Hồn Tây Nguyên qua tập sách ảnh "Tượng gỗ Tây Nguyên"

Hồn Tây Nguyên qua tập sách ảnh "Tượng gỗ Tây Nguyên"

02:40 09/10/2020

NAĐSO - Ngày đầu thu, nhân dịp được mời ra Hà Nội tham gia chấm giải thưởng ảnh cấp quốc gia, Trần Phong đã tặng tôi cuốn sách ảnh mới phát hành “Tượng gỗ Tây Nguyên”. Xem cuốn sách, mới thấy được hết giá trị độc đáo (giờ gần như đã biến mất) của những “tác phẩm” điêu khắc của đồng bào Gia Rai và Ba Na - Tây Nguyên.
Nhà mồ của dân tộc Ba Na, làng Pơ Yang, thị trấn Kông Chro, Gia Lai, năm 2015
Cầm cuốn sách ảnh “Tượng gỗ Tây Nguyên” và lật giở từng trang, mới thấy được giá trị quá trình “sưu tầm” hình ảnh của Trần Phong - để thấy anh đã “hết mình” với đồng bào Tây Nguyên, với niềm đam mê Nhiếp ảnh của mình đến chừng nào...

Tây Nguyên, một vùng đất giàu truyền thống văn hóa dân gian, đó là trường ca, sử thi, văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, điêu khắc tượng mồ... Tượng gỗ Tây Nguyên là những tác phẩm điêu khắc độc đáo có một không hai của đất nước ta.


Bìa sách "Tượng gỗ Tây Nguyên"

Hầu hết các bức ảnh trong tập sách là kết quả sưu tầm hơn 3 thập kỷ, Phần lớn các bức ảnh được Trần Phong chụp ở thập niên 80 của thế kỷ XX - giai đoạn đó các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh đi chụp ảnh và có phim để chụp ảnh... gian khó biết bao, kỳ công biết bao! Vậy mà, Trần Phong đã có được đến con số hàng ngàn những bức ảnh chân thực chụp về tượng gỗ, nhà mồ, lễ hội bỏ mả, đời sống sinh hoạt liên quan đến hiện tượng văn hoá này chủ yếu của hai dân tộc Gia Rai và Ba Na của hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Để rồi cô đọng lại “hơn 300 bức ảnh” trong cuốn Tượng gỗ Tây Nguyên nhằm “lưu giữ và phổ biến giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian này” tới công chúng.

 Đi săn, dân tộc Ba Na, làng Brưl, xã Chơ Long, huyện Kông Chro, Gia Lai, năm 1990

Biết Trần Phong 15 năm có lẻ - một khoảng thời gian không quá dài, nhưng cũng không gọi là ngắn. Theo dõi chặng đường nhiếp ảnh đó của anh, đủ để nhận ra giá trị chân thực của một người cầm máy có tư duy, có nghề, có niềm đam mê bền bỉ...

Trần Phong có đến hàng ngàn giải thưởng trong nước và quốc tế, 2 lần ra mắt triển lãm ảnh cá nhân và đây là tập sách ảnh thứ 3 được phát hành. Anh được Hội Nhiếp ảnh Mỹ (PSA) phong tặng Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Bậc Thầy (anh là người Việt Nam đầu tiên nhận được danh hiệu này), được Liên đoàn Nhiếp ảnh Quốc tế (FIAP) phong tặng Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Xuất sắc bậc Kim Cương (cả Việt Nam đến giờ mới có 2 người). Nhưng Trần Phong rất khiêm nhường, anh không đao to búa lớn, không gióng trống khua chiêng, lại càng không hề mắc “bệnh Sao”... mà vẫn cứ tiếp tục lặng lẽ với nghề, với đam mê của mình. Điều đó được thể hiện qua các giải thưởng quốc tế, qua các ấn phẩm cá nhân!

Nhìn vào gia tài ảnh đồ sộ của Trần Phong, khiến người ta càng khao khát khám phá, tha thiết giữ gìn, trân trọng và nâng niu.
Bài: NSNA Chu thu hảo
Ảnh: NSNA Trần Phong

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Hồn Tây Nguyên qua tập sách ảnh "Tượng gỗ Tây Nguyên"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO