
1, Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giới công thương Việt Nam.
Trong suốt sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có khoảng 100 bài nói, viết, điện, thư gửi giới công thương, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Qua các bài nói, bài viết đó, Người nêu ra những quan điểm cụ thể, súc tích, làm kim chỉ nam trong tu dưỡng xây dựng và công tác của mỗi doanh nghiệp. Cùng với các lĩnh vực khác, hoạt động liên quan đến các xí nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần làm phong phú thêm tư tưởng của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi mọi lực lượng đều là nguồn lực của cách mạng, Người thấy rất rõ vai trò của giới Công thương trong công cuộc xây dựng đất nước. Chính vì vậy ngày 13-10-1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư đầy tâm huyết gửi cho giới doanh nhân và các doanh nghiệp, động viên họ tham gia Tổ chức Công thương cứu quốc đoàn. Bức thư của Người có thể coi như văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về vai trò và nhiệm vụ của doanh nghiệp, doanh nhân: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Người cũng chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự phát triển của giới công thương: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết này” và đề nghị Chính phủ phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả giúp doanh nhân vượt qua cơn sóng gió. Ngay từ năm 1947, Hồ Chí Minh đã có tư duy về kinh tế thị trường khi Người nói rằng: “Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm. Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động”. Theo Người, cùng với sự tận tâm giúp đỡ bằng mọi cách khác nhau của Chính phủ thì điều quyết định là ở doanh nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi hoạt động của giới công thương là một bộ phận quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. Cho nên Người xác định sự toàn tâm, toàn ý với giới Công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước, Người kêu gọi: “Các nhà giàu có, mau mau góp vốn mở lại các công ty kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính, giao thông để tích cực tăng gia sản xuất, lưu thông, buôn bán”.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng thành công CNXH thì phải có con người XHCN “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, chính vì vậy phải có đội ngũ những người có tài năng, đức độ làm rường cột bởi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, quốc gia hưng thịnh hay suy vong phụ thuộc rất lớn vào việc trọng dụng nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương trong vòng một tháng phải điều tra báo cáo với Chính phủ về “những người tài đức, những người có thể làm được những việc ích nước lợi dân”, không phân biệt tôn giáo, thành phần kinh tế. Bên cạnh đó là phải biết đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài một cách hợp lý, trao quyền và tạo hành lang pháp lí để người tài phát huy thế mạnh. Trong những người tài giỏi, năng lực trong lĩnh vực công thương có ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của nước Việt Nam DCCH. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông vừa hoạt động cách mạng, vừa kinh doanh sách báo tiến bộ, kinh doanh lương thực, hàng nông sản. Cách mạng thành công, trân trọng tài, đức của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Bộ tài chính. Ông đã có công rất lớn trong việc xây dựng nền tài chính Việt Nam. Từ một nền tài chính kiệt quệ của một nhà nước non trẻ, bằng tài năng và tâm huyết, trong 12 năm, ông đã lãnh đạo ngành tài chính vượt qua khó khăn, góp phần vào thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
2, Giới công thương giúp đỡ và đi theo cách mạng theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thời kỳ tiền khởi nghĩa, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng đã rất chú trọng đến vấn đề tạo dựng được mối liên hệ chặt chẽ giữa các bộ phận của Đảng và các tổ chức quần chúng cách mạng. Tháng 2-1940, theo sự bố trí của Đảng, Nguyễn Ái Quốc đến ở nhà ông bà Tống Minh Phương trong một gian buồng nhỏ trên gác, ở số nhà 76 đường Kim Bích, thành phố Côn Minh. Theo sự gợi ý của Nguyễn Ái Quốc, hiệu may Tống Minh Phương chuyển thành hiệu cà phê Tân Nam – nơi đây trở thành địa điểm hội họp của bà con Việt Kiều yêu nước và là cơ sở nuôi giấu cán bộ từ trong nước sang hoạt động. Đến giữa năm 1946, khi vùng này bị quân Tưởng phá phách, cộng đồng người Việt cũng không được yên ổn nên ông bà Phương phải bán toàn bộ nhà cửa, gia sản để về nước. Ông bà hiến cả gia tài cho cách mạng, một phần được dùng để mua nhà ở phố Lò Đúc làm nơi an dưỡng cho các đồng chí có công với cách mạng, phần còn lại mua biệt thự Cây Liễu ở gần Ngã Tư Sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng làm địa điểm họp bí mật ở Hà Nội trong những ngày gian nguy “vận nước ngàn cân treo sợi tóc”.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, từ căn cứ Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang của một gia đình thương gia: ông Trịnh Văn Bô và vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ, chủ thương hiệu vải Phúc Lợi với gian hàng tơ lụa ở số 7 Hàng Ngang- những nhà doanh nghiệp giàu nhất nhì Hà Nội thời đó. Sau khi bàn bạc với gia đình, hai vợ chồng quyết định gom tiền hiến tặng Việt Minh. Thời điểm đó, muôn vàn khó khăn trước mắt: nạn đói, nạn dốt, giặc ngoại xâm đe dọa, ngân khố trống rỗng còn vẻn vẹn 1,25 triệu đồng Đông Dương, trong đó có 580 nghìn đồng rách nát chờ tiêu hủy, nợ các khoản lên đến 564 triệu đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ vàng” bắt đầu từ ngày 4/9/1945 khuyến khích người dân đóng góp ngân sách quốc gia nhằm tháo gỡ sự khó khăn tài chính của đất nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhiều tầng lớp nhân dân đã tham gia đóng góp, trong đó tầng lớp thương nhân đóng vai trò chủ chốt. Kết thúc Tuần lễ Vàng, trên cả nước đã có 370kg vàng và 40 triệu đồng nộp vào “Quỹ Độc lập” và 20 triệu đồng nộp vào “Quỹ Quốc phòng” . Gia đình ông bà Bô đã đóng góp 5.147 lượng vàng (tương đương với 2 triệu đồng Đông Dương). Không những thế, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động “Tuần lễ vàng”, khích lệ giới Công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp vàng và tiền cho Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với hai ông bà: “Cách mạng biết ơn cô chú!”. Khi nhớ lại thời kỳ đó, bà Hoàng Thị Minh Hồ nói: “Cái quý giá nhất tôi nghĩ không phải là số tiền đó mà chính là việc chúng tôi đã bảo vệ lãnh tụ Hồ Chí Minh trong suốt một tháng ba ngày và cả Ban Thường vụ đi về, làm việc ở nhà tôi mà không xảy ra sự cố nào”. Sau kháng chiến, gia đình bà hiến tặng toàn bộ ngôi nhà 48 Hàng Ngang và đồ đạc, nội thất làm di tích lịch sử. Để ghi nhận những công lao to lớn của một gia đình doanh nhân với đất nước, Đảng và Nhà nước đã truy tặng cụ Trịnh Văn Bô Huân chương Độc lập hạng Nhất, đồng thời trao tặng phần thưởng cao quý này cho cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ.
Có thể thấy rằng trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chọn người thực sự có tâm, có tầm để góp sức cho công cuộc cách mạng vì dân vì nước, giành độc lập tự do cho dân tộc. Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện là một trong những người đặt nền móng cho nền tài chính cách mạng Việt Nam. Khi Chính phủ ban hành Sắc lệnh “Quỹ độc lập” và phát động “Tuần lễ vàng” thì lúc đó ông được cử phụ trách Quỹ Độc lập Trung ương Hà Nội, gia đình ông đã đóng góp 10 vạn đồng và 100 lạng vàng cho cách mạng. Ông Thiện còn tham gia mua đấu giá bức tranh vẽ Bác Hồ vào ngày 23/9/1945 với giá 1 triệu đồng rồi sau đó tặng lại Hà Nội để rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ cách mạng. Tháng 5/1946, ông Đỗ Đình Thiện được chọn đi tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức nước Pháp trong hơn ba tháng. Năm 1946, ông bà Đỗ Đình Thiện mua nhà in Tô-Panh của Pháp (một trong hai nhà in lớn nhất Viễn Đông lúc bấy giờ) với tư cách cá nhân rồi tặng cho Chính phủ để in tiền. Hiện nay ở thủ đô Hà Nội đã có một con phố được đặt tên Đỗ Đình Thiện để ghi nhận và minh chứng về công lao và những đóng góp to lớn của doanh nhân này với cách mạng Việt Nam.
Làm kinh tế ở một đất nước nửa thuộc địa rất khó khăn, gian nan và vất vả. Ngay từ khi mới ra đời, các doanh nghiệp tư nhân, tư sản Việt Nam đã ở vào thế yếu về kinh tế và chính trị so với tư bản Pháp hay tư bản Hoa kiều, chịu sự cạnh tranh, kìm hãm, hạn chế phát triển của thực dân. Tuy vậy, trên nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan trọng, vẫn có những doanh nhân, nhà tư sản dân tộc xuất sắc vượt qua các cuộc cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và phát triển. Với nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân đối với công cuộc kiến thiết nước nhà, ngày 18/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ giới công thương Hà Nội tại Bắc Bộ Phủ nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế đất nước. Sau cuộc gặp này, Chính phủ Hồ Chí Minh được giới công thương Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung ủng hộ rất lớn về vật chất, qua đó giảm bớt khó khăn về tài chính cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo thời gian, cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của nhân dân ta ngày càng cam go, ác liệt. Mặc dù bận nhiều công việc trong lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kháng chiến, kiến quốc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp, doanh nghiệp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có nhiều bài viết, bài nói, thư,… gửi giới công thương, các xí nghiệp, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế quốc dân. Ngoài việc đánh giá những thành tích đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm mà giới công thương cần khắc phục, sửa chữa, đồng thời đề ra những giải pháp giúp xí nghiệp, doanh nghiệp phát triển. Người cho rằng những phẩm chất cần có của người đứng đầu xí nghiệp, doanh nghiệp là “phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính. Phải thật sự chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Phải nâng cao cảnh giác, bảo vệ xí nghiệp. Phải khéo đoàn kết và lãnh đạo công nhân...”. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm, sâu sát, đi thực tế tới các địa phương, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất… Người đã kịp thời động viên, khen thưởng những cơ sở công - thương nghiệp và người lao động tiêu biểu. Ngày 21-12-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Nhà máy Đèn Bờ Hồ (Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội ngày nay), Người đã gặp gỡ và khen ngợi tập thể cán bộ công nhân viên Nhà máy Đèn đã cố gắng sản xuất điện đều, làm cho sinh hoạt của đồng bào trong thành phố tiếp tục được duy trì bình thường. Đồng thời Bác căn dặn mọi người phải đoàn kết, thi đua, tiết kiệm... Với ngành Dệt May, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian về thăm các đơn vị, xí nghiệp 7 lần. Khi đến thăm Xưởng May 3 của Xí nghiệp May 10 (nay là Tổng công ty May 10), Người nhắc nhở: Sản xuất thì phải tiết kiệm, nếu sản xuất mà không chú ý đến tiết kiệm thì như gió vào nhà trống; Với ngành than, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần về thăm vùng Mỏ Quảng Ninh. Ngày 15/11/1968, Người đã gặp đoàn đại biểu công nhân ngành Than và chỉ rõ nguyên nhân làm cho sản xuất than trì trệ, đó là “Tổ chức kém, quản lý kém” và Người kêu gọi: “Đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành thời gian tới dự và nói chuyện tại Hội nghị ngành Công nghiệp nhẹ, đến thăm các đơn vị doanh nghiệp khác như Nhà máy Diêm Thống Nhất, Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Nhà máy cơ khí Hà Nội, nhà máy Cao-Xà-Lá… Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, tìm hiểu cụ thể cụ thể về những thuận lợi, khó khăn của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là đời sống của những người lao động. Ngày 28-4-1968, sau khi bỏ phiếu bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa IV, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị đi thăm một số đường phố. Khi xe qua Hàng Ngang, Hàng Đào, thấy một số tiểu thương ngồi bán ở vỉa hè, Người hỏi: Tổ chức cho họ vào buôn bán ở một điểm có khó khăn gì? Các đồng chí đã báo cáo là phải khắc phục vấn đề chậm cải tạo tiểu thương, tình hình vệ sinh còn nhiều thiếu sót. Người căn dặn: Chính quyền phải cố gắng tổ chức chuyển những người buôn bán nhỏ sang sản xuất có ích cho xã hội. Trong hoàn cảnh vừa sản xuất, vừa chiến đấu cũng phải giữ cho đường phố văn minh, sạch đẹp.
3, Giới công thương Việt Nam làm theo lời dạy của Bác Hồ
Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục đồng hành, quan tâm giúp đỡ các doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng nền kinh tế nước nhà. Những kì tích chúng ta đạt được đã tạo nên diện mạo mới trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta đã có sự đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp và có nhiều chính sách phù hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển ngày càng lớn mạnh, trở thành lực lượng có đủ năng lực, trí tuệ, có tinh thần yêu nước, có trách nhiệm với Tổ quốc, nhân dân.
Trong những vừa năm qua, ngành Công Thương và các đơn vị trong Ngành đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành. Đến nay, cả nước đã có trên 460.000 doanh nghiệp, 1 triệu hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 133 ngàn hợp tác xã, trang trại. Trong đó có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã vươn lên trở thành Tập đoàn, Tổng công ty mạnh trong nền kinh tế đất nước; được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập, Lao động; danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, tiêu biểu như Tổng công ty May 10, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn than-khoáng sản, Tập đoàn Điện lực Việt Nam... Ngày 20-9-2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13 tháng 10 hàng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Ngày 4/10/2015, Trung tâm đào tạo, tư vấn và thông tin kinh tế - Câu lạc bộ các Nhà Công thương Việt Nam phối hợp với Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức chương trình “Vì sự nghiệp ích quốc lợi dân - Vinh danh các nhà công thương xuất sắc 2015” tại Hà Nội. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và nhân dịp ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, nhằm tôn vinh những đóng góp và thành tựu của giới công thương. Trước buổi lễ, Ban tổ chức và đoàn doanh nhân đại diện cho doanh nhân trong cả nước đã đến dâng hương và làm lễ báo công Bác tại di tích Nhà H67 trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Chương trình này vinh danh 67 doanh nghiệp được trao tặng chứng nhận “Nhà Công thương Việt Nam xuất sắc 2015” và 5 đơn vị được chứng nhận “Vì sự nghiệp ích quốc lợi dân”. Trong đó có nhiều doanh nghiệp đã đạt những thành tựu lớn, xây dựng được thương hiệu mạnh trong và ngoài nước như Tân Hiệp Phát, PepsiCo, Thần Châu Ngọc Việt, Hanaka, Bảo Tín Minh Châu, Gốm Đất Việt… Tháng 6/2019, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam và một số doanh nhân tiêu biểu. Tại đây, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tư nhân có khát vọng làm giàu chính đáng, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm của mình và tham gia chống tham nhũng, tiêu cực… Thủ tướng cũng nhắc lại tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là không được thành kiến với kinh tế tư nhân, cần phải bình đẳng, công bằng đối với kinh tế tư nhân, phát triển mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh. Mới đây, nghị quyết của Đại hội Đảng lần XIII về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 cũng chỉ rõ: “Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế…Không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế, phát triển lực lượng doanh nghiệp của người Việt Nam ngày càng vững mạnh…”(*)
Có thể khẳng định rằng, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công thương nghiệp, doanh nhân đến nay vẫn nguyên giá trị. Công cuộc đổi mới kinh tế do Đảng ta lãnh đạo đã tạo nên diện mạo mới khắp mọi miền Tổ quốc. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam vẫn không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tiếp tục phát triển, góp sức dựng xây đất nước ta hội nhập, giàu mạnh, hạnh phúc.
(*) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 2021. Tập I, tr 215-216