Lễ hội rước "ông lợn" độc đáo tại La Phù: Nét đẹp văn hóa tâm linh đầu Xuân Ất Tỵ 2025
Phạm Tuấn|10:56 11/02/2025
(NADS) - Tối ngày 10/2 và rạng sáng 11/2 (tối 13 và rạng sáng 14 tháng Giêng năm Ất Tỵ), 17 “ông lợn” có cân nặng mỗi “ông” trên dưới 200kg thuộc 12 thôn tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội đã được người dân rước tới đình để tế Đức Thành - hoàng làng La Phù trong lễ hội truyền thống đầu năm, thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham dự.
Hàng năm, cứ đến ngày 13 tháng Giêng, người dân xã La Phù lại tưng bừng tổ chức lễ rước “ông lợn” ra đình làng để dâng tế Thành hoàng làng, đây được coi là nét đẹp văn hoá tâm linh đã có từ lâu đời nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Thành hoàng làng Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm giữ gìn giang sơn bờ cõi.
Việc trang trí “ông lợn” đòi hỏi sự tỉ mỉ, thận trọng và khéo tay, thời gian dành cho việc trang trí hết nhiều giờ đồng hồ.Chia sẻ cùng phóng viên Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống tại điểm tu lễ, ông Nguyễn Quang Tuân, phụ trách thôn Hưng Vượng cho biết, để ghi điểm trong việc trang trí “ông lợn” thì điều đặc biệt phải làm sao tạo ra được một lớp áo choàng bằng lớp mỡ được bóc ra từ chính “ông lợn”.
Theo tương truyền, mỗi khi Tĩnh Quốc Tam Lang tập hợp binh sĩ lên đường đi đánh giặc, ông lại cho mổ lợn, thổi xôi để khao quân nhằm động viên và khích lệ tinh thần các binh sĩ. Người dân trong làng khi đó thường mang lợn đến dâng và tôn ông là Thành hoàng làng.
Nhờ những công lao to lớn, Tĩnh Quốc Tam Lang đã được các vị vua Lê Đại Hành, Trần Thái Tông, Lê Thái Tổ và vua Quang Trung ban sắc phong.
Sau này, Tĩnh Quốc Tam Lang đã “hóa” vào 0h đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng tại làng La Phù. Kể từ đó, mỗi khi vào ngày này hàng năm, người dân xã La Phù lại tổ chức lễ hội rước “ông lợn”, đây là nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân địa phương nhằm tái hiện lại những hình ảnh mà Tĩnh Quốc Tam Lang khao quân lúc bấy giờ cũng như để tưởng nhớ tới công lao to lớn của ông trong sự nghiệp đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Những “ông lợn” để tế lễ được tập trung trang trí ở nhiều vị trí như mẳt, mũi, tai, miệng, chân bằng chất liệu giấy sặc sỡ sắc màu
Lễ hội rước “ông lợn” năm nay cũng là dịp để mỗi người dân xã La Phù cũng như du khách trên mọi miền đất nước cảm nhận sâu sắc hơn về những giá trị văn hoá truyền thống, nét đẹp quê hương, khơi dậy lòng yêu nước, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân từ đó phát huy tinh thần tự tôn, tự lực, tự cường dân tộc, nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn những giá trị di sản văn hóa quý báu của dân tộc.
Theo quan niệm, “ông lợn” khi được đưa lên kiệu để tế lễ có dáng và da căng đẹp, hồng hào thì cả năm đó những người dân trong thôn được gặp nhiều may mắn, buôn bán thuận lợi, con cái học giỏi và thăng tiến trong sự nghiệp. Chính vì vậy, trong mỗi công đoạn trang trí, đòi hỏi người làm phải có tâm và hết sức cẩn thậnPhần đuôi cũng là điểm nhấn để làm nổi bật dáng nằm oai vệ của “ông lợn” tại lễ hội. “Ông lợn” của người dân thôn Tiên Phong II đang được chỉnh sửa kiệu lễ để chuẩn bị rước ra đình.Các bé trai được tuyển chọn để phục vụ cho việc rước cờ tại lễ hội. “Ông lợn” của người dân thôn Hưng Vượng nuôi nặng 172kg móc hàm được trang trọng rước ra đình làm lễ.Đến 19h, tất cả các ngả đường dẫn ra đình làng La Phù đều bị tắc nghẽn bởi lượng người đổ về lễ hội rước “ông lợn” quá lớn, nhiều em bé được người thân bế lên cao để đảm bảo an toàn. Đến 20h, một số “ông lợn” của các thôn vẫn đang di chuyển vào đình, nhưng do lượng người quá đông nên mặc dù cách đình làng La Phù không xa, nhưng phải mất cả tiếng đồng hồ mới rước được “ông lợn” tới đích. Theo quan sát của phóng viên Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, lượng người có mặt tại lễ hội ước tính lên đến hàng nghìn người.Ông Đỗ Thiện Khanh, 57 tuổi, thành viên Ban tổ chức lê hội thôn Quyết Tiến chia sẻ, hộ được lựa chọn nuôi lợn tế lễ phải có uy tín trong thôn, gia đình nề nếp, gương mẫu, phải có tâm nguyện trong việc chăm sóc “ông lợn”. Trong quá trình nuôi, thức ăn phải đảm bảo thực phẩm sạch, tắm rửa sạch sẽ, mùa đông phải tắm bằng nước ấm, đêm ngủ phải mắc màn để tránh muỗi đốt gây bệnh. Đặc biệt, với gia đình có tang sự thì việc nuôi “ông lợn” là không thể.Đến 21h, các “ông lợn” của 12 thôn tham dự lễ hội đã được người dân rước kiệu có mặt tại đình làng La Phù để chuẩn bị nhập cung.Tất cả 17 “ông lợn” được rước vào trong đình để trưng bày chờ đến thời gian lễ tế và chấm điểm.Lễ hội rước “ông lợn” năm nay, Ban Tổ chức lựa chọn 6 “ông lợn” đạt tiêu chuẩn của các thôn: Độc Lập, Thắng Lợi, Thống Nhất 1, Chùa Tổng, Minh Khai 2, Khu Công Nghiệp để đưa vào gian chính của đình chờ làm lễ dâng tế. Sau lễ tế đến hình thức chấm điểm, do chất lượng các “ông lợn” của 6 thôn này đều đạt các tiêu chí khắt khe nên Ban tổ chức đã quyết định chấm đồng giải nhất.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.