Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Trung ương xem Triển lãm ảnh “Việt Nam phòng chống dịch Covid-19".
Hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam tiếp tục phát triển thuận lợi. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới”; Nghị quyết Trung ương 9 (khoá IX) về "Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" và sự hỗ trợ của các Bộ Ban ngành, các địa phương, các đơn vị tổ chức, cá nhân đã tiếp sức cho văn nghệ sĩ, cho nền nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục lan toả và phát triển.
Dòng mạch chính là đề cao chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, trách nhiệm, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thực cuộc sống; sáng tạo tìm tòi đề tài, phương pháp sáng tác, thể hiện hình thức diễn đạt mới là định hướng hoạt động của nghệ thuật nhiếp ảnh. Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (Hội NSNA Việt Nam) tiếp tục mở rộng hoạt động phong trào, nâng cao chất lượng sáng tác, sáng tạo tác phẩm có giá trị, hướng đến chuyên nghiệp hoá công tác Hội, khẳng định vai trò, vị thế của nhiếp ảnh Việt Nam ở trong nước và quốc tế.
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, sản phẩm công nghệ số trong lĩnh vực nhiếp ảnh đã tác động mạnh mẽ đến phong trào nhiếp ảnh nói chung và nghệ thuật nhiếp ảnh nói riêng. Công nghệ mới, thiết bị kỹ thuật số thường xuyên được đổi mới hỗ trợ rất nhiều trong sáng tác, giúp nghệ sĩ vượt qua những hạn chế của nhiếp ảnh truyền thống trước đây để sáng tạo những tác phẩm ảnh mới lạ, phong phú, bắt mắt.
Tính đến nay, Hội NSNA Việt Nam có 1.050 nghệ sĩ nhiếp ảnh của 63 tỉnh/thành trên cả nước, với 77 chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trực thuộc Trung ương Hội. Nhiệm kỳ VIII, Hội kết nạp 117 hội viên, thành lập thêm được chi hội Hội NSNA Việt Nam tỉnh Hậu Giang. Hiện còn Bình Phước, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lai Châu, Tuyên Quang chưa đủ 3 hội viên để thành lập chi hội.
Các Đại biểu cắt băng Khai mạc Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế VN-19
Là một hội nghề nghiệp, tập hợp đội ngũ các nhà nhiếp ảnh nên hoạt động sáng tác, tổ chức triển lãm, công bố tác phẩm là hoạt động trọng tâm của Hội. Trong cả nhiệm kỳ cũng như kế hoạch công tác từng năm, Hội chú trọng, quan tâm, tìm nhiều ý tưởng, giải pháp đổi mới nhiệm vụ quan trọng này. Hoạt động sáng tác, triển lãm ảnh được phân thành 3 cấp chủ yếu:
Các cuộc thi ảnh cấp quốc gia
Hội tổ chức, phối hợp tổ chức các cuộc thi và triển lãm ảnh cấp quốc tế, quốc gia. Đặc biệt, cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế, gọi tắt là VN, 2 năm/lần. Trong nhiệm kỳ 8, Việt Nam đã tổ chức được 3 "VN" vào năm 2015/2017/2019. Đây là cuộc thi dành cho tất cả nhiếp ảnh gia trên thế giới yêu nghệ thuật nhiếp ảnh. Cuộc thi được FIAP ủng hộ, đồng ý cấp giải thưởng cho tác giả dự thi. "VN" là cuộc thi mang tính chuyên nghiệp cao với sự tham dự của hàng nghìn nhà nhiếp ảnh với số lượng ảnh gửi từ 10 nghìn đến 16 nghìn files của 30 đến 40 nước và vùng lãnh thổ mỗi cuộc thi.
Nhiều thể loại nhiếp ảnh nghệ thuật của "VN" được yêu cầu sáng tác tạo nên sự đa dạng, phong phú của cuộc thi. Bên cạnh đó, với phong cách sáng tác mới, ý tưởng tác phẩm độc đáo, sự hỗ trợ của thiết bị kỹ thuật công nghệ hiện đại đã nâng tầm chất lượng tác phẩm ảnh của cuộc thi. Nhiều bức ảnh thật sự mang lại cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. "VN" cũng là dịp để nhiếp ảnh Việt Nam có điều kiện cọ sát, học hỏi tinh hoa nhiếp ảnh thế giới để nâng cao năng lực sáng tác. Hàng trăm giải thưởng Huy chương Vàng, Bạc, Đồng đã được trao cho tác giả trong nước và quốc tế.
Hội NSNA Việt Nam còn phối hợp với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tổng kết sáng tác nhiếp ảnh toàn quốc mang tên "Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam". Hai cuộc tổng kết và triển lãm năm 2016/2018 được tổ chức ở Kiên Giang và Quảng Ninh.
Bên cạnh hai hoạt động nhiếp ảnh lớn trên, nhiệm kỳ qua, Hội NSNA Việt Nam còn tổ chức các cuộc thi, triển lãm chuyên đề, chuyên sâu như Cuộc thi phóng sự ảnh " Việt Nam - Đất nước, Con người" (phối hợp với báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh) là một thể loại ảnh báo chí hấp dẫn có sự tham gia của phóng viên, nhiếp ảnh gia và NSNA với hơn 600 bộ ảnh về mọi mặt đời sống xã hội; "Đất nước, con người bè bạn quốc tế qua ống kinh các nhà nhiếp ảnh Việt Nam"... Cuộc tổng kết "Nhiếp ảnh nghệ thuật 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới" đã khẳng định Nhiếp ảnh nghệ thuật luôn theo sát, phản ánh sự phát triển của đất nước. Nhiều bức ảnh có ý nghĩa, đẹp đã được triển lãm.
Năm 2018/2019, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật về đề tài “Biển đảo quê hương”. Đây là cuộc thi lớn, là hoạt động quan trọng nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về vị trí, vai trò, tiềm năng, vẻ đẹp của biển, đảo Việt Nam đến với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước, góp phần khẳng định quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông. Bộ ảnh triển lãm và các tác phẩm xuất sắc nhất đã được trưng bày luân phiên tại Hà Nội (Khu di tích lịch sử văn hoá Văn Miếu - Quốc Tử Giám), Ninh Bình (Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư), Huế (Quảng trường Ngọ Môn, Cố đô Huế) và Trung tâm TP. Hồ Chí Minh (Đường đi bộ Nguyễn Huệ). Các hoạt động này đã khẳng định sự ủng hộ và đóng góp của Hội NSNA Việt Nam đối với chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Các đại biểu tham quan Triển lãm ảnh Cuộc thi Vì Biển đảo quê hương (năm 2018)
Các Liên hoan và cuộc thi ảnh cấp khu vực nhiệm kỳ VIII
Được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Hội NSNA Việt Nam đã tổ chức 37/40 Liên hoan ảnh nghệ thuật trong kế hoạch đặt ra. Liên hoan ảnh 8 khu vực đã trở thành "Thương hiệu" của nhiếp ảnh khu vực, là hoạt động nhiếp ảnh quan trọng nhất hằng năm của giới nhiếp ảnh các vùng miền. Đây là sân chơi hấp dẫn, có giá trị nghề nghiệp đối với lực lượng sáng tác tại các khu vực. Đông đảo nghệ sĩ và các nhà nhiếp ảnh tham dự. Liên hoan khu vực được tổ chức đa dạng như thi ảnh, chụp ảnh "marathon", toạ đàm, giao lưu... Liên hoan khu vực là nơi tạo nguồn nhân lực cho các hội VHNT địa phương và Hội NSNA Việt Nam, là nơi giao lưu, kết nối giữa các nhà nhiếp ảnh trong khu vực.
Tổng cộng 5 năm có 8.000 lượt tác giả tham gia sân chơi này, với gần 60.000 ảnh dự thi, trong đó có tới 5.000 ảnh cùng nhiều tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng HCV, HCB, HCĐ, Khuyến khích được giới thiệu với công chúng. Một con số cho thấy niềm đam mê to lớn của các tác giả nhiếp ảnh Việt Nam cũng như sự nỗ lực tổ chức của Hội NSNA Việt Nam và các địa phương đăng cai.
Bên cạnh Liên hoan khu vực, Hội còn tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi, triển lãm ảnh cấp khu vực khẳng định quy mô, chất lượng của cuộc thi, đồng thời tiếp tục tập hợp lực lượng sáng tác trẻ tạo nguồn nhân lực cho Hội trong thời gian tới. Cuộc thi cấp khu vực là hoạt động mang tinh tạo nguồn, phát triển ý tưởng sáng tác cũng như hình thành nhân cách chuyên nghiệp của nhà nhiếp ảnh. Một số cuộc thi tiêu biểu như "Tôi yêu Việt Nam", "Việt Nam hôm nay" phối hợp với Tổng cục Du lịch; "Khoảnh khắc Vàng" với TTXVN; "Khoảnh khắc V-League 2016 và 2017" phối hợp với Liên đoàn bóng đá Việt Nam; cuộc thi "TKV - khơi dậy tiềm năng đất nước" phối hợp với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam ... đã tạo ra nhiều sân chơi, thu hút sự tham dự đông đảo của giới nhiếp ảnh.
Trao bằng khen cho các NSNA có thành tích xuất sắc trong hoạt động và sáng tác ảnh nghệ thuật năm 2019
Các cuộc thi cấp tỉnh thành
Là hoạt động sáng tác, triển lãm do Hội NSNA Việt Nam bảo trợ nhằm mở rộng phong trào nhiếp ảnh, tạo niểm hứng khởi cho những người yêu nhiếp ảnh, muốn thử sức mình với môn nghệ thuật này. Các cuộc thi chủ yếu do Hội VHNT địa phương tổ chức, được Hội NSNA Việt Nam bảo trợ nghệ thuật theo Quy chế Hội. Hằng năm có khoảng 40 cuộc thi, triển lãm được tổ chức trên phạm vi toàn quốc.
Nằm trong chương trình kế hoạch toàn khoá của Ban Chấp hành, Hội đã thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, phối hợp tổ chức hoặc lồng ghép trong các cuộc thi, liên hoan ảnh cấp tỉnh/thành, khu vực và toàn quốc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh". Nhiều bộ ảnh, ảnh đơn xuất sắc đã được Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban tổ chức các cuộc thi trao giải thưởng cao.
Công tác thẩm định ảnh là lĩnh vực nghiệp vụ quan trọng, Hội đồng nghệ thuật đã tìm nhiều phương thức để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác này. Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới, tìm chọn bổ sung giám khảo trẻ, tăng cường trao đổi thông tin trong hội đồng giám khảo, thêm thời gian thẩm định ảnh... là cơ sở để hội đồng giám khảo chấm chọn ảnh chính xác, hiệu quả hơn.
Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam trao cờ lưu niệm cho các tỉnh tham gia Liên hoan ảnh Nghệ thuật Miền núi phía Bắc
tại Yên Bái, năm 2019
Công tác tổ chức trại sáng tác của Hội nhiệm kỳ qua là rất tốt, hiệu quả. Nghệ sĩ nhiếp ảnh được hoán đổi vùng miền sáng tác, tạo nhiều cảm xúc nghệ thuật ở chất liệu con người, cuộc sống mới, lạ nên rất hào hứng làm việc. Trong 5 năm, tổng số hội viên được tham dự các trại sáng tác trên toàn quốc lên tới hơn 800 lượt nghệ sĩ.
Nhiệm kỳ 8, công tác mở trại sáng tác - tập huấn đã có nhiều đổi mới về công tác tổ chức, phương thức hoạt động nghiệp vụ cũng như số lượng trại. Được sự phân bổ của Trung tâm hỗ trợ sáng tác (Bộ VHTTDL), Hội NSNA Việt Nam đã phối hợp tổ chức 12 trại sáng tác tại Đại Lải, Tam Đảo, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu. Tại các trại sáng tác của Bộ, Hội đã hỗ trợ nghệ sĩ nhiếp ảnh về kinh phí, phương tiện đi đến những địa bàn trong phạm vi các nhà sáng tác - nơi có nhiều chất liệu ảnh để thâm nhập thực tế, sáng tác. Sự hỗ trợ này đã tạo cảm xúc cho nghệ sĩ, sáng tác nhiều ảnh có chất lượng. Được Trung tâm hỗ trợ sáng tác VHNT của Bộ ủng hộ, Hội đã tổ chức theo cơ chế 30 hội viên chia 2 đợt, mỗi đợt 15 người trong 7 ngày thay vì 15 người trong 15 ngày. Cách thức này đã tạo cho số lượng hội viên tham dự trại của Bộ trong 5 năm là hơn 300 lượt nghệ sĩ.
Ngoài ra, Hội luôn chủ động mở các trại của mình theo kế hoạch, nội dung nghiệp vụ cần thiết. Hội NSNAVN tự tổ chức, phối hợp tổ chức theo phương thức xã hội hoá nhiều trại tập huấn sáng tác theo hướng chuyên nghiệp. Một số trại tiêu biểu: Trại sáng tác Quảng Ngãi về biển đảo (50 hội viên); Trại Lai Châu do EVN tài trợ (45 hội viên); Trại sáng tác Quân khu 7 (90 hội viên); Trại Kon Tum (50 hội viên); Trại Kiên Giang, biển đảo Phú Quốc (50 hội viên); Trại sáng tác dành cho nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh tại Nha Trang (30 hội viên); Trại Mù Cang Chải cho các nghệ sĩ Hà Nội (40 hội viên); Trại tập huấn sáng tác tại Huế (50 hội viên) ...
Tổng kết trại tập huấn - sáng tác ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ
Hội đã liên hệ và được Bộ Tư lệnh Hải quân cho một số nghệ sĩ được đi sáng tác tại quần đảo Trường Sa (5 đợt) với 20 hội viên được tham gia. Nhiều triển lãm ảnh đã được các nghệ sĩ tổ chức trưng bày về đề tài biển đảo qua các chuyến công tác ngoài Trường Sa.
Năm 2018/2019, Hội phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức cuộc thi "EVN - 65 năm thắp sáng niềm tin"; đồng thời tổ chức 3 trại sáng tác về ngành điện tại 3 vùng trọng yếu ở Tây Nguyên (30 hội viên), Tây Bắc (30 hội viên) và miền Tây Nam bộ (40 hội viên) Tất cả hoạt động này đều do EVN tài trợ, thực hiện công tác xã hội hoá nhiếp ảnh.
Đi theo thực tiễn sáng tác, công tác Lý luận phê bình là nhiệm vụ thường xuyên được đặt ra. Ở các trại sáng tác, phần tập huấn nghiệp vụ luôn là nội dung Hội chủ động tổ chức để hội viên định hướng sáng tác. Công tác "Đọc" ảnh, đánh giá, thẩm định nội dung, hình thức nghệ thuật giúp hội viên nhận thức chất lượng ảnh, đồng thời rút kinh nghiệm cho đợt thực tế sau. Trại sáng tác đã gắn công tác lý luận với thực tiễn sáng tác của nghệ sĩ, hướng dẫn, tổ chức làm ảnh bộ, phóng sự ảnh và các lĩnh vực nhiếp ảnh quan trọng khác để nâng cao chất lượng sáng tác của hội viên. Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống (phiên bản mới ) cùng Trang thông tin điện tử của Hội (Website) đã đăng tải nhiều bài viết LLPB, thông tin hoạt động Hội phục vụ hội viên và người yêu nhiếp ảnh trong và ngoài nước.
Các NSNA Khu vực đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ tham gia trại sáng tác tại huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế
Các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh tham gia trại sáng tác tại Ninh Thuận
Nhiệm kỳ qua là chặng đường khẳng định sự phát triển mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp của Nhiếp ảnh Việt Nam. Chất lượng hoạt động nghiệp vụ luôn được đề cao, đổi mới để Nhiếp ảnh thật sự là một chuyên ngành nghệ thuật có vai trò, vị thế cùng giới văn học nghệ thuật cả nước, góp phần nhỏ bè vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
Trong nhiệm kỳ, nhân kỷ niệm 150 năm ngày Danh nhân Đặng Huy Trứ đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam, Hội NSNA Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội thảo khoa học "Danh nhân Đặng Huy Trứ - người khai lập ngành nhiếp ảnh Việt Nam" tại tỉnh Thừa Thiên Huế, quê hương ông. Hội thảo suy tôn Danh nhân Đặng Huy Trứ xứng đáng là Ông Tổ nghề ảnh Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động nhiếp ảnh nhân ngày truyền thống 15/3 hằng năm luôn được Hội tổ chức trang trọng, nhiều ý nghĩa để nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, và tri ân các nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho công tác Hội cũng như Nhiếp ảnh Việt Nam.
Hội nghị Chi hội trưởng hai miền Bắc - Nam và Hội thảo “Công tác giám khảo và trao đổi nghiệp vụ thẩm định ảnh toàn quốc” được tổ chức tại Ninh Thuận, Ninh Bình và Đà Nẵng là những hoạt động quan trọng của Hội nhằm đánh giá những ưu điểm và hạn chế, rút ra những bài học cho công tác Hội, được đánh giá cao, cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam là thiết chế văn hoá "đặc biệt" về chuyên ngành nhiếp ảnh mà nhà nước quan tâm dành cho Hội NSNA Việt Nam để thực nhiệm vụ lưu trữ và tổ chức triển lãm ảnh cũng như những hoạt động liên quan khác. Đến nay, Trung tâm đã sưu tầm, lưu trữ được 300 nghìn files ảnh kỹ thuật số về sáng tác của nhiếp ảnh Việt Nam và quốc tế. Bộ sưu tập rất có giá trị hiện nay và mai sau. Nhiều bức ảnh không chỉ có giá trị về nghệ thuật mà còn là những tư liệu quý, phản ánh hiện thực đất nước, con người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Là ngôi nhà chung, "điểm" văn hoá ảnh dành cho hội viên và những người yêu nhiếp ảnh, Trung tâm đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm ảnh trong nước và quốc tế, hoàn thành tốt nhiệm vụ được nhà nước giao. Ngoài ra, các hoạt động chính trị quan trọng khác của Hội đều được tổ chức tại đây. Trung tâm còn hỗ trợ nhiều đơn vị, hội viên, cá nhân tổ chức triển lãm ảnh, ra mắt sách ảnh ... như "Bà đỡ" tận tình của hoạt động nhiếp ảnh trong và ngoài hội. Trung tâm cũng đang thiết kế không gian lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam, chuẩn bị hiện vật, tư liệu để sớm đưa "bảo tàng" chuyên đề này vào hoạt động.
Hiện nay, thương hiệu VAPA đã trải dài, rộng trên khắp các tỉnh/thành của đất Việt và trên trường quốc tế khẳng định vai trò, vị thế của Hội Hội NSNA Việt Nam và Nhiếp ảnh Việt Nam. Hoạt động của Hội gắn liền với tình hình phát triển đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của đất nước và các địa phương; đồng thời Hội mở rộng công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế thực hiện nhiệm vụ giao lưu nhân dân. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ là người viết sử bằng ảnh, Hội còn mở rộng hoạt động sáng tác nghệ thuật nhiếp ảnh, đa dạng sản phẩm thị giác nhằm phát huy tư duy sáng tạo của nghệ sĩ, đồng thời phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng, cũng như đẩy mạnh hội nhập nhiếp ảnh quốc tế, học hỏi, thu nhận tinh hoa sáng tác của thế giới và giao lưu ảnh qua triển lãm, gửi ảnh dự thi quốc tế. Nhiếp ảnh là một chuyên ngành nghệ thuật hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Trên nền của công nghệ, kỹ thuật số và đường truyền internet, nhiếp ảnh không còn biên giới cả về địa lý và ngôn ngữ giữa các quốc gia. Lợi thế này giúp cho nhiếp ảnh Việt Nam hội nhập hiệu quả, đưa tác phẩm có giá trị của Việt Nam ra giới thiệu với bạn bè quốc tế và ngược lại.
NSNA Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam