Hoàng Kim Đáng sinh ra và lớn lên trên đất nhãn lồng Phố Hiến, xưa kia tấp nập trên bến dưới thuyền. Anh vốn là một thầy giáo dạy giỏi, từng là hiệu trưởng khi tuổi đời mới 25 xuân xanh, được Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên về thăm trường, trao cờ thi đua “Hai tốt” và tặng bằng khen.
Anh nguyện suốt đời sống vì con trẻ, nhưng khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cực kỷ ác liệt, nghe theo lời kêu gọi Tổng động viên của Tổ quốc, thầy giáo Hoàng Kim Đáng, tạm biệt các em, tạm biệt mái trường thân yêu, xa quê hương nơi chôn rau cắt rốn, hăng hái khoác ba lô lên đường vào Nam chiến đấu. Và anh dừng lại với Trường Sơn hùng vĩ, làm nhiệm vụ của người lính công binh thuộc Bộ tư lệnh đoàn 559, dưới sự chỉ huy đầy mưu lược của Tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Sau đó ít lâu do sức khỏe có phần giảm sút, anh được điều về làm phóng viên ảnh cho tờ Báo Trường Sơn, cùng với cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, cố nhà văn Lê Lựu... Tại đây bằng tài năng của mình, anh đã ghi được những khoảnh khắc sống động, dũng cảm của bộ đội Trường Sơn anh hùng, ngày đêm chiến đấu dũng cảm, giữ vững mạch máu giao thông thông suốt chi viện cho chiến trường miền Nam.
Sau gần 10 năm chiến đấu ở Trường Sơn. Năm 1974, Hoàng Kim Đáng được chuyển ngành, anh về đầu quân cho báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Tại đây Hoàng Kim Đáng vừa làm biên tập kiêm phóng viên ảnh. Năm 1980, anh chuyển về làm thư ký toà soạn đầu tiên của báo Người Hà Nội do nhà văn Tô Hoài sáng lập và làm Tổng biên tập. Năm 1989 được điều về làm Uỷ viên thường trực Ban thư ký Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 1994, Hoàng Kim Đáng được điều động về làm chuyên viên Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo). Năm 2000, vào tuổi 60 anh được về nghỉ hưu.
Nói là về hưu, nhưng trên thực tế anh chưa một ngày ngơi nghỉ. Hết viết lại vác máy đi chụp theo tiếng gọi của nghề nghiệp. Là một nhà báo, một phóng viên ảnh, ngoài đòi hỏi tính hiện thực của ảnh, anh còn tìm cách thể hiện tác phẩm sao cho bức ảnh mang tính nghệ thuật cao, có sức lan tỏa rộng, cuốn hút người xem, được nhiều người ghi nhận, và trở thành tác phẩm để đời. Đặc biệt trong lĩnh vực ảnh chân dung anh đã có những tác phẩm đạt đỉnh. Đó phải chăng là bức ảnh Người anh cả Quân đội Nhân dân Việt Nam - anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chưa một ngày qua trường lớp quân sự nào, giơ tay chào đất nước, với nụ cười rạng rỡ của người chiến thắng đã làm nên một “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” và Đại thắng mùa xuân 1975, đất nước thống nhất, đánh bại hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, hạ gục 10 đại tướng Pháp và Mỹ.
Công chúng cũng không thể nào quên bức chân dung nhà văn Nguyễn Tuân. Chỉ trong tích tắc anh đã làm nổi bật được cái hồn cốt Nguyễn Tuân, khiến ông phải thốt lên, khi ông nhận được bức ảnh chân dung của mình từ tay nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng và ông ghi tặng: “Nếu tôi còn trẻ tráng, sẽ xin vui lòng đi theo cầm ống ảnh của anh Hoàng Kim Đáng để chụp chân dung con người và phong cảnh đất nước mình. Anh Đáng “chụp” được lắm”.
Công chúng yêu nghệ thuật ánh sáng cũng như đồng nghiệp nhớ mãi bức chân dung nhà văn “Vang bóng một thời” Nguyễn Tuân của nghệ sỹ Hoàng Kim Đáng. Với khuôn mặt tươi rói, vầng trán cao, rộng đủ nói lên tất cả sự nghiệp sáng tạo lừng danh của nhà văn “Sông Đà đỏ”; “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”!
Nhiều nhà văn nhà thơ, nhà báo nói với tôi rằng Hoàng Kim Đáng là một nhiếp ảnh gia đạt nhiều thành tựu trên lĩnh vực ảnh nghệ thuật, đặc biệt là ảnh chân dung nghệ thuật. Đúng! Nhưng theo ngươi viết bài này cho rằng không chỉ trên lĩnh vực văn hóa thị giác (nhiếp ảnh), đã bốn lần tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân mà còn trên những trang sách của Hoàng Kim Đáng cũng gặt hái được nhiều thành công đáng kể. Trước hết phải kể đến các tập sách “Vinh quang nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam”; “Tình thơ - ảnh nghệ”; “Một góc nhìn đất nước” (Bút ký – phóng sự và tản văn); “Nhiếp ảnh nghệ thuật – hiện thực và sáng tạo”mà tôi đã có bài viết giới thiệu trên báo… Những tập sách này ra mắt bạn đọc đúng vào lúc nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng bước vào tuổi 80, cái tuổi quá “thất thập cổ lai hy”. Lại bị sốt rét ác tính ở Trường Sơn, trong những năm tháng sống và chiến đấu ở đây, sức khỏe của anh giảm nhiều, nhưng sức làm việc không hề sút giảm, anh vẫn suốt ngày cặm cụi viết và viết với tinh thần của người lính Trường Sơn năm xưa để kịp thời cho ra mắt độc giả Tập sách “Tỏa sáng đất trời Nam”, mà ngươi viết bài này có vinh dự được tác giả tặng sách.
“Tỏa sáng đất trời Nam” cái tên ngắn gọn nhưng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Sách được trình bày trang trọng, bắt mắt, khá dày gần 500 trang, khổ 20 x 25 cm, được in trên giấy tốt, với kỹ thuật in offset 4 màu, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành cuối năm 2024. “Tỏa sáng đất trời Nam” là một thể loại mới, gồm bài viết, ảnh, bút tích, chữ ký của những con người có tên tuổi trong lòng công chúng. Nghệ sỹ Hoàng Kim Đáng cho biết, để cho ra mắt bạn đọc cuốn sách này, nghệ sĩ đã phải bỏ ra nhiều năm sưu tầm, tích lũy, sắp xếp, chỉnh lý tư liệu chỉ để nhằm một mục đích duy nhất đem đến cho công chúng cái nhìn toàn diện hơn, rõ ràng hơn về những hiền nhân đất nước.
Tác phẩm “Tỏa sáng đất trời Nam”, vừa rời khỏi nhà in, cùng lúc đó NXB Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức buổi ra mắt sách khá hoành tráng. Tới tham dự sự kiện này có đông đủ các nhà văn, nghệ sĩ, các nhà báo, các nhà lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam như Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch - nhà thơ Trần Đăng Khoa; Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam: nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Bằng Việt, nhà văn hoạ sĩ nhạc sĩ - trung tướng Hữu Ước cùng nhiều bạn bè và đồng nghiệp.
Cái đặc sắc của cuốn sách không chỉ có trang viết mà còn có cả ảnh minh họa cho những câu chuyện kể về các nhân vật nổi tiếng trong xã hội bao gồm nhà văn, nhà thơ, các nhà hoạt động chính trị, văn hoá, khoa học, các tướng lĩnh anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân... Tuy chưa đầy đủ các khuôn mặt tiêu biểu của đất nước, nhưng chỉ với những con người này thôi, được nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng thể hiện bằng ống kính và cây “bút sắc – lòng trong” đã mang đến cho công chúng một cái nhìn khái quát về bản chất con người Việt Nam cực kì thông minh nhưng thật thà, chất phác, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vu Tổ quốc. Đồng thời qua những trang viết và bức ảnh bạn đọc càng thấy rõ tài năng của người cầm bút, cầm máy ảnh của nghệ sỹ Hoàng Kim Đáng. Hai loại hình này bổ sung cho nhau làm cho trang sách trở nên sinh động, làm sáng rõ trong từng ngóc ngách cuộc sống và sự nghiệp của từng nhân vật.
Với tuổi đời non thế thế kỷ, lại trải qua nhiều lĩnh vực công tác: nhà giáo, người lính, nhà báo... đã giúp cho nghệ sỹ Hoàng Kim Đáng có cái nhìn sắc sảo, rất riêng (của người cầm máy ảnh), quan sát khá tỷ mỷ, ghi chép cẩn thận mọi khía cạnh cuộc sông của nhân vật, nhờ vậy, mà các con người trong “Tỏa sáng đất trời Nam” được khắc họa khác xa với nhiều cây bút khác. Trong mắt Hoàng Kim Đáng những nhân vật anh đề cập đến đều là những người nổi tiếng của công chúng, nhưng cuộc sống của họ cực kỳ giản dị, không khoa trương, lên giọng dạy đời. Họ sống khiêm nhường, mặc dầu họ là những con người có nhiều công lao đóng góp cho Tổ quốc, cho nhân dân. Đúng như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã khẳng định: trong buổi ra mắt sách: “Tỏa sáng đất trời Nam” của Hoàng Kim Đáng là một tuyển tập đặc biệt, bởi tác giả viết bằng “chụp”, chụp ảnh bằng văn học và viết ảnh cũng bằng văn học”.
Nhiều người nói rằng anh có thể dùng lời vàng ngọc đặc tả một ánh mắt, một nụ cười, một dáng đi... để lại cho đời một bức chân dung, đối với Hoàng Kim Đáng còn hơn thế, anh đã dùng ảnh và cả bút pháp rất riêng của người chụp ảnh để khắc họa 40 chân dung của những con người tiêu biểu của xã hội.
Đọc kỹ tập sách “Tỏa sáng đất trời Nam”, chúng ta nhận ra rằng tuy không phải là nhà văn, nhưng cách dùng chữ của nghệ sỹ rất văn học và nghệ thuật, chẳng khác gì một tác phẩm ảnh nghệ thuật mà anh đã sáng tạo nên. Dưới con mắt Hoàng Kim Đáng, qua từng trang sách, bức ảnh của 40 nhân vật mà anh dày công mô tả đều là những con người nổi tiếng, công lao của họ “tỏa sáng (trên) đất trời Nam”. Đó là người anh cả Đại tường Võ Nguyên Giáp; là nhà thơ “Từ ấy” Tố Hữu; là bác sĩ “mổ gan khô” giỏi nhất thế giới mang tên Tôn Thất Tùng; là nhạc sĩ, nhà văn, họa sĩ Văn Cao của “Tiến quân ca” của “Tiến về Hà Nội” của “Trường ca sông Lô”; là nhà văn “Vang bóng một thời”, “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” Nguyễn Tuân...
Nói về công lao đóng góp cho văn học nghệ thuật của Hoàng Kim Đáng, nhà thơ Bằng Việt chia sẽ: “... Anh Hoàng Kim Đáng chuẩn bị cho công trình này từ 30 – 40 năm trước.Anh cũng làm việc từ rất lâu rồi, anh cẩn thận ghi chép tỉ mỉ, lưu giữ những tư liệu quý giá nhất về cả những người đã khuất và những người đương thời, nhưng rất khó tiếp cận.Cuốn sách của Hoàng Kim Đáng là một kho tư liệu quý giá cho mỗi người để hiểu, để tìm, để biết về những tấm gương sáng của những hiền nhân. Đây không chỉ là tâm huyết mà anh đã làm một việc rất có trách nhiệm với sự nghiệp văn học nghệ thuất nước nhà”.
Nhà thơ Bằng Việt nói tiếp: “Điểm đặc biệt của cuốn sách là không do một hội đồng tuyển chọn nào, mà chính bằng uy tín, trách nhiệm cá nhân nghệ sỹ Hoàng Kim Đáng, bằng con mắt tinh đời, và một trái tim nhân hậu, yêu thương người, anh đã lựa chọn những con người có uy tín, có sức lan tỏa đối với công chúng. Đây có lẽ là một cách làm, chúng ta nên tham khảo, để giới văn chương, báo chí có thể giới thiệu nhiều hơn những người Việt Nam tới khắp bạn bè 5 châu”
Nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng, một nhà giáo, một người lính trở về từ Trường Sơn khói lửa. Và có lẽ những người lính trở về từ chiến trường nói chung từ Trường Sơn gian nan nguy hiểm nói riêng, vẫn luôn mang khí chất rất riêng của mình. Nhà văn Phùng Văn Khai đã viết về nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng: “Ông là một tấm gương lao động quên mình. Không ồn ào. Cũng không chờ đợi vào sự ban thưởng hay bất cứ điều gì. Người trở về từ Trường Sơn ấy điềm tĩnh, giản dị, nhưng kiên gan, nhẫn nại, thong thả nhưng quyết liệt, không một giờ khắc nào ngưng nghỉ như dòng sông bốn mùa vẫn chảy về biển cả. Người trở về từ Trường Sơn ấy, biết tổ chức và dành cả cuộc đời mình cho văn học nghệ thuật. Nghệ thuật của ông, người trở về từ Trường Sơn huyền thoại luôn luôn như ngọn lửa tiếp sức cho thế hệ trẻ chúng tôi mạnh mẽ bước tiếp”.
Người viết bài này xin thêm một ý: Người từ Trường Sơn trở về ấy rất đa tài, không chỉ chụp ảnh, viết văn, làm thơ, anh còn là một nhà thiết kế mĩ thuật, trình bày sách có hạng!