năm của nhà máy khoảng 9-10 tỷ kWh. Cung cấp khoảng 25% tổng sản lượng điện quốc gia, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện ở miền Bắc.
Nhà máy thủy điện Lai Châu
Thủy điện Lai Châu, còn gọi là Thủy điện Nậm Nhùn, là công trình trọng điểm quốc gia Việt Nam, xây dựng trên dòng chính sông Đà tại thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, cách Hà Nội khoảng 450 km.
Thủy điện Lai Châu có tổng công suất lắp đặt 1.200 MW với 3 tổ máy, khởi công xây dựng ngày 5 tháng 1 năm 2011, hòa lưới 3 tổ máy tháng 11 năm 2016, khánh thành tháng 12 năm 2016.\
Công trình này được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà tại Việt Nam, bậc trên của thủy điện Sơn La. Công trình này có tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính hơn 35.700 tỷ đồng. Nhà máy Thủy điện Lai Châu sẽ cung cấp mỗi năm lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh.
Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển - kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.
Nhà máy thủy điện Huội Quảng
Thủy điện Huội Quảng là công trình được khỏi công vào tháng 1/2006 và hoàn thành vào tháng 5/2016.
Hồ chứa nước có diện tích lưu vực 2.824 km2, lưu lượng trung bình năm 158,1 m3/s, mực nước dâng bình thường 370 m, mực nước hạ lưu 215 m, diện tích mặt thoáng hồ 870 ha, dung tích ở MNDBT 184,2 triệu m3.
Nhà máy có vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp nguồn điện điện lưới Quốc gia. Tham gia điều tiết nước điều phối dòng chảy trên sông Nậm Mu. Góp phần tăng gia sản suất cho thủy điện Hòa Bình và Sơn La, điều tiết lũ vào mùa mưa, cung cấp nước vào mùa khô cho các vùng hạ lưu của đồng bằng Bắc Bộ.
Nhà máy thủy điện Bản Chát
Dự án thủy điện Bản Chát nằm trên sông Nậm Mu thuộc địa phận huyện Than Uyên và Tân Uyên của tỉnh Lai Châu. Ngày 08/01/2006 công trình chính thức khởi công xây dựng, đến ngày 15/02/2008 ngăn sông đợt 1 và dẫn dòng qua công trình tạm. Từ ngày 08/10/2012 hồ bắt đầu tích nước giai đoạn 2 cho phép đạt tới mức nước dâng bình thường. Sau hơn 7 năm thi công xây dựng, ngày 08/02/2013 tổ máy số 1 và ngày 29/5/2013 tổ máy số 2 cũng là tổ máy cuối cùng của công trình Thủy điện Bản Chát chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.
Với công suất 220 MW, gồm 4 tổ máy, mỗi tổ 55 MW. Sản lượng điện bình quân hàng năm của nhà máy khoảng 900 triệu kWh.
Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện lên lưới điện Quốc gia với tổng công suất thiết kế là 220MW (2x110MW), sản lượng điện trung bình hàng năm là 769,7 triệu kWh (ngoài ra gia tăng cho thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La là 388,4 triệu kWh).
Nhà máy thủy điện PácMa
Thủy điện Pắc Ma được xây dựng trên sông Nậm Củm, ở xã Mường Tè, huyện Mường Tè. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 3/2016. Đây là dự án thủy điện cuối cùng trên dòng sông Đà với tổng mức đầu tư ước tính 5.400 tỷ đồng. Đây cũng là công trình thủy điện lớn thứ 4 sau Thủy điện Lai Châu (1.200 MW), Thủy điện Huội Quảng (520 MW), Thủy điện Bản Chát (220 MW).
Thủy điện Pắc Ma có công suất lắp máy 140 MW với 4 tổ máy, sản lượng điện hàng năm ước tính đạt khoảng 530 triệu KWh.
Thủy điện Pắc Ma sau khi đi vào hoạt động sẽ cùng các dự án thủy điện khác góp phần nâng cao sản lượng điện quốc gia, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế – xã hội của huyện Mường Tè nói riêng và toàn tỉnh Lai Châu nói chung, cũng như khu vực Tây Bắc. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Góp phần vào tăng thu ngân sách ở địa phương, tăng cường kết cấu hạ tầng khu vực vùng sâu, vùng xa và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng dự án.