Vĩnh biệt đại thụ nhiếp ảnh Võ An Khánh (1935-2023)

Lê Xuân Thăng|12:40 27/02/2023

(NADS) - Chiều muộn lúc 17 giờ 38 phút, ngày 25 tháng 2 năm 2023, đại thụ nhiếp ảnh kháng chiến xuất sắc bậc nhất Tây Nam bộ Võ Nguyên Nhân (nghệ danh Võ An Khánh), tác giả của những bức ảnh nổi tiếng “Trạm quân y dã chiến” - Giải thưởng Nhà nước năm 2007, “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang (ảnh bộ)” - Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022, do tuổi cao sức yếu đã từ trần tại nhà riêng tỉnh Bạc Liêu, hưởng thọ 88 tuổi.

nsna-an-khanh.jpg
NSNA Võ An Khánh

Gắn bó với chiếc máy ảnh và dân quân miền Tây Nam bộ ngay ở những ngày đầu kháng chiến, chiến sĩ - nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh đã để lại một kho tư liệu ảnh đồ sộ gồm hàng trăm thước phim đen trắng, trong đó tác phẩm tiêu biểu nổi tiếng nhất phải kể đến bức “Trạm quân y dã chiến”.

“… Trưa ngày 15-9-1970, khi bám sát bước chân của tiểu đội 20 nhằm chặn đánh cánh quân địch di chuyển từ Rạch Sỏi dọc theo kênh xáng Xẻo Rô trong chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”, tôi đã ghi được bằng máy ảnh Yashica - D , ống kính 80mm, phim 6x6cm. Ít ai ngờ, ngay giữa cánh rừng tràm ngập mặn, kề sát bên trận địa còn vương mùi thuốc súng, lại có một ca mổ đang được các y bác sĩ khẩn trương tiến hành thầm lặng nơi “Trạm quân y dã chiến” nổi trên mặt nước, dưới một tấm bạt dù đơn sơ…”.

tram-quan-y-da-chien.jpg
Bức ảnh “Trạm quân y dã chiến”, chụp ngay giữa lòng U Minh Hạ năm 1970

Nhà phê bình ảnh Margarette Loke - báo New York Times - số xuất bản ngày 19-4-2000 đã bình luận “Khoảnh khắc không lời, thời gian như ngưng đọng giữa sự sống và cái chết. Ở đâu đó, dường như có một hơi thở đang hồi sinh. Giữa chiến sự bao trùm, sự bình tĩnh của các nhân vật biểu lộ sức chịu đựng gian khổ, ý nghĩa nhân văn, khát vọng chiến thắng của người dân Việt, cùng không gian độc đáo khiến bức ảnh đi vào lịch sử. Hình tượng gây xúc động mạnh thậm chí hơn cả bức ảnh “Nhóm bác sĩ quân y Hoa Kỳ - năm 1943” của phóng viên chiến trường bậc thầy Robert Capa (1913 - 1954)”.

Sinh năm 1935, tại xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Cà Mau trong một gia đình nghèo. Cậu bé Võ Nguyên Nhân từ lúc 8 tuổi, đã theo chân mẹ vào rừng học cách đặt trúm bắt lươn, úp cá để mưu sinh.

Năm 17 tuổi, ông được tổ chức đưa lên Sài Gòn, đổi tên là Võ An Khánh vào làm công cho một hiệu ảnh. Vừa học nghề đồng thời trong vai chụp ảnh dạo, ông làm giao liên cho lực lượng kháng chiến ở quê nhà.

Năm 1959, ông được điều về làm tổ trưởng Nhiếp ảnh kháng chiến Bạc Liêu rồi lên Phó phòng Nhiếp ảnh khu Tây Nam bộ. Tích cực xây dựng cơ sở, tuyên truyền vận động chính sách, vừa sát cánh cùng dân quân địa phương trong chiến đấu, chiến sĩ - nhà nhiếp ảnh Võ An Khánh có cơ hội ghi được nhiều bức ảnh vừa giàu tính hiện thực, vừa giàu tính sử thi: “Đội quân tóc dài huyện Cái Nước ra trận hỏi tội kẻ thù” (1963), “Nhân dân xã Trần Thới, Phú Mỹ, Tân Hưng Đông tuần hành ủng hộ bản tuyên bố 8 điểm của đoàn đại biểu ta tại hội đàm Paris, tháng 6-1972”,Bắn lựu đạn bằng nạng giàn thun - một sáng kiến độc đáo của chiến tranh du kích” (1974)…

Vào thập niên 1960 và đầu những năm 1970, chiến sự miền Tây diễn ra ngày càng ác liệt, hầu hết các trận đánh lớn ở chiến trường khu 9 đều in dấu chân nhà nhiếp ảnh Võ An Khánh. Có lần say mê bấm máy, ông bị sức ép của bom hất ngược văng mạnh về phía sau, nằm bất tỉnh suýt chết ngay tại miệng hầm. Đêm đến ông lại mày mò, cặm cụi tráng từng cuộn phim, rọi ảnh bằng đèn dầu rồi cẩn thận ghi chép các thông tin cần lưu giữ…      

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ông tiếp tục dành thời gian cầm máy ảnh miêu tả giai đoạn tái thiết, xây dựng quê hương đổi mới và lần luợt xuất bản các sách ảnh: “Đường hạnh phúc“ (2000), “Quê hương tôi thời chiến” (2003), “Việt Nam trong trái tim tôi (2015)…

Năm 2017, kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, 300 bức ảnh tư liệu - nghệ thuật thời chiến của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh đã trưng bày tại Quảng trường Hùng Vương (Tp. Bạc Liêu). Đầu năm 2020, được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, ban ngành “Nhà Trưng bày ảnh Tư liệu - Nghệ thuật” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh đã hình thành tại đường Huỳnh Văn Xã, phường 1, Tp. Bạc Liêu.

Xuyên suốt hành trình hơn 50 năm cầm máy ảnh, trọn vẹn nghĩa tình với vận mệnh đất nước, cây đại thụ nhiếp ảnh kháng chiến xuất sắc bậc nhất Tây Nam bộ Võ An Khánh vinh dự được trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu lần thứ nhất (2009) cùng nhiều Giải thưởng ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật trong và ngoài nước. Những khoảnh khắc dũng cảm, hào hùng trong kháng chiến của quân dân miền Tây Nam bộ qua ống kính của chiến sĩ, nghệ sĩ Võ An Khánh sẽ là chứng tích sống động sống mãi với thời gian.


(2) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Vĩnh biệt đại thụ nhiếp ảnh Võ An Khánh (1935-2023)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO