Quyết tâm làm siêu dự án đường sắt 61 tỷ USD, Chủ tịch THACO Trần Bá Dương viết tâm thư

Thái Minh (t/h)|19:17 30/05/2025

(NADS) - Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải cho biết, công ty sẽ tăng vốn hoặc bán cổ phần ở Thaco, các tập đoàn thành viên, cần thiết sẽ dùng lợi nhuận sau thuế, để tự thu xếp 20% vốn.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Tập đoàn Thaco) vừa đề xuất phương án tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với quy mô vay vốn lên tới 49 tỷ USD, tương đương 80% tổng mức đầu tư. Theo đề xuất, nguồn vốn sẽ được huy động từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, với điều kiện Chính phủ đứng ra bảo lãnh và hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong suốt 30 năm. Tài sản bảo đảm cho khoản vay là toàn bộ công trình của dự án.

Động thái trên của tỷ phú Trần Bá Dương là nhằm hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68. Sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, ngày 26/5/2025, THACO đã gửi văn bản số 188/2025/CV-THACO đến Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, chính thức đề xuất đầu tư vào dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam.

thaco.jpg
20% tổng vốn đầu tư của dự án - tương đương khoảng 12,3 tỷ USD là vốn góp của THACO (gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động hợp pháp khác), thông qua phát hành cổ phần tăng vốn cho THACO và các tập đoàn thành viên, nhưng vẫn đảm bảo ông Trần Bá Dương và gia đình nắm cổ phần chi phối của THACO.

Tổng vốn đầu tư của dự án (theo phê duyệt của Quốc hội, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng do Nhà nước thực hiện) ước tính khoảng 1.562.000 tỷ đồng, tương đương 61,35 tỷ USD. Chia sẻ chi tiết phương án tài chính làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chủ tịch Trần Bá Dương cho biết Thaco có thể góp vốn bằng phần lớn lợi nhuận, ước đạt 15.000 tỷ đồng/năm.

Theo phương án đề xuất, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thu xếp vốn là 20% của tổng vốn đầu tư, tương ứng khoảng 312.000 tỷ đồng (12,27 tỷ USD). Trong đó, Thaco chịu trách nhiệm thu xếp là 159.120 tỷ đồng (6,26 tỷ USD).

Thời gian thực hiện dự án dự kiến 7 năm, từ năm 2027. Như vậy, Thaco chịu trách nhiệm thu xếp vốn bình quân 22.730 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 860,8 triệu USD đến hơn 1 tỷ USD.

20250530_155559.jpg
Tập đoàn Trường Hải (Thaco) do ông Trần Bá Dương làm Chủ tịch Hội đồng quản trị có văn bản gửi Thủ tướng, đề xuất được đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, theo hình thức trực tiếp.

"Theo tính toán, nguồn vốn này chủ yếu từ tăng vốn và bán cổ phần tại Thaco và các tập đoàn thành viên", ông Dương cho biết.

Phần vốn 80% còn lại, tương ứng khoảng 49,08 tỷ USD, sẽ là vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Thaco đề xuất Chính phủ bảo lãnh và hỗ trợ lãi suất cho khoản vay này trong vòng 30 năm. Việc hoàn trả phần vốn này cho các tổ chức tín dụng được Nhà đầu tư thực hiện theo phương án tài chính được ký kết.

Cả hai phần vốn này sẽ được giải ngân theo tiến độ đầu tư của dự án trong thời gian 7 năm, kể từ khi Nhà nước bàn giao mặt bằng sạch, với cam kết không dùng vốn vay cho mục đích khác.

Riêng với số vốn 159.120 tỷ đồng (6,26 tỷ USD) do Thaco chịu trách nhiệm thu xếp trong 7 năm, bình quân 22.730 tỷ đồng mỗi năm, tương đương từ 860,8 triệu đến hơn 1 tỷ USD (ước tính bắt đầu từ năm 2027), tập đoàn dự định tăng vốn và bán cổ phần tại Thaco và các tập đoàn thành viên.

Về cơ chế, chính sách, THACO đề xuất nhà nước tách thành dự án độc lập và thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

thaco-2.png
Ông Dương lưu ý trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở được duyệt, Thaco sẽ nghiên cứu, có giải pháp để giảm tối đa tổng mức đầu tư nhưng vẫn đáp ứng được mục tiêu của dự án.

Nhà đầu tư được ưu tiên giao các quỹ đất để thực hiện dự án phát triển đô thị theo mô hình TOD; miễn thuế đối với hàng hóa (máy móc, thiết bị, phương tiện...) trong nước chưa sản xuất được; hưởng toàn bộ cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, ưu đãi đầu tư theo Nghị quyết số 172/2024 của Quốc hội…

Cũng theo đề xuất, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ sử dụng công nghệ điện khí hóa, tiêu chuẩn quốc tế. THACO sẽ hợp tác chuyển giao công nghệ từ các đối tác châu Âu như Đức, Pháp và châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời đào tạo nhân lực để tiến tới làm chủ kỹ thuật.

Về phương án kinh doanh, nhà đầu tư đề xuất giá vé do cơ quan nhà nước phê duyệt, trên cơ sở đảm bảo phương án tài chính và thời gian hoàn vốn cho dự án. Thời gian hoạt động được kiến nghị là 70 năm...

Tỷ phú Trần Bá Dương có những gì?

THACO được thành lập vào ngày 29/4/1997, tại Đồng Nai. Người sáng lập là ông Trần Bá Dương, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Gần 30 năm qua, từ một công ty chuyên nhập khẩu xe cũ, cung cấp vật tư phụ tùng sửa chữa ô tô, THACO trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành gồm 6 công ty thành viên phụ trách các hoạt động riêng biệt. Cụ thể, Thaco Auto (ô tô), Thaco Industries (cơ khí - công nghiệp phụ trợ), Thaco Agri (nông nghiệp), Thadico - Đại Quang Minh (đầu tư - xây dựng), Thilogi (logistics), Thiso (thương mại - dịch vụ). Trong đó, Thaco Auto là doanh nghiệp chủ lực suốt hơn 2 thập kỷ qua, đóng góp phần lớn vào doanh thu cũng như lợi nhuận của THACO.

Ông Dương và gia đình đang sở hữu 72% vốn tại Thaco. Jardin Matheson - Tập đoàn đa quốc gia thành lập từ năm 1832 tại Anh Quốc là cổ đông chiến lược đã đồng hành với THACO trong hơn 17 năm, sở hữu 26,6% vốn. Còn lại là 1,4% vốn các cổ đông khác là cán bộ nhân viên.

Ở các đơn vị thành viên THACO đang sở hữu 100% vốn tại THACO AUTO, THACO INDUSTRIES, THILOGI. Tại THACO AGRI, THADICO - Đại Quang Minh và THISO, THACO sở hữu từ 75% đến 77,5% vốn và phần còn lại thuộc về ông Trần Bá Dương và gia đình.

Năm 2018, ông Trần Bá Dương và gia đình được Forbes xác định tỷ phú USD của Việt Nam với khối tài sản trên 1 tỷ USD, phần lớn khối tài sản này đến từ cổ phần sở hữu tại THACO. Forbes ghi nhận tài sản của ông Dương ở mức 1,2 tỷ USD hồi đầu tháng 2/2024.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Quyết tâm làm siêu dự án đường sắt 61 tỷ USD, Chủ tịch THACO Trần Bá Dương viết tâm thư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO