Nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung: Người lái đò hạnh phúc

Tin, ảnh: Khánh Linh |15:55 21/11/2023

(NADS) - Nhân dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Sự kiện “Người lái đò hạnh phúc” tiếp nhận hiện vật của nhà giáo, nhà văn, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung.

W_dscf9092.jpg
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung tặng những hiện vật kỷ niệm trong quá trình làm nghề giáo của mình cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Tại buổi lễ, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã vinh dự tiếp nhận gần 300 tài liệu hiện vật bao gồm hình ảnh, hiện vật, một số ấn phẩm tiêu biểu và đặc biệt là bộ sưu tập hơn 200 lá thư chứa đựng tình cảm tình cô trò, tình cảm vợ chồng và tình cảm gia đình vô cùng trân quý.

Với 32 năm trong nghề giáo, bằng tài năng và sự tận tâm của mình, biết bao thế hệ học trò của bà đã trưởng thành, có nhiều cống hiến cho đất nước, nhiều người giữ những vị trí cao trong xã hội. Tình đồng nghiệp, nghĩa thầy trò là điều thiêng liêng trong tâm thức của bà Nguyễn Thị Mỹ Dung. Những hiện vật là minh chứng ghi dấu cho những nỗ lực của bà vượt qua khó khăn để cống hiến hết mình với “sự nghiệp trồng người” cũng như gặt hái thành công cả trên lĩnh vực báo chí, sáng tác thơ, sáng tác truyện.

Trao đổi tại buổi lễ, nhà giáo Đặng Thị Mỹ Dung chia sẻ, tại buổi lễ này, bà không chỉ tri ân những người làm nghề giáo, những người lái đò tận tụy ngày đêm cống hiến, đưa học trò đến những bến bờ tri thức, mà còn tri ân các thế hệ học sinh của mình. Sự thành công của học trò chính là niềm hạnh phúc vô bờ của người làm nghề giáo như bà. 

W_dscf9040.jpg
Rất đông khách mời của buổi lễ là các cựu học sinh của bà. 
W_dscf9047.jpg
Toàn cảnh buổi lễ

Bên cạnh những chủ đề về lịch sử, văn hóa, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn mong muốn mỗi hiện vật khi dừng chân tại đây sẽ kể những câu chuyện thú vị và mang tới góc nhìn đa chiều về người phụ nữ. Hướng tiếp cận đến các bộ sưu tập gắn với cuộc sống gia đình, hoạt động xã hội của những người phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực được Bảo tàng Phụ nữ đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây.

Thấu hiểu hoạt động của Bảo tàng, với sự tin tưởng và tình yêu quý, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) bà Nguyễn Thị Mỹ Dung đã trao tặng những kỷ vật vô giá của mình cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để lan tỏa tinh thần, sự nhiệt huyết trong công việc, nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống tới công chúng qua những hoạt động chuyên môn của Bảo tàng trong tương lai.

W_10.jpg
Đại diện một cựu học sinh tặng bó hoa tươi thắm cho nhà giáo Đặng Thị Mỹ Dung. 

Nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung sinh năm 1939 ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Vinh, bà về giảng dạy tại Trường cấp III Hải Hậu (Nam Định); Nguyễn Trãi, Đoàn Kết (Hà Nội). Năm 1993 bà nghỉ hưu.

Bà đã có 32 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Sau khi nghỉ hưu bà cống hiến trọn vẹn cho nghiệp “cầm bút”.

Chồng bà là NSNA Lê Phức, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. 

Một số thành tựu của bà:

- Đã có ba tác phẩm tiểu thuyết và một tập truyện ngắn. Trong đó hai cuốn tiểu thuyết tâm lý - xã hội (được tái bản là "Ngọt ngào pha mặn chát" và "Chuyện tình viên phó sứ") và một cuốn tiểu thuyết lịch sử là "Bão táp hai sông" (viết về phong trào Cần Vương). Cuốn "Chuyện tình viên phó sứ" đã được giới thiệu trên VTV1. Cuốn "Ngọt ngào pha mặn chát" đã được Đài phát thanh Đồng Tháp đọc hàng đêm trong chương trình "Đọc truyện Văn học".

- Là phóng viên cộng tác của nhiều Báo lớn (Văn nghệ, Đại Đoàn kết, Người Hà Nội, Thể thao & Văn hoá, Giáo dục & Thời đại, Giáo dục & Thời đại Chủ nhật, Thế Giới Mới, Quân đội nhân dân, Sự kiện & Nhân chứng, Phụ nữ Thủ đô, Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh...)

- Có 7 tập ký xuất bản riêng (tập hợp những bài báo đã viết và phỏng vấn) với hàng trăm bài báo, hàng ngàn trang sách. Trong đó một cuốn "Tri ân Đại tướng - Người hiền" toàn viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cuốn "Một tâm hồn Việt Nam" toàn viết về Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê. Cuốn "Sáng mãi tấm gương Đạo đức Thầy Cô", viết về các nhà giáo hàng đầu đất nước của nền giáo dục Cách mạng như Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào...

- Là tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử "Bão táp hai sông" (viết chung với Nhà cách mạng lão thành Đặng Phúc Hải).

- Gần 100 tác phẩm in chung đã xuất bản.

- Tổ chức triển lãm và xuất bản cuốn sách “Theo dấu chân Đại tướng”. Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” đã được tổ chức tại Hà Nội, Điện Biên, Quảng Ninh, Quảng Bình...


Một số hình ảnh tại buổi lễ. 

W_dscf9044.jpg
Hình ảnh “Người lái đò hạnh phúc” Nguyễn Thị Mỹ Dung tại sự kiện. 
W_2.jpg
Các hiện vật được bà tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. 
W_dscf9137.jpg
Các hiện vật được bà tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. 
W_dscf9140.jpg
Trong số các hiện vật được tặng còn có những lá thư của cố NSNA Lê Phức gửi cho vợ mình.   


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung: Người lái đò hạnh phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO