Vào nghề vì muốn “ghi lại điều nhìn thấy”
Sinh năm 1937 tại Hưng Nguyên (Nghệ An), năm 1954, người thanh niên Nguyễn Hồng Phương khi ấy chưa tròn 17 tuổi đã xung phong vào bộ đội với mong muốn được đánh trận Điện Biên Phủ. Ông đạt được ước nguyện trở thành tân binh, song chưa kịp hành quân lên đường thì chiến dịch đã toàn thắng.
Vậy là người chiến sĩ trẻ của Trung đoàn 44 cùng đồng đội “bẻ ghi” xuyên rừng, xuyên đêm, xuôi đường số 6, tiến về hướng Xuân Mai. Đêm ấy là một đêm đáng nhớ, khi mà từ rừng sâu, cùng đồng đội leo lên một quả đồi, bỗng người chiến sĩ trẻ sửng sốt trước một vầng sáng ở phía chân trời hướng Đông Bắc. Một đồng đội tên Tú (quê ngoại thành Hà Nội) bảo: “Cái vầng sáng đó là Hà Nội đấy!”.
“Hà Nội! Thủ đô! Thủ đô quá gần rồi mấy anh ơi!”, chiến sĩ trẻ Nguyễn Hồng Phương thốt lên đầy sung sướng.
Sau đó, Nguyễn Hồng Phương được bổ sung vào lực lượng của Trung đoàn 57, tiến về giải phóng Thủ đô. Hiệp định Geneve được ký kết, quân Pháp lần lượt rút khỏi miền Bắc... Mọi việc xoay chuyển quá nhanh, quá bất ngờ, ông nảy sinh ý định viết nhật ký để lưu lại.
Về Trung đoàn 57, Nguyễn Hồng Phương được chọn làm chiến sĩ liên lạc, thỉnh thoảng phụ việc thư ký cho Chính trị viên Trung đoàn. Đang học chính trị thì ông nhận được tin Trung đoàn 57 được Bác Hồ và Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chọn phối thuộc cho Đại đoàn 308 tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Niềm vui quá lớn và bất ngờ này được ông tiếp tục ghi lại trong nhật ký.
“Chiều ngày 9-10-1954, trung đoàn tôi được giao tiếp quản các cửa ô để sáng hôm sau cùng các đơn vị hợp thành tiến vào trung tâm thành phố. Hôm sau, trên đường vào trung tâm, tôi chứng kiến đoàn làm phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” của Carmen đang quay cảnh Trung đoàn Thủ đô tiến vào thành phố. Những ngày sau đó, không khí nao nức tràn đầy trên gương mặt của từng người, từng hẻm phố.
Tôi đã sống với niềm nao nức ấy mà ngẩn ngơ trước những ngôi nhà đẹp của Hà Nội… Và vầng sáng bừng lên trong cái đêm đứng nhìn về Hà Nội từ một ngọn đồi vùng trung du, cho tới một loạt các sự kiện kỳ vĩ, cùng bao điều kỳ diệu sau này đã thôi thúc tôi phải viết. Tôi muốn ghi lại những điều được nhìn thấy”, nhà báo Nguyễn Hồng Phương nhớ lại những khoảnh khắc “mở đường” cho nghiệp cầm bút.
Luôn học hỏi, liên tục trau dồi
Tự nhận mình là “tay ngang” trên con đường dấn thân vào nghề báo, chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, nhà báo Nguyễn Hồng Phương cho biết, ông không qua trường lớp đào tạo nào về chuyên ngành báo chí. Bù lại, ông may mắn được trải nghiệm, dấn thân ở những giai đoạn “nóng bỏng” của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Ông bắt đầu bằng những bài viết về đại đoàn quân tiên phong, về tình quân - dân, nhưng chỉ cất giữ trong cuốn sổ tay. Bài báo đầu tiên ông gửi Báo Quân đội nhân dân được viết trong đêm khuya và hồi hộp gửi đi kèm hy vọng được cầm tờ báo đăng bài viết của mình.
“15 ngày trôi qua, rồi tuần thứ ba… Tôi nhớ lúc đó là một ngày cuối tháng 3-1956, khi đi lấy báo cho Trung đoàn, cũng như mọi lần, tôi giở từng trang và bỗng run lên khi thấy bài báo ký tên mình nằm ở trang 3 Báo Quân đội nhân dân”, nhà báo Nguyễn Hồng Phương nhớ lại.
Bài báo đó có nhan đề “Những người lính kiến thiết”, viết về một đơn vị bộ đội từ miền Nam tập kết ra miền Bắc tham gia đóng gạch. Đó chỉ là một nét nhỏ trong vô vàn những hoạt động hằng ngày của những người con miền Nam tập kết ra Bắc, nhưng nhà báo Nguyễn Hồng Phương đã có góc nhìn riêng, ông nhận ra hình ảnh tuyệt đẹp trong công việc của những người chiến sĩ ấy. Cũng chính từ bài báo này, Nguyễn Hồng Phương trở thành cộng tác viên tích cực của Báo Quân đội nhân dân.
Đến năm 1964, Nguyễn Hồng Phương trở thành phóng viên trẻ nhất của Báo Quân đội nhân dân, rồi được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Quân sự Báo Quân đội nhân dân. Năm 1988, ông về làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh, sau đó kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo. Khoảng 6 năm sau, ông nghỉ hưu.
Chia sẻ bí quyết để trở thành phóng viên giỏi nghề, nhà báo Nguyễn Hồng Phương cho biết, khi đọc một bài báo nào hay, ông luôn đặt câu hỏi: “Tại sao lại có chi tiết hay như vậy? Chi tiết này lấy từ đâu ra?…”. Và, Nguyễn Hồng Phương có rất nhiều bài báo sống trong lòng độc giả như bài xã luận “Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược” nhân sự kiện giải phóng Buôn Ma Thuột; “Bước ngoặt chiến tranh” nhân giải phóng Huế và Đà Nẵng; “Đỉnh cao thắng lợi huy hoàng” nhân Chiến thắng 30-4 lịch sử; hay bức ảnh “Nỗi đau và trách nhiệm” chụp Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với nhân dân trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 9-9-1969...
Nhà báo Nguyễn Hồng Phương luôn tìm tòi đọc những bài báo hay từ những đàn anh đi trước, từ đồng nghiệp, kể cả những bài dịch của phóng viên nước ngoài. Ông cho rằng, hiệu quả nhất là đọc và học qua tác phẩm báo chí của người khác. Theo ông, trau dồi trong nghề báo là không có điểm dừng, cả về chuyên môn và đạo đức nghề báo.
“Trong thời chiến, báo chí chủ yếu cổ vũ tinh thần hy sinh, tinh thần chiến đấu, lòng yêu nước, xả thân vì nước. Còn trong thời bình, người làm báo đứng trước bao nhiêu vấn đề phức tạp, phải góp phần tháo gỡ, phải khẳng định cái đúng, phê phán cái sai, vun bồi những điều tích cực trong xã hội”, nhà báo Nguyễn Hồng Phương nhấn mạnh.