Ông kể: Mọi phóng viên ảnh đều đứng hai bên cánh gà phía hậu trường nhằm chụp chân dung Bác khi Bác cầm đũa nhạc trưởng. Nhưng Lâm Hồng Long không chọn góc chụp ấy, ông đã tìm một vị trí ngược lại, lấy dàn nhạc làm nền. Với kinh nghiệm của một nhà nhiếp ảnh được tháp tùng Bác nhiều lần, ông đinh ninh, sẽ có lúc Bác quay sang khối quần chúng, vì đi đâu Bác cũng hòa vào nhân dân. Trong lúc chờ đợi, ông tranh thủ lấy nét vào từng sợi tóc bạc của Bác. Khi khối quần chúng vỗ tay đồng thanh hát theo dàn nhạc, Bác liền quay lại bắt nhịp cho mọi người. Giây phút quyết định đã đến, Lâm Hồng Long nhìn rõ nét mặt vui tươi và cánh tay cầm đũa chỉ huy của Người nhịp nhàng vung lên. Ông bình tĩnh bấm máy.
Năm 1964, khi Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, Lâm Hồng Long được biên chế vào Tổ ảnh Quân sự TTXVN, thêm nhiệm vụ trực chiến tại các đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô. Đầu năm 1975, ông được bổ sung vào Tổ phóng viên mũi nhọn, từ Hà Nội vào thẳng Sài Gòn tác nghiệp. Khi tới Phan Thiết, ông về quê, thăm cha mẹ.
Tổ phóng viên nghỉ lại nhà ông hai đêm, rồi tìm đến Quân đoàn 2 nhằm hướng Sài Gòn thẳng tiến. Còn Lâm Hồng Long ở lại nhà hôm nữa, rồi đi xe Honda đến Dinh Độc Lập đúng trưa 30/4/1975, chụp được cảnh quân Giải phóng chiếm giữ Phủ Tổng thống, và nhân dân Sài Gòn ùa ra đường trước Dinh đón chào bộ đội.
Sau đó, ông xuống Vũng Tàu chụp bức ảnh "Mẹ con ngày gặp mặt". Đấy là giờ phút thiêng liêng của người mẹ Bến Tre Trần Thị Bính được ôm lại đứa con trai của mình, chiến sĩ Lê Văn Thức tử tù Côn Đảo trở về đất liền ngày 6/5/1975 tại Rạch Dừa, Vũng Tàu.
Nước mắt dàn dụa của mẹ con người tử tù khiến ông hồi hộp hơn lúc gặp mẹ mình. Chiếc máy ảnh Rolleiflex này đã từng chụp được bức ảnh "Bác bắt nhịp Bài ca Kết đoàn", "Máy bay B52 Mỹ bốc cháy trên bầu trời Hà Nội", "Lễ ký Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam"... Những bức ảnh ấy ông chỉ bấm nhiều nhất là ba, bốn kiểu, còn bây giờ, Lâm Hồng Long xao xuyến bấm hết cả cuộn phim 12 kiểu.
Niềm xúc động của mẹ con anh Thức cũng là nỗi lòng của Lâm Hồng Long chưa nguôi ngoai. Hạnh phúc của người tử tù cũng là hạnh phúc của Lâm Hồng Long vừa gặp mẹ. Đây là lúc trái tim người chụp ảnh thổn thức cùng trái tim người trong ảnh. Họ có mối đồng cảm với nhau, và chính mối đồng cảm sâu sắc ấy đã tạo nên một biểu tượng nhân văn chiến thắng có một không hai trong lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam.
Năm 1991, bức ảnh "Mẹ con ngày gặp mặt" được tặng bằng danh dự (Mencin honer) của FIAP. Lâm Hồng Long rất phấn khởi, đã tìm đến nhà Lê Văn Thức tặng bức ảnh này, một kỷ niệm vô giá cho gia đình anh Thức.
Đến năm 1996, bức ảnh "Mẹ con ngày gặp mặt" và bức ảnh "Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn" được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Năm ấy, ông ra Hà Nội nhận giải thưởng, người gầy guộc hẳn đi, tiếng nói đã khan lạc giọng vì ung thư.
Biết tin dữ, Thức bắt xe từ Bến Tre lên thành phố Hồ Chí Minh thăm Lâm Hồng Long. Anh cố nén nước mắt, thương ông Long chỉ còn da bọc xương. Nhưng đôi mắt nhà nhiếp ảnh vẫn sáng long lanh, vẫn ấm áp ngọn lửa thân thương. Khi Thức từ biệt, Lâm Hồng Long nhìn anh trìu mến, miệng nhoẻn nụ cười, bàn tay khẳng khiu của ông lắc nhẹ bàn tay Thức lần cuối.
Ra về, lúc nào người tử tù năm xưa cũng thấy đôi mắt nhà nhiếp ảnh cười với mình.