"Lĩnh vực nào có luật điều chỉnh, lĩnh vực đó phát triển bền vững!"

Phạm Hằng|12:24 23/08/2022

(NADS) - “Nghị quyết 23 “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” được ban hành và thực hiện đã 14 năm, nhưng Chính phủ chưa xây dựng được nghị định, trong khi đã có luật Báo chí, luật Thư viện, Luật Điện ảnh...

Trong buổi Gặp mặt kỷ niệm 74 năm thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam vào cuối tháng 7, nhà thơ Hữu Thỉnh – nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã bày tỏ mong muốn xây dựng một bộ luật chung cho toàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, với tên gọi: Luật phát triển văn học nghệ thuật.

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại buổi Gặp mặt kỷ niệm 74 năm thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam ngày 26/7. 

Nhà thơ nhấn mạnh, bộ luật này sẽ trở thành định hướng, tạo hành lang pháp lý chung cho toàn giới văn học nghệ thuật, không những đưa văn học nghệ thuật vào đời sống mà còn đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào đời sống. Bên cạnh đó, còn khích thích sáng tạo làm cho văn nghệ sĩ yên tâm để tập trung vào làm những công trình lớn, những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.

Trao đổi với phóng viên Arttimes.vn, bà Trần Thị Thu Đông- Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam- Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam- Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội- Đại biểu Quốc hội Khóa XV-  bày tỏ sự ủng hộ sâu sắc với đề xuất của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Bà Đông lí giải, bởi lẽ, trên cơ sở tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật đã nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương (khoá VIII), Nghị quyết 23/NQ-TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã giao Chính phủ xây dựng nghị định về các hội văn học, nghệ thuật, khẳng định các hội là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, được đầu tư, chăm lo cho sự phát triển.

Bà Trần Thị Thu Đông (thứ 4 từ phải sang) cùng lãnh đạo Liên hiệp tại buổi Gặp mặt kỷ niệm 74 năm thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam.

Tuy nhiên, nghị quyết 23 được ban hành và thực hiện đã 14 năm, nhưng Chính phủ chưa xây dựng được nghị định, trong khi đã có luật Báo chí, luật Thư viện, Luật Điện ảnh... Vì vậy, để tương thích với thực tiễn đất nước đang bước vào giai đoạn chấn hưng và phát triển văn hóa như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, việc đề xuất xây dựng luật về văn học, nghệ thuật là hoàn toàn hợp lý.

“Thực tiễn cũng đã chứng minh, lĩnh vực nào có luật điều chỉnh thì lĩnh vực đó sẽ phát triển bền vững!”, bà Đông khẳng định.

Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, việc xây dựng luật phát triển văn học nghệ thuật ở thời điểm này chẳng những không có gì trở ngại mà còn có thể nói là thuận lợi. Và việc xây dựng dự luật nên giao cho Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức thực hiện.

Bà cũng thẳng thắn chỉ ra “việc thể chế hoá và tổ chức thực hiện các nghị quyết, quan điểm, đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng còn thiếu đồng bộ; một số cơ chế, chính sách rất quan trọng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) đến nay vẫn chưa được cụ thể hoá để thực hiện”.

Bà Trần Thị Thu Đông hiện là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Khóa XV (Ảnh: NVCC).

Vì vậy, trước đề xuất xây dựng luật phát triển văn học nghệ thuật của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông đã mạnh dạn đóng góp một số nội dung cấp thiết. Cụ thể như sau:

1. Thể chế hoá các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về văn học, nghệ thuật. Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực văn học, nghệ thuật; rà soát, bổ sung và xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, như chế độ lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp...
2. Xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách, chế tài điều chỉnh việc Nhà nước đặt hàng mua tác phẩm, tổ chức sản xuất, trình chiếu, triển lãm, tặng giải thưởng các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
3. Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của các hội phù hợp với thời kỳ mới, khuyến khích tìm tỏi các phương thức hoạt động gắn chặt với thực tiễn cuộc sống.
4. Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn học nghệ thuật tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương; Xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc.
5. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật, cả đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài các năng khiếu, tài năng văn học, nghệ thuật; phải chú trọng đúng mức tính đặc thù, chuyên biệt và yêu cầu đào tạo tài năng.
6. Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà.
7. Đầu tư nguồn lực đúng mức cho văn học, nghệ thuật; bảo đảm kinh phí cho các chương trình mục tiêu lớn, cho hoạt động sáng tạo của các hội văn học, nghệ thuật, để xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
8. Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
9. Có kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, nghệ thuật; nâng cấp, cải tạo và xây mới một số nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao, tầm cỡ lớn, tính chất hiện đại ở các thành phố, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, tương xứng với vị thế của đất nước thời kỳ mới.
10. Xây dựng cơ chế chính sách cụ thể để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh. Đồng thời xây dựng cơ chế quản lý và chế tài ngăn chặn, xử lý các hoạt động sáng tác, truyền bá những sản phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung, tư tưởng nghệ thuật thấp, ảnh hưởng xấu tới xã hội.

Sau những ý kiến tâm huyết đã nêu lên, bà Trần Thị Thu Đông hy vọng, tương lai nếu “Luật phát triển văn học nghệ thuật” được xây dựng và đi vào đời sống văn nghệ sĩ sẽ tạo bước phát triển mới cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Từ đây, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ xứng đáng là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh, bền chặt, phát huy tối đa tài năng và tâm huyết góp sức cống hiến cho sự phát triển văn hóa đất nước. 


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
"Lĩnh vực nào có luật điều chỉnh, lĩnh vực đó phát triển bền vững!"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO