Vĩnh biệt Nhà LLPB Nhiếp ảnh Nguyễn Đức Chính: "Những trang viết giá trị cho đời sau"...

Lê Xuân Thăng|16:08 19/11/2018

Lúc 04 giờ, ngày 16 tháng 11 năm 2018 (nhằm ngày 10 tháng 10 năm Mậu Tuất) sau cơn hạ huyết áp đột ngột, trái tim cuả Nghệ sĩ - Nhà báo - Nhà Lý luận Phê bình (LLPB) Nhiếp ảnh Nguyễn Đức Chính (bút danh Nguyễn Chí Anh, Bằng Vân, Chính Vân, Chim Việt) đã ngừng đập. Ông là hội viên sáng lập, cây bút chủ lực trong Ban Biên soạn “Sơ thảo Lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam”, “Hồi ức Thông Tấn xã Giải phóng”… ngòi bút giàu tính tân văn, tận tụy với sự nghiệp nhiếp ảnh đã ra đi mãi mãi ở tuổi 88…


Nghệ sĩ - Nhà báo - Nhà LLPB Nguyễn Đức Chính

Sinh ngày 02  tháng  5 năm 1931, nguyên quán tại xã Tiều Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ngay thuở nhỏ, cậu thiếu niên làng Liên Đích đã sớm giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng, là đội trưởng Đội Thiếu niên tuyên truyền xung phong tỉnh Phúc Yên. Năm 21 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Đức Chính là cán bộ biên tập báo tỉnh Phúc Yên.
Nhớ về kỷ niệm lúc vào nghề ông kể: “Tôi được cầm đến chiếc máy ảnh đầu tiên là năm 1949. Đó là chiếc máy Zeiss - Ikont, lắp phim cuộn cho khung 4x6cm được 16 kiểu. Chiếc máy là tài sản quý giá của tổ biên tập báo tin Phúc Yên mà tôi là thành viên nhỏ tuổi nhất. Tôi mất hơn một năm tập tành chụp ảnh kỷ niệm, chủ yếu tặng cho bạn bè. Bẵng đi một dạo, tôi được cử đi học tại Trường Sư phạm Trung ương rồi chuyển sang dạy học. Chuyện cũ tưởng chỉ còn là kỷ niệm, nhưng cuối năm 1957, ngôi trường tiến hành giải thể, từ đấy cuộc đời lại gắn bó với sự nghiệp nhiếp ảnh đến tận cuối đời…”.

…Vào làm việc tại Sở Nhiếp ảnh Trung ương (thuộc Bộ Văn hóa)  ông được phân công công việc làm Biên tập viên Nhiếp ảnh. Đến năm 1959, Nhà nước chuyển Sở Nhiếp ảnh Trung ương  thành Trung tâm ảnh của Việt Nam Thông tấn xã, ông nhận nhiệm vụ mới: Quyền Trưởng phòng Nghiên cứu, phụ trách đào tạo, tiến hành mở lớp bổ sung thế hệ phóng viên mới, thời gian học hai năm rưỡi. Lớp đầu tiên gồm 25 học viên (trong đó có 2 học viên nữ) vừa có trình độ học vấn lại được học “bài bản” hơn các thế hệ đàn anh...

Tháng 4 năm 1965, với phương châm “Tất cả cho tiền tuyến”, ông cùng đoàn cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Việt Nam Thông tấn xã hành quân, đầu đội  bom - chân lội suối vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Lúc này, Đông Nam bộ bước vào mùa khô tháng 10, quân đội Mỹ đổi chiến lược, từ chiến tranh cục bộ chuyển sang chiến tranh đặc biệt - nghĩa là từ bỏ vai trò cố vấn, trực tiếp đưa các binh đoàn quân đội Mỹ hùng mạnh vào tham chiến. Bằng những kinh nghiệm trong công tác nhiếp ảnh, đồng thời tránh bị phi pháo sát thương vòng ngoài, cả tổ phóng viên vận dụng khẩu hiệu “Bộ đội bám thắt lưng Mỹ mà đánh - Phóng viên bám thắt lưng mũi nhọn xung kích mà chụp”... Những bức ảnh “Dũng sĩ diệt Mỹ” từ các trận đánh khốc liệt do Phòng Nhiếp ảnh Giải phóng gửi về hậu phương đã mang đến sức mạnh cổ động tinh thần to lớn, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn quân, toàn dân ta… Tại Thông tấn xã Giải phóng (Ban Tuyên huấn Trung ương  Cục) ông lần lượt kinh qua nhiều nhiệm vụ: Trưởng phòng Nhiếp ảnh, Bí  thư Chi bộ, Quyền Giám đốc Trường Thông tấn Báo chí miền Nam…

Tòa soạn báo Giải phóng và công nhân nhà in Trần Phú xuất bản số đặc biệt đưa tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời - Ảnh: Nguyễn Đức Chính

Đất nước hoàn toàn thống nhất, ông giữ trọng trách quyền Trưởng ban Biên tập ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1981, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phân công nhiệm vụ Phó Tổng Biên tập kiêm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Nhiếp ảnh. Ông về nghỉ hưu - năm 1991 -  nhưng vẫn tiếp tục làm hợp đồng tại Báo Ảnh Việt Nam, giáo viên thỉnh giảng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tp.HCM…

Di sản nổi bật của Nhà LLPB Nguyễn Đức Chính là các công trình xuất bản sách chuyên ngành Nhiếp ảnh. Có may mắn là từ đầu năm 1960, được cơ quan giao nhiệm vụ phụ trách đào tạo hoặc mở lớp bồi dưỡng phóng viên ảnh dài ngày, thông qua những kinh nghiệm thực tiễn, cộng với môi trường làm việc với một tập thể phóng viên giỏi nghề, ông suy nghĩ, học hỏi rồi đi đến tổng kết, nhờ vậy kiến thức ngày càng thiết thực, cập nhật và phong phú.

Tại lớp Nhiếp ảnh Cử nhân khóa 1 (1959 -1961), cán bộ giáo vụ Nguyễn Đức Chính nhận được từ học viên câu hỏi hóc búa “Nhiếp ảnh du nhập vào Việt Nam có từ bao giờ?”, “Những ai là bậc tiền nhân và tác phẩm của họ là gì?”. Món nợ đáp án đã đeo đẳng, thúc đẩy ông nỗ lực làm việc. Sau Đại hội II Hội NSNA Việt Nam, ông được chỉ định làm Trưởng ban Lý luận Phê bình, kiêm Trưởng tiểu ban Lịch sử Nhiếp ảnh. Nhiều năm ròng rã, ban ngày vào thư viện tra cứu thêm tư liệu, gặp gỡ thêm nhân chứng, ban đêm cặm cụi đánh máy, biên soạn “Sơ thảo Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam”, dày 226 trang đã được ông hoàn tất. Ban Biên soạn giai đoạn 1 (gồm NSNA Lê Phức, Nguyễn Đức Chính, Nguyễn Long, Trương Đức  Anh, Vũ Đức Tân)  họp lần cuối  tại Nhà Sáng tác Đại Lải thông qua. Ban Chấp hành Hội NSNAVN phê duyệt gởi các nơi tham khảo, rồi phát hành đến từng đại biểu dự Đại hội IV - năm 1994…

Ông hồi tưởng một chi tiết thú vị: “Năm 1983, nguyên Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Tuấn Khánh đến tìm gặp. Ông Khánh cho biết bạn bè bên Pháp vừa gửi tặng một bản sao tài liệu phát hiện cửa hiệu ảnh mang tên Cảm Hiếu Đường - do cụ Đặng Huy Trứ sáng lập năm 1869, đặt  tại phố Thanh Hà, Hà Nội. Kèm theo lời khai trương chiêu khách, giá cả… còn có cả lai lịch cụ Đặng - vốn là nhà ngoại giao triều Nguyễn được cử đi xứ Hương Cảng. Bất ngờ tìm được vỉa vàng, tôi đăng ngay lên Tạp chí Nhiếp ảnh với lời giới thiệu “Có thể Cảm Hiếu Đường là khởi thủy và cụ Đặng Huy Trứ là bậc tổ nghề ảnh Việt Nam”. Bài báo được độc giả hoan nghênh và thời gian dài, không ai đưa ra được thời điểm nào sớm hơn nữa…”.

Một số đầu sách về Nhiếp ảnh và Lịch sử của Nghệ sĩ - Nhà báo - Nhà LLPB Nguyễn Đức Chính đã xuất bản trong suốt sự nghiệp lao động, sáng tác của mình

Suốt hơn 50 năm lao động, kiên định theo đuổi sự nghiệp cầm bút, ông viết khoảng 600 bài báo, tiểu luận trải nghiệm về nhiếp ảnh; về những nhân vật sống cùng thời, lần lượt xuất bản hơn 15 đầu sách quý: “Bước đầu chụp ảnh” (viết chung Văn Khiêm,1963), “Thường thức Nhiếp ảnh“ (viết chung Phạm Thái Tri,1984), “Tổng quan Nhiếp ảnh” (2001), “Nhiếp ảnh sáng tạo” (2002), “Ảnh Báo chí” (2002),  “Hồi ức Thông tấn xã Giải phóng” (2005), “Văn hóa Nhiếp ảnh (2008)”, “Ảnh chân dung” (2012), “Ảnh nghệ thuật” (2013), “Tiểu luận, phê bình ảnh phẩm” (2014), “Lửa sáng Lãng Bạc” (tiểu thuyết lịch sử, 2014), “107 ngày và đêm Trường Sơn” (truyện ký, 2014), “Công việc Nhiếp ảnh chiến tranh” (2014), “Nhiếp ảnh Việt Nam, 30 năm chiến tranh giữ nước” (2015)…

Thuộc thế hệ viết lên những khúc tráng ca đi vào huyền thoại về lòng ái quốc, ông được Trung ương Đảng, Nhà nước và các tổ chức trao tặng: Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì (Thời kỳ đổi mới), Huy chương Vì sự nghiệp Thông tấn Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát  triển Nhiếp ảnh Việt Nam và nhiều bằng khen cao quý…

Trực tiếp va đập với cuộc sống để nhìn, để nghe và để viết, đồng thời từ những thành tựu lao động nghệ thuật của hoạt động nhiếp ảnh trong nước cũng như  trên trường quốc tế, Nhà LLPB Nguyễn Đức Chính luôn đúc kết, nêu bật lên những giá trị để mọi người có thể tiếp tục phát  huy. Ông chú trọng đến những gợi ý, mở ra phương hướng hầu bạn đọc cùng suy nghĩ, cùng mở rộng tinh thần sáng tạo nghệ thuật…

Tiễn đưa Nhà Lý luận Phê bình, Nhà giáo Nguyễn Đức Chính về an nghỉ cuối cùng tại Hoa Viên - nghĩa trang Bình Dương, sẽ có rất nhiều người ghi nhớ sự cống hiến thầm lặng, những tác phẩm ảnh, đặc biệt là những trang viết giàu tâm huyết, tận tụy với sự nghiệp của ông để lại cho sử liệu nhiếp ảnh dân tộc thật sự giá trị, góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ, xây dựng và phát triển của đất nước hôm nay, mai sau…/.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Vĩnh biệt Nhà LLPB Nhiếp ảnh Nguyễn Đức Chính: "Những trang viết giá trị cho đời sau"...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO