Diễn văn của PGS. TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhân kỷ niệm 75 năm Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

(NADS) - Sáng 25/7, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã diễn ra lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948- 25/7/2023). Tại buổi lễ, PGS.TS.Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã ôn lại 75 năm hình thành và phát triển của Hội VHNT Việt Nam.

Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống xin trân trọng giới thiệu toàn bài diễn văn của PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại sự kiện này.



W_dsc_3662.jpg
PGS. TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phát biểu ôn lại truyền thống 75 năm. Ảnh: Quang Hồ

- Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam!

- Kính thưa đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương!

- Kính thưa đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư TƯ Đảng, Chánh văn phòng TƯ Đảng!

- Kính thưa đồng chí Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch nước!

- Kính thưa đồng chí Trần Hồng Hà - ủy viên TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ!

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!

- Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý!

- Kính thưa các bác, các anh, các chị văn nghệ sĩ và các đồng chí, các bạn!

Trước hết, cho phép tôi thay mặt Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trân trọng kính chào và cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các vị khách quý đại diện các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức ở Trung ương, Hà Nội và các tỉnh thành cùng đông đảo đại biểu văn nghệ sĩ đến từ các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và các Hội VHNT trong cả nước đã về dự Lễ kỷ niệm trọng thể này. Kính chúc các bác, các anh, các chị cùng toàn thể các vị đại biểu khách quý Sức khỏe, Hạnh phúc và Thành công. Chúc buổi lễ của chúng ta thu được kết quả tốt đẹp!

Kính thưa các vị đại biểu!

Trong những ngày tháng 7 lịch sử này, hôm nay, chúng ta gặp mặt tại đây để ôn lại truyền thống vẻ vang của văn nghệ cách mạng Việt Nam và kỷ niệm ngày ra đời của Hội Văn nghệ Việt Nam cách đây tròn 75 năm (25/7/1948 – 25/7/2023).

Trước đó, vào tháng 6 năm 1943, hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam được thành lập không lâu sau khi Đảng ta công bố bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam (tháng 2/1943). Đây là dấu mốc quan trọng để Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời 5 năm sau đó tại khu Dộc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Trong Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943), Đảng ta đã khẳng định: đồng thời với việc tiến hành cách mạng chính trị giành độc lập dân tộc, phải gấp rút triển khai xây dựng nền văn hoá dân chủ mới theo 3 nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hội Văn nghệ Việt Nam, ngay từ khi ra đời (25/7/1948) đã thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa văn hoá và văn nghệ. Hội Văn nghệ Việt Nam tự nguyện là thành viên của Hội Văn hoá Việt Nam, tham gia mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất, thực hiện những nhiệm vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trong thư gửi Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ 2. Đó là: Văn hóa cần đi sâu vào quần chúng lao động, sáng tác lưu lại để đời (cho hôm nay và mai sau, cho công chúng trong nước và quốc tế) những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng đáng với truyền thống và sự nghiệp vĩ đại, những trang vàng của lịch sử dân tộc.

Từ đó đến nay đã tròn 75 năm!

Tổ chức văn nghệ Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, trải qua các chặng đường lịch sử cam go thuộc các giai đoạn: kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954); kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975); thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 đến nay).

Ngay từ khi mới thành lập, với lực lượng chưa đông đảo, lớp văn nghệ sĩ đầu tiên đã làm theo lời dạy của Bác Hồ là “kháng chiến hoá văn hoá, văn hoá hoá kháng chiến” “Văn hóa, Nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”. Tổ chức văn nghệ lúc bấy giờ rộng khắp từ chiến khu Việt Bắc, đến các Liên khu trong toàn quốc và các căn cứ địa kháng chiến với các đoàn chuyên ngành: kiến trúc, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu.

Từ một vài trăm văn nghệ sỹ yêu nước, đến nay, tổ chức văn nghệ Việt Nam đã trải qua 10 kỳ Đại hội, phát triển về quy mô tổ chức và đội ngũ: từ Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 - 1957), đến Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (1957 - 1995); và nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tổ chức văn nghệ Việt Nam ngày nay đã lớn mạnh tập hợp hơn 40.000 văn nghệ sĩ thuộc 5 thế hệ gồm các chuyên ngành (văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, kiến trúc, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số), sinh hoạt trong 10 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và 63 Hội VHNT các tỉnh, thành trong cả nước cùng Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Liên hiệp là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Liên hiệp là tổ chức quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, bao gồm các văn nghệ sỹ - trí thức hoạt động trong các lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, sưu tầm, lý luận - phê bình văn học nghệ thuật. Đội ngũ văn nghệ sĩ được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm sâu sắc; luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, một lòng một dạ đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Dưới mái nhà chung ấm áp và nghĩa tình, các thế hệ văn nghệ sỹ Việt Nam đã góp phần xứng đáng vào việc xây dựng nền văn học nghệ thuật mới, phong phú, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn cao cả, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tiếp thu những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa văn nghệ dân tộc là: chủ nghĩa yêu nước, nhân văn, những tác phẩm văn học nghệ thuật hay, đẹp, lành mạnh đã trở thành những món ăn tinh thần giúp con người vượt qua những khó khăn, trở ngại, thách thức trong cuộc sống; hoàn thiện nhân cách; trau dồi lòng yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, góp phần bồi dưỡng nhận thức, vun đắp tình cảm, tâm hồn của con người, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ cao đẹp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trong nghị quyết Đại hội lần thứ IV (1976), Đảng ta đã khẳng định: “Với những thành tựu đã đạt được qua 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, văn học nghệ thuật Việt Nam xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật chống chủ nghĩa đế quốc trong thời đại ngày nay.”

Kính thưa quý vị đại biểu!

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, giới văn học nghệ thuật Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất (1987), Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai (2008) và đặc biệt là Huân chương Sao vàng (2018), huân chương cao quý nhất của Đảng và nhà nước nhân kỷ niệm 70 thành lập Liên hiệp.

Tính đến tháng 5/2023, đã có 136 văn nghệ sĩ (tác giả và đồng tác giả) được trao tặng và truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; 665 văn nghệ sĩ (tác giả và đồng tác giả) được trao tặng và truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Các đại biểu nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư tới dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Ảnh: Quang Hồ

- Hàng trăm văn nghệ sĩ được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng các lực lượng vũ trang và các Huân chương cao quý: Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động.

- 452 văn nghệ sĩ được tặng thưởng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 2.621 văn nghệ sĩ được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Và hang trăm nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú.

Có được những thành tích vẻ vang, đáng tự hào như trên, chúng ta vô cùng biết ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, sự quan tâm sâu sắc, dìu dắt chí tình của Đảng, của Bác Hồ và Nhân dân đối với tiến trình hình thành và phát triển của tổ chức Liên hiệp trong suốt 75 năm qua.

Trong ngày vui hôm nay, chúng ta xúc động tưởng nhớ và tri ân các lớp văn nghệ sĩ tiền bối đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, cho văn nghệ kháng chiến: Trần Đăng, Hoàng Lộc, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Nam Cao, Tô Ngọc Vân, Trần Hữu Trang, Dương Tử Giang, Hoàng Việt, Văn Cận, Vĩnh Bảo, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Lê Vĩnh Hoà, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, Lương Nghĩa Dũng, Bùi Nguyên Khiết… cùng bao văn nghệ sĩ – chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để lại cho đời những tác phẩm bất hủ.

Cám ơn các thế hệ văn nghệ sĩ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã sáng tác hàng nghìn tác phẩm, công trình, để lại những vở diễn, giọng ca, tiếng đàn có giá trị còn mãi với thời gian.

- Chúng ta ghi nhớ và biết ơn các văn nghệ sĩ hàng đầu đã có công xây dựng và lãnh đạo tổ chức Liên hiệp qua các thời kỳ: Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Trần Hữu Trang, Lưu Hữu Phước, Bảo Định Giang, Trần Hoàn, Vũ Giáng Hương, Hữu Thỉnh…

- Chúng ta vô cùng biết ơn nhân dân, đồng bào, đồng chí, đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, chở che, đùm bọc văn nghệ sĩ trong thời kỳ khó khăn gian khổ để họ sống và sáng tác trong lòng Nhân dân, phục vụ Cách mạng, phục vụ Tổ quốc. Đó là đồng bào và cán bộ các dân tộc tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Tây Ninh...

- Chúng ta cảm ơn bạn bè quốc tế, các văn nghệ sĩ - kiều bào đã sát cánh ủng hộ, quảng bá, giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Bước vào giai đoạn cách mạng mới hiện nay, văn nghệ sĩ chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn nữa trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, vượt qua những khó khăn, thách thức đáp ứng những yêu cầu, mục tiêu mới đang đặt ra cho văn học nghệ thuật.

Hai năm qua, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo cốt lõi về văn hóa trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 đó là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân đeo Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Quang Hồ

Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng nỗ lực rèn luyện, tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp. Hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác về đề tài 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (2024) và 50 năm thống nhất đất nước (2025) hướng tới mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045) với các chủ đề: Sống mãi với thời gian do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bài ca thống nhất non sông do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phát động. Phát huy tối đa sức sáng tạo của văn nghệ sĩ. Nâng cao chất lượng công tác lí luận phê bình, tăng sức chiến đấu của ngòi bút, chống cái ác, cái xấu xa, cái thấp hèn. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao ý thức trách nhiệm phản biện xã hội. Chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, âm mưu thù địch nhằm phân hóa đội ngũ. Chống lại những biểu hiện “lệch chuẩn”, nghiệp dư hóa trong sáng tác và phê bình. Văn nghệ sĩ hôm nay dám đi vào những đề tài nóng của cuộc sống, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng để có những tác phẩm có ích cho đời.

Chú trọng tới lực lượng văn nghệ sĩ trẻ, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo lớp nghệ sĩ mới để kế tục sự nghiệp của các thế hệ cha anh vươn tới những giá trị chân – thiện – mỹ với ba nguyên tắc cơ bản là tính dân tộc – tính khoa học – tính đại chúng.

Gần đây, Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng đã ghi nhận những đóng góp của văn hoá nghệ thuật từ sau 1975 như sau:

Trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ văn nghệ sĩ đã kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, tiếp tục có những tác phẩm đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại và phương thức thể hiện, sâu sắc về tư tưởng, phản ánh được những vấn đề mới, “nóng” của thời cuộc, đất nước hôm nay.

Một tin vui đến với văn nghệ sĩ cả nước là Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan đang tiến hành xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một Chương trình quan trọng cho sự phát triển bền vững, cụ thể hóa 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị Văn hóa quốc ngày 24/11/2021. Đội ngũ văn nghệ sĩ sẵn sàng tham gia vào chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này khi được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Kính thưa các vị đại biểu!

Tại buổi lễ trọng thể hôm nay, chúng ta vinh dự được đón tiếp đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến. Sự hiện diện của đồng chí Tổng Bí thư là nguồn động viên to lớn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và là tình cảm trân trọng của đồng chí Tổng Bí thư đối với đội ngũ văn nghệ sĩ – trí thức, với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ cùng các đại biểu có mặt trong buổi lễ hôm nay từ trái tim mình, chân thành cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư đã dành thời gian đến sự Lễ Kỷ niệm và phát biểu chỉ đạo. Đây những khoảnh khắc lịch sử vô cùng quý giá mà chúng ta không bao giờ quên. Xin gửi lời kính chúc sức khỏe tới đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến.

W_dsc_3828.jpg
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 75 năm. Ảnh: Quang Hồ

Kính thưa các vị đại biểu!

Trong những ngày tháng 7 lịch sử này, hôm nay, chúng ta gặp mặt tại đây để ôn lại truyền thống vẻ vang của văn nghệ cách mạng Việt Nam và kỷ niệm ngày ra đời của Hội Văn nghệ Việt Nam cách đây tròn 75 năm (25/7/1948 – 25/7/2023).

Trước đó, vào tháng 6 năm 1943, hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam được thành lập không lâu sau khi Đảng ta công bố bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam (tháng 2/1943). Đây là dấu mốc quan trọng để Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời 5 năm sau đó tại khu Dộc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Trong Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943), Đảng ta đã khẳng định: đồng thời với việc tiến hành cách mạng chính trị giành độc lập dân tộc, phải gấp rút triển khai xây dựng nền văn hoá dân chủ mới theo 3 nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hội Văn nghệ Việt Nam, ngay từ khi ra đời (25/7/1948) đã thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa văn hoá và văn nghệ. Hội Văn nghệ Việt Nam tự nguyện là thành viên của Hội Văn hoá Việt Nam, tham gia mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất, thực hiện những nhiệm vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trong thư gửi Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ 2. Đó là: Văn hóa cần đi sâu vào quần chúng lao động, sáng tác lưu lại để đời (cho hôm nay và mai sau, cho công chúng trong nước và quốc tế) những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng đáng với truyền thống và sự nghiệp vĩ đại, những trang vàng của lịch sử dân tộc.

Từ đó đến nay đã tròn 75 năm!

Tổ chức văn nghệ Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, trải qua các chặng đường lịch sử cam go thuộc các giai đoạn: kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954); kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975); thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 đến nay).

Ngay từ khi mới thành lập, với lực lượng chưa đông đảo, lớp văn nghệ sĩ đầu tiên đã làm theo lời dạy của Bác Hồ là “kháng chiến hoá văn hoá, văn hoá hoá kháng chiến” “Văn hóa, Nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”. Tổ chức văn nghệ lúc bấy giờ rộng khắp từ chiến khu Việt Bắc, đến các Liên khu trong toàn quốc và các căn cứ địa kháng chiến với các đoàn chuyên ngành: kiến trúc, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu.

Từ một vài trăm văn nghệ sỹ yêu nước, đến nay, tổ chức văn nghệ Việt Nam đã trải qua 10 kỳ Đại hội, phát triển về quy mô tổ chức và đội ngũ: từ Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 - 1957), đến Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (1957 - 1995); và nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Kính thưa các vị đại biểu, anh chị em văn nghệ sĩ!

Đất nước chúng ta tự hào đã có những đóng góp xuất sắc vào kho tàng văn hóa, văn minh nhân loại với những di sản văn hoá, những danh nhân văn hoá kiệt xuất được thế giới công nhận như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh.

Hy vọng và tin tưởng trong tương lai, trên mảnh đất thân yêu hình chữ S sẽ xuất hiện thêm nhiều những bậc “hiền tài - nguyên khí quốc gia” làm rạng rỡ vẻ vang Tổ quốc Việt Nam, văn hiến Việt Nam như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Việt Nam phấn đấu còn là một quốc gia có nền văn hoá tiên tiến, hiện đại, kế thừa tinh hoa của văn hiến, văn hoá truyền thống hàng nghìn năm, tiếp thu chọn lọc thành tựu văn hoá nhân loại xưa - nay , sánh vai cùng bè bạn khắp năm châu.

Nhà thơ Tố Hữu trong Đề từ tập thơ Việt Bắc (1954) đã viết về mối quan hệ gắn bó giữa VHNT với Nhân dân, với Đảng như sau:

Nhân dân là bể/ Văn nghệ là thuyền/ Thuyền xô sóng dậy/ Sóng đẩy thuyền lên/ Thuyền ra khơi xa/ Gió căng buồm lộng/ Buồm là lao động/ Gió là Đảng ta.

Chúng ta cùng nhau quyết tâm phấn đấu để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó, với khát vọng phát triển mạnh mẽ, vươn tới những thành tựu mới trong thời kỳ mới!

Xin chúc các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ Sức khỏe – Hạnh phúc – Thành công trong cuộc sống.

Xin trân trọng cám ơn!

Hà Nội, ngày 25/7/2023

Đỗ Hồng Quân

W_dsc_4016.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu và văn nghệ sĩ tiêu biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: Quang Hồ
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO