Là học sinh Miền Nam tập kết, năm 1961 Lâm Tấn Tài được sang Liên xô học tập tại trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, Matxcơva. Nhưng những năm đó, do tình hình chính trị ở Liên xô và Đông Âu có biến động bởi chủ nghĩa xét lại, cho nên năm 1963, ông cũng như tất cả lưu học sinh Việt Nam phải về nước. Lâm Tấn Tài tiếp tục học tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông theo học khóa nghiệp vụ thông tấn báo chí để đi B (Miền Nam). Lâm Tấn Tài là người yêu nghề, và có ý thức về giá trị tài liệu của nhiếp ảnh. Ngay trên đường công tác từ Bắc vào Nam, tới đâu thấy cảnh đẹp và lạ mắt ông cũng chụp ảnh, và chụp ngay chính đoàn đi B của mình. Chín năm lăn lộn tại chiến trường Nam bộ, Lâm Tấn Tài là một mũi nhọn của Thông tấn xã Giải phóng. Khi ở Trung ương Cục, hoặc ở bên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, khi thì theo bộ đội về đồng bằng, lúc xâm nhập thành phố như một biệt động quân. Tết Mậu thân 1968, Lâm Tấn Tài đi theo tiểu đoàn 6 Quyết thắng, chụp cảnh quân và dân ta nổi dậy tấn công vào khu vực Chùa Ấn Quang, Tây Bắc Sà Gòn. khi đang chụp ảnh, ông bị mảnh đạn găm vào mắt. Đồng đội và nhân dân tìm cách đưa ông vào bệnh viện Chợ Rẫy của chính quyền Sài Gòn cứu chữa.Việc một nhà báo Việt cộng nhập viện của đối phương mổ mắt bị đạn là một câu chuyện ly kỳ, như một giai thoại. Khi vết thương lành, ông lại theo đường dây trở ra căn cứ. Ngày thi hành Hiệp định Paris, với danh nghĩa phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Lâm Tấn Tài đi cùng Phái đoàn quân sự bốn bên chụp ảnh hoạt động của các phái đoàn và cảnh quân đội Mỹ lũ lượt kéo nhau lên máy bay rút về nước. Ngày 30/4/1975, ông theo bộ đội vào giải phóng Sài Gòn. Bức ảnh “Thần tốc tiến về Sài Gòn” của ông được chụp trong giờ phút lịch sử sau 30 năm mong đợi, nhân dân Sài Gòn đổ ra hai bên đường mừng đón quân Giải phóng. Ngày hôm đó hàng mấy chục nhà quay phim, chụp ảnh từ Bắc chí Nam gặp nhau tại Dinh Độc Lập. Niềm vui giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước nghẹn ngào dâng cao trong ống kính của họ.
Sau ngày thống nhất đất nước, Lâm Tấn Tài đã cho xuất bản 2 cuốn sách ảnh về chiến tranh. Cuốn “Đường Hồ Chí Minh”, nói về đường mòn Trường Sơn từ thuở heo hút đi bộ đến lúc dài rộng đưa được cả xe vận tải các loại và xe tăng tới tận Dinh Độc Lập. Cuốn “Ảnh thời chiến” là một tập hợp những bức ảnh tâm đắc, những kỷ niệm chiến tranh, chân dung những bạn bè, đồng đội, đồng chí… Nó như tập hồi ký trong 9 năm công tác tại chiến trường của ông.
Từ những tấm ảnh trong hai cuốn sách trên, lần này gia đình Lâm Tấn Tài và Hội nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn ra một cụm tác phẩm 5 ảnh đăng ký Giải thưởng Nhà nước. 5 ảnh như 5 cột mốc chạy dọc theo thời gian công tác của Lâm Tấn Tài, nó gắn liền với các sự kiện mang dấu ấn lịch sử chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Miền Nam anh hùng:
Tác phẩm: Công binh mở đường Trường Sơn cho xe qua.
Tác phẩm: Vượt Trường Sơn. Tác phẩm: Biệt động Sài Gòn.
Tác phẩm: Hiệp định Paris 1973, Mỹ rút quân.
Tác phẩm Thần tốc tiến về Sài Gòn.
Chỉ với tên ảnh chân xác ngắn gọn, nó đã gợi mở cho người xem những cảm xúc và ý tưởng của ảnh, giúp người xem cảm nhận được phần nào vị trí sự kiện, tầm vóc sự kiện và ý nghĩa xã hội của của bức ảnh.Tên ảnh viết cụ thể, xúc tích kiểu thông tấn lại có ấn tượng và sức nặng hơn nhiều các ngôn từ bóng bẩy sáo rỗng.
Nhà báo- NSNA Lâm Tấn Tài Sinh năm : 1935 Nguyên quán: Mỹ An Hưng - Đồng Tháp Nguyên phóng viên ảnh Thông Tấn Xã Việt Nam. Nguyên Phó Tổng thư ký, Chủ tịch Hội Đồng Nghệ thuật Hội NSNAVN Nguyên Tổng Thư ký, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh TP HCM Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba Huân chương chống Mỹ hạng Hai Huân chương Quyết thắng hạng Nhất Huân chương Lao động hạng Nhất Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật |