Để xã hội hoá nhiếp ảnh lan tỏa
Nhiếp ảnh là loại hình văn học nghệ thuật có điều kiện. Ngoài tài năng, tinh thần, trí tuệ, tình cảm, đam mê và thời gian, người nghệ sĩ còn cần cả sức khỏe để đi sáng tác, tiền bạc để trang bị máy móc, đồ nghề và đi sáng tác. Đó là điều kiện “cần”.
Còn điều kiện “đủ” ở đây được hiểu là điều kiện và cơ hội để người nghệ sĩ được tiếp cận với khoảnh khắc có giá trị để làm nên “khoảnh khắc vàng”. Những cơ hội như thế, người nghệ sĩ có thể vô tình hay ngẫu nhiên gặp được nhưng cũng rất cần các cơ quan quản lý, các đơn vị và doanh nghiệp kết hợp với Hội NSNA Việt Nam tạo điều kiện cho người nghệ sĩ tiếp cận. Nhận thức được điều này, chúng ta có thể thấy vai trò của xã hội lớn đến chừng nào góp phần quan trọng giúp người nghệ sĩ làm nên tác phẩm.
Hội NSNA Việt Nam là cơ quan quản lý nhưng đồng thời cũng là “bà đỡ” cho tác phẩm của hội viên. Chủ trương xã hội hóa phải bắt đầu từ Hội, chủ đạo từ Hội và cần được lan tỏa đến toàn thể hội viên. Hội như đầu tàu kéo cả đoàn tàu nhiếp ảnh chạy nhanh nhất nhưng tiết kiệm nhất “nhiên liệu” (tức ngân sách nhà nước) trên con đường xã hội hóa.
Nhiếp ảnh cũng như nhiều loại hình văn học nghệ thuật khác như một dòng sông lớn có nhiều nhánh nhưng nhánh chủ đạo phải phục vụ cho xã hội, cho đất nước. Đây cũng là định hướng quan trọng hướng nhiếp ảnh ngày càng bám chặt hơn với xã hội và là một trong những mục tiêu của xã hội hóa.
Tăng cường sự quan tâm và đầu tư xã hội, đặc biệt là các ngành, các đơn vị doanh nghiệp kinh tế hợp tác với nhiếp ảnh, đầu tư cho nhiếp ảnh cũng như sử dụng hiệu quả “sản phẩm” của nhiếp ảnh phục vụ hoạt động ngành, đơn vị mình. Trong nền kinh tế đang phát triển với sức cạnh tranh ngày càng lớn, hình ảnh càng trở nên quan trọng đối với đơn vị doanh nghiệp. Đây chính là yếu tố góp phần không nhỏ trong công tác xã hội hóa nhiếp ảnh, gắn kết nhiếp ảnh với các đơn vị kinh tế xã hội, tạo điều kiện cho nhiếp ảnh phát triển.
Theo hướng xã hội hóa, nguồn thu cho hoạt động nhiếp ảnh mà trực tiếp là Hội NSNA Việt Nam sẽ có “đầu vào” dần mạnh hơn từ mối liên kết hợp tác với các đơn vị doanh nghiệp hay các địa phương, cho phép Hội ít phụ thuộc hơn vào nguồn cung từ Nhà nước.
Bước đầu có thể thấy hiệu quả thông qua các trại sáng tác đã được phối hợp giữa Hội NSNA Việt Nam và các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Một số trại sáng tác đã được Hội tổ chức như công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu (2015), Quân khu 9 (2016), Than Quảng Ninh (2017), Tổng Công ty Điện lực 3 tại Sơn La (2019) và gần đây nhất là EVN tại Sóc Trăng và một số tỉnh Nam bộ (2019). Từ các trại sáng tác, những bộ hình ảnh đã được ra đời, truyền “sức nóng” khí thế lao động sản xuất, luyện tập chiến đấu sẵn sàng bảo vệ tổ quốc vào tác phẩm. Các đơn vị doanh nghiệp đầu tư tổ chức trại sáng tác đã nhận được những bộ hình ảnh đẹp và có ý nghĩa về đơn vị mình. Về phần mình, nhiều Nghệ sĩ Nhiếp ảnh có cơ hội thêm vào trong bộ sưu tập cá nhân những tác phẩm được sáng tác và một số nghệ sĩ đã nhận được những giải thưởng có giá trị, tên tuổi của người nghệ sĩ được vinh danh.
Triển lãm ảnh "EVN-65 năm đồng hành cùng đất nước 2019"
Xuất phát từ chức năng nhiệm vụ của mình, Hội NSNA Việt Nam - đơn vị chủ trì, tìm kiếm cơ hội, liên hệ, kết nối với những đơn vị doanh nghiệp có khả năng đầu tư liên kết nhằm lập ra trại sáng tác, bảo đảm hậu cần cho các nghệ sĩ. Hội chọn những hội viên có năng lực và kinh nghiệm sáng tác đáp ứng được yêu cầu của đơn vị đầu tư để tham gia trại, kết hợp với đơn vị đầu tư tổ chức cuộc thi ảnh nhằm chọn ra những hình ảnh, những bộ ảnh xuất sắc nhất để trao giải.
Về phía các đơn vị doanh nghiệp liên kết hỗ trợ đầu tư, trong sự phối hợp với Hội NSNA Việt Nam, các bên thống nhất chủ đề, hướng các nghệ sĩ tới những điểm sáng tác, đảm bảo tài chính và hậu cần. Kết thúc trại sáng tác, đơn vị doanh nghiệp được hưởng lợi từ hoạt động liên kết đầu tư thông qua việc có quyền sử dụng độc quyền những hình ảnh có chất lượng cao để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị doanh nghiệp mình.
Nghệ sĩ hội viên - người được hưởng nhiều lợi ích từ trại sáng tác theo chủ trương xã hội hóa. Tham gia trại, hội viên được sáng tác theo chủ đề mới hoặc được “cập nhật” chủ đề đã từng sáng tác. Có cơ hội sáng tác, có tác phẩm, có cơ hội tiếp cận sâu với đề tài mới, được giao lưu với đồng nghiệp từ nhiều nơi trong cả nước, có cơ hội nâng cao kỹ năng sáng tác, có cơ hội phổ biến tác phẩm nếu được tham gia triển lãm hay đoạt giải. Đó là những lợi ích không nhỏ mà hội viên tham gia trại được hưởng.
Xã hội hóa nhiếp ảnh thực sự không phải là quá trình thuận lợi và dễ dàng nhưng sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho tất cả. Nhưng sự nghiệp chỉ có thể thành công khi có sự chung tay, góp sức cả bằng trí tuệ, tình cảm, tài năng của cả ban lãnh đạo Hội NSNA Việt Nam và của từng nghệ sĩ.
NSNA Trần Quốc Dũng