Lễ hội truyền thống làng Đồng Lệ - Hội tụ tinh hoa văn hóa truyền thống

Phạm Tuấn|14:29 03/04/2025

(NADS) - Ngày 1/4 (tức ngày 4/3 năm Ất Tỵ), tại đình làng thôn Đồng Lệ (xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã long trọng diễn ra khai mạc Lễ hội truyền thống làng Đồng Lệ và khánh thành Thượng Cung đình làng. Đây không chỉ là sự kiện văn hóa tâm linh quan trọng của người dân địa phương mà còn là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng, tri ân công đức của Thành Hoàng làng Linh Lang Đại Vương.

W_anh-1.2.jpg
Màn biểu diễn nghệ thuật chào mừng khai mạc lễ hội làng Đồng Lệ

Theo các tài liệu và truyền thuyết dân gian, đình Đồng Lệ là nơi thờ Thành Hoàng làng Linh Lang Đại Vương, người được cho là Hoàng tử Hoằng Chân, con trai của vua Lý Thái Tông. Ngài là một vị tướng tài ba, có công lớn trong việc đánh đuổi giặc Tống xâm lược thời nhà Lý, bảo vệ vững chắc bờ cõi nước Đại Việt.

Tương truyền, tại cánh đồng chiêm thuộc thôn Đồng Lệ, người dân từng mơ thấy lá cờ trận của Linh Lang Đại Vương cắm xuống nơi đây. Sau khi ngài mất, để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng, nhân dân đã lập đình thờ và suy tôn ngài làm Thành Hoàng làng, đời đời hương khói.

Đình Đồng Lệ có lịch sử lâu đời, được xây dựng từ thời vua Tự Đức năm thứ 7 (năm 1854) triều Nguyễn và được trùng tu, tôn tạo vào năm Canh Thìn (1940) dưới triều vua Bảo Đại. Trải qua thời gian và bao thăng trầm lịch sử, đình vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương.

Không chỉ là một công trình kiến trúc tâm linh, đình Đồng Lệ còn gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong giai đoạn đấu tranh cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nơi đây từng là điểm liên lạc bí mật, nơi tổ chức các cuộc họp, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đình trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước, sự kiên cường và lòng trung nghĩa của nhân dân Đồng Lệ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

W_anh-16.jpg
Đi đầu đoàn rước là các nữ sinh mặc áo dài trắng, tay cầm hoa sen biểu tượng cho tinh thần yêu nước, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người dân làng Đồng Lệ

Với giá trị lịch sử và văn hóa to lớn của di tích, ngày 25/3/1991, UBND tỉnh Hà Tây (nay là TP. Hà Nội) đã ban hành Quyết định số 109/QĐ-UBND, chính thức xếp hạng đình Đồng Lệ là di tích cấp thành phố. Đến ngày 31/12/2020, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tiếp tục ký Quyết định số 5217/QĐ-UBND, công nhận Đạo sắc phong tại đình Đồng Lệ là tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Đồng Lệ mà còn là minh chứng cho sự trân trọng của chính quyền và cộng đồng đối với di sản văn hóa dân tộc.

Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của đình Đồng Lệ không chỉ là trách nhiệm mà còn là tâm nguyện của mỗi người dân địa phương, nhằm tiếp nối truyền thống cha ông và lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho các thế hệ mai sau.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, Chủ tịch UBND xã Hợp Đồng Nguyễn Duy Phố cho biết, theo thời gian, các hạng mục quan trọng của đình Đồng Lệ, bao gồm: Thượng Cung, Tả Mạc, Hữu Mạc đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhằm bảo tồn giá trị di sản và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, trong năm 2024, với sự quan tâm, hỗ trợ của UBND xã Hợp Đồng, các cấp chính quyền huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, cùng với sự đồng lòng của nhân dân thôn Đồng Lệ, dự án tôn tạo, tu bổ đình làng đã được phê duyệt và triển khai thực hiện.

W_anh-13.jpg
Múa lân rồng – điểm nhấn không thể thiếu tại lễ hội làng Đồng Lệ

Công trình đã được hoàn thành vào tháng 2/2025, đánh dấu một bước quan trọng trong hành trình bảo vệ di sản văn hóa quê hương.

Lễ hội truyền thống làng Đồng Lệ năm 2025, bên cạnh những nghi lễ trang nghiêm như rước kiệu Thành Hoàng làng và các vị tiền nhân có công với đất nước, tế lễ còn mang đậm sắc màu văn hóa với nhiều hoạt động phong phú. Du khách và người dân địa phương được hòa mình vào không khí rộn ràng của các trò chơi dân gian như đánh cờ, bịt mắt đập niêu đất, bịt mắt bắt dê, trèo cột mỡ, đi cầu tre… cùng những tiết mục văn nghệ truyền thống như hát chèo. Tất cả đã tạo nên một bức tranh sinh động, rực rỡ sắc màu, vừa giữ gìn nét đẹp cổ truyền, vừa mang lại niềm vui cho nhân dân và du khách thập phương.

Lễ hội truyền thống làng Đồng Lệ không chỉ là dịp để người dân tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân, mà còn là cầu nối thiêng liêng giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cội nguồn, hun đúc lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi người dân trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa vô giá của cha ông, để tinh thần yêu nước, đoàn kết và niềm tự hào dân tộc luôn được lan tỏa, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lễ hội truyền thống làng Đồng Lệ năm nay diễn ra từ ngày 1/4 đến hết ngày 3/4/2025 (tức ngày 4 - 6/3 năm Ất Tỵ), thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về tham dự, hòa mình vào không khí lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc.

W_anh-6.jpg
Đoàn các cụ bà cầm cờ trong lễ hội rước Thành Hoàng làng không chỉ thể hiện sự thành kính đối với thần linh mà còn phản ánh vai trò quan trọng của người cao tuổi trong việc bảo tồn và truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.
W_anh-7.jpg
Trống cái là nhạc cụ quan trọng trong các nghi thức tâm linh, mang âm hưởng hùng tráng, thiêng liêng
W_anh-9.jpg
Thiếu nữ được chọn rước kiệu phải có vẻ ngoài xinh đẹp, đoan trang, thể hiện hình ảnh tinh khiết, trong sáng. 
W_anh-10.jpg
Anh Trương Duy Đăng (thôn Đồng Lệ) hóa thân thành nhân vật cô Bồng trong lễ rước Thành Hoàng làng, biểu trưng cho sự cân bằng âm dương, tính thuần khiết và nét vui tươi trong tín ngưỡng dân gian 
W_anh-12.jpg
Đoàn rước long trọng diễu hành, mang không khí lễ hội lan tỏa khắp làng
W_anh-14.jpg
Trò chơi bịt mắt đập niêu đất hấp dẫn người tham gia tại lễ hội
W_anh-15.jpg
Trò chơi bịt mắt bắt dê cũng cuốn hút mọi lứa tuổi tham gia
W_anh-18.jpg
Lực lượng thanh niên được tuyển chọn rước Thành Hoàng làng ngoài yếu tố có sức khỏe thì cần hội tụ cả nhân cách tốt
W_anh-17.jpg
W_anh-21.jpg
W_anh-24.jpg

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Lễ hội truyền thống làng Đồng Lệ - Hội tụ tinh hoa văn hóa truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO