Ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật: Hiểu đúng để thẩm định đúng

Việt Văn|13:57 05/12/2013

Chỉ lưu ý rằng ảnh báo chí (photojournalism) và ảnh tài liệu (documentary) không hoàn toàn giống nhau. Ảnh tài liệu thường để chỉ những dự án ảnh chụp hiện thực kéo dài 1 năm trở lên cho đến hàng chục năm. Như 1 dự án chụp đời sống, sinh hoạt, văn hóa, xã hội của nước Anh do 1 hãng ảnh thực hiện từ đầu năm 1990 và kéo dài đến 2003 do hơn 70 nhiếp ảnh gia thực hiện. Hay các loại dự án kiểu như “1 ngày trên thế giới”, “1 ngày ở nước Mỹ”, “1 ngày ở Bắc Kinh”…

Nói chung ảnh tài liệu được chụp công phu, kỹ lưỡng và trong nhiều trường hợp trở thành các tác phẩm nghệ thuật.

Một câu hỏi mà có một số người đặt ra là “ảnh báo chí có cần nghệ thuật không?”

Thiết nghĩ câu hỏi này là thừa bởi lẽ nghệ thuật nhiếp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng, của con mắt nhìn và nó nằm trong nghệ thuật thị giác. Bởi vậy dù là ảnh báo chí hay nghệ thuật thì ấn tượng đầu tiên đập vào mắt người xem vẫn nằm ở các yếu tố thị giác: ánh sáng, màu sắc, đường nét, bố cục. Vấn đề là tính nghệ thuật trong ảnh báo chí đóng vai trò như thế nào?

Ở đây phải xác định rõ sức mạnhvàđặc trưng của ảnh báo chí chủ yếu là tính thông tin. Vì thế một bức ảnh báo chí phải kể một câu chuyện hay nhiều câu chuyện là tốt nhất bằng hình ảnh. Nếu đó là 1 sự kiện tức thì xảy ra lập tức đòi hỏi phóng viên phải bấm máy ngay thì các yếu tố thuộc về bố cục và tạo hình ở đây sẽ tùy thuộc vào phản xạ đã “ăn” vào máu người chụp. Tuy nhiên, một bức ảnh ghi lại được 1 sự kiện nổi bật thì có thể chấp nhận phạm lỗi (kể cả sơ đẳng) về tạo hình như cột điện rơi vào đầu… nếu hành động xảy ra trong tích tắc. Trong trường hợp này có ảnh mới là quan trọng. Bức ảnh không cần đẹp mà cần thông tin.

Nhưng với sự phát triển kinh hoàng của công nghệ số, với các tính năng tiện ích hiện đại đến tận răng, khi mà ai cũng có thể chụp ảnh. Và mỗi ngày có khoảng 300 triệu bức ảnh người ta đưa lên Facebook thì các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp càng phải nỗ lực để tạo ra sự khác biệt.

Khác biệt đó chính là chất lượng hình ảnh.Và quan niệm về ảnh báo chí không còn cứng và nghiêm cẩn như trước.

Bức ảnh đoạt Giải ảnh báo chí của năm (2013) do Tập đoàn World Press Photo (WPP) tổ chức của nhiếp ảnh gia Paul Hansen (Thụy Điển) chụp mấy người đàn ông ướt đẫm nước mắt đang bồng thi thể hai em nhỏ Palestine thiệt mạng do tên lửa Israel phóng vào dải Gaza  đã làm xúc động hàng triệu người. Tuy nhiên sự tranh cãi đã bùng lên khi chính tác giả ảnh đã thừa nhận có “xử lý” ảnh…

Paul Hansen đã dùng phần mềm máy tính để từ bức ảnh “thô” (file gốc) tạo ra nhiều bản copy có độ tương phản ánh sáng (thiếu và thừa) khác nhau, sau đó trộn tất cả những bản copy lại thành 1 bức ảnh duy nhất, có độ nét cao và màu sắc mạnh mẽ hơn. Việc trộn ảnh này sẽ giải quyết làm rõ chi tiết trong phần tối và góp phần làm không khí ảnh kịch tính hơn. Đó là một dạng của ảnh HDR (high dynamic range). Paul cho rằng anh không chắp ghép hay dàn dựng, vì thế không vi phạm luậtchơi.Và ban giám khảo WPP cũng chả bình luận gì về việc này, dù tước đây đã có tác giả đoạt giải WPP người Ba Lan bị thu hồi giải, vì anh đã xóa đi 1 chi tiết rất nhỏ, thậm chí là vặt vãnh không ảnh hưởng gì đến bố cục hay câu chuyện ảnh, chẳng qua là làm ảnh sạch sẽ hơn tí tẹo. Chuyện Paul Hansen đã can thiệp vào ảnh đã làm giải thưởng lớn của anh bớt “lung linh” đi. Xung quanh chuyện này có hai luồng ý kiến. Phe phản đối dẫn ra hàng loạt ví dụ để chứng minh cho sự ngặt nghèo nghiêm khắc của thể loại ảnh báo chí phải tôn trọng tối đa sự thật, không làm sai lệch tí gì. Nhưng phe ủng hộ cho rằng câu chuyện trong ảnh của Paul là có thật, anh không thêm bớt chi tiết gì. Trước đây, kỹ thuật buồng tối analog, tráng phim, phóng ảnh, “đốt” (làm đậm) chi tiết này, mảng sáng kia 1 tí, có khác gì kỹ thuật máy ảnh số hiện nay. Nhất là khi các máy ảnh số ngày nay tích hợp rất nhiều tính năng, thậm chí cả HDR trong máy, rồi các bộ lọc (filter) có thể giúp các tay máy tha hồ chỉnh sửa màu sắc, sáng tối trước hoặc sau khi chụp.

Thực ra ngay việc dùng ống kính góc rộng đã làm thay đổi hiện thực khách quan đi rất nhiều, làm biến dạng những chi tiết ở cận cảnh và làm nhấn mạnh chủ thể lên rất nhiều. Vì thế khái niệm sự thực khách quan trong ảnh cũng là vấn đề chỉ mang tính tương đối mà thôi.

Tuy nhiên, dường như lâu nay trong giới ảnh ở ta hay quan niệm: ảnh chụp hiện thực, không qua xử lý là ảnh báo chí. Còn ảnh xử lý photoshop là ảnh nghệ thuật. Đó là suy nghĩ giản đơn.

Nếu sức mạnh của ảnh báo chí là thông tin, thì ảnh nghệ thuật mạnh ở cảm xúc, ở hình tượng nghệ thuật. Không có 1 giới hạn nào cho sáng tác ảnh nghệ thuật, chỉ có giới hạn trong khả năng của nghệ sỹ thôi.

Hiện thực chỉ là cái cớ để các nghệ sĩ mô phỏng, phóng đại và hư cấu thêm bẳng công cụ thẩn kỳ - photoshop.

Ảnh nghệ thuật chấp nhận mọi kỹ xảo, mọi dàn dựng, mọi hình thức từ cổ điển nhất đến tân kỳ nhất miễn sao thể hiện trọn vẹn ý đồ tư tưởng của tác giả.

Ảnh nghệ thuật có nhiều dòng, nhiều trường phái mà trong đó lĩnh vực ảnh đương đại (contemporary photography) là nơi mà các nhiếp ảnh gia VN phần lớn ít quan tâm và thực sự nếu quan tâm cũng chưa thành công. Với nhiếp ảnh đương đại thì máy ảnh chỉ là công cụ, còn ý tưởng - ý niệm mới là quan trọng. Bức ảnh không cần đẹp theo kiểu mãn nhãn truyền thống mà chỉ cần gây sốc, gây ấn tượng.

Và nhiều bức ảnh đương đại được tạo ra mà tác giả không là nhiếp ảnh gia. Việc tạo ra hình ảnh quan trọng hơn cách thức tạo ra nó.

Câu hỏi có vẻ buồn cười đặt ra lại là ảnh nghệ thuật có khi nào là ảnh báo chí không?

1 bức ảnh nghệ thuật nếu mang tính thông tin và kể được 1 câu chuyện (là nghệ thuật vị nhân sinh) thì nhiều khi lại hoàn toàn áp đảo 1 bức ảnh nghệ thuật theo kiểu nghệ thuật vị nghệ thuật thuần túy.

Và nếu nó chỉ dùng tối thiểu photoshop (cắt cúp, chỉnh màu cho đúng thực tế) và phản ánh 1 hiện thực thì hoàn toàn có thể coi đó là 1 bức ảnh tài liệu - ảnh báo chí. Có ý kiến cho rằng không nên phân biệt ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật mà chỉ phân ra ảnh đẹp ảnh xấu.

Nên phân loại vìdù có lúc ranh giới mong manh thì giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật nó vẫn ở hai lĩnh vực đặc thù riêng.Một đằng tôn vinh sự thật, giàu tính thông tin. Một đằng tôn vinh sáng tạo, cảm xúc và trí tưởng tượng bay bổng.

Có thực tế là gần đây trong nhiều cuộc thi ảnh nghệ thuật nhưng Ban Giám khảo lại thích chấm ảnh báo chí thắng giải. Gần nhất như Liên hoan ảnh nghệ thuật HN năm 2013, bức ảnh giải nhất “Tuổi trẻ hôm nay” không thuyết phục ở góc độ nghệ thuật, nó chỉ mang tính báo chí và tác giả cũng chỉ chọn được 1 góc độ cao chụp nên ảnh có sinh động hơn những ảnh về hoạt động này chút xíu. Nó chưa xứng tầm là 1 tác phẩm nghệ thuật.

Việc phân định giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật là cần thiết bởi đã có hiện trạng ảnh không ra báo chí cũng chả ra nghệ thuật.

Còn nếu đã đạt tới chuẩn mực của thể loại thì chụp ảnh nào cũng khó.

* Tham luận tại Hội thảo LLPB Nhiếp ảnh:“Sáng tạo tác phẩm ảnh trong thời đại KTS”


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật: Hiểu đúng để thẩm định đúng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO