Tác phẩm “Mặt trời trong lăng sáng tỏa” của NSNA - AHLĐ Trần Lam là một bức ảnh từng vướng phải tranh chấp về bản quyền, tuy nhiên đã được Hội NSNA VN thẩm định và chứng minh quyền tác phẩm. Bức ảnh này cũng được NSNA Trần Lam bán đấu giá từ thiện, số tiền bán 1 triệu USD được gửi cho Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo để chi trả phí mổ 500 ca tim bẩm sinh.
Tại khoản 1, Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) đi theo đó là Nghị định 105/2006/NĐ-CP và Nghị định 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điểm và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan đã khẳng định tác phẩm Nhiếp ảnh là đối tượng bảo hộ của Luật Sở hữu Trí tuệ.
Qua một thời gian dài, kể từ khi ra đời (14/3/1869), trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, nhiếp ảnh Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng. Lực lượng Nhiếp ảnh Việt Nam đã thực sự đoàn kết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trong giai đoạn này, vấn đề vi phạm bản quyền nhiếp ảnh ít xuất hiện. Nhưng, từ sau khi đất nước thống nhất, cùng với sự phát triển chung của đất nước nhiếp ảnh Việt Nam cũng không ngừng phát triển, việc vi phạm, tranh chấp bản quyền lúc này đã xuất hiện. Đặc biệt ngày nay, sự ra đời của công nghệ 4.0 đã mang đến lợi thế cho các ngành trong đó nhiếp ảnh được hưởng lợi rất lớn, nó làm thay đổi từ tư duy nhận thức đến phương pháp sáng tác... Lợi thế là vậy, nhưng về bản quyền nhiếp ảnh lại hết sức phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết. Báo Người Lao động (Thành phố Hồ Chí Minh) số ra ngày 8/5/2016 đã phải thốt lên “Bản quyền nhiếp ảnh: Vô tư xâm phạm”, Đài truyền hình Việt Nam ngày 22/12/2019 đã phát đi phóng sự “Nghệ sĩ bất lực trước vi phạm bản quyền nhiếp ảnh”… và nhiều cá nhân, báo chí đã phải lên tiếng. Tôi còn nhớ vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX, chỉ có lẹt đẹt vài vụ tranh chấp bản quyền như tác phẩm “Chó bú mèo” ở Hải Phòng hay tác phẩm “Bác Hồ đạp máy cấy” ở Hà Nội thôi, thế mà ngày nay việc xâm phạm bản quyền sao mà tràn lan thế. Nhiều vụ kiện cáo về bản quyền nhiếp ảnh kéo dài, gây xôn xao dư luận như: Vụ tranh cãi về nghi án đạo ảnh giữa hai NSNA Trần Lam và Minh Lộc về bức ảnh triệu đô “Mặt trời trong lăng sáng tỏa”, vụ lấy ảnh người khác photoshop xong lại rồi gửi đi thi ở Bình Dương, vụ người khác lấy ảnh Hạ Long của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đỗ Kha đi bán… Đặc biệt, nhiều cơ quan đã xâm phạm bản quyền một cách thô thiển như vụ hàng trăm bức ảnh về chim của các nhiếp ảnh gia đã bị sao chép để in sách “Chim Việt Nam” với 200 cuốn, giá bán là 1,2 triệu đồng/cuốn, trong khi nghệ sĩ nhiếp ảnh không được trả nhuận bút. Hoặc “Tuyển tập cảnh đẹp Việt Nam” với 300 bức ảnh về văn hóa, địa lý, con người của 56 dân tộc anh em, đã bị ăn cắp công khai. Trước sự phản ứng của nghệ sĩ nhiếp ảnh, một số nhà xuất bản đã ra quyết định thu hồi vài đầu sách. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy có nhiều bản đã được bán ra thị trường chưa thể thu hồi và cứ thế người sử dụng lại thản nhiên sao chép. Ở đây chúng ta chưa có điều kiện để nói hết các trường hợp khác sử dụng ảnh đăng lên các báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, pa-nô, áp phích, quảng cáo mà không hề hỏi ý kiến tác giả, không trả nhuận bút… chúng ta chưa nói đến việc vi phạm bản quyền đối với các tác phẩm phái sinh.
Mới đây, hơn 450 hội viên ở Thành phố Hồ Chí Minh ghi tên trong bản kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, đồng lòng lên tiếng đề nghị hội đồng nghệ thuật của các hội chuyên ngành lưu ý đến việc xác thực bản quyền hình ảnh khi duyệt chương trình biểu diễn nghệ thuật có thiết kế màn hình Led, in quảng cáo quảng bá có sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh, để tránh việc “cầm nhầm” tác phẩm một cách công khai như lâu nay. Đây là một việc làm hết sức cần thiết.
Ngoài xâm phạm trong việc sử dụng các tác phẩm nhiếp ảnh để in ấn, xuất bản trên các báo chí, quảng cáo và với các mục đích khác mà không có ý kiến của tác giả, không trả nhuận bút theo quy định. Vấn đề đạo ảnh, việc ăn cắp các bài viết về nhiếp ảnh của người khác để làm thành tác phẩm của mình cũng là một việc cần bàn. Ngoài ra ở đây cũng chưa bàn đến việc ăn cắp ý tưởng trong nhiếp ảnh.
Nhiếp ảnh có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Vai trò của tác giả hết sức quan trọng trong dấu ấn của tác giả. Việc bảo vệ quyền tác giả hiện nay là một việc làm cấp thiết đối với Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các cơ quan Nhà nước về bản quyền. Để làm tốt việc bảo vệ quyền tác giả, thực hiện nghiêm pháp luật của Nhà nước, theo chúng tôi, chúng ta phải: Làm tốt công tác tuyên truyền về bản quyền nhiếp ảnh đến toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan, báo chí, đến những đơn vị thường xuyên sử dụng các tác phẩm nhiếp ảnh và các nhà nhiếp ảnh trong cả nước; Cũng như các đơn vị nghệ thuật khác, Hội Nhệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nên có Trung tâm bảo vệ quyền tác giả. Vấn đề này từ các kỳ Đại hội của Hội đã đặt ra nhưng vẫn chưa thực hiện được; Khác với các loại hình nghệ thuật khác, số lượng tác phẩm nhiếp ảnh của từng tác giả nhiều (có tác giả có hàng trăm tác phẩm), nhưng cá nhân tác giả nên đăng ký bản quyền, đó vừa là khẳng định bản quyền của mình đồng thời cũng là thuận tiện trong việc giải quyết khi bị xâm phạm bản quyền của mình.
NSNA Vũ Văn Cảnh