Hội họa và nhiếp ảnh

Bùi Xuân Đáng|22:43 09/03/2012

Người họa sĩ dù chuyên vẽ tranh lập thể, tranh trừu tượng hay hí hoạ một đôi khi cũng cần dùng đến máy ảnh để lưu lại tác phẩm của mình. Còn những người theo trường phái hiện thực, hay vẽ chân dung máy ảnh là một vật không thể thiếu. Khi chưa có máy ảnh, các họa sĩ phải dầm mưa dãi nắng, lội suối trèo non tìm tòi cảnh đẹp, đợi chờ một vệt nắng, một áng mây bay và hối tiếc không kịp pha mầu hay ghi nhận trước khi cảnh quang biến đổi. Ngày hôm sau cất công trở lại, tuy cùng giờ giấc địa điểm nhưng gió đã đổi chiều, nắng chỉ còn thoi thóp sau đám mây mầu nặng như chì, không còn trong sáng như hôm trước nữa. Nguời họa sĩ ngẩn ngơ tiếc rẻ trước sự thay đổi cảnh sắc mau lẹ, nhưng nếu có chiếc máy ảnh trong tay mọi chuyện đã thuận lợi biết bao. Vẽ chân dung cũng vậy, ngày nay thì giờ đúng là vàng là bạc, còn có được bao nhiêu người muốn ngồi cho người ta vẽ. Đến phòng ảnh chuyên về chân dung, sẽ có những bức ảnh giúp mình trẻ lại mươi mười lăm tuổi. Các vết nhăn, vết nám biến đi mất hết, lại không còn phải ngồi hàng giờ làm mẫu, ê cả mông, mỏi cả lưng mà nhiều khi còn không ưng ý.

Để ghi lại những hình ảnh gia đình và giúp cho trí nhớ không lấy gì làm phong phú, trước kia tôi thường dùng chiếc Roleiflex sau đó thấy quá cồng kềnh nên đổi qua chiếc Contessa Zeiss Ikon cho gọn nhẹ, rồi sang chiếc Nikon với ống kính 35-135mm cho thuận tiện hơn. Cách đây mấy năm, nhân ngày kỷ niệm Mother Day, các con tôi đã tặng cho vợ tôi chiếc Digital Olympus 3.3 nhỏ gọn, nhưng tôi mới là người sử dụng nhiều nhất. Nhờ những chiếc máy này tôi đã ghi được khá nhiều hình ảnh gia đình, quê hương và có nhiều tài liệu để vẽ.

Đối với riêng tôi, một kẻ lấy bút vẽ mầu mực làm thú giải buồn, ưa thích những vẻ đẹp thiên nhiên, tâm hồn vốn thô sơ mộc mạc không muốn chọn những đề tài cao xa khó hiểu Không có thiên phú, lại thêm quan niệm rằng: văn, thơ, nhạc, họa dùng để diễn dạt một điều gì đó tới người thưởng lãm. Nếu vẽ, viết mà lại còn phải dài dòng giải thích tức là chưa đạt được mục đich mong muốn. Vì vậy tôi chỉ thích vẽ những phong cảnh núi non hùng vĩ, những cánh đồng lúa xanh tươi cò bay thẳng cánh, những bông hoa tươi đẹp và những gì tạo hóa đã tô điểm cho cuộc đời thêm phần thi vị. Như vậy chẳng cần phải có lời bàn dài dòng văn tự như Mao Tôn Cương và thích hợp với một kẻ tầm thường vẽ nhăng, viết nhảm giải buồn như tôi.

Theo tôi, lối vẽ hiện thực đòi hỏi một sự chinh xác, vẽ hoa hồng không thể trông giống như hoa cúc. Vẽ cây đa không thể dùng bất cứ cây nào làm mẫu được. Hoạ chân dung cho bà A mà chính chồng con bà cũng không nhận ra được thì đâu có đạt. Tôi cần những hình ảnh đủ mọi thể loại nên mang máy đi săn lùng những hình ảnh cần thiết. Muốn vẽ cá biển, tôi đến các hồ cá tại San Francisco, Monterey, Long Beach, muốn vẽ núi non cây cỏ tôi ra biển vào rừng hay công viên. Có người đặt bức tranh con ngựa, tôi đến mấy chuồng ngựa xin phép chụp mấy ngày liền để có tài liệu vẽ đàn ngựa rừng. Tất cả hình ảnh hoa lan, cây cối, núi non, cá biển, người vật, chim chóc v.v... được cho vào máy vi tính, giúp cho tôi dễ dàng thực hiện những gì muốn diễn đạt trên khung vải.

Trong phạm vi bài này tôi chỉ đề cập đến lối vẽ hiện thực, và xin miễn bàn đến lối trừu tượng hay lập thể là những trường phái đi vượt ra ngoài quy tắc, định luật, cũng giống như thơ tự do không cần niêm luật và văn phạm.

Giữa hội họa và nhiếp ảnh có nhiều tương quan mật thiết, gắn bó với nhau nhưng khi thực hành có nhiều điều khác biệt. Cũng giống như nhiếp ảnh, hội họa cần được cân nhắc và chú trọng đến: chủ đề, bố cục, ánh sáng, mầu sắc nhưng khi thực hiện lại cần đến sự hiểu biết về các quy luật về hội họa, cũng như sự am tường nghệ thuật nhiếp ảnh. Do đó giữa hai bộ môn này có những dị biệt.

Nhiếp ảnh có nhiều lợi thế và cũng có nhiều điều bất lợi. Sau khi suy xét và tìm tòi góc độ, chỉ trong nháy mắt nhiếp ảnh gia gần như đã hoàn thành tác phẩm cuả mình. Nhưng có điều bất lợi là không thể thay đổi cảnh vật, không thể thêm vào hay bớt đi được.

Hội họa có phần dễ dàng hơn trong việc chọn lựa chủ đề, bố cục, thêm vào hay bớt đi đúng theo ý muốn nhưng khó khăn trong phần thực hiện. Do đó một bức tranh có khi chỉ cần vài ngày, có khi cần vài tháng mới hoàn thành.

Chúng ta hãy duyệt lại xem những sự tương đồng và dị biệt giữa hai bộ môn ra sao.

1 - Lựa chọn khuôn khổ, kích thước.

Khuôn khổ của tấm hình hay bức tranh sẽ giúp ta diễn đạt ý muốn. Khi chủ đề là một bông hoa bé nhỏ ta không cần một bức tranh quá lớn, ngoại trừ khi ta muốn diễn dạt những chi tiết nhỏ nhặt. Trái lại một tấm hình khuôn khổ quá nhỏ không làm sao có thể nói sự bao la, hùng vĩ của thác nuớc Niagara. Khi chụp ảnh ta có thể lấy toàn cảnh rồi sau đó xén cắt, phóng to hay nhỏ tùy ý. Nhưng khi vẽ vấn đề này phải tính toán suy nghĩ trước.

Thực ra người họa sĩ cũng có thể cắt xén hay thay đổi kích thước bức tranh sau khi đã vẽ nhưng chỉ thu nhỏ lại được mà thôi và vấn đề này không phải dễ dàng và giản dị.

2 - Phân cảnh, bố cục. Trong một bức tranh hay tấm hình phong cảnh thường có 2 phần trời và đất và ai cũng biết rằng không nên để đường chân trời (horizontal line) cũng như trọng điểm (focal point) ở chính giữa. Nhưng khi chụp hình, đôi lúc bị trở ngại vì vướng cây cối, nhà cửa khó lòng tránh né hay thay đổi góc cạnh theo như ý muốn. Nhưng với hội họa đìều này dễ dàng thay đổi.

3 - Hình thể, đường nét. Phong cảnh thực là tuyệt vời, ánh sáng chan hòa nhưng dòng suối, con đường lại thẳng băng làm giảm hẳn vẻ đẹp thơ mộng và nếu có lại thêm một nàng sơn nữ vai mang gùi, sắn váy lên cao lội qua dòng suối sẽ làm tăng thêm vẻ linh hoạt, sống động của bức tranh, bức ảnh. Hội họa giúp ta có thể thực hiện điều này, nhưng sự khó khăn là làm sao cho bức tranh có vẻ sống động, hình ảnh, mầu sắc phải ăn khớp với nhau. Nhiếp ảnh cũng có thể ghép hình vào được, nhưng dù cho với máy ảnh kỹ thuật số (digital) và máy vi tính có tinh xảo đến đâu người ta vẫn nhận ra được sự gán ghép đó.

4 - Ánh sáng, Mầu sắc. Một bức ảnh hay một bức tranh không có ánh sáng là một tác phẩm chết, bởi vì toàn thể chỉ là những hình ảnh đồng đều lờ mờ khó lòng phân biệt xa gần, trong hay ngoài. Hình đen trắng cho ta thấy rõ tầm quan trọng của ánh sáng như thế nào. Do đó người ta có thể kết luận rằng nghệ thuật tạo hình là một sự phối hợp của những hình thể đậm nhạt khác nhau. Ánh sáng đã tạo nên sự đậm nhạt đó.

Mầu sắc của vạn vật đã được ánh sáng điều hòa và chi phối cho nên nhiếp ảnh gia không phải quá bận tâm về sự trung thực và hài hòa. Thí dụ một bông hoa mầu hồng bên cạnh cành lá xanh tươi, khi vào ảnh trong lá tự nhiên có một chút hồng và trong mầu hồng cuả hoa sẽ có chút xanh của lá. Khi vẽ tranh muốn có sự hòa hợp mầu sắc (harmony of color) người họa sĩ bắt buộc phải thêm vào, làm sao không bị tương phản hỗn loạn quá lố. Pha mầu (color mixing) cho đúng với cảnh sắc thiên nhiên. Ngoài ra còn phải nắm vững kỹ thuật pha mầu nếu không sẽ thành những mầu chết.

5 - Quy luật. Máy ảnh giúp cho ta không cần phải nhức đầu suy nghĩ về: Định luật phối cảnh xa gần (perspective) có khi cần một cuốn sách dầy trăm trang mới giải thích được rõ ràng. Hội họa bắt buộc phải theo định luật xa nhỏ, gần to, phía trước đè lên phía sau, gần rõ, xa mờ. Mầu sắc cũng vậy, quy luật gần đậm và tươi mầu, xa nhạt và mờ, dùng những mầu lạnh (cool color) sẽ giúp ta đẩy lùi cảnh vật ra xa. và ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt như bóng nắng (shadow) phản ảnh (reflection) v.v... khi vẽ cũng cần phải nắm vững những quy luật mới không sai lầm.

Tất cả những quy luật này khi chụp ảnh, máy sẽ tự động đổi dùm chúng ta. Cây cối ở gần, xanh tươi rõ ràng, ngọn núi ở xa sẽ đổi sang mờ nhạt xanh lơ, tim tím.

6 - Sửa đổi Bức ảnh đã chụp xong với film, khó lòng sửa đổi nhưng với hội họa lại không phải là chuyện khó, ngoại trừ vẽ bằng mầu nước (water color). Nhưng ngày nay với máy Digital và các software trợ giúp, việc sửa đổi cũng dễ dàng không kém.

7 - Thu gần khoảng cách (zoom in) Đây là một lợi điểm của nhiếp ảnh, hội hoạ hoàn toàn bất lực. Chủ đề là một con thuyền nhỏ bơi trên dòng sông uốn khúc với hàng dừa lá xanh rủ bóng. Chân trời xanh nhạt, mây trắng lững lờ bay trên cánh đồng xanh tươi bát ngát. Bố cục thực tuyệt vời, nhưng cảnh này ở bên kia sông, cách xa chừng 300 thước. Họa sĩ không thể lại gần để quan sát những chi tiết cần thiết, nhưng nếu có chiếc máy ảnh với bộ phận thu gần khoảng cách, mọi việc sẽ dược giải quyết như ý muốn.

Kể ra sự khác biệt giữa hội họa và nhiếp ảnh còn nhiều, nhưng đó là phần chuyên môn của hai lãnh vực. Nhiếp ảnh gia cần phải hiểu rõ cơ năng của chiếc máy cũng như nghệ thuật thu hình. Họa sĩ cần phải nắm vững những quy luật căn bản về hội họa.

Hội họa có thể do trí tưởng tượng tạo thành, nhưng nhiếp ảnh bắt buộc phải có cảnh vật hiện hữu dù là giả tạo hoặc nhờ kỹ thuật phòng tối. Nhưng có điều chắc chắn không thể chối cãi được là nhiếp ảnh đã giúp cho hội họa những điều mà con người dù cho có con mắt và sự nhận xét tinh tường đến đâu cũng không thể ghi lại nổi về ngoại hình và mầu sắc trung thực của tạo hóa.

Tài năng thiên phú cộng với sự hiểu biết về chuyên môn sẽ bảo đảm cho tác phẩm. Rút tỉa kinh nghiệm, học hỏi, trau dồi kiến thức là những yếu tố đi đến thành công. Nếu không có thiên phú, nhưng kỹ thuật vững vàng tác phẩm cũng không đến nỗi bỏ đi.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Hội họa và nhiếp ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO