Về kinh tế, huyện Hoàng Su Phì là huyện miền núi nghèo. Đời sống kinh tế chủ yếu trông vào một vụ lúa, trồng chè, chăn nuôi gia súc gia cầm: Trâu, bò, dê, lợn, gà… Huyện có hơn 3.600 ha ruộng bậc thang, trong đó có khoảng 1.380 ha ruộng bậc thang trải dài ở 11 xã. Điều đáng ghi nhận tháng 12/ 2011, ruộng bậc thang và danh lam thắng cảnh của huyện được Bộ VHTT- DL công nhận là Di sản Văn hóa Việt Nam.
Mùa gặt chính của huyện từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10. Đến nơi đây, ta sẽ bắt gặp những nương lúa vàng óng trên các thửa ruộng bậc thang chạy nối tiếp nhau trên các triền núi trùng trùng điệp điệp ngút tầm mắt uốn câu, nặng trĩu trải dài tới tận chân mây. Thấp thoáng trên các lưng chừng núi là các căn nhà sàn hay những chòi canh lúa. Tất cả, tất cả như hòa quyện với nhau thành những thảm vàng trải dài vô tận thật hùng vĩ và thơ mộng.
Trước những cảnh sắc tuyệt đẹp của mùa vàng đến nao lòng này, du khách, đặc biệt là giới ảnh chuyên và không chuyên chỉ còn biết bấm máy “liên thanh” để thu vào ống kính của mình hết thảy mùa vàng của vùng cao phía Bắc này về dưới xuôi làm “của riêng’’ cho mình. Hòa trong không khí ấy, vào mùa gặt 2024, tôi cũng may mắn được tác nghiệp cùng một số đồng nghiệp với đồng bào bản địa nơi đây, ở một số bản của Hoàng Su Phì như: Nậm Ty, bản Péo, bản Phùng, bản Luốc… Tiếp xúc với người dân tại các bản, tôi nhận thấy họ là những người nông dân cần cù, chất phác, yêu lao động và giàu lòng mến khách.
Nhân chuyến tác nghiệp này, xin gửi tới bạn đọc - không hoặc chưa có dịp đến Hoàng Su Phì một số hình ảnh mùa gặt này để cùng xem và tham khảo.
Tác giả bài viết mong cho kinh tế và ngành du lịch của Hoàng Su Phì trong thời gian tới không ngừng tăng trưởng và phát triển. Và cũng mong sao, đường giao thông từ ngã ba Tân Quang (từ trục quốc lộ 2) vào thị trấn Hoàng Su Phì (Vinh Quang) được cấp Tỉnh, cấp Bộ thời gian tới “vào cuộc’’, nhằm nâng cấp cải tạo, để việc giao thông đến trung tâm huyện dễ dàng và thuận tiện hơn hiện nay.