Bài quảng cáo hiệu ảnh "Cảm Hiếu Đường" năm 1869 của Danh nhân Văn hóa Đặng Huy Trứ

Ban Biên soạn tài liệu Hội thảo|14:48 28/03/2018

Ban Biên tập Website giới thiệu nội dung bài Quảng cáo hiệu ảnh "Cảm Hiếu Đường" do Danh nhân Văn hóa Đặng Huy Trứ viết từ những năm 1869 - năm khai trương hiệu ảnh này tại phố Thanh Hà, Hà Nội. Bài quảng cáo có cách nói thuyết phục, thú vị, đặc biệt nhấn mạnh chức năng ghi chép, phản ánh hiện thực - một chức năng đặc trưng và cơ bản nhất của Nhiếp ảnh. Bài viết do dịch giả Khương Hữu Dụng dịch. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:


Năm 1865, trong chuyến công cán sang Hương Cảng, Đặng Huy Trứ đã có dịp tiếp xúc với kỹ thuật nhiếp ảnh. Ông đã chụp hai bức và cho vẽ 2 bức truyền thần chân dung để so sánh và đem về giới thiệu với bạn bè lúc này chưa mấy ai biết về kỹ thuật nhiếp ảnh. 
Năm 1867, trong chuyến đi công cán lần thứ 2, ông đã nhờ mua máy móc, vật liệu về ảnh đem về nước và ngày 2-2 Kỷ Tỵ (1869) ông đã khai trương hiệu ảnh ở phố Thanh Hà - Hà Nội và đặt tên hiệu là “Cảm Hiếu Đường”. 

Hiệu ảnh "Cảm Hiếu Đường" của Danh nhân Văn hóa Đặng Huy Trứ khai trương năm 1869 được đặt trên phố Thanh Hà, Hà Nội.
Phố Thanh Hà ngày xưa chính là một phần kéo dài của Ô Quan Chưởng (khu vực cuối Hàng Chiếu) ngày nay. Tên gốc của cửa ô này là Ô Thanh Hà, sau này đổi lại Ô Đông Hà, rồi dân gian gọi là Ô Quan Chưởng.
Đây là cửa ô cuối cùng còn lưu giữ được đến ngày nay tại Hà Nội. (Ảnh tư liệu từ Phuot.vn)

Dưới đây là bài Quảng cáo cho hiệu ảnh do ông viết và đăng trong Đặng Hoàng Trung văn, quyển III, tờ 6-7. 

Hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường là hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam, ra đời sau nhiếp ảnh thế giới chỉ có 30 năm. Đại hội III - Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã thông qua quyết định lấy ngày 2-2 Kỷ Tỵ, tức ngày 14 tháng 3 năm 1869, ngày Đặng Huy Trứ khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường là ngày khai sinh ra ngành Nhiếp ảnh Việt Nam. 

“Trộm nghe: Xưa nay không ai tái sinh được xương thịt. Tay ứng theo lòng, chụp ảnh tái hiện được tinh thần. Muốn đi sâu vào ngọn nguồn, xin thử trình bày gốc ngọn của việc đó. Từ thuở mới có trời đất, chỉ có con người là tinh anh. Và trong cái đức tốt đẹp của đạo lý thì “hiếu” là đầu của trăm nết. Vì thân thể của người ta là nhận được của cha mẹ. Sau 3 năm mới khỏi bế ẵm. Cực kỳ phú quý như bậc công hầu, khanh tướng cũng không có cách nuôi nào khác, dù chỉ trong một ngày. Khi bé bỏng thì bồng bế yêu thương, suốt đời thì nhớ, thì quý, lòng này lẽ ấy như nhau. Gặp ngày giỗ thì khóc, ngày sinh thì thương, lương tri, lương năng đều vậy. Đi ắt thưa, về ắt trình, người có nhân không nỡ có lòng xa rời cha mẹ. Chết như sống, mất như còn, người con hiếu không nỡ có ý quên cha mẹ. Dù ở nơi quan san cách trở, mãi vẫn ôm nỗi nhớ! Huyên cỗi xuân già, không kịp báo đáp thì suốt đời mang mối hận ngàn thu. Một bức thư nhà gửi đến, thuật lại việc ăn ở, thức ngủ, nhưng chẳng thấy dung nhan. Hai hàng thần chủ nương hồn ghi rõ họ tên mà không tường diện mạo. Trèo lên núi Hỗ trông cha, trèo lên núi Dĩ trông mẹ, mong ngóng mà nào thấy mặt. Cầu cõi âm, cầu cõi dương hòng mắt thấy tai nghe nào có gặp được. Xưa, Vương Kiến Thành tâm ứng mộng nhưng thức ngủ đều không thấy hình, thấy ảnh. Thiếu Nguyên trích máu nhận hài cốt nhưng nhan diện đã cùng nát với cỏ cây. Thọ Xương từ quan đi tìm mẹ nhưng bóng dâu đã ngã. Đinh Lan đẽo tượng thờ cha mẹ nhưng e rằng tóc da khắc lên khó giống. Tình này nghĩa ấy, ai có, ai không?

Nay muốn sớm tối vui như trẻ được mặc áo hoa, ngoài nghìn dặm mà dường như dưới gối, luôn luôn thấy mặt, trăm năm sau mà vẫn in như trước mắt, khiến mọi người đều tỏ được tấm lòng thành hiếu thì chỉ có cách chụp ảnh là hay nhất. 

Hoặc có người bảo: việc này đầu tiên là từ bọn cừu thù, nay bọn tôi cũng bắt chước Tây Thi nhăn mày e phương hại đến nghĩa khí chăng? Mong làm tan sự nghi ngờ của những người chưa hiểu rõ, lại xin nói thêm về cách chụp ảnh từ đâu mà ra. Đầu tiên là từ người Anh, chứ không phải là người đồng đảng của bọn Pháp, sau truyền vào nước nhà Thanh là nước có bang giao với nước Đại Nam ta. Vốn đầu đuôi là như vậy, há lại vì giận cá mà chém thớt hay sao? Sự thực là như vậy chẳng phải nói thêm. 

Nay cửa hiệu chúng tôi mở ra trong nước, ở những nơi tàu xe đi lại, chiêu hàng rộng rãi. Quý khách nếu có ý thích, động lòng hiếu thảo, trẻ thưa trình với các vị tôn trưởng, con em bẩm lên các bậc cha mẹ, Một tấm chân dung mà tỏ được tấc lòng ái mộ sâu đậm”. 

Xin xem bản kê giá tiền dưới đây, tùy sở thích. Không dám dối trẻ lừa già. 

- Mặc đại triều phục, ảnh đầu mỗi ảnh giá tiền là 5 đại nguyên, thành tiền là 27 quan 5. 
- Mặc thường triều phục, bản đầu mỗi ảnh giá bạc là 4 đại nguyên, thành tiền là 22 quan. 
- Mặc áo dài, mặc quần áo trong nhà, bản đầu mỗi ảnh giá bạc là 3 đại nguyên, thành tiền là 16 quan 5.
- Trong ảnh nếu có ảnh người khác: cùng vai vế, mỗi hình 3 quan tiền, quan dưới, mỗi hình 2 quan 5, con cái và người làm, mỗi hình 2 quan, in lại thì như trên. 
- Trên bản thủy mạc (đen trắng) nếu muốn tô mầu, xin thương lượng giá với thợ, bản hiệu không can thiệp. 
- Sau khi chụp, 4 ngày sẽ giao ảnh. 
Trên đây là bản chiêu hàng của "Cảm hiếu đường" Hà Nội. 

Nay kính cáo. 

 Năm Tự Đức thứ 2 Ngày rằm tháng Giêng- Kỷ Tỵ (1869) 

Câu đối treo trước hiệu ảnh: 
 Câu đối 1: 

Thanh Hà phố ấy dân trù mật 
Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng 

 “Nhân yên trù mật Thanh Hà phố 
Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường”. 

 Câu đối 2:
Hiếu thờ cha mẹ người người muốn 
 Ảnh giống dung nhan mãi mãi truyền 

 “Hiếu dĩ sự thân nhân sở cộng 
Ảnh giai tiêu tượng thế tương truyền” 
 Khương Hữu Dụng (dịch)

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Bài quảng cáo hiệu ảnh "Cảm Hiếu Đường" năm 1869 của Danh nhân Văn hóa Đặng Huy Trứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO