Chức năng và tài năng biểu diễn của người nghệ sĩ nhiếp ảnh

Trần Vân Trang|09:52 07/11/2023

Nói đến biểu diễn, theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 79/2012 của Chính Phủ, đó là những loại hình nghệ thuật biểu diễn do cá nhân các nghệ sĩ trực tiếp thực hiện như Tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối, bài chòi, kịch nói, kịch dân ca, kịch câm, nhạc kịch, giao hưởng, ca, múa, nhạc, ngâm thơ, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Tài năng nghệ thuật và cống hiến của các nghệ sĩ thể hiện rất rõ qua khả năng biểu diễn cá nhân của các nghệ sỹ. Biểu diễn là một trong những chức năng cơ bản nhất và quan trọng nhất của người nghệ sỹ trong bất kỳ loại hình nghệ thuật nào.

Cũng là hoạt động nghệ thuật nhưng có thể thấy, các loại hình biểu diễn rất khác biệt. Có loại hình người nghệ sỹ xuất hiện, biểu diễn trước công chúng nhưng cũng có loại hình người nghệ sỹ thực hiện biểu diễn một cách gián tiếp. Có loại hình nghệ thuật công chúng có thể trực tiếp nhìn thấy người nghệ sỹ nhưng cũng có loại hình người ta chỉ thấy sản phẩm nghệ thuật thông qua tác phẩm chứ không phải chính người nghệ sĩ. Ví dụ, rất ít người nhìn thấy người nghệ sỹ nhiếp ảnh khi họ đang tác nghiệp tạo ra tác phẩm hay những nghệ sỹ một vài loại hình nghệ thuật khác cũng “âm thầm” biểu diễn mà không có sự hiện diện của công chúng như các nhà quay phim, các họa sĩ.

Về chức năng biểu diễn: Đã là một loại hình nghệ thuật, loại hình nào cũng có chức năng biểu diễn, kể cả nhiếp ảnh nghệ thuật. Tuy nhiên tùy thuộc vào tính chất và đặc điểm của từng loại hình, phương thức biểu diễn của từng loại hình có khác nhau. Nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật được người nghệ sĩ sáng tạo hầu như trong thầm lặng, cả quá trình hình thành ý tưởng lẫn quá trình tác nghiệp. Khi họ sáng tác, có thể nói không ai biết, khó ai thấy. Không như các loại hình nghệ thuật khác, chỉ khi tác phẩm nhiếp ảnh được trình bày, ra mắt công chúng, mọi người mới biết đến người nghệ sỹ nhiếp ảnh qua dòng chú thích thông tin về tác phẩm.

Đây chính là điểm đặc trưng khiến công chúng ít biết đến người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Tuy nhiên một điều có thể được đông đảo công chúng công nhận, đó là hình ảnh cá nhân nghệ sỹ các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác được công chúng biết đến, một phần quan trọng là thông qua nhiếp ảnh, một phần “nhờ” tài biểu diễn của người nghệ sỹ nhiếp ảnh. Giá trị chức năng biểu diễn của nhiếp ảnh cũng được thể hiện qua đó. Vậy nhưng phần quan trọng nhất của chức năng biểu diễn mà ta đang nói đến được thể hiện trong tác phẩm ảnh của từng nghệ sỹ.

Có thể nói nhiếp ảnh có hai giá trị cơ bản, đó là tính chân thực và nghệ thuật nhiếp ảnh. Về tính chân thực trong nhiếp ảnh, nói bao quát hơn đó là tính lịch sử. Ngay từ khi ra đời, nhiếp ảnh có chức năng ghi nhận chân thực hình ảnh đang diễn ra trước ống kính. Theo thời gian, tính chân thực hôm nay sẽ mang tính lịch sử ngày mai. Bên cạnh và song song với tính chân thực, để nội dung, thông tin hình ảnh ghi nhận được chuyển tải, lan tỏa nhanh chóng thu hút được người xem, được công chúng yêu thích và ghi nhớ, nhiếp ảnh phải mang tính nghệ thuật cao thông qua khả năng biểu diễn của người nghệ sỹ nhiếp ảnh.

Nhiếp ảnh là nghệ thuật của thị giác, chính vì vậy những hình ảnh có ánh sáng và mầu sắc hợp lý dễ tác động mạnh đến thị giác con người, thu hút được sự chú ý của người xem. Tuy nhiên, điều mà công chúng chú ý hơn cả, đó là chủ đề, nội dung, thông điệp tác phẩm ảnh mang đến cho người xem.

Thực tế cho thấy điều thu hút công chúng nhất trong hình ảnh, đó là tính nhân văn của việc làm, hành động, tác động của nhân vật trung tâm trong hình ảnh hướng tới con người, thiên nhiên, xã hội. Vậy nhưng bằng một hình ảnh thầm lặng, để nêu bật được tính nhân văn của hình tượng thật sự không dễ dàng. Tuy nhiên, tất cả có thể sẽ được khắc phục và vượt qua nhờ nghệ thuật nhiếp ảnh. Nghệ thuật sẽ giúp thông tin, thông điệp tác giả muốn nói trong tác phẩm nhiếp ảnh được bay xa, bay cao và đọng lại với công chúng.     

Chức năng biểu diễn của nhiếp ảnh đã rõ nhưng vì sao hoạt động biểu diễn của nhiếp ảnh ít được công chúng biết đến như nhiều loại hình nghệ thuật khác? Thoạt trông hay thoạt nghĩ, không ít người hình như nghĩ nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật xem ra có vẻ … đơn giản và dễ nhất! Nhiều người có thể cho rằng để có một tấm ảnh chỉ cần bấm cái nút trên máy ảnh trong nháy mắt. Chính vì vậy, trước đây người đời hay dùng từ “phó nháy” để chỉ người cầm máy vì tất cả chỉ cần trong nháy mắt để có một tấm ảnh, thậm chí là một tác phẩm ảnh nghệ thuật. Có thể có một chút nhầm lẫn ở đây khi ai đó nghĩ rằng tất cả quá trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh rất ngắn, gói gọn và hoàn thành trong một phần trăm, phần ngàn giây.

Trong thực tế, bấm máy chỉ là thời khắc quyết định, thời khắc kết thúc của một quá trình sáng tạo nghệ thuật chứ không phải đó là tất cả quá trình sáng tác một tác phẩm nhiếp ảnh. Tài năng biểu diễn giúp người nghệ sỹ nhiếp ảnh bấm nút đúng khoảnh khắc “vàng” khi đã hội tụ đủ tất cả các giá trị tư tưởng, ý tưởng tác phẩm, thông điệp của tác phẩm, tính nghệ thuật cũng như những điều kiện về ánh sáng, bố cục ảnh và điều kiện kỹ thuật được bảo đảm. Quá trình này kéo dài bao lâu tùy thuộc vào độ khó của đề tài, vào ý tưởng thực hiện và điều kiện chuẩn bị của tác giả. Quá trình này rất ngắn nhưng cũng có thể kéo dài nhiều năm trời nếu như tác giả muốn chụp đỉnh Everest, đáy đại dương hay trên bề mặt mặt trăng.       

Về tài năng biểu diễn của người nghệ sỹ nhiếp ảnh, có thể không quá lời khi nói nghệ sĩ nhiếp ảnh là những người người đa năng. Không nói đến nền tảng văn hóa, kỹ thuật và nghệ thuật nhiếp ảnh, loại trừ những tác phẩm “ăn may” bất chợt, vô cùng hiếm hoi trong đời cầm máy, để sáng tác một tác phẩm, người nghệ sỹ nhiếp ảnh phải làm đủ những việc theo quy trình: xây dựng ý tưởng sáng tác, xác định mục tiêu tác phẩm, lựa chọn hình tượng, xây dựng nhân vật trung tâm, lựa chọn thời gian địa điểm sáng tác, chuẩn bị phương án tài chính - kỹ thật, thực hiện chuyến đi sáng tác và thực hiện công tác hậu kỳ. Chính vì vậy, nếu ai đó nói công việc của người nghệ sỹ nhiếp ảnh chỉ là “nháy” thì thật sự người đó mới biết đến thời khắc kết thúc của một quá trình tạo ra tác phẩm.

Đối với những nghệ sĩ được biểu diễn trước công chúng thì khả năng biểu diễn và giá trị được bộc lộ rõ nhưng còn đối với những “nghệ sĩ của nghệ thuật thầm lặng” như nhiếp ảnh thì sao? Khi đó, tất cả chỉ duy nhất thể hiện thông qua ngôn ngữ ánh sáng. Mọi tinh hoa trong ý tưởng, sáng tạo trong nghệ thuật, tài năng trong kỹ thuật, kinh nghiệm trong sáng tác, tài nguyên trong cuộc sống cá nhân hay gia đình đều được người nghệ sỹ nhiếp ảnh dồn ghép trong tác phẩm ảnh một cách hài hòa, khéo léo nhất. Đó chính là một phần tài năng trong biểu diễn nghệ thuật của người nghệ sỹ nhiếp ảnh.

Trong các loại hình nghệ thuật, nếu có một chút so sánh khách quan với các loại hình nghệ thuật khác thì cho phép người viết lựa chọn “người anh em” điện ảnh. Xét theo góc độ kỹ thuật, về công cụ sáng tạo nghệ thuật, tính chất hoạt động, nhiếp ảnh là tương đồng với điện ảnh. Khác nhau chủ yếu là ở chỗ, điện ảnh là loại hình ảnh động và có âm thanh song hành; còn nhiếp ảnh là ảnh đơn và đơn thuần chỉ có hình ảnh. Chính vì vậy khi xem ảnh, tưởng là đơn giản nhưng người ta phải suy nghĩ nhiều hơn (trừ loại hình ảnh nghệ thuật giải trí) khi không có lời. Về lịch sử phát triển, điện ảnh ra đời sau nhiếp ảnh khoảng vài chục năm.

Tuy nhiên, với lợi thế “kể chuyện” dài hơi, có âm thanh phụ trợ, điện ảnh đã đi nhanh, bước trước trở thành một loại hình nghệ thuật phổ cập rất rộng rãi trong xã hội. Trong khi đó, một lý do nữa khiến nhiều người chưa đánh giá đúng nhiếp ảnh là do công việc  của nhiếp ảnh là thầm lặng, do một người duy nhất thực hiện. Nghệ sỹ nhiếp ảnh bản thân vốn là những người ít “nổi”, họ hầu như không xuất hiện trước công chúng vì nếu có xuất hiện thì đó là tác phẩm chứ không phải là chính bản thân người nghệ sỹ. Khi biểu diễn, tác phẩm sẽ thay họ xuất hiện trước công chúng chứ không phải là người cầm máy. Chính vì tính chất thầm lặng của người nghệ sĩ nhiếp ảnh nên không phải ai cũng hiểu hết tính chất công việc, đánh giá đúng mức giá trị tác phẩm cũng như bản thân con người họ.

Điều này cần nhấn mạnh vì chỉ có ai có đủ sức khỏe, dám chịu đựng khó khăn gian khổ, chịu mọi tốn kém thời gian tiền bạc, không quản hiểm nguy mới sáng tạo  được tác phẩm ảnh. Có một điều có lẽ cần nói thêm, đó là trong khi một số loại hình nghệ thuật biểu diễn khác có thể được sự trợ giúp của Nhà nước thì nhiếp ảnh nghệ thuật là một loại hình được xã hội hóa, cá nhân hóa gần như tuyệt đối. Một trăm phần trăm chi phí mua sắm máy móc trang bị kỹ thuật, chi phí đi lại sáng tác, hoàn thành tác phẩm đều do cá nhân hay gia đình người nghệ sỹ gánh chịu.. Điều như duy nhất mà họ cần sự hỗ trợ của Nhà nước, của xã hội chính là sự tạo điều kiện, tạo cơ hội cho họ được sáng tác. Ví dụ được tạo điều kiện ra Trường Sa hay đến những vùng xa xôi biên cương tổ quốc… đến những nơi mà bản thân người nghệ sỹ một mình không làm được.  

Đối với các nghệ sỹ biểu diễn xuất sắc trong các loại hình nghệ thuật đươc nêu tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP những năm qua nếu không tính đến các nghệ sỹ được trao danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú mà chỉ riêng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân kể từ đợt 1 (1984) đến đợt 9 (2019), tất cả đã có 451 nghệ sĩ vinh dự được Nhà nước trao danh hiệu cao quý này. Vậy nhưng trong khi đó, một số lĩnh vực nghệ thuật khác tuy mang đầy đủ chức năng biểu diễn và có cống hiến cho sự nghiệp văn hóa nước nhà trong đó có nhiếp ảnh nhưng chưa được đưa vào danh sách những loại hình nghệ thuật có nghệ sỹ được xét trao trao danh hiệu cao quý này.

Để thấy rõ hơn vấn đề này, trong khi Điện ảnh là loại hình “anh em” với Nhiếp ảnh, có tính chất hoạt động khá tương đồng, trong sáu đợt trao danh hiệu NSND, đợt 4 (1997), 5 (2001), 6 (2007),7 (2011), 8 (2015) và 9 (2019) tổng cộng đã có 13 nghệ sỹ với vai trò người cầm máy quay phim đã được trao tặng danh hiệu NSND thì danh hiệu này đến nay vẫn chưa dành cho các nghệ sỹ nhiếp ảnh. Việc các nghệ sỹ điện ảnh được vinh dự trao danh hiệu cao quý là niềm tự hào chung cho những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh/nhiếp ảnh theo Sắc lệnh 147/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập chung hai ngành điện ảnh/Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953). Vì vậy, để tạo sự công bằng giữa các chuyên ngành văn học nghệ thuật, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, bổ sung đưa đối tượng nhà nhiếp ảnh nghệ thuật vào danh mục “các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác” như đã nêu trong Nghị định về biểu diễn 79/2012/NĐ-CP, làm cơ sở cho việc xét trao danh hiệu NSƯT, NSND cho các nghệ sỹ nhiếp ảnh./.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Chức năng và tài năng biểu diễn của người nghệ sĩ nhiếp ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO