Am hiểu văn hóa, nghệ thuật dân tộc, đam mê với nghề gốm sứ, từ đất sét, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên đã nhào nặn nên nhiều tác phẩm gốm nghệ thuật, sinh động. Luôn tự tìm hiểu học hỏi, bằng tài năng điêu khắc, với bàn tay vàng, các tác phẩm gốm nghệ thuật của nghệ nhân đã góp phần xây dựng thương hiệu nghệ thuật gốm phù điêu của Việt Nam bằng con đường riêng của mình.

Tuy không phải là làng nghề truyền thống, ra đời chưa lâu nhưng gốm phù điêu của Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Phạm Văn Tuyên đã trở thành một thương hiệu nghệ thuật của vùng đất quê hương Kiến Thụy, Hải Phòng. Từ tinh hoa của dòng gốm nặn, đắp thời Lê - Mạc cách đây hàng trăm năm, nghệ nhân đã kế thừa, phát huy và bồi đắp những sáng tạo riêng, trở thành các tác phẩm nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc, chứa đựng trong đó triết lý nhân sinh sâu sắc.

Không đơn thuần chỉ thực hiện vẽ men chìm trên mặt phẳng như thường thấy, sự điêu luyện của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên thể hiện ở kỹ thuật nặn, đắp điêu khắc khối nổi từ các hoa văn, họa tiết trên mỗi tác phẩm.
dsc_2099.jpg
Mỗi tác phẩm của NNƯT Văn Tuyên cho thấy biết bao tâm huyết và công sức, là lời tâm tình của đất, của nước, của lửa và của những sẻ chia, tiếp nối mạch nguồn văn hóa nghệ thuật dân tộc.

Nhìn từ ngoài, xưởng gốm nghệ nhân Văn Tuyên mang phong cách riêng, dáng dấp của một không gian nghệ thuật sắp đặt, có chút lãng mạn của không gian trưng bày điêu khắc với những tác phẩm đã hoàn thiện tạo tác. Nhưng cũng thấp thoáng hình ảnh một am thiền cư sĩ cùng sự bề bộn của một xưởng gốm với đất sét cao lanh bên lò nung, được thiết kế cách điệu mô hình một đầu máy xe lửa hơi nước và ô tô tải cổ.

Thời gian này, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên cùng các cộng sự đang miệt mài đắp, nặn, tỉa tót, tạo hình dáng rồng, đầu rồng, vảy rồng là các tác phẩm trong bộ gốm chuyên đề “Vũ điệu Bách Rồng” để chuẩn bị đón Xuân Giáp Thìn đang đến. Thời gian không còn nhiều buộc ông phải ngày đêm căng mình, lăn lộn trong xưởng để hoàn tất bộ gốm kích cỡ đồ sộ và hoành tráng, thể hiện khát vọng vươn tầm phát triển nghệ thuật gốm của Việt Nam.

Không gian xưởng điêu khắc, sản xuất gốm phù điêu của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên.

Cái khó đối với gốm đất, sau chế tác được phủ lớp men và để phơi khô kết dính vào nhau, nhưng muốn lên màu thì phải qua nung ở nhiệt độ cao mà vẫn giữ được hình khối, họa tiết. Điều đó đòi hỏi tài năng và tay nghề bậc cao của người làm gốm. Ông đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công mười bài men gốm độc đáo mang sắc màu thiên nhiên, màu của những lớp đất trầm tích nghìn năm được tôi luyện qua lửa đỏ huyền bí. Nét đặc sắc của gốm phù điêu còn thể hiện ở sự độc bản, thủ công, mang phong cách đặc trưng của nghệ nhân từ khâu chế tác, tạo khuôn âm bản đến quá trình nặn khắc tinh xảo, công phu.

Không đơn thuần chỉ thực hiện vẽ men chìm trên mặt phẳng như thường thấy, sự điêu luyện của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên thể hiện ở kỹ thuật nặn, đắp điêu khắc khối nổi từ các hoa văn, họa tiết trên mỗi tác phẩm nghệ thuật trước khi phủ men, đưa đi nung.
Mỗi tác phẩm của nghệ nhân Văn Tuyên cho thấy biết bao tâm huyết và công sức, là lời tâm tình của đất, của nước, của lửa và của những sẻ chia, tiếp nối mạch nguồn văn hóa nghệ thuật dân tộc. Mỗi tác phẩm đều tinh tế, khoáng đạt, ngập tràn âm sắc đất trời, gửi gắm tâm hồn và hoài bão nghệ thuật của nghệ nhân qua bàn tay vàng của chất liệu gốm phù điêu, phản ánh trong đó lịch sử, văn hóa, dân tộc.

dsc_1064.jpg

Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc đã gọi nghệ nhân Phạm Văn Tuyên là một “hiện tượng khác thường” trong đời sống nghệ thuật tạo hình và nghề gốm hiện đại khi làm chủ và có nhiều sáng tạo trong quy trình sản xuất gốm.

Điều đáng nói, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên không xuất thân từ quê hương làng nghề truyền thống và cũng không có được sự thuận lợi từ nghề gốm gia đình như nhiều người khác. Cuộc đời nghệ nhân là cả một hành trình dài tự học từ trường đời, tự tìm hiểu, nghiên cứu về họa tiết phù điêu cổ tại các đình, đền, chùa, di tích kiến trúc cổ để có được một bách rồng, bách bình và nhiều sản phẩm độc đáo khác.

Bắt đầu từ tình yêu với nghệ thuật điêu khắc dân tộc và khi cảm hứng được khơi nguồn đã trở thành khát vọng thể hiện, phục chế các họa tiết, hoa văn phù điêu đang dần bị mai một với mong muốn góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản cổ của dân tộc.

Cùng với tài năng “trời phú”, Phạm Văn Tuyên quyết tâm nghiên cứu và thấy ở gốm một chất liệu có thể giúp mình thể hiện niềm đam mê tái hiện những tuyệt tác điêu khắc của cha ông, nhất là phục dựng những đồ gốm phù điêu, đắp nổi các họa tiết hoa văn trên các bình gốm. Cũng từ đây, ông gắn bó với gốm, trăn trở, lăn lộn với gốm để rồi hình thành một dòng gốm mới của riêng Hải Phòng - gốm phù điêu. Ông chia sẻ: “Tôi chỉ mong muốn được cống hiến, thực hiện ước mơ và chuyển thể ý tưởng vào hình thể gốm, thao diễn cung bậc cảm xúc bên lò nung”.

Sự lan tỏa gốm phù điêu của NNƯT Phạm Văn Tuyên ở trong nước và nước ngoài đã góp phần giới thiệu nét đặc sắc và các giá trị văn hóa Việt, từ đó định hình trở thành một thương hiệu nghệ thuật quen thuộc.


Bắt đầu từ tình yêu với nghệ thuật điêu khắc dân tộc, khát vọng thể hiện, phục chế các họa tiết, hoa văn phù điêu đang dần bị mai một, NNƯT Văn Tuyên dồn hết sức và tâm trí để tạo ra những tác phẩm gìn giữ và phát huy các giá trị di sản cổ của dân tộc.

Theo dòng thời gian, những tác phẩm của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đã tham gia không ít triển lãm, không gian di sản nghệ thuật và xác lập được nhiều kỷ lục, có chỗ đứng trong lòng công chúng cùng những người yêu gốm. Như bộ “Bách bình” được làm hoàn toàn bằng tay và nhận về danh hiệu kỷ lục Người Việt Nam phục dựng và sáng tạo dòng gốm phù điêu nhiều loại nhất năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thiết kế “Bộ Văn phòng tứ bảo đá xanh” lớn nhất Việt Nam…

Tất cả đều toát lên sự tinh xảo trong từng đường nét điêu khắc hoa văn, hình khối sống động cùng kỹ thuật men gốm điêu luyện, mang đậm bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống và niềm tự hào, sự tri ân của các thế hệ hôm nay. Những ngày cuối năm Quý Mão, nghệ nhân đang tất bật hoàn thiện bộ “Bách rồng” để chào đón năm mới đồng thời để kịp triển lãm 100 con rồng độc bản tại Hoàng thành Thăng Long vào dịp đón Xuân Giáp Thìn. 

Không gian trưng bày sản phẩm điêu khắc của NNƯT Phạm Văn Tuyên. Tất cả các tác phẩm đều toát lên sự tinh xảo trong từng đường nét điêu khắc hoa văn, hình khối sống động cùng kỹ thuật men gốm điêu luyện, mang đậm bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống và niềm tự hào.

Khi bài viết chuẩn bị lên trang, được tin vui NNƯT Phạm Văn Tuyên đã đươc Bộ Công thương xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vì tài năng và sự đóng góp của mình. Chúc ông tiếp tục toả sáng niềm đam mê để cống hiến cho đời.


Bài: Quang Hồ
Ảnh: Quang Hồ, Viết Rừng
Thiết kế: Quang Hồ, Khánh Linh

Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO