Nhà báo Nguyễn Đức Chính: Người viết sử

Bài: Vũ Đức Tân|14:58 13/12/2023

Trong những người viết cho tạp chí Nhiếp ảnh thì cây bút Chính Vân (Nguyễn Đức Chính) khá ấn tượng. Ông là người trưởng thành từ thực tế, ham học hỏi và nhiệt tình chia sẻ hiểu biết của mình với người khác.

Những kinh nghiệm của ông đúc rút từ trường đời, từ sách vở. Ông cũng thích tổng kết thành lý luận và trăn trở với những suy nghĩ nảy sinh trong thực tế của ngành nhiếp ảnh.

Nhà báo Nguyễn Đức Chính

Không ít lần bạn bè nhận được những lá thư của ông đặt ra những câu hỏi như “Thế nào là nhiếp ảnh chuyên nghiệp và thế nào là ảnh nghiệp dư?”, “Sự khác nhau giữa ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí là gì?”, “Phương pháp nào là phương pháp sáng tác tốt nhất cho một nhà nhiếp ảnh?”. Ông trao đổi và viết bài nêu suy nghĩ của mình. Những bài viết của ông tràn đầy nhiệt tình và không ngại đi vào lĩnh vực lý luận phê bình nhiếp ảnh mà đối với ông cũng là mới mẻ, hóc búa và còn nhiều khoảng trống. Ông thích gặp gỡ và trao đổi với người chụp và người viết. Năng nổ hoạt động trong các hội thảo khoa học, các diễn đàn báo chí. Ông cho rằng sáng tác mang tư duy hình tượng, còn phê bình vận dụng lý luận soi rọi sáng tác để phát triển nghệ thuật, giữa chúng có mối quan hệ nhân quả. Phê bình là xây dựng chứ không phải là phá bỏ. Chúng ta thường lúng túng khi thẩm định các giá trị nghệ thuật do thiếu hiểu biết về các vấn đề lý thuyết, thiếu hiểu biết về lịch sử của ngành.

Kèn xung trận (trận đầu đánh Mỹ ở Đông Nam bộ, 22/10/1965. Ảnh: Nguyễn Đức Chính Giải Danh dự Triển lãm quốc tế Matxcova, 1966).

Nguyễn Đức Chính có tham vọng xây dựng văn hóa nhiếp ảnh. Với sự nhậy cảm của người trong cuộc, ông nhìn ra được khía cạnh mới của văn hóa thị giác đang tác động hàng ngày đến công chúng. Tính thời sự của nó khiến chúng ta phải chú ý và nghiên cứu nhiếp ảnh một cách thấu đáo.

Năm 1981, Nguyễn Đức Chính được phân công làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh. Ông về ngồi ở tầng ngầm của ngôi nhà 51 Trần Hưng Đạo. Trong cái khung cảnh giản dị, xuề xòa của một tạp chí nhỏ, ông đã nghĩ và mơ ước bao nhiêu điều về sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam.

Mỗi lần gặp tôi, ông lại nói về nhiếp ảnh với một niềm đam mê cháy bỏng. Tính ông điềm đạm và hiền lành. Khi tranh cãi cũng không gay gắt, dù luôn giữ quan điểm của mình. Khi ấy, ông đang thu thập từng bài báo, các ký ức của các nhà nhiếp ảnh, chọn lọc để viết sử cho ngành. Trong điều kiện của Việt Nam, công việc ấy khá hữu ích. Thói quen lưu trữ tư liệu cũng giúp cho ông có tài liệu để viết lách và giảng dạy.

Đối với tôi, bản thân ông cũng là một cuốn sử sống. Ông cầm máy từ năm 1949 khi làm biên tập viên cho tờ tin ở Phúc Yên, sau đó chuyển sang ngành sư phạm. Năm 1957, ông chuyển sang làm biên tập viên ảnh ở Sở Nhiếp ảnh Trung ương. Năm 1959, ông làm Trưởng phòng Nghiên cứu đào tạo của Trung tâm ảnh Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1965, ông vào Nam làm Trưởng phòng Nhiếp ảnh ở TTX Giải phóng. Khi đất nước thống nhất, ông làm Trưởng phòng ảnh TTXVN. Trải qua nhiều vị trí công tác, Nguyễn Đức Chính có ký ức phong phú về những người cầm máy, những hoàn cảnh ra đời của những bức ảnh lịch sử. Ký ức của ông còn sống động hơn cả những gì ông đã viết ra.

Phóng viên ảnh Nguyễn Đức Chính tác nghiệp tại Củ Chi (1974). Ảnh: Dương Thanh Phong

Công việc làm báo cũng có lúc vui và có lúc buồn. Có hai kỷ niệm mà Tạp chí Nhiếp ảnh lúc đó được mọi người chú ý.

Đầu tiên, là việc Tạp chí đăng bài về hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường. Nhóm Phạm Tuấn Khánh đã tìm tư liệu để khẳng định vai trò của Đặng Huy Trứ trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Với các nhà nhiếp ảnh đây là một niềm vui khi tìm được mốc son của lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam.

Việc thứ hai là ông Chính sửa tít bài báo của Trần Mai Hưởng thành “Chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập”. Từ đó, cứ đến kỷ niệm 30/4 hàng năm là báo chí đều đăng ảnh kèm theo chú thích đây là chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Vậy là tác giả bài viết cũng bị mang tiếng oan. Điều sơ suất trong công tác biên tập ấy nhiều năm sau mới được phát hiện ra.

Những năm làm tạp chí cũng giúp ông có được cái nhìn rộng rãi và thoáng hơn hơn về nhiếp ảnh Việt Nam.

Tôi có hai lần tham gia viết lịch sử nhiếp ảnh cùng ông Nguyễn Đức Chính. Lần đầu tiên vào tháng 3 năm 1993, chúng tôi (Vũ Đức Tân, Lê Phức, Nguyễn Long Nguyễn Đức Chính, Trương Đức Anh) tập trung ở trại viết Đại Lải một tuần để hoàn thành một bản thảo ngắn gọn về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Bước khởi đầu đó khá tốt đẹp. Cuốn sách “Sơ thảo lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam” gọn ghẽ 173 trang khổ 13 x 19cm sau đó được NXB Văn hóa - Thông tin in và phát hành. Lúc đó chúng tôi có chủ trương là viết ngắn gọn và cô đọng nhất trên cơ sở tài liệu đã được khẳng định.

Bản thảo lần thứ hai được bắt đầu vào năm 1999 tại trại viết Tam Đảo. Nhóm tác giả định viết chính sử về nhiếp ảnh và bản in không còn đề là sơ thảo nữa. Lần này, ông Chính mang ra nhiều tư liệu về nhiếp ảnh miền Nam. Bản sơ thảo được hoàn thiện với góc nhìn mới. Cho đến nay bản thảo vẫn đang bổ sung những tư liệu mới dự định in vào năm 2024. (Nhờ có bản thảo chưa in này mà anh Phan Ái đã biên soạn được lịch sử nhiếp ảnh báo chí Việt Nam dùng cho công tác giảng dạy).

Cả hai lần tôi thấy ông Chính đều là người hăng hái, vui vẻ hoàn thành phần việc của mình. Dường như ông biết rằng nếu ông không viết ở một lúc nào đó, nơi nào đó, lịch sử sẽ bị lãng quên hay xuyên tạc đi. Ông là một trong số những nhà nhiếp ảnh hiếm hoi say mê với lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam.

Các đầu sách về nhiếp ảnh xuất bản của nhà báo Nguyễn Đức Chính từ năm 2000 đến nay.

Với tính cần mẫn, ông Chính viết khá nhiều sách về nhiếp ảnh. Hơn một chục đầu sách đã ra đời như “Bước đầu chụp ảnh” (1963), “Tổng quan nhiếp ảnh” (2001), “Nhiếp ảnh sáng tạo” (2002), “Ảnh báo chí” (2002), “Văn hóa nhiếp ảnh” (2008), “Ảnh nghệ thuật” (2013), “Hồi ức Thông tấn xã Giải phóng” (2005)…

Cả đời làm báo, chụp ảnh, giảng dạy và viết sách về nhiếp ảnh, Nguyễn Đức Chính tìm được niềm vui và hạnh phúc trong những trang viết. Ông cũng là một trong số ít người làm việc thầm lặng nhưng hiệu quả cho đến cuối đời. ☐


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Nhà báo Nguyễn Đức Chính: Người viết sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO