Suốt chiều dài bốn ngàn năm dựng xây đất nước, người phụ nữ Việt Nam đã hiện diện một cách cao quý trong dòng sinh mệnh dân tộc ngay tại cột mốc đầu tiên của lịch sử, khởi thuỷ cho máu thịt đồng bào, nòi giống Rồng Tiên. Hình tượng người phụ nữ là nguồn cảm hứng vô tận để mọi thế hệ văn nghệ sĩ con Lạc cháu Hồng xưng tụng, ngợi ca. Họ luôn đóng vai trò “lĩnh xướng” trong những tác phẩm, công trình VHNT nghệ thuật về thiên nhiên - đất nước - văn hoá Việt Nam.
Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Phụ nữ với cuộc sống” năm 2023 do Nhà Văn hóa Phụ nữ Thành phố HCM tổ chức vừa qua thêm một lần nữa tôn vinh những thế hệ con cháu Bà Trưng, bà Triệu, góp phần làm nổi bật phẩm chất cao quý của “đàn bà nước Nam”. Qua tác phẩm ảnh nghệ thuật, người phụ nữ Việt Nam hiện lên trên mọi lĩnh vực của cuộc sống ở các khía cạnh khác nhau, với vai trò, trách nhiệm khác nhau, trong gia đình và ngoài xã hội... 7.365 tác phẩm tham gia cuộc thi là 7.365 “chân dung” người phụ nữ từ góc nhìn của 896 tác giả thuộc 61 tỉnh thành trên cả nước.
Những đoá hoa “tô điểm sơn hà”
Không rực rỡ phấn son, không áo quần lộng lẫy, người phụ nữ Việt Nam hiện lên qua lăng kính của các nghệ sĩ từ trong lam lũ, lặn lội bên bờ sông, lúc dưới ruộng đồng, khi trên nương rẫy, mang vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của sự hy sinh, của đức tính cần cù, chịu thương chịu khó. Họ sớm hôm cần mẫn với đất, với nghề, kiên trì gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống quê hương (Làng gốm Phù Lãng – Lý Việt Dũng, Bắc Ninh; Nghề dệt chiếu Định Yên – Lê Minh Quát, Bình Thuận; Bánh tráng xứ Nẫu – Đào Duy Tân, TP.HCM). Người phụ nữ trong Làng nghề bó chổi - Trần Minh Đức, Tiền Giang) dẫu kém may mắn vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt của bản thân, lạc quan yêu đời, lao động hăng say, làm chủ cuộc đời. “Bông hồng vàng” điều tiết giao thông trên tuyến đường huyết mạch là hình ảnh đẹp về nữ cảnh sát được tác giả Trương Vững ghi lại trong “Giờ cao điểm”.
Người phụ nữ hôm nay đẹp rạng ngời với niềm vui tuổi già, trong tình nghĩa xóm làng gắn bó keo sơn (Hai chị em - Nguyễn Trọng Khanh – Lào Cai; Chuẩn bị đón xuân - Nguyễn Văn Tuấn, Hà Nội; Duyên quê - Đặng Kế Đức, Quảng Nam). Đâu cần “thước đo” tuổi trẻ hay dáng vóc thanh xuân, dù qua bao cuộc dâu bể điêu linh, họ vẫn bừng lên vẻ đẹp dịu dàng, giản dị của đoá sen thuần khiết thanh cao, ngay cả khi cánh gầy, sắc nhạt vẫn ngan ngát lưu hương. Họ gương mẫu, chuẩn mực, là tấm gương sáng cho gia đình, là niềm tự hào của toàn xã hội dẫu màu da đã kín đồi mồi, khuôn mặt phủ đầy bao vết chân chim. Không phấn son, họ thầm lặng “tô điểm sơn hà”. Như những đoá hoa, làm ta yêu hơn cuộc sống!
Làm rạng danh, “tỏ mặt đàn bà nước Nam”
Từ thửa hồng hoang Rồng Tiên kết hợp, sông núi giao hoà, mẹ Âu Cơ trên hành trình cùng 50 người con khai sơn phá thạch, lập đất dựng nhà… cho đến hôm nay, người phụ nữ Việt Nam đã trở thành biểu tượng của lễ nghĩa, của sự chịu đựng và hy sinh.
Tại cuộc thi Phụ nữ với cuộc sống, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đề cập đến một trong những di sản tinh thần kết tinh từ hơn bốn ngàn năm văn hiến được lưu giữ đến ngày hôm nay, trở thành phẩm chất tiêu biểu về Phụ nữ Việt Nam trong cảm nhận của bạn bè thế giới. Đó là sự hòa thuận, kính trên nhường dưới, tình cảm gia đình thiêng liêng trong mỗi mái nhà người dân đất Việt (Mẫu tử, Vũ Văn Lâm - Hải Phòng; Nắng yêu thương, Nguyễn Thế Hùng – Hà Nội). “Đàn bà nước Nam” cúc cung tận tụy, yêu chồng, thương con, như hình ảnh “con cò lặn lội bờ sông” (Vất vả mưu sinh, Nguyễn Thượng Toàn - Tiền Giang), sẵn sàng chia sẻ, gánh vác giang sơn với chồng, đồng lòng “tát cạn biển Đông” (Giao duyên, Phùng Đức Hiệp - Bắc Ninh).
Không chỉ ở gia đình, với thân nhân, họ luôn giang rộng vòng tay sẵn sàng nâng đỡ, chở che những mảnh đời bất hạnh (Lớp học vùng cao, Hữu Hùng - Đắk Lăk; Vì giấc ngủ trẻ thơ, Phạm Vũ Dũng - Hải Phòng; Cô y tá khe bản, Dương Phượng Đại - Quảng Ninh). Họ đề cao triết lý nhân sinh của người Việt, khơi dậy tình cảm tốt đẹp, sự đối đãi chân thành trên tinh thần nhân ái, bao dung, thân thiện, cởi mở với các dân tộc trên thế giới. (Du khách Tây trải nghiệm thêu thủ công tại làng thêu truyền thống Văn Lâm, Nguyễn Văn Luận - Đồng Tháp).
Họ không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng gác lại tình cảm cá nhân, khoác lên mình một màu áo mới, góp mặt trong đoàn quân “mũ nồi xanh” của Bệnh viện dã chiến thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình nơi Phái bộ Nam Sudan (Khát vọng hoà bình, Nguyễn Trung Trực -TP.HCM). Họ không còn quanh quẩn trong gian bếp nội trợ mỗi ngày “đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa”, mà đã vượt qua được những rào cản tâm lý, tư tưởng về người phụ nữ khi xưa, dám nghĩ, dám làm, tin tưởng và phát huy hoàn hảo những điểm mạnh của bản thân, đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế - văn hoá đất nước, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Thao trường nở hoa, Nguyễn Trung Trực - TP.HCM; Đòn quyết định môn đấu kiếm nữ SEA Game 31, Vũ Thị Thuý Hà – Hà Nội).
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người phụ nữ Việt Nam vẫn giữ phong tục tập quán làm nét đẹp văn hoá truyền thống cho mọi thời đại, lấy công dung ngôn hạnh làm khuôn vàng thước ngọc cho bản thân, nền tảng cho cuộc sống, đóng góp to lớn trong việc hình thành nhân cách của thế hệ sau, rộng hơn nữa là tinh thần, nếp sống của cả dân tộc. Dù ở bất cứ cương vị nào, ở bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S, họ vẫn đang liên tục góp phần làm thăng tiến xã hội, rạng danh giống nòi, vinh quang đất nước.
Hoa lục bình - Tôn vinh vẻ đẹp giản dị của người Phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống hiện đại
Đồng hành cùng “một nửa làm nên thế giới”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hữu Thiết (Đồng Nai) luôn trân trọng, nâng niu bản năng thiên phú và đề cao vẻ đẹp tâm hồn xuất phát từ đức hạnh, đạo lý của phụ nữ Việt Nam. Anh xuất sắc đạt giải Nhất cuộc thi Phụ nữ với đời sống cùng tác phẩm Hoa lục bình.
Không lựa chọn môi trường quen thuộc, dáng điệu thuần tuý, đường nét cơ thể “đóng khung” theo “thước đo” chuẩn mực thông thường, tác giả Lê Hữu Thiết khai thác hình ảnh người phụ nữ trong công việc “tay chân”. Với góc chụp giới hạn có chủ đích, không ồn ào phóng đại, khoa trương, Lê Hữu Thiết lặng thầm quan sát, nhìn ngắm đôi tay ẩn giấu “phép màu” kì lạ. Những thân cây lục bình đơn sơ khô héo, to nhỏ khác biệt, buồn rầu, ủ rũ bỗng trở nên bóng bẩy, tươi vui, tràn trề sức sống… trong diện mạo, hình hài mới, đẹp đẽ lạ thường. Chỉ bằng các thao tác chuẩn xác, khéo léo, tỉ mỉ diễn ra đều đặn, liên tục của đôi tay. Không lạm dụng kỹ thuật, không cầu kỳ sắp đặt công phu, tác giả chỉ “tin dùng” một chất liệu duy nhất là Cảm xúc vào quá trình bấm máy.
Xuất phát từ tình cảm trân trọng, yêu thương, cùng sự thấu hiểu, sẻ chia của một người chồng, người cha đã đi qua những tháng ngày mưu sinh gian khó, Lê Hữu Thiết ghi lại hình ảnh mộc mạc của người phụ nữ làng nghề truyền thống một cách rực rỡ nhất. Khuôn mặt thấp thoáng sau lớp khẩu trang, dáng người khuất sau nguyên liệu, đồ đạc chuyên dùng… để cái đẹp bật ra từ sự cần mẫn, say sưa. Không phải nơi nghị trường, không ở ngoài phố thị, không trong giảng đường, cũng không trên sàn diễn, mà giữa dọc ngang sản phẩm từ hoa cỏ quê nhà. Lê Hữu Thiết khiến công chúng thêm yêu mến, trân trọng người phụ nữ Việt Nam trong lao động thủ công giản dị, bình thường giữa cuộc sống hiện đại, văn minh. Và ta càng thêm biết ơn “những người đàn bà bình thường không tên tuổi” (Xuân Quỳnh) đã mang sự sống và tình yêu đến với cuộc đời.