Hiện nay, một số cá nhân và tổ chức tự tiện sử dụng hình ảnh trên facebook cá nhân của người khác mà chưa được sự cho phép của tác giả đang diễn ra một cách phổ biến và ngày càng công khai. Phần lớn các mạng xã hội hiện nay đều cho phép người dùng tự do đăng bài viết hoặc hình ảnh, chỉ có một số ít trang mạng xã hội thực hiện quản lý thông tin, hình ảnh của người dùng đưa lên. Lợi dùng điều này, một số tổ chức, cá nhân đã vô tư lấy những hình ảnh, thông tin của người khác trên mạng xã hội để phục vụ cho mục đích các nhân của mình. Tình trạng vi phạm tràn lan bản quyền trong nhiếp ảnh gây ảnh hưởng lớn đến ngành nhiếp ảnh và có tác động tiêu cực đến các tác giả sáng tạo ra các tác phẩm.
Tình trạng vi phạm bản quyền nhiếp ảnh tràn lan như trên cũng có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Sự hiểu biết chưa đầy đủ: Rất nhiều người không hiểu rõ về quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả trong nhiếp ảnh. Họ không biết rằng bản quyền thuộc về người tạo ra tác phẩm và phải có sự đồng ý của tác giả mới có thể sử dụng hay sao chép tác phẩm. Cũng có một số người không có ý thức, cố tình sao chép, sử dụng tác phẩm của người khác để tiết kiệm thời gian và chi phí và cho rằng đó là việc bình thường.
- Sự phức tạp trong các quy định của luật pháp: Luật pháp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền vẫn còn chưa rõ đối tượng và chế tài chưa thực sự mạnh và hiệu quả. Rất nhiều người không hiểu rõ và không biết làm thế nào để tuân thủ các quy định pháp luật này. Về mặt thủ tục hành chính, để thực hiện được việc sử dụng đúng bản quyền theo quy định thì lại khá phức tạp, rườm rà, đôi khi dẫn đến hiểu sai quy định hoặc gây ra tâm lý chán nản cho những người tuân thủ pháp luật.
Theo pháp luật của chúng ta hiện nay thì các tác phẩm nhiếp ảnh là đối tượng bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ và đã được quy định rất rõ. Tại Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022- QH15 quy định: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”.
Như vậy, về mặt nguyên tắc nhiếp ảnh là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ bản quyền và bản quyền nhiếp ảnh phát sinh ngay từ khi tác phẩm được sáng tạo ra mà không phải thông qua bất kỳ trình tự thủ tục pháp lý nào.
Đồng thời, các quy định trong pháp luật đã mở ra thông thoáng rất nhiều về mặt thủ tục hành chính như tại khoản 1 Điều 34 Nghị định 22/2018/NĐ-CP về thủ tục đăng ký bản quyền hình ảnh thì “Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
Tuy nhiên, thực tế việc vi phạm bản quyền tại Việt Nam diễn ra rất phức tạp, khi xảy ra vi phạm bản quyền, tác giả muốn kiện các tổ chức, cá nhân vi phạm ra tòa thì trước hết tác giả phải có bằng chứng về quyền sở hữu của mình. Việc này chỉ có được nếu tác giả làm hồ sơ bản quyền với Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nếu không có bản quyền này thì các tác giả sẽ phải có đầy đủ chứng cứ để chứng minh mình là chủ sở hữu của tác phẩm gốc một cách hợp pháp. Thông thường để chứng minh chủ sở hữu của các tác phẩm gốc là rất khó khăn, đôi khi sự việc có ranh giới rất mong manh.
Rõ ràng việc sao chép, sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh của người khác mà không có sự cho phép của tác giả là một hành vi vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền trong nhiếp ảnh ở Việt Nam vẫn còn khá phổ biến và phức tạp, trong đó điển hình nhất là sử dụng trái phép tác phẩm nhiếp ảnh của người khác trên mạng, đặc biệt là trên các trang web chia sẻ ảnh hoặc mạng xã hội và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái những sản phẩm nhiếp ảnh hoặc sao chép bất hợp pháp tác phẩm nhiếp ảnh của người khác. Mặc dù tình trạng khá nghiệm trọng như vậy nhưng lại không có cơ quan nào kiểm soát một cách hiệu quả và triệt để. Không có cơ chế để kiểm soát việc bán các sản phẩm nhiếp ảnh giả hoặc cơ chế không đủ mạnh để đảm bảo quyền lợi cho các nhiếp ảnh gia sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị. Bên cạnh đó vẫn có khá nhiều người dùng không có ý thức về bản quyền nhiếp ảnh và vẫn vô tư sử dụng tác phẩm của người khác một cách tùy tiện. Ngoài ra, hiện nay những quy định trong pháp luật về bản quyền nhiếp ảnh tại Việt Nam vẫn còn những kẽ hở và khó áp dụng, gây khó khăn cho việc bảo vệ quyền lợi của các tác giả nhiếp ảnh chân chính.
Trước tình trạng vi phạm tràn lan về bản quyền nêu trên, đã đến lúc các cơ quan chức năng nên mạnh mẽ điều chỉnh những quy định pháp luật để đưa nhiếp ảnh ngày một chuyên nghiệp hơn, thực hiện những cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Về pháp luật cần điều chỉnh, bổ sung các quy định, quy phạm pháp luật mạnh hơn về bản quyền nhiếp ảnh để đảm bảo rõ ràng, minh bạch và dễ áp dụng.
- Cần có các chính sách hỗ trợ cho tác giả nhiếp ảnh để thúc đẩy thực hiện quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi của họ.
- Tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ cho công chúng, đặc biệt là trong giới nhiếp ảnh. Nghiên cứu thí điểm đưa nội dung giáo dục về bản quyền vào trong nội dung giảng dậy tại các nhà trường phổ thông.
- Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát và giám sát việc sản xuất, phân phối và sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm bản quyền. Thậm chí nên có những điều khoản quy định mang tính hình sự.
- Nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế về bản quyền nhiếp ảnh để đảm bảo tính công bằng và đồng nhất trong quản lý và bảo vệ quyền lợi của các tác giả nhiếp ảnh.
- Đẩy mạnh công tác tư vấn và giúp đỡ cho các tác giả nhiếp ảnh về các vấn đề liên quan đến bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ.
Từ thực trạng tình hình hiện nay tại Việt Nam cho thấy việc vi phạm bản quyền trong nhiếp ảnh là một vấn đề phức tạp và có nhiều nguyên nhân gây ra. Để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền nhiếp ảnh tại Việt Nam, cần phải kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau từ giáo dục, quy định pháp luật, kiểm soát và giám sát, đến hỗ trợ cho các tác giả nhiếp ảnh để đảm bảo tính công bằng và đồng nhất trong quản lý và bảo vệ quyền lợi của họ. Cụ thể là cần có sự tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền ngay trong các cơ quan làm công tác tuyền truyền, báo chí, truyền hình… cũng như có các chính sách pháp luật đồng bộ và có các quy định chế tài đủ mạnh và rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của người sở hữu tác phẩm. Có như thế nền nhiếp ảnh của Việt Nam mới tiếp cận với nền nhiếp ảnh thế giới theo hướng chuyên nghiệp được.