Năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, chàng trai Nguyễn Hữu Thanh khi đó mới 19 tuổi đã trở về mang trên mình thương tật hạng 2/4. Về quê hương Duyên Yên, anh đã bén duyên với Nhiếp ảnh. Ngoài công việc làm ảnh dịch vụ để nuôi bản thân và gia đình, anh còn dành thời gian cho sáng tác ảnh nghệ thuật và đã gặt hái được nhiều thành công. Nhiều tác phẩm ảnh của anh đã được triển lãm, được trao giải khu vực tại nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế... Với những cố gắng, nỗ lực của bản thân cùng với tinh thần ham học hỏi, anh đã được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, là Hội viên Hội NSNA Việt Nam (tước hiệu A.VAPA), nghệ danh Nguyễn Thanh.
Suốt hai mươi năm cầm máy, anh lặng lẽ, cần mẫn ghi lại những hình ảnh, những sự kiện, sống động nhất, đẹp đẽ nhất của làng quê mình. Để hôm nay cho ra đời cuốn sách ảnh với tựa đề: Làng tôi. Làng tôi sao nghe mà da diết, thân thương. Đó là một ngôi làng nằm cạnh con sông Hồng đỏ nặng phù sa, được thành lập từ thời nhà Trần thế kỷ 13. Dân gian thường gọi là làng Lở, đã từng được vua Tự Đức phong tặng bốn chữ vàng: “Thiện tục khả phong” - nghĩa là làng có nếp sống văn hóa tốt đẹp.
Làng tôi là cây đa, giếng nước, sân đình, rộn ràng lễ hội, kiệu rước quanh làng dưới bóng tre xanh cao vút, la đà gió xuân. Là những trò chơi dân gian diễn ra ở sân chùa, ở ao đình thật sôi động và ấn tượng. “Ao đình ngày hội” ảnh đen trắng, tác phẩm đã đem đến cho người xem sự cổ tích và hoài niệm. Làng tôi là ngày lễ mừng thọ cho các cụ cao tuổi. Các cụ trăm tuổi áo vàng, khăn vàng, ngồi trong xe đẩy, có che ô và giải lụa hồng, con cháu cùng người thân rước các cụ ra đình làng, như đi trẩy hội. Ảnh chụp từ góc cao, thật đầm ấm và nhân văn.
Làng tôi là cánh đồng buổi sớm, những ô mạ mùa dài ngắn khác nhau, xếp thẳng hàng xanh mướt,bà con đang hối hả nhổ mạ cho kịp vụ cấy, cũng được chụp từ góc cao, khung cảnh nhà nông hiện lên như một bức thảm làng quê sống động.
Làng tôi là nghĩa tình đùm bọc tắt lửa tối đèn có nhau, là cận cảnh những người bạn già đến thăm nhau khi đau yếu, chăm cho nhau từng giọt sữa, vẻ mặt đầy biểu cảm.Tay nắm chặtt tay, chan chứa nghĩa tình.
Làng tôi giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Đó là những con người thuần phác, cần cù chịu thương chịu khó, một nắng hai sương,vượt qua mọi thử thách, đời nối đời xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Từ xa xưa, đã có các cụ: Trần Phúc Tuyên, Trần Phúc Thông, Trần Tú Dĩnh, học giỏi, đỗ cao, giữ nhiều trọng trách trong triều đình. Nối tiếp sau này là hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, sĩ quan, tướng lĩnh, doanh nhân, xã viên, có nhiều công lao trong các cuộc kháng chiến, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Xây dựng và bảo vệ toàn vẹn đất nước Việt Nam XHCN.
Ở mảng chân dung, Nguyễn Thanh cũng đã dày công sưu tầm và thể hiện khá thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt cho người xem khi ghi lại nhiều gương mặt tiêu biểu của làng - những người đã và đang giữ nhiều vị trí quan trọng, đóng góp vai trò lớn cho xã hội.
|
Bìa sách ảnh Làng tôi của NSNA Nguyễn Thanh |
Từ sự phát hiện nhanh nhạy, góc nhìn tinh tế, bố cục chặt chẽ, gam màu trầm ấm và khỏe khoắn, Làng tôi qua ống kính của Nguyễn Thanh hiện lên thật phong phú, đa dạng, dung dị, gần gũi mà thân thương. Là tình cảm, là tấm lòng của anh tri ân với làng quê, nơi anh đã sinh ra và dung dưỡng anh trưởng thành.
Trong cơn lốc của cơ chế thị trường, nhất là trong quá trình đô thị hóa nông thôn, nhiều những giá trị truyền thống đang dần bị mai một. Nói như nhà thơ Nguyễn Ngọc San là:
“ ... Làng ta nay, vai con gái để trần,
Giếng nước còn đây, cây đa người đốn
Vắng tiếng trống chèo chiều muộn.
Cánh buồm nâu xa mãi xa rồì”...
thì tập sách ảnh Làng tôi của Nguyễn Thanh càng có ý nghĩa khi giữ lại được cho thế hệ hôm nay và cả mai sau những hồi ức đẹp đẽ về không gian văn hóa vốn đã gắn bó thân thương và là chốn đi về của biết bao người con quê nhãn...
Có rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã xuất bản sách, nhưng sách ảnh của Nguyễn Thanh mang nét riêng của “Làng tôi”. Xin chúc mừng anh - người nghệ sĩ - người thương binh đang ngày ngày lặng lẽ chép sử làng bằng ảnh./.