Nhắc đến Võ An Khánh, người trong giới hay nói rằng: Quê hương Cà Mau - Bạc Liêu nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung thật tự hào khi có được NSNA Võ An Khánh. Ông không chỉ là bậc tiền bối, là cánh chim đầu đàn của giới nhiếp ảnh Bạc Liêu mà ông còn có nhiều đóng góp đáng trân trọng cho sự nghiệp nhiếp ảnh khu vực và Việt Nam. Giới nhiếp ảnh trong tỉnh học được ông rất nhiều, từ đức độ đến chuyên môn. Học ở tính cần cù, miệt mài, tỉ mỉ, nghiêm túc và trách nhiệm.
Đến với ảnh của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Võ An Khánh, người thưởng lãm sẽ được trải tâm hồn mình theo nhiều cung bậc. Cung bậc cao vút, mạnh mẽ của một thời hào hùng đấu tranh; cung bậc sâu thẳm của lòng nhân ái, của tình đồng đội...
Những bức ảnh tưởng chừng vô tri nhưng chứa đựng cả khoảng trời mênh mông ký ức. Và ký ức sẽ đưa những người đi cùng lịch sử gợi nhớ những câu chuyện kể hào hùng, thấm đẫm nhân văn. Từ những nhân chứng sống, và "Những bức ảnh của Võ An Khánh là lời nhắc nhở lòng yêu nước, sự hy sinh của các bậc tiền nhân cho các thế hệ mai sau"- nhà văn Sơn Nam khẳng định. Thật sự như vậy. Khi đến với bộ ảnh "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang" - bộ ảnh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022 - người xem thật sự bị lôi cuốn vào các cung bậc cảm xúc. Từ xót xa, thưởng cảm, ngưỡng vọng, khâm phục rồi đến tựu trung thành niềm tự hào đối với phụ nữ Việt Nam ta, dân tộc ta. Thật xứng đáng như những lời giới thiệu của Võ An Khánh: "Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cam go, ác liệt cho đến ngày chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta có sự đóng góp to lớn cả công sức lẫn máu xương của tầng lớp phụ nữ. Họ là hậu phương vững chắc, là trụ cột gánh vác mọi việc lớn nhỏ của gia đình để những người cha, người chồng và con yên tâm công tác, chiến đấu. Không những vậy, khi "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" và "còn cái lai quần cũng đánh" đã thể hiện được tinh thần quả cảm của người nữ chiến binh Việt Nam kiêu hãnh khi đối mặt với quân xâm lược. Họ đã hóa thành dáng đứng Việt Nam xứng đáng với tám chữ vàng "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang" mà Bác Hồ đã dành tặng.
Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng nhân ái của một nhà báo, một nghệ sĩ, mà Võ An Khánh thường gọi đó là "nghĩa đời". Cái nghĩa ấy ông luôn tìm cách trả và sẽ trả cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Ông từng chia sẻ rằng: "Tôi được trở thành một nhà báo, nghệ sĩ như ngày nay là nhờ Đảng. Đảng như "một người cha, người mẹ" đã nuôi dạy, giáo dục tôi lòng tin và sức sống mãnh liệt. Điều thứ hai là nhờ sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào. Đặc biệt là những bằng khen, những bức ảnh như còn lấp lánh những hình ảnh của các bà mẹ, các chị, các em những người đã giúp tôi sống chiến đấu và tồn tại. Ơn nghĩa đó đời đời tôi không thể quên được...
Tuổi ngoài 85 với hơn 60 năm cầm máy, nhà báo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh lão thành Võ An Khánh đã ghi lại hàng vạn bức ảnh từ nhiều vùng miền của đất nước, trong đó có hơn ngàn khoảnh khắc thời "hoa lửa" kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là "tài sản đồ sộ, quý giá" mà ông đã dành cả đời mình tích cóp, gìn giữ cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đây là lần thứ hai, ông được tặng Giải thưởng cao quý về văn học, nghệ thuật - lĩnh vực nhiếp ảnh: Giải thưởng Hồ Chí Minh. Lần đầu là Giải thưởng Nhà nước năm 2007.
Bấy nhiêu thôi cũng đủ để minh chứng cho nhân cách cao đẹp của người nghệ sĩ, nhà báo, một lão thành cách mạng chân chính, mẫu mực, một cây đa, cây đề của giới văn nghệ sĩ Bạc Liêu. Đó là tấm gương sáng để các thế hệ tiếp bước học tập và noi theo.