“Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979” không chỉ đơn thuần là một cuốn sách ảnh

22:20 17/12/2020

Nói đó không chỉ đơn thuần là một cuốn sách ảnh bởi lớn hơn thế, nó còn là bằng chứng đanh thép, bẻ gãy mọi luận điệu sai trái nhằm phủ nhận và đảo chiều lịch sử - một giai đoạn lịch sử nhiều đau thương nhưng cũng vô cùng đáng tự hào mà thế hệ hôm nay, mai sau không bao giờ được phép lãng quên…


Sách ảnh "Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979" của tác giải Trần Mạnh Thường
Cuốn sử bằng hình ảnh ấy được nhà báo, nhà NCLLPB Nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường - người đã nhạy cảm lựa chọn để có thể có mặt và dấn thân như những người lính thực sự tại mặt trận biên giới phía Bắc ngày nào ghi chép lại. Ông cũng đã đau đáu suốt hơn 40 năm qua, mong được một lần công bố đến mọi người những khoảnh khắc chân thực về một trong những sự kiện bi hùng trong lịch sử chống ngoại xâm, về quyết tâm bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất thiêng liêng nơi xa xôi biên giới của hàng ngàn người lính…


Một số hình ảnh trong cuốn sách của nhà báo, nghệ sĩ Trần Mạnh Thường

Không khí ấm cúng của buổi ra mắt sách ảnh "Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979"
Để rồi, hôm nay, 15/12/2020, trong không gian đậm đặc chất ảnh của Trung tâm Lưu trữ & Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam), cuốn sách dày 120 trang, tựa đề “Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979” với hàng trăm bức ảnh lịch sử ông chụp tại biên giới (địa phận tỉnh Cao Bằng) đã được chính thức ra mắt bạn đọc và công chúng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, được biết, lần xuất bản này, ông cũng chỉ in khoảng 300 cuốn để tặng cho bạn bè và phóng viên báo chí chứ không bán trên thị trường.

Từ hơn 100 bức ảnh đen trắng mộc mạc không tô vẽ trong cuốn sách này, người đọc có lúc như đang nghe được cả tiếng súng nổ, tiếng hô quyết tâm những người lính; ngửi thấy mùi của thuốc súng, mùi của máu hồng trộn lẫn với mùi hăng ngái của những đám cây rừng dập nát… Sách được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp phép, xuất bản năm 2020, đồng thời được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao tặng giải thưởng xuất sắc cách đây ít ngày.

Khi nhiếp ảnh là một phần của lịch sử…

Trong lời tựa sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Những bức ảnh phóng sự chiến trường là bằng chứng thuyết phục nhất về sự thật cuộc chiến tranh. Nhà báo Trần Mạnh Thường là một trong những nhân chứng của cuộc chiến tranh này. Mỗi ánh mắt, mỗi gương mặt của người dân Việt Nam, của những chiến sĩ Việt Nam hiện lên rất rõ ý chí bất diệt vì chủ quyền dân tộc…


PGS. TS Triết học, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an đánh giá đây là một cuốn sách rất có giá trị cho hậu thế, giúp thế hệ trẻ biết trân trọng giá trị của hòa bình và độc lập dân tộc
Còn tại lễ ra mắt sách sáng 15/12 vừa qua, một trong những nhà phân tích, nghiên cứu chiến lược quan hệ quốc tế là PGS. TS Triết học, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an lại đánh giá rất cao giá trị tư liệu quý của những bức ảnh trong cuốn sách. Theo ông, những bức ảnh này sẽ nhắc nhở người dân Việt Nam, nhất là thế hệ sau về những bài học lịch sử, đặc biệt là việc nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất sự kiện, hay những kinh nghiệm đề phòng, cảnh giác cao trước giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, ông cũng thể hiện sự tiếc nuối khi chưa được đọc nhiều hơn những câu chuyện liên quan trực tiếp đến nhân vật, bối cảnh chụp hay câu chuyện về cảm xúc, suy nghĩ của chính tác giả khi chứng kiến và quyết định khoảnh khắc bấm máy… Ý kiến đánh giá của ông đã được nhiều đại biểu dự lễ tâm đắc, chia sẻ.


Nhà báo, NSNA Vũ Quốc Khánh chia sẻ với tác giả tại buổi lễ
Dưới góc độ cùng là người làm báo và có khoảng thời gian khá dài tác nghiệp tại Campuchia thời điểm cuộc chiến biên giới Tây Nam, sau có điều kiện hoạt động, quản lý về chuyên ngành Nhiếp ảnh, Nhà báo, NSNA Vũ Quốc Khánh - nguyên Chủ tịch Hội NSNAVN các khóa VII, VIII đã đồng cảm sâu sắc với tác giả Trần Mạnh Thường. Ông nhấn mạnh giá trị tư liệu lịch sử đặc biệt của ảnh chiến tranh, trong đó một số tác phẩm ảnh tư liệu quý, trải qua năm tháng sẽ dần trở thành di sản ảnh của đất nước. Ông cũng hy vọng chờ đón tái bản của cuốn sách với phần bổ sung những câu chuyện về cả đời sống của nhân vật, sự kiện trong ảnh và câu chuyện cảm xúc của người chụp ra tấm ảnh đó.


Nhà báo, NSNA Đinh Quang Thành, người cùng tham gia chuyến công tác cùng Nhà báo Trần Mạnh Thường tại Cao Bằng tháng 2/1979 chia sẻ tại buổi lễ

TS. Nhà báo Trần Bá Dung - UVTV, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam xúc động phát biểu tại sự kiện
Nhiếp ảnh ở những khoảnh khắc và thời điểm đặc biệt đã trở thành một phần chân thực của lịch sử.

Và góp phần thay đổi số phận của một con người…

Không chỉ là một phần của lịch sử mà một trong hàng trăm tấm ảnh đó, có tấm ảnh đã trực tiếp góp phần thay đổi số phận của một con người… Tấm ảnh đặc biệt đó được in trong cuốn sách này với phần chú thích ngắn gọn: “Cô bộ đội bế em bé”. Nhưng câu chuyện đằng sau bức ảnh này lại có thể viết trọn cả chục trang sách…


"Cô bộ đội" Bùi Thị Mùi xúc động chia sẻ những cảm xúc đặc biệt trong ngày ra mắt cuốn sách của Nhà báo Trần Mạnh Thường. Bên cạnh cô là và "em bé" Hoàng Thị Thu Hiền và nhà báo Mai Thanh Hải 
Tại buổi lễ ra mắt cuốn sách ảnh, nhiều người cảm nhận được niềm hạnh phúc ánh lên trọn vẹn trong ánh mắt, nụ cười của cô bộ đội Bùi Thị Mùi và em bé Hoàng Thị Thu Hiền - 2 nhân vật trong tấm ảnh xưa được nhà báo Trần Mạnh Thường - khi đó là cán bộ của Phòng Nhiếp ảnh, Nhà xuất bản Văn hóa được cử lên công tác Cao Bằng chụp vào tháng 2/1979.

Khoảnh khắc xúc động của tác giả Trần Mạnh Thường khi nhớ lại những ngày tác nghiệp tại biên giới Cao Bằng trong Lễ ra mắt sách tại Hà Nội sáng 15/12

Trong ký ức của nhà báo, rạng sáng 17/2/1979, khi đang ở Tà Lùng, quân xâm lược từ phía bên kia biên giới, thực hiện mệnh lệnh của giới cầm quyền Trung Quốc lúc bấy giờ đã ào ạt tấn công, hàng đoàn xe tăng giặc nối đuôi nhau tràn vào thị trấn. Ông được hai chiến sĩ công an địa phương hỗ trợ di chuyển khắp các mặt trận từ Hòa An, qua thị xã Cao Bằng, theo đường số 4 đến mặt trận Thạch An, rồi băng rừng lội suối đến mặt trận của dân quân tự vệ và bộ đội chủ lực địa phương tại các huyện. Ròng rã chạy giặc, tác nghiệp, sáng 24/2/1979, đến cầu Tài Hồ Sìn (Hòa An, Cao Bằng), ông bắt gặp hình ảnh một bé gái chỉ chừng 3 tuổi ngồi khóc lịm bên cạnh người mẹ vừa bị mìn giặc xé nát một bên bắp chân, máu chảy thẫm đất, nằm bất động bên vệ đường. Vừa lúc đó có một chiếc xe com-măng-ca của bộ đội ta chạy đến, cô bộ đội vai đeo súng vội vã lao xuống ôm cô bé vào lòng, đưa lên xe để về tuyến sau. Mẹ bé cũng được đưa về cấp cứu tại một đơn vị quân y dã chiến…


Hình ảnh thị xã Cao Bằng bị quân giặc bắn phá tan hoang - Ảnh: Trần Mạnh Thường

Cầu sông Bằng (Cao Bằng) bị giặc đánh sập - Ảnh: Trần Mạnh Thường

Nhà trẻ thị xã Cao Bằng chỉ còn là đống đổ nát - Ảnh: Trần Mạnh Thường

Trâu bò bị giết dọc đường quân xâm lược đi qua - Ảnh: Trần Mạnh Thường

Bất ngờ trước sự tấn công của quân giặc, người dân thị xã Cao Bằng ngược đường quốc lộ, băng rừng di tản về hướng Bắc Kạn, Thái Nguyên. Giữa dòng người tản cư có hai chị em cõng nhau chạy nạn. Hai đứa trẻ vừa đói, vừa mệt nhưng cũng không dám nghỉ ngơi - Ảnh: Trần Mạnh Thường

Chị Nông Thị Ty, người dân thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo còn sống sót sau trận càn quét của quân Trung Quốc trả lời nhà báo Tiệp Khắc. Tại thôn này, 43 dân thường gồm người già, trẻ em, phụ nữ mang thai bị giết hại - Ảnh: Trần Mạnh Thường

Anh Nông Văn Ất ở xã Hưng Đạo (Cao Bằng) bật khóc khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài về cái chết của vợ con. Chị Nguyễn Thị Hải, vợ anh đang mang bầu 6 tháng cùng bốn đứa con, lớn nhất 10 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi đều bị giết chết rồi ném xuống giếng - Ảnh: Trần Mạnh Thường

Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra khi các quân đoàn chủ lực Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế, truy quét quân Khmer Đỏ ở Campuchia. Tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam trên toàn tuyến biên giới lúc này khoảng 50.000 quân, chủ yếu bộ đội địa phương, công an vũ trang và dân quân tự vệ. Bộ Quốc phòng Việt Nam gấp rút điều động các sư đoàn bộ binh quân khu từ tuyến sau lên, quân chủ lực từ chiến trường Tây Nam trở về - Ảnh: Trần Mạnh Thường
Đối đầu với đội quân đông gấp 12 lần được yểm trợ bởi hỏa lực mạnh, quân dân các dân tộc 6 tỉnh biên giới phía Bắc chủ động tổ chức chiến đấu ngay tại chỗ cầm chân quân giặc trong khi chờ quân chủ lực - Ảnh: Trần Mạnh Thường

Để huy động sức người, sức của cho công cuộc cứu nước, ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng động viên trên cả nước. Hàng vạn thanh niên các tỉnh biên giới và toàn quốc nhanh chóng ghi danh nhập ngũ- Ảnh: Trần Mạnh Thường

Đất nước chuyển mình vào cuộc kháng chiến mới. Hàng hóa nhanh chóng được chi viện cho chiến trường phía Bắc - Ảnh: Trần Mạnh Thường

Các thiếu nữ dân tộc Tày chuyển lương thực cho bộ đội - Ảnh: Trần Mạnh Thường

Xác xe tăng giặc bị bắn gục tại bản Sẩy (Hòa An, Cao Bằng). Bộ đội bám trụ từng hốc suối, bìa rừng, đánh bật quân Trung Quốc lùi dần về phía đường biên. Báo Quân đội nhân dân số Thứ Sáu, ngày 23/2/1979 đăng: "Trong 5 ngày (từ 17 - 21/2), quân dân các tỉnh biên giới diệt 12.000 địch, diệt và đánh thiệt hại nặng 14 tiểu đoàn, bắn cháy, phá hủy 140 xe tăng, xe thiết giáp, thu nhiều súng và đồ dùng quân sự" - Ảnh: Trần Mạnh Thường

Súng chống tăng, đạn B41, súng trung liên, đại liên của quân Trung Quốc bị bộ đội Việt Nam thu được. Khi lệnh Tổng động viên được ban bố thì cùng ngày 5/3, Trung Quốc tuyên bố rút quân vì đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh". Tuy nhiên, suốt 10 năm (1979-1989), chiến sự vẫn tiếp diễn ở biên giới phía Bắc, khốc liệt nhất là mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang)- Ảnh: Trần Mạnh Thường

Bức ảnh: "Cô bộ đội bế em bé" của tác giả Trần Mạnh Thường chụp tại ngã ba Khâu Đồn (Cao Bằng) ngày 24/2/1979 

Hình ảnh những đau đớn, mất mát trong chiến tranh khi quá nhiều sẽ dần thách thức cảm xúc của người chứng kiến, nhưng bằng sự nhạy cảm của một nhà báo, trong vô vàn cảnh tượng nguy khốn giữa cuộc chiến, ông đã lựa chọn hướng ống kính của mình lập tức bắt trọn khoảnh khắc đầy nhân văn ấy. Vì hoàn cảnh vô cùng vội vã của cuộc chiến, ngay sau khắc bấm máy, tiếng đạn lại nổ vang trời và mọi người nhanh chóng tản ra để đi tránh trú, nhà báo Trần Mạnh Thường đã không kịp hỏi thêm bất cứ thông tin nào về 2 nhân vật, nhưng bức ảnh này sau được đăng tải trên một số tờ báo đã mau chóng trở thành một trong những biểu tượng của tình quân dân.

Tuy nhiên, câu chuyện nhân văn của bức ảnh không phải chỉ bắt đầu từ khoảnh khắc nhà báo Trần Mạnh Thường bấm máy, mà thực sự được nối dài bởi một nhà báo khác - nhà báo Mai Thanh Hải (báo Thanh Niên) khi anh tìm gặp tác giả ảnh và quyết tâm đi tìm lại các nhân vật trong tấm ảnh năm ấy.

Năm 2016, sau 3 năm vất vả lặn lội tìm được em bé (lúc này đã 40 tuổi tên là Hoàng Thị Thu Hiền, sinh sống tại xã Hoàng Tung, Tp. Cao Bằng) thì nhà báo Mai Thanh Hải mới tìm được cô bộ đội năm ấy tại xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ trong hoàn cảnh vô cùng bi đát. Vốn là một chiến sĩ xông xáo của Đại đội 3, Tiểu đoàn 19 vận tải, trực thuộc Sư 346, Quân khu 1 chưa từng gục ngã bởi đạn bom cuộc chiến, vậy mà nay, sau tai nạn bất ngờ trước đó gần 1 năm, bà bị một thân cây lớn đổ đè trúng người đã khiến người cựu binh ấy phải nằm liệt giường, không thể chủ động dù là những sinh hoạt cá nhân nhỏ nhất.

Bà Bùi Thị Mùi và chị Hoàng Thị Thu Hiền trong ngày ra mắt cuốn sách. Sau chiến tranh, họ gặp lại nhau và chị Hiền đã nhận bà Mùi là mẹ

Từ phúc duyên của nhà báo Thanh Hải, trong một sự kiện kết nối các nhân chứng lịch sử do báo Thanh Niên tổ chức, nhà báo Trần Mạnh Thường đã được gặp lại và biết tên cô bộ đội năm xưa là Bùi Thị Mùi và em bé ngày đó tên là Hoàng Thị Thu Hiền. Mẹ của Hiền mất đã nhiều năm, còn nữ cựu binh Bùi Thị Mùi thì không có con. Buổi gặp gỡ định mệnh ấy đã đem lại sức sống mới cho người cựu binh khi chị Hiền nhận bà Mùi là mẹ. Nước mắt không ngừng rơi trên khuôn mặt bà vì bao nhiêu năm khát khao, những tưởng đã phải chấp nhận số phận, thì nay, tiếng gọi “mẹ” thiêng liêng của chị Hiền đã làm tan chảy trái tim người nữ cựu binh.

Cô bộ đội Bùi Thị Mùi luôn giữ nụ cười rạng rỡ từ sau mối lương duyên được kết nối từ bức ảnh năm xưa 

Thời gian sau đó, bằng nguồn tài trợ từ các độc giả thiện tâm của báo Thanh Niên, bà Mùi được hỗ trợ xây lại một căn nhà mới khang trang với đầy đủ đồ dùng cần thiết. Bà cũng tặng xe lăn, được kết nối để chữa trị miễn phí trong nhiều tháng tại các bệnh viện hàng đầu như Việt - Đức, Vinmec, Hùng Vương (Phú Thọ)… Cuộc sống của vợ chồng bà đã thay đổi hoàn toàn vì không chỉ có nhà mới, bà còn có con gái, con dể, các cháu ngoại - những người mà với bà, còn ấm áp và ý nghĩa hơn cả thuốc tiên. Nó giúp tinh thần bà khỏe mạnh, biến bà từ một người bệnh nằm liệt giường đau đớn tới mức cân nặng chỉ còn 37 kg và từng muốn quyên sinh. Thì nay, bà đã tăng lên gần 50kg, ánh mắt ấm áp, chủ động tự di chuyển trên chiếc xe lăn với nụ cười tươi tắn đang giao lưu cùng mọi người.

Được biết, bức ảnh này khi mới chụp xong đã được ông vội vã gửi cho báo Quân đội Nhân dân kịp đăng tải tháng 2/1979, với chú thích: “Mẹ của em bé? Không phải. Mẹ của em bị quân Trung Quốc xâm lược giết hại tại ngã ba Khâu Đồn ngày 24.2.1979 và đây là cô bộ đội đã cứu em!”…

Người thân và bạn bè đồng nghiệp chia vui cùng tác giả Trần Mạnh Thường trong lễ ra mắt sách ảnh tư liệu quý

Bức ảnh tư liệu ngày đó giờ đã làm thay đổi số phận một con người đáng quý như bà Mùi, như chị Hiền và làm nên cái kết đầy nhân văn về tình người, về những mối lương duyên trong cuộc sống…




Nhà báo, nhà NCLLPB Nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường sinh năm 1938, tại Lệ Thủy, Quảng Bình. Ông từng là học sinh Trường Thiếu sinh quân Việt Nam, được Nhà nước cử sang CHDC Đức học về Nhiếp ảnh. Về nước, ông công tác tại xưởng phim đèn chiếu, sau về làm việc ở Nhà Xuất bản Văn hóa, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Nghệ sĩ Trần Mạnh Thường là tác giả của 4 cuốn sách ảnh, 7 cuốn sách về kỹ thuật nhiếp ảnh và lý luận phê bình nhiếp ảnh, chủ biên biên trên 50 đầu sách về khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật. 

Năm 2011, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có công đóng góp vào việc xây dựng và hoàn thiện bộ sách “Tổng tập ngàn năm Văn hiến Thăng Long”. Ông cũng đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Hai.


Những bài học từ cuộc chiến vẫn còn nguyên giá trị 

Rạng sáng ngày 17-2 của 41 năm trước (1979), Trung Quốc đã xua 60 vạn quân cùng một dàn vũ khí khổng lồ tấn công vào hàng loạt khu vực biên giới phía Bắc của nước ta. Quân và dân ta đã quyết liệt đánh trả, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của biên giới Tổ quốc.

Nhận định về sự kiện này, PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, cho rằng: Cuộc tấn công ngày 17/2/1979 của Trung Quốc vào biên giới phía Bắc Việt Nam “mang đầy đủ yếu tố của cuộc chiến tranh xâm lược chứ không phải là “phản kích để tự vệ” như Trung Quốc vẫn nói”.  

PV: Chiến tranh luôn gây tổn thất cho 2 phía và tổn thất cho mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc. Biết là thế, sao Trung Quốc vẫn tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn như vậy đối với Việt Nam? Mục tiêu chính của Trung Quốc là gì?

PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà: Trong nghiên cứu của mình, tôi cho rằng khi tiến hành cuộc chiến này, Trung Quốc muốn đạt được 6 mục tiêu chính.

Một là, Trung Quốc muốn cứu quân Pol Pot, điều này rất rõ. Trung Quốc nhân cơ hội muốn đánh Việt Nam để cứu tập đoàn Pol Pot, buộc chúng ta rút khỏi Campuchia, tạo điều kiện để quân Pol- Pot quay trở lại.

Hai là, dù tiến đánh Việt Nam nhưng Trung Quốc lại muốn xem thử phản ứng của Liên Xô có giúp Việt Nam như cam kết trong Hiệp ước (ký kết tháng 11-1978) hay không? Và bằng hành động đánh Việt Nam, Trung Quốc muốn kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á.

Ba là, Trung Quốc muốn thông qua cuộc tiến công này để kiểm nghiệm khả năng của quân đội mình, thực hiện hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.

Mục tiêu hiện đại hóa quân đội là một trong bốn mục tiêu quan trọng nhất mà Đặng Tiểu Bình đã vạch ra ở thời điểm đó, bên cạnh ba mục tiêu khác là: hiện đại hóa công nghiệp, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật.

Bốn là, Trung Quốc muốn tranh thủ sức mạnh của Mỹ và phương Tây để thực hiện công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc.

Trước khi đánh Việt Nam, Đặng Tiểu Bình có sang thăm Mỹ và nói chuyện với Tổng thống Mỹ lúc đó là Jimmy Carter muốn đánh Việt Nam là để “dạy cho Việt Nam” một bài học. Bằng hành động đó, Trung Quốc muốn bắn một thông điệp cho phương Tây và Mỹ là Trung Quốc sẵn sàng bắt tay với phương Tây và Mỹ. “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”, đó là câu nói rất thực dụng của Đặng Tiểu Bình khi muốn thực hiện mục tiêu này.

Năm là, Trung Quốc muốn răn đe các nước khác trong khu vực rằng nếu không nghe theo Trung Quốc thì họ sẵn sàng thực hiện hành động quân sự như đã làm với Việt Nam.

Sáu là, Trung Quốc mang quân đánh Việt Nam một phần là để giải quyết mâu thuẫn nội bộ của Trung Quốc. Vì trong nội bộ Trung Quốc ở thời điểm đó, không phải ai cũng muốn đưa quân tiến đánh Việt Nam. Và Đặng Tiểu Bình muốn thông qua cuộc chiến với Việt Nam để thống nhất quyền lực, thâu tóm quyền lực về mình, thống nhất nội bộ.

PV: Những tổn thất từ cuộc chiến này làm cho 2 bên tốn rất nhiều thời gian để gầy dựng lại quan hệ. Vậy bài học rút ra từ cuộc chiến này là gì, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà: Trong cuộc chiến này, có một câu hỏi mà những người nghiên cứu như chúng tôi đặt ra là: Chúng ta có bị bất ngờ trong cuộc chiến này hay không?

Xin trả lời là chúng ta không bị bất ngờ về chiến lược nhưng bị bất ngờ về chiến dịch, về thời điểm tiến công của Trung Quốc, về quy mô cuộc chiến.

Và từ đó, bài học rõ nhất mà chúng ta cần rút ra là: Phải nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của đối tượng tác chiến mới để không bị động, không bị bất ngờ.

Thêm nữa, chúng ta cũng cần có nhận thức sâu hơn về bối cảnh quốc tế và khu vực như thế nào cho phù hợp. Lợi ích chiến lược của các nước lớn lúc đó như thế nào, có lợi hay hại cho chúng ta.

Đó còn là bài học về sự chuẩn bị cho cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, về điều động lực lượng sao cho kịp thời, chuẩn bị tác chiến; về công tác chỉ huy, sơ tán người dân như thế nào để không phải tổn thất quá nhiều....

Dù đã qua hơn 40 năm nhưng tôi nghĩ những bài học trên vẫn còn nguyên giá trị ở bất cứ thời điểm nào.
(trích phỏng vấn của tác giả Thanh Tuyền - https://plo.vn/)

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
“Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979” không chỉ đơn thuần là một cuốn sách ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO