Phục hồi, nhân rộng sâm Bố Chính
Trước hết, phải nhắc đến câu chuyện anh phục hồi và nhân rộng thành công giống sâm Bố Chính trên đất Quảng Bình. Anh kể, trước khi vào Quảng Bình công tác, anh đã từng nghe đến một giống sâm quý ở trên đất Quảng Bình nhưng đã thất lạc từ lâu. Đây chính là cây sâm Bố Chính, loài sâm từng là sản vật “tiến Vua” của mấy trăm năm trước. Tuy vậy, tại thời điểm này, giống sâm đã không còn được trồng đại trà mà chỉ lác đác xuất hiện ở những nơi núi cao, vực sâu thăm thẳm.
Vào đến Quảng Bình, trong vai trò là phóng viên thường trú của Đài truyền hình Việt Nam, anh Hiệp vẫn không quên mục tiêu của mình là tìm kiếm giống sâm Bố Chính tự nhiên. Sau quãng thời gian vất vả lùng sục ngược xuôi, nhờ sự giúp đỡ của những người dân địa phương, cuối cùng anh cũng tìm thấy cây sâm Bố Chính rừng và bắt tay vào công cuộc phục hồi nhân giống.
“Những ngày đầu tiên tưởng chừng như mọi thứ quá thuận lợi khi các hạt giống rừng sau khi tìm về được trồng lên đơm hoa, phát triển xanh tốt. Nhưng rồi chỉ trong chốc lát, một vài cây giống bị bệnh đã nhanh chóng lan rộng ra cả vườn sâm, kết quả là cả vườn sâm trụi gốc, chết sạch”, anh Phùng Văn Hiệp nhớ lại.
Thất bại ở lứa sâm đầu tiên, với số hạt giống còn lại, anh bắt tay vào đầu tư lứa mới với sự tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn. Lần này anh đã đi Tây Nguyên, đi miền Nam, đi Hàn Quốc để tìm hiểu học hỏi mô hình trồng sâm rồi sau đó trở về Quảng Bình, anh phối hợp với sở Nông nghiệp và PTNT cùng các tiến sĩ nông nghiệp ở Đại học Quảng Bình “bắt mạch” nguyên nhân gây bệnh trên sâm; từ đó tìm ra giống sâm có khả năng thích ứng với thổ nhưỡng và biến đổi khí hậu. Như một lẽ tất yếu, lứa sâm thứ hai đã cho ra những củ sâm chất lượng vượt ngoài mong đợi. Anh và các cộng sự đã mừng đến phát khóc khi tận mắt thấy được các củ sâm quý mà mình vất vả trồng, chăm bẵm cả năm trời được đào lên. Như vậy, công cuộc khôi phục lại giống sâm Bố Chính đã có những thành quả bước đầu.
Thấm thoắt nhiều năm trôi qua, đến nay, sâm Bố Chính đã được phục hồi và trồng đại trà khắp nơi tại tỉnh Quảng Bình, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, trở thành một thương hiệu được đông đảo người dân cả nước biết đến. Trong sự phục hồi của giống sâm quý này, có vai trò và công lao rất lớn của nhà báo Phùng Văn Hiệp.
Cánh chim đầu đàn của Karate Quảng Bình
Không chỉ ghi dấu ấn trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Phùng Văn Hiệp còn được biết đến là người có công phục hồi, phát triển phong trào Karate Quảng Bình lớn mạnh.
Hơn 2 năm trước, vào ngày 14/6/2020, Đại hội lần thứ nhất Liên đoàn Karate Quảng Bình đã chính thức diễn ra. Tại Đại hội lần này, các thành viên BCH Liên đoàn đã tin tưởng và bầu chọn anh Phùng Văn Hiệp làm Chủ tịch nhiệm kỳ thứ nhất (2020-2025). Qua hơn 2 năm hoạt động, với sự điều hành chỉ đạo của Chủ tịch Phùng Văn Hiệp, Karate Quảng Bình đã có những sự thay đổi, phát triển vượt bậc về phong trào lẫn thành tích tại các giải đấu quốc gia.
Từ một địa phương được xem là "vùng trũng" của Karate, nơi phong trào phát triển hết sức cục bộ, rời rạc, sau khi Liên đoàn thành lập, anh Phùng Văn Hiệp đã trăn trở làm thế nào để đưa Karate Quảng Bình quy về một mối, từ đó hội tụ sức mạnh để phát triển phong trào rộng lớn hơn, đưa thành tích Karate Quảng Bình đi lên.
“Ngay từ đầu, Liên đoàn đã vạch ra chiến lược phát triển dựa trên 2 định hướng, thứ nhất, đó là tăng cường quảng bá hình ảnh Karate trên địa bàn Quảng Bình và xa hơn là cả nước. Thứ hai, sẽ tập trung công tác đào tạo, huấn luyện chuyên sâu để giúp Karate Quảng Bình đạt thành tích cao hơn trong các giải đấu quốc gia. Với sự đoàn kết, chung tay của các võ sư, HLV có chuyên môn cao trong Liên đoàn, cùng sự hỗ trợ của cơ quan ban ngành, các cơ quan báo đài Trung ương và địa phương, Karate Quảng Bình dần trở thành điểm sáng mới trong phong trào Karate cả nước. Thành tích thi đấu của các VĐV cũng được nâng cao, phong trào tập luyện ngày càng phát triển rộng rãi”.
Có thể nói, với sự lãnh đạo của anh Phùng Văn Hiệp, Karate Quảng Bình không chỉ quy về một mối mà quá trình phát triển của Liên đoàn Karate Quảng Bình cũng nhận được sự ủng hộ của rất nhiều nguồn lực trong xã hội, từ cá nhân, doanh nghiệp cho đến các cơ quan ban ngành trong tỉnh, đặt trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ phát triển Karate từ ngân sách Nhà nước vẫn còn có hạn chế. Chính điều này đã giúp Karate Quảng Bình trở thành hình mẫu tiêu biểu cho chiến lược "xã hội hóa" thể thao mà Đảng và Nhà nước đã vạch ra thời gian qua.
Và vị thế Karate Quảng Bình càng lớn hơn khi Chủ tịch Liên đoàn Karate Quảng Bình Phùng Văn Hiệp được Bộ VHTTDL tin tưởng giao trao trọng trách lãnh đạo đội tuyển Karate quốc gia tham dự Sea Games 31. Tại kỳ Sea Games trên sân nhà lần này, với 7 HCV đạt được hết sức thuyết phục, tuyển Karate Việt Nam đã trở lại ngôi vị số 1 Đông Nam Á sau nhiều năm chờ đợi.
Xong pha vào các điểm nóng, gắn trách nhiệm với cộng đồng
Trong các dấu ấn mà anh Phùng Văn Hiệp đã tạo ra, có lẽ hình ảnh của một nhà báo, một phóng viên chính là điều tạo nên ấn tượng nhất và đưa anh đến gần nhất đối với người dân Quảng Bình.
Nhà báo Uông Ngọc Tân, phóng viên thường trú Tạp chí Nhà đầu tư tại Quảng Bình, một đồng nghiệp gần gũi với anh Hiệp đánh giá, ấn tượng mà anh Hiệp mang đến với người dân Quảng Bình và các đồng nghiệp đó chính là sự hăng hái, xong pha, không ngại hiểm nguy, khó khăn để lao vào các điểm nóng thiên tai bão lũ.
Theo đó, tại các đợt thiên tai bão lũ diễn ra trên mảnh đất Quảng Bình, anh Hiệp không chỉ bám sát các điểm nóng để cập nhật thông tin lên kênh sóng VTV mà còn kêu gọi nguồn lực từ mọi miền đất nước ủng hộ bà con nhân dân Quảng Bình.
Điển hình như tại trận lũ lụt lịch sử diễn ra vào cuối tháng 10/2020, trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” khi hàng vạn người dân địa phương đang trong cảnh chơi vơi trên các nóc nhà giữa biển nước mênh mông, anh Hiệp đã huy động các thành viên Liên đoàn Karate Quảng Bình tổ chức các xuồng cứu trợ phối hợp với chính quyền các địa phương để ứng cứu bà con. Đồng thời, ngay giữa đêm mưa gió, anh vận dụng tất cả các mối quan hệ quen biết của mình, liên lạc khắp nơi kêu gọi các mạnh thường quân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia cứu trợ, ủng hộ xuồng, áo phao, các nhu yếu phẩm cho người dân ở những vùng lũ lụt…
“Có lẽ, chính những điều này khiến cho anh dần trở thành một công dân tiêu biểu, một công dân Quảng Bình thứ thiệt đối với người dân Quảng Bình”, nhà báo Uông Ngọc Tân chia sẻ.
Với những đóng góp ấy, trong năm 2021, anh Phùng Văn Hiệp đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về công tác tuyên truyền trong bão lũ.
Bên cạnh việc gắn mình vào các điểm nóng thiên tai bão lũ, trong 7 năm công tác tại Quảng Bình, anh Phùng Văn Hiệp và các cộng sự, đồng nghiệp VTV còn hỗ trợ người dân Quảng Bình trong việc ổn định lại tình hình sau sự cố môi trường biển; đồng hành, hỗ trợ ngành du lịch tỉnh từng bước khôi phục và phát triển sau sự cố môi trường biển và đại dịch Covid-19.
Mới đây, trong ngày 8/8, tại Đại hội Đoàn TNCS HCM Đài Truyền hình Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027, anh Phùng Văn Hiệp đã được BCH tin tưởng bầu giữ chức vụ Bí thư Đoàn Đài THVN. Trở về lại Thủ đô sau 7 năm đi xa, trên cương vị mới, với những trải nghiệm quý giá ở địa phương, hy vọng rằng anh Phùng Văn Hiệp sẽ tiếp tục phát huy được sức trẻ, kinh nghiệm để đưa phong trào đoàn của Đài truyền hình Việt Nam gặt hái nhiều thành tựu mới.
“Đối với tôi, Quảng Bình thực sự là quê hương thứ 2 của tôi, nơi tôi nhận được nhiều ân tình. Đây là nơi những năm tháng đầu bước vào nghề báo, tôi được tôi luyện để từng bước trưởng thành hơn. Chính tình người và sự chân thành của các đồng nghiệp, bà con, chính quyền địa phương, đã hỗ trợ tôi và ekip VTV8 rất nhiều trong mọi công việc. Bên cạnh những việc đã làm được cho mảnh đất gió Lào cát trắng này, tôi vẫn còn ấp ủ nhiều dự định. Hi vọng tôi có thể hoàn thành trong tương lai. Dù đi đâu về đâu, một phần trái tim tôi vẫn luôn hướng về Quảng Bình, hướng về những người dân miền Trung đầy lam lũ, vất vả nhưng thánh thiện. Với nhiệm vụ mới, tôi biết sẽ còn đó nhiều khó khăn, thử thách đang chờ đợi tôi và các cộng sự, nhưng bản thân tôi sẽ tự tin, từng bước tổng hợp các kinh nghiệm đã có, tích cực học hỏi từ cấp trên và các đồng nghiệp, lắng nghe thực tế xã hội, để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuổi trẻ VTV sẽ tiếp tục tiên phong, bản lĩnh, sáng tạo, đoàn kết, tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội, góp phần xây dựng thương hiệu VTV trong lòng khán giả trong và ngoài nước”, anh Hiệp chia sẻ.
Bảo Trâm