Cuối năm 2017, tờ Tạp chí Nhiếp ảnh của Hội sau gần 40 năm hoạt động khá tốt phải tạm dừng do Hội không còn kinh phí để duy hoạt động của tờ tạp chí. Ban Chấp hành khoá 8 cũng như vị Chủ tịch Hội Vũ Quốc khánh trăn trở, tìm giải pháp để duy trì tờ tạp chí. Trong chuyến công tác tại Nghệ An, ông đã gặp và trao đổi với nhà báo, NSNA Hồ Sỹ Minh là hội viên của Hội đang công tác tại Báo Nghệ An về việc Tạp chí Nhiếp ảnh phải dừng hoạt động vì lý do nhà nước không còn hỗ trợ tài chính. NSNA Sỹ Minh đã không ngần ngại nhận giúp Tạp chí hoạt động trở lại bằng cơ chế tự chủ.
Tôi thật sự vui mừng và có ngay bài viết in trên báo, tiếp tục tham gia cộng tác đều đặn trở lại với tạp chí và quyết định đưa nghệ sĩ Hồ Sỹ Minh vào công trình sách ảnh “Vinh quang nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam” để kịp thời động viên cổ vũ tinh thần yêu nghề, dũng cảm, dám đứng nhận thử thách khó khăn để khôi phục lại tờ Tạp chí.
Bước sang thế kỷ XXI khi nền Khoa học - Kỹ thuật thế giới phát triển rực rỡ, trong đó có sự phát triển của công nghệ thông tin. Khi báo điện tử xuất hiện làm cho báo viết, báo giấy bị nghiêng ngả, điêu đứng. Một số cơ quan báo chí, Nhà xuất bản gặp khó khăn. Nhiều xuất bản phẩm không thể tồn tại. Điển hình như tờ “Văn Nghệ trẻ” của Hội Nhà văn Việt Nam là tờ báo dành cho bạn đọc trẻ yêu mến Văn học Nghệ thuật bỗng dưng cáo lỗi đình bản! Tờ Tạp chí “Ánh sáng Đẹp” của Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang phát hành có số lượng khá cũng phải “nghỉ hưu” non! Đến lượt tờ Tạp chí Nhiếp ảnh của Hội NSNA Việt Nam - Một trong những ấn phẩm chuyên ngành có uy tín trong giới Văn học - Nghệ thuật Việt Nam đang phát triển nhưng cũng chỉ cầm cự thêm được đến giữa năm 2017 rồi cũng phải ra thông báo ngừng hoạt động!
Giữa những lúc khó khăn ấy, Hồ Sỹ Minh dám nhận trách nhiệm giúp tờ Tạp chí “hồi sinh” trở lại. Giới nhiếp ảnh nhiệt liệt chào mừng nhưng cũng lo không biết anh cầm cự được bao lâu sẽ phải đầu hàng? Thế nhưng, đã 6 năm (2018 – 2023) tờ Tạp chí Nhiếp ảnh đổi tên thành Tạp chí “Nhiếp ảnh và Đời sống” đã đứng vững và không ngừng phát triển. Với cơ chế tự chủ, Hội chỉ hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí nhưng Tạp chí vẫn hoạt động tốt, in ấn đẹp, giấy tốt, ra đều đặn định kỳ; phóng viên, biên tập và nhân viên trị sự có lương đủ sống. Từ đó, trong dư luận đã tỏ ra khâm phục, đặt niềm tin và hy vọng.
Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, sinh năm 1962, tại tỉnh Hà Tĩnh, gốc Nghệ An, cầm tinh con Hổ, Nhâm Dần. Trưởng thành từ một cán bộ ngành Văn hóa Nghệ Tĩnh, từ năm 1983 của thế kỷ trước. Lúc đầu anh chỉ dùng máy ảnh để chơi với niềm đam mê. Sau khi xoá bỏ cơ chế bao cấp, anh dùng nghề ảnh để mưu sinh và hướng nghiệp. Ảnh chụp ra được nhiều người thích và được các nhà báo đến xin ảnh đăng báo, rồi hằng năm đến dịp Tết anh lại được các báo chí của tỉnh nhờ chụp ảnh làm bìa cho số báo Tết. Đến năm 1997, Sỹ Minh lọt vào “mắt xanh” Báo Nghệ An, được Ban lãnh đạo Báo Nghệ An mời về làm phóng viên của Báo.
Đây là cơ hội hiếm có giúp cho Sỹ Minh có điều kiện đi sâu vào con đường sự nghiệp và niềm đam mê sáng tác ảnh nghệ thuật. Ngay từ năm đầu tiên về báo, anh đã có tác phẩm “Cho cả ngày mai” đoạt Huy chương Bạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ và hai giải Khuyến Khích trong cuộc thi báo chí của Nghệ An là “Hưng Nguyên cứu lúa” và “Cõng bạn đi học”. Năm 1999, tác phẩm “Nắng thu” được tặng giải C - Giải thưởng Nhiếp ảnh Xuất sắc của Hội NSNA Việt Nam. Thành công bước đầu đã thổi bùng ngọn lửa đam mê nhiếp ảnh trong anh.
Nhiều chuyến đi thực tế được thực hiện bất kể ngày đêm, mưa gió, đến những vùng sâu vùng xa. Sỹ Minh đã không ít lần tiếp cận Nhà máy xi măng Nghi Sơn cách thành phố Vinh hàng trăm cây số và “chớp” được tác phẩm “Thức dậy một tiềm năng”. Tác phẩm đã được tặng “Huy Chương Vàng” tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung Bộ năm 2001.
Năm 2005 tại Lễ kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 ở Quảng trường Ba Đình, nhà báo Sỹ Minh đại diện của báo Nghệ An tham gia đưa tin sự kiện và anh đã chớp được khoảnh khắc lễ duyệt binh với tác phẩm “Tiếp bước”. Chụp xong, anh gửi dự Cuộc thi ảnh “Việt Nam Đất nước - Con người” do Hội Nhiếp ảnh Hà Nội tổ chức vào đúng ngày cuối cùng hết hạn nhận ảnh và tác phẩm “Tiếp bước” đã nhận được Huy chương Vàng với sự thống nhất cao của Ban giám khảo.
Thành công nối tiếp thành công, Sỹ Minh càng say mê đến cuồng nhiệt. Bằng xe máy, từ Thành phố Vinh, anh phóng xuống huyện Yên Thành tìm gặp bé Phú không có hai tay nhưng đã kiên trì luyện tập, viết chữ bằng cả hai chân mà chữ vẫn đẹp và bé Phú trở thành học sinh giỏi, được anh thể hiện qua tác phẩm “Vượt lên số phận”. Tác phẩm này được trao tặng “Huy chương Bạc” trong Triển lãm Ảnh Nghệ thuật toàn quốc năm 2003. Trong dịp tham gia trại sáng tác Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung Bộ, trên đường về đến thành phố Vinh, Sỹ Minh nghe tin cháy chợ Vinh, anh đã tức tốc phóng xe máy, có mặt tại hiện trường và kịp thời chĩa ống kính ghi lại ngọn lửa đang ngùn ngụt cháy, và tác phẩm “Hỏa hoạn” ra đời từ đây. Tác phẩm “Hỏa hoạn” được đánh giá là Ảnh báo chí xuất sắc, đoạt “Cúp Vàng” Cuộc thi ảnh quốc tế tại Nhật Bản.
Năm 2010, trận lũ lịch sử diễn ra tại Nghệ An, Hà Tĩnh. Sỹ Minh đã vượt qua bão lũ hiểm nguy đến vùng rốn lũ để thực hiện phóng sự ảnh “Cận cảnh vùng rốn lũ”, được tặng Giải C Giải Báo chí Quốc gia trong Hạng mục Ảnh báo chí của Hội nhà báo Việt Nam và tác phẩm “Rừng nguyên sinh Pù Mát”, được giải Nhất đồng hạng trong Cuộc thi Ảnh nghệ thuật báo chí các nước khu vực ASEAN.
Năm 2014, tác phẩm “Cùng học” được tặng Huy chương Vàng trong Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ. Cùng năm 2014, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam xét phong tặng tước hiệu E.VAPA/G cho 5 nghệ sĩ đặc biệt xuất sắc. Hồ Sỹ Minh cũng là một trong 5 nghệ sĩ có vinh dự được nhận tước hiệu cao quý đó.
Với bản tính ham học hỏi, luôn cập nhật kiến thức và công nghệ thông tin để không bị lạc hậu, NSNA Hồ Sỹ Minh đã tham gia nhiều lớp tập huấn của Hội NSNA Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam. Sỹ Minh luôn coi tờ Tạp chí Nhiếp ảnh là “người bạn đường”, người thầy đáng tin cậy luôn dẫn dắt anh đi suốt chặng đường hoạt động nhiếp ảnh, đó cũng là điều lý giải tại sao Sỹ Minh có quyết tâm cao, mạnh dạn đề đạt nguyện vọng và sau đó gửi đề án, kế sách hoạt động nhằm khôi phục tờ Tạp chí Nhiếp ảnh.
Từ một nhà báo - NSNA chưa kinh qua công tác tổ chức điều hành một tờ báo, tạp chí tầm cỡ quốc gia, nhưng đã qua 6 năm liên tục ra mắt bạn đọc với tên gọi mới “Nhiếp ảnh và Đời sống”, Sỹ Minh đã lấy kinh nghiệm có được qua 20 năm làm báo và điều hành Công ty của riêng mình để làm tờ Tạp chí ngày càng hoàn thiện và phát triển.
Hiện nay nhà báo – NSNA Hồ Sỹ Minh đang giữ nhiều trọng trách: Phó Chủ tịch Thường trực Hội NSNA Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, Trưởng ban Lý luận Phê bình Nhiếp ảnh của Hội. Công việc chồng chất mà tờ Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống vẫn tồn tại và phát triển, bởi sự giúp đỡ, hỗ trợ và sát cánh của Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch Hội Trần Thị Thu Đông. Bên cạnh đó, Hồ Sỹ Minh biết nhờ cậy vào những người đi trước vẫn còn sức khỏe và trí tuệ trợ giúp, như TS. Lê Doãn Hợp, nguyên UV TWĐ, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà báo Phạm Tiến Dũng đã từng là Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh, nguyên Trưởng Ban ảnh TTXVN, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Hội: Chu Chí Thành, Vũ Huyến, Lê Xuân Thăng... các nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường, Vũ Đức Tân, Trần Quốc Dũng, Vũ Kim Khoa… Những nhà báo làm quản lý, lãnh đạo như NB - NSNA Trần Duy Ngoãn, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An, cũng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, một nhà quản lý và một cây bút quen biết với bạn đọc nhiếp ảnh. Hồ Sỹ Minh là tấm gương sáng quyết tâm, nhiệt huyết duy trì sự tồn tại và phát triển của tờ Tạp chí để xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 45 năm Tạp chí Nhiếp ảnh ra số đầu tiên, xin chúc Tạp chí tiếp tục phát triển vững chắc và luôn là người bạn thân thiết và yêu mến của đông đảo hội viên và những người yêu thích nhiếp ảnh.