
Kỳ họp năm nay do Bulgaria giữ vai trò Chủ tịch, dưới sự điều hành của Giáo sư Nikolay Nenov, quy tụ đại biểu từ gần 200 quốc gia, tổ chức quốc tế và các chuyên gia di sản trên toàn thế giới. Đây là diễn đàn quan trọng để cộng đồng quốc tế xem xét, công nhận và đánh giá công tác bảo tồn các Di sản Thế giới.
Trong khuôn khổ kỳ họp, các quốc gia thành viên dự kiến xem xét 30 hồ sơ đề cử mới, mở rộng 2 di sản hiện có và rà soát tình trạng bảo tồn của 248 di sản đã ghi danh. Đối với Việt Nam, nhiều di sản tiếp tục được quan tâm như Vịnh Hạ Long, Tràng An, Hoàng thành Thăng Long và Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Đáng chú ý, hồ sơ quần thể danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được đề xuất ghi danh là Di sản Thế giới.

Đặc biệt, kỳ họp cũng xem xét đề xuất ghi danh Vườn Quốc gia Hin Namno (tỉnh Khăm Muộn, Lào) như là phần mở rộng liên quốc gia của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, trong đó có sự liên kết sinh thái chặt chẽ với Vườn Quốc gia Đakrông và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Song song với các phiên họp chính thức, đoàn Quảng Trị đã tham dự nhiều hội thảo bên lề do Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO tổ chức, như: “Xây dựng năng lực quản lý Di sản Thế giới”, “Phân tích khoảng trống Di sản được cập nhật”, và “Ra mắt nền tảng bản đồ trực tuyến Di sản Thế giới”.
Tại hội thảo chuyên đề “Sử dụng Công ước Di sản Thế giới để thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Kunming – Montreal”, ông Phạm Hồng Thái – Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã có bài phát biểu quan trọng. Ông nhấn mạnh:

“Chúng tôi đang nỗ lực mở rộng không gian sinh thái liên kết giữa Phong Nha – Kẻ Bàng và các khu rừng đặc dụng ở Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị cam kết đầu tư nguồn lực, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để quản lý bền vững các hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, và góp phần vào nỗ lực toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu.”
“Việc được xem xét ghi danh mở rộng di sản không chỉ là vinh dự, mà còn là cơ hội để Quảng Trị kết nối sâu hơn với các sáng kiến toàn cầu, đặc biệt trong việc bảo tồn rừng nguyên sinh, nâng cao sinh kế bền vững cho cộng đồng bản địa, và phát triển du lịch sinh thái có trách nhiệm.”
Phát biểu của ông Phạm Hồng Thái nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế, mở ra cơ hội trao đổi, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các chương trình bảo tồn tại Quảng Trị trong thời gian tới.
Một điểm mới tại kỳ họp lần thứ 47 là việc truyền hình trực tiếp toàn bộ phiên làm việc trên website chính thức của UNESCO (whc.unesco.org), không giới hạn người theo dõi, thể hiện cam kết minh bạch và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng toàn cầu.
Kỳ họp thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO vừa chính thức công nhận Di sản Thế giới Liên biên giới đầu tiên giữa Việt Nam và Lào, gồm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam) và Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Lào). Đây là dấu mốc lịch sử với ý nghĩa vượt khỏi khuôn khổ địa lý, thể hiện cam kết hợp tác bảo tồn thiên nhiên bền vững giữa hai quốc gia anh em.
Việc tỉnh Quảng Trị chủ động tham gia kỳ họp Di sản Thế giới là bước đi chiến lược trong tiến trình quốc tế hóa công tác bảo tồn, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để phát triển du lịch sinh thái – văn hóa – lịch sử bền vững, hướng đến một tương lai xanh và hài hòa với thiên nhiên.
Một số hình ảnh VQGPNKB Quảng Trị



