“Đi tìm con chữ” cho trẻ em nghèo
Anh tên đầy đủ là Trần Lâm Thắng, 38 tuổi, với hơn 13 năm làm nghề gieo chữ. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại khu phố Long Bửu (phường Long Bình, thành phố Thủ Đức, TP.HCM), khi hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự, anh bắt đầu với công việc đầu tiên là bảo vệ dân phố.
Hồi đấy, trong lúc làm việc, anh Thắng bắt gặp một vụ gây gổ của mấy thanh thiếu niên. Anh đứng ra giải quyết rồi mời mấy em về khu phố để hỏi nguyên nhân thì mới phát hiện cả mấy em đều không biết chữ. “Mình nghĩ nhiều về việc 14, 15 tuổi rồi mà không biết chữ, lại còn có rất nhiều em như vậy. Mình nung nấu mở một lớp học để dạy chữ cho những trẻ em nghèo không có cơ hội được đi học ở trường” - Anh Thắng kể lại.
Với mong muốn “đi tìm con chữ” cho các em nhỏ, anh Thắng đã quyết tâm đứng ra thành lập lớp học 0 đồng. Giấc mơ con chữ tưởng chừng xa vời ấy của các em nhỏ ngụ cư tại đây, nay đã hoá hiện thực nhờ lớp học tình thương của anh và các bạn Đoàn viên được mở vào ngày 9/10/2010.
Ban đầu, lớp được mở dưới khu phố nhỏ gần trụ sở trung tâm. Sau đó, Bí thư Đoàn phường Long Bình mới xin chuyển sang chỗ mới, vì ở đây có khuôn viên rộng hơn. Nhờ chính quyền hỗ trợ, anh có thêm 5 phòng học nên mỗi khối sẽ có một phòng học riêng. Trang thiết bị, cơ sở vật chất cũng được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ.
Đặc biệt, các bạn tình nguyện viên là những người luôn đồng hành, hỗ trợ anh trong việc dạy học cho các em. Bạn Cao Hữu Nhân (sinh viên năm 2, trường ĐH Giao thông Vận tải - phân hiệu tại TP.HCM) chia sẻ: “Nhờ có anh Thắng mà mình có cơ hội được đồng hành cùng các em có hoàn cảnh khó khăn. Anh Thắng xem những đứa nhỏ ở đây như con, lúc nào cũng dịu dàng chỉ bảo dù các em nhiều lúc còn nghịch, chưa hiểu chuyện. Mình cũng thầm nghĩ chắc vì lớp học này được thành lập từ tình thương của anh nên anh cũng muốn duy trì lớp bằng chính tình thương đó”.
Mọi khó khăn đều có thể vượt
Nhắc lại những ngày đầu mở lớp, anh Thắng nhớ như in: “Mình không có nghiệp vụ, không biết truyền đạt làm sao hết, phải nhờ các bạn Đoàn viên, sinh viên học sư phạm ở trong khu phố hỗ trợ đứng lớp. Rồi cơ sở vật chất, việc vận động học sinh đi học cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ngày đầu khai giảng, cái phòng nhỏ xíu, chỉ có 24 mét vuông, không đủ bàn ghế, không đủ chỗ ngồi”.
Khó khăn là vậy nhưng anh Thắng vẫn luôn kiên trì với hành trình gieo chữ của mình. Anh không có nghiệp vụ sư phạm, anh sẽ học, “thấy mấy bạn sinh viên dạy sao, truyền đạt sao thì mình học thêm, trau dồi thêm để sau này, mấy bạn không dạy nữa mình còn có thể đứng lớp”.
Anh Thắng kể, học sinh nhỏ nhất lớp là 7 tuổi, lớn nhất có bạn sinh năm 1996. Ở đây đều là những em phải “lao” ra đời từ sớm, ban ngày bươn chải làm việc, phụ giúp gia đình mưu sinh, tối về mới kéo nhau tới lớp. Một số em rất muốn đi học nhưng vì hoàn cảnh phải nghỉ học, bây giờ các em vẫn về đây thăm lớp mà không được học. Đó là điều mà anh Thắng luôn trăn trở.
Quá trình dạy học của anh gặp không ít khó khăn, nhưng khi hỏi anh có từng suy nghĩ tới việc dừng lại chưa thì anh bày tỏ “Mình mà nghỉ rồi thì mấy em có được đi học như bây giờ không hay là nghỉ học, nghỉ rồi 80 em này sẽ như thế nào. Những lúc nản, mình suy nghĩ lại lúc mình mới bắt đầu mở lớp, lý do tại sao mình mở lớp, rồi cứ vậy cố gắng mãi vậy đó. Nghĩ vậy mình sẽ lạc quan hơn nhiều”.
Đến lớp học tình thương được 4 năm, em Nguyễn Thị Tường Vi (11 tuổi, học sinh lớp 2) đã xem nơi đây như “ngôi nhà thứ 2” của mình: “Em tới đây học vì không biết chữ, ở dưới quê chỉ ở nhà giữ em chứ không được đi học. Ở đây thầy Thắng dạy em tiếng Việt, làm Toán, thầy lúc nào cũng dặn em viết sao cho đàng hoàng, không viết xấu. Thầy hiền, không bao giờ la tụi em lớn tiếng. Nhờ có thầy mà em biết đọc, biết viết”.
Đã có lúc anh Thắng mong ước mình được… nghỉ dạy, nhưng nghỉ với nguyên do là các học trò nhỏ của anh đều có thể được đến trường học như bao người bạn cùng trang lứa.
Nhìn lại hành trình 13 năm gieo chữ, đã có những học sinh thành tài nhưng cũng có những đứa trẻ vẫn còn phải bươn chải với cuộc sống đầy những khó khăn. Mỗi học trò đều mang một câu chuyện riêng, nhưng nghị lực của bọn trẻ chính là động lực để anh tiếp tục gắn bó với lớp học tình thương Long Bửu, tiếp tục là thầy giáo “bảo vệ” của các em học sinh.