Nghệ An: Xã Nghi Mỹ kỷ niệm 70 năm thành lập

Nguyễn Khang|15:28 31/08/2024

Sáng 31 tháng 8 năm 2024 trong không khí của những ngày lễ trọng đại của Đất nước, kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập và công bố xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

dong-chi-le-hong-vinh-pho-chu-tich-thuong-truc-ubnd-tinh-trao-tang-bang-khen-cho-ld-xa-va-ca-nhan-xuat-sac-xa-nghi-my_1.jpg
Đồng chí Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An trao tặng Bằng khen cho lãnh đạo và cá nhân xuất sắc xã Nghi Mỹ

Tham dự có các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phùng Thành Vinh – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT; Dương Đình Chỉnh – Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Nghi Lộc; lãnh đạo các Sở, ngành; lãnh đạo huyện Nghi Lộc, lãnh đạo xã Nghi Mỹ qua các thời kỳ cùng đông đảo cán bộ, nhân dân bà con khắp mọi miền đất nước cùng đông đảo nhân dân xã.

dong-chi-nguyen-the-ban-bi-thu-dang-uy-xa-doc-loi-khai-mac-buoi-le_1.jpg
Đồng chí Nguyễn Thế Bân, Bí thư đảng ủy xã phát biểu khai mạc buổi lễ
dong-chi-bui-sy-cuong.-pho-bi-thu-dang-uy-chu-tich-ubnd-xa-bao-cao-qua-trinh-hinh-thanh-va-thanh-lap-xa-nggi-my_1.jpg
Đồng chí Bùi Sỹ Cường. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã báo cáo quá trình hình thành và thành lập xã Nghi Mỹ.

Đồng chí Bùi Sỹ Cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã báo cáo lịch sử, quá trình hình thành và kết quả đạt được của xã trong thời gian kể từ ngày thành lập đến nay.

“….Là một xã thuộc vùng bán sơn địa nằm ở phía tây của huyện Nghi Lộc. Trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, cùng với những biến động của lịch sử dân tộc, vùng đất này đã trải qua nhiều thay đổi về địa giới hành chính với những tên gọi khác nhau. Cuối thế kỷ XV, nhà nước phong kiến Việt Nam phát triển đạt tới trình độ cực thịnh. Để xây dựng một nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền, Vua Lê Thánh Tông đã đặt ra cấp Tổng là đơn vị hành chính trung gian bao gồm nhiều làng xã nằm dưới cấp Phủ, Huyện. Lúc này tên xã Nghi Mỹ được dùng là xã Mỹ Thạch thuộc Tổng Vân Trình huyện Hưng Nguyên. Tổng Vân Trình có 16 đơn vị hành chính gồm: Tam Đa, Yên Lãng, Xuân Mỹ, Vân Trình, Phương Tích, Hà Thanh, Mỹ Yên, Tụy Anh, Mậu Lâm, Cổ Văn, Cổ Lãm, Đồng Quỹ, Mỹ Hòa, Phù Thạch và Tràng Đề. Các đơn vị hành chính không thống nhất về tên gọi, nơi gọi làng, nơi gọi thôn. Quy mô các đơn vị cũng khác nhau, không lấy diện tích đất đai, dân số mà lấy giới tính nam giới từ 18 tuổi trở lên làm căn cứ để xác định.

Cách mạng tháng Tám thành công, Trung ương Đảng chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính để thuận lợi cho công tác quản lý và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, quân sự, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Tháng 5/1946, thực hiện sắc lệnh của Chính phủ và tỉnh Nghệ An, Huyện ủy Nghi Lộc đã lãnh đạo việc tổ chức sắp xếp lại các đơn vị hành chính cho thống nhất. Nghi Lộc từ 79 đơn vị hành chính sáp nhập lại thành 24 đơn vị cấp xã dưới chính quyền chính thể nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thời điểm này, ba làng Mỹ Hòa, Phù Thạch, Tràng Đề nhập thành một xã lấy tên là xã Mỹ Thạch.

ld-huyen-nghi-loc-tang-bang-khen-cho-cac-ca-nhan-xuat-sac_1.jpg
LĐ huyện Nghi Lộc tặng Bằng khen cho các cá nhân xuất sắc

Tháng 4/1947 mặt trận Bình Trị Thiên bị vỡ, vùng Nghệ - Tĩnh bị thực dân Pháp uy hiếp. Để chỉ đạo tác chiến phù hợp với từng vùng chiến tranh xảy ra, Tỉnh ủy chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cho phù hợp với tình hình tác chiến đánh địch. Huyện Nghi Lộc từ 24 xã sắp xếp lại thành 13 xã. Ngày 22/8/1948, Chính phủ ra sắc lệnh nhập 2 làng Đa phúc, Nguyệt Tĩnh thuộc xã Hải Nguyệt của huyện Hưng Nguyên vào huyện Nghi Lộc, nhập 2 xã Mỹ Thạch và Hải Nguyệt thành xã Phúc Hòa.

Tháng 9/1953, thực hiện chủ trương của Trung ương, cuộc “ phóng tay phát động quần chúng triệt để giảm tô" được mở rộng trên phạm vi toàn tỉnh. 5 xã của Nghi Lộc gồm Phúc Hòa, Thần Lĩnh, Thuận Hòa, Xuân Hài, Ngư Hải tiến hành trong đợt II bắt đầu từ tháng 9/1953. Sau đợt giảm tô, đầu năm 1954 các đơn vị hành chính xã, tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, được cùng cố kiện toàn sắp xếp lại. Huyện Nghi Lộc từ 13 xã ban đầu, chia thành 38 xã ( chữ Nghi được dùng làm chữ đầu cho các xã trong huyện). Xã Phúc Hòa được chia thành xã Nghi Mỹ và xã Nghi Công. Tên xã Nghi Mỹ có từ đó và ổn định cho đến ngày nay. Nghi Mỹ hiện nay có diện tích tự nhiên là 1057 ha. Toàn xã có 1.370 hộ; dân số gần 6000 người, được phân bổ ở 6 xóm. Đảng bộ có 283 đảng viên và 12 Chi bộ. Nhìn tổng thể địa hình, Nghi Mỹ là giao điểm trung tâm của 9 xã vùng phía tây của huyện Nghi Lộc.

Xã Nghi Mỹ hiện nay được hợp thành bởi 3 làng gốc đó là Mỹ Hòa, Phù Thạch, Tràng Đề, một bộ phận nhân dân xã Nghi Khánh lên tái định cư năm 1964 và một phần giáo viên của trường PTTH Nghi Lộc 2. Trước đây toàn xã có 13 xóm, sau khi sáp nhập còn lại 6 xóm. Kết thúc chiến tranh, toàn xã có 101 liệt sỹ, 6 tử sỹ đã hy sinh anh dũng trên các chiến trường; có 11 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 86 thương binh, 16 bệnh binh, 9 người bị nhiễm chất độc hóa học.

Trong những năm qua, Cấp ủy Đảng, Chính quyền và các đoàn thể đã phát động các phong trào đền ơn đáp nghĩa với nhiều hình thức phong phú, sâu rộng, thiết thực và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách. Xây mới, nâng cấp nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Chăm lo đời sống cho đối tượng người có công. Ngoài ra, còn biết bao nghĩa cử cao đẹp khác, bằng cả vật chất và tinh thần đã và đang chung tay giúp đỡ cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, xã Nghi Mỹ còn vinh dự, tự hào là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, khoa bảng. Dưới chế độ phong kiến, Nghi Mỹ có nhiều người đỗ đạt, làm rạng danh cho dòng họ và quê hương. Trên địa bàn xã hiện còn bảo tồn được hệ thống di tích lịch sử văn hóa, tâm linh phong phú như: Đình Mỹ Hòa, Chùa Tràng Đề, Chùa Phù Thạch, Đền thờ Bà Trường Xuân công chúa; Đền Rú Thần, Đền Bàn Thổ, Đền Ông Đá; Đền Ông Hào; Đền Bà Chúa Cung, Đền Chốc Bộc... Trong thời đại Hồ Chí Minh, con em Nghi Mỹ kế thừa và phát huy truyền thống quê hương, không ngừng học tập, rèn luyện trở thành những người có ích cho xã hội, trong đó nhiều trí thức, nhân tài có nhiều đóng góp xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước. Hiện nay Nghi Mỹ có hàng trăm người có bằng kỹ sư, cử nhân, thạc sỹ, có người là Phó giáo sư, tiến sỹ còn đang rất trẻ, có cháu đạt giải olympic Quốc tế. Nhiều gia đình có 3, 4 người con đều học đại học. Nhiều người đã và đang đảm nhiệm các trọng trách cao trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, quân đội và công an, nhiều người là doanh nhân làm ăn phát đạt, họ là những tấm gương tiêu biểu, là niềm tự hào của quê hương và là minh chứng cho khát vọng, nghị lực, trí tuệ và bản lĩnh của con người Nghi Mỹ. Trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nghi Mỹ từ một xã xếp hạng trung bình của huyện; kinh tế, xã hội chậm phát triển, mọi lợi thế đều rất hạn chế, do xuất phát điểm của nền kinh tế nông nghiệp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vừa thiếu, vừa yếu, hầu hết đã xuống cấp nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, các nhà văn hóa... Kết quả rà soát các tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2020, xã mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Tuy nhiên với sự nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, Nghi Mỹ đã xây dựng thành công 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.

chua-phu-thach-do-gia-dinh-ong-nguyen-xuan-hung-dau-tu-va-xay-dung-lai-tai-lang-phu-thach-xa-nghi-my_1.jpg
Chùa Phù Thạch do gia đình ông Nguyễn Xuân Hùng đầu tư và xây dựng lại tại làng Phù Thạch xã Nghi Mỹ.

Phát huy tối đa nội lực của cộng đồng dân cư theo tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ". Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, toàn xã đã huy động được trên 220 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp gần 70 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân đã hiến trên 8.000 m2 đất, gần 10 ngàn ngày công để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa xóm... Vì vậy đến nay kết cấu hạ tầng trên địa bàn đã cơ bản được đầu tư đồng bộ, 100% xóm có đường ô tô đến trung tâm xã thuận lợi. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là thủy lợi được quan tâm đầu tư. Đến nay, toàn xã có 760,74 ha được tưới và tiêu chủ động, đạt 98,1%. Tổ chức quản lý khai thác hệ thống thủy lợi hoạt động hiệu quả bền vững; Xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ phương án bảo vệ công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai. Cơ sở vật chất trường học được đầu tư đồng bộ, kiên cố đáp ứng yêu cầu dạy và học trên địa bàn. Đến nay, toàn xã có 3 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.

Thiết chế văn hóa thể thao cũng được đầu tư, nâng cấp và cải tạo một cách đồng bộ, nhà văn hóa xã đạt chuẩn. Trong những năm qua, toàn xã đã xây dựng mới 4 nhà, nâng cấp chỉnh trang 1 nhà văn hóa. Đến nay, 6/6 xóm có nhà văn hóa. Xây dựng sân vận động mặt sân đảm bảo, có hệ thống tường bao, thoát nước, sân khấu... phục vụ tốt các hoạt động TDTT trên địa bàn. Các xóm có các sân thể thao tại khu vực trung tâm xóm như bóng chuyền, cầu lông, các dụng cụ thể thao ngoài trời... 5/6 xóm có nhà văn hóa, sân thể thao đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", nhất là xây dựng các danh hiệu “Gia đình văn hóa” “làng văn hóa”, cơ quan, đơn vị, dòng họ đạt chuẩn văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới được nhân dân quan tâm thực hiện có hiệu quả. 6/6 đều có tỷ lệ làng văn hóa trên 90% và tỷ lệ làng văn hóa năm 2023 đạt 100%; Tổng số gia đình được công nhận Gia đình Văn hóa đạt 93,1%; 5 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ văn hóa", 4 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa", "Đơn vị đạt chuẩn văn hóa".Công tác đảm bảo an sinh xã hội và công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo. Thường xuyên chăm lo cho các đối tượng chính sách, ổn định đời sống nhân dân thông qua đẩy mạnh các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Hộ nghèo giảm dần theo các năm và đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 0,8%. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, đến năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt 56,4 triệu đồng/người/năm. Công tác giáo dục - đào tạo chuyển biến cả về quy mô lẫn chất lượng. xã đã tập trung chỉ đạo phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi phát triển vững chắc; phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 2. Số lượng, chất lượng học sinh giỏi các cấp và học sinh có điểm cao vào các trường đại học tăng nhanh. Đội ngũ giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ quản lý được trẻ hóa. Đến năm 2023, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 100%. Công tác y tế, dân số và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tốt, xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Vì vậy, người dân được tiếp cận và sử dụng nhiều hơn các dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng ngay từ tuyến cơ sở. Cảnh quan môi trường sinh thái nông thôn được cải thiện rõ rệt. Vừa đảm bảo công tác môi trường, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn. Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực xây dựng, chỉnh trang, khuôn viên nhà cửa các hộ dân, gần 100% ngôi nhà của các hộ dân đảm bảo 3 cứng. Đến nay trên địa bàn xã không có nhà tạm, nhà dột nát. Tỷ lệ nhà ở dân cư trên toàn xã đạt chuẩn Bộ xây dựng đạt 97,08%. Hệ thống thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn xã đều có kế hoạch, phương án quản lý. Tổ chức thực hiện thu gom, phân loại rác thải và hợp đồng với đơn vị dịch vụ môi trường vận chuyển rác thải đến nơi xử lý. Các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ có đầy đủ hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại, xử lý chất thải theo theo quy định. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Cấp uỷ, chính quyền thường xuyên quan tâm chăm lo công tác quốc phòng, an ninh tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên đảm bảo đủ số lượng; Công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng đạt kết quả tốt. Chất lượng xây dựng cơ sở an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu ngày càng được nâng lên. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo, ổn định. Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới được đẩy mạnh. Chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ việc nảy sinh, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp trên địa bàn. Chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; kịp thời kiện toàn công tác tổ chức đáp ứng yêu cầu thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ. Trong những năm gần đây Đảng bộ và chính quyền thường xuyên được cấp trên xếp loại hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2023 Đảng bộ và chính quyền xã được Huyện ủy và UBND huyện xếp loại hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc tiêu biểu. Xã Nghi Mỹ được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…”

gieng-ngoc-chua-phu-thach-xa-nghi-my-huyen-nghi-loc-nghe-an_1.jpg
Giếng Ngọc, Chùa Phù Thạch xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An

Trước đó vào ngày và tối 30/8 xã đã tổ chức chương trình văn nghệ đặc sắc và các đội, xóm trong xã đã tổ chức cắm trại tại trung tâm hành chính của xã, thật sự là ngày hội của toàn dân xã Nghi Mỹ trong sự kiện trọng đại này.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Nghệ An: Xã Nghi Mỹ kỷ niệm 70 năm thành lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO