Cầu Sông Bằng chỉ còn là đống sắt cong queo
Theo tác giả nhớ lại: “Sáng ngày 16/02/1979 tôi ra mua vé máy bay đi Cao Bằng, người bán vé cho biết không bán vé khứ hồi. Tôi nghĩ: Thế là chiến tranh sắp xảy ra. Máy bay vừa hạ cánh, tôi về ngay nhà giao tế của tỉnh. Rất may có xe về huyện Hòa An. Tôi theo xe về thị trấn Nước Hai và nghỉ qua đêm tại phòng Văn hóa. Sáng hôm sau 17/02/1979, vào khoảng 8, 9 giờ, từng đoàn xe tăng giặc nối đuôi nhau (không có bộ binh đi theo) hùng hổ tràn qua thị trấn vừa đến bản Sẩy, liền bị các chiến sỹ Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 81, Sư 346, tiêu diệt gọn và bắt sống ngay loạt đạn đầu tiên và tôi đã ghi được sự kiện xảy ra ngay ngày hôm ấy. Cũng từ giờ phút đó tôi được hai chiến sỹ công an dã chiến, đưa đi khắp các mặt trận: Từ Hòa An, qua thị xã Cao Bằng, theo đường số 4 đến mặt trận Thạch An, rồi băng rừng lội suối đến các mặt trận của dân quân tự vệ và bộ đội chủ lực địa phương các huyện Thông Nông, Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Hà Quảng, Nguyên Bình, Trùng Khánh. Tôi cùng hai chiến sỹ công an theo suốt chiều dài chiến dịch đến ngày 08/03/1979, mới về được hậu cứ Ngân Sơn. Tôi chụp được tất cả 8 cuộn phim. Trong đó, có một số đã được đăng tải lúc bấy giờ trên báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân và dự triển lãm “Toàn dân bảo vệ Tổ quốc”, do Bộ Văn hóa, TTXVN và Hội NSNA Việt Nam phối hợp tổ chức”.
Và từ đó cho đến nay mới được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép xuất bản cho ra mắt bạn đọc. Sách dày 120 trang, với khuôn khổ 25x25cm, gồm 110 ảnh đen trắng, được chia thành 3 phần:
Phần 1:Là những hình ảnh ghi lại tội ác dã man của quân xâm lược “Trời không dung đất không tha”.
Chủ trương của bè lũ bành trướng đến đâu là đốt sạch, phá sạch, giết sạch, với kiểu giết người rất man rợ của thời Trung cổ: Đập đầu, mổ bụng, chặt chân tay… rồi ném xuống giếng nước hoặc xuống suối, mà nạn nhân phần lớn là đàn bà, trẻ nhỏ. Trong đó, thê thảm nhất là gia đình chị Nguyễn Thị Hải, vợ của anh Nông Văn Ất, dân tộc Tày, có bầu 6 tháng đã bị chúng giết hại cùng 4 con thơ, đứa bé nhất mới 3 tuổi, đứa lớn nhất 10 tuổi. Bọn xâm lược không chỉ đốt phá nhà cửa, chùa chiền, nhà thờ, công trình thủy điện, trạm sửa chữa nông cụ mà ngay cả bảo tàng, hang Pác Bó, nơi Chủ tịch Hồ Chi Minh từng sống và làm việc để lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, bọn chúng cũng đánh phá tan hoang.
Các chiến sĩ Trung đoàn 567 cùng Đồn biên phòng Tà Lùng, Quảng Hoà xung phong tiêu diệt địch
tại đèo Khâu Chỉ, Phục Hoà, ngày 27/02/1979.
Phần 2:Tinh thần đoàn kết chiến đấu anh dũng của quân dân Việt Nam.
Hưởng ứng lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Lời kêu gọi của BCH Trung ương Đảng và Quyết định của UB Thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, nhiều thanh niên các dân tộc đã hăng hái xung phong tòng quân lên đường giết giặc. Nhiều bậc cha mẹ vui vẻ tiễn con lên đường ra mặt trận.
Họ chỉ là bộ đội địa phương, dân quân du kích, nhưng họ đã chiến đấu rất ngoan cường, được sự ủng hộ động viên của nhân dân cả nước, của các mẹ, các chị ngày đêm không ngại hy sinh tiếp tế lương thực, thực phẩm, sơ cứu thương binh… nên dù phải đương đầu với 60 vạn quân giặc tinh nhuệ, với trang bị vũ khí tối tân, ta vẫn giành được thắng lợi to lớn, buộc kẻ thù phải sớm rút về bên kia biên giới.
Chiếc xe tăng giặc bị quân ta bắn tan xác sáng 18/02/1979 tại khu vực cầu treo phố Cao Bình nối với xã Hoàng Tung, Hoà An
Phần 3: Thắng lợi vẻ vang.
Với lối đánh du kích, lấy ít đánh nhiều, bí mật phục kích, bất ngờ tấn công tiêu diệt, khiến bọn chúng không kịp đánh trả. Nhiều xe tăng bị tiêu diệt, nhiều tên địch bị đền tội nằm ngổn ngang trên ruộng, dưới suối, nhiều tên tù binh bị bắt, trong đó có cả những tên đại tá khét tiếng gian ác. Ta thu được nhiều vũ khí, khí tài, đạn dược.
Dù kẻ thù mạnh hơn ta bội phần, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, xả thân vì nước, khiến bọn xâm lược đã phải chùn bước. Buộc chúng phải sớm rút quân về nước.
Bài: NSNA Hồ Sỹ Minh
Ảnh: Nhà LLPB NA Trần Mạnh Thường