Với những du khách chưa có cơ hội đến với Hội An sẽ không khỏi thích thú khi ghé thăm địa điểm này. Nơi đây không tái hiện kiến trúc mà chứa đựng nét văn hóa, nghệ thuật của người dân phố cổ. Toàn bộ công trình được phục dựng công phu, mang đậm nét trầm mặc, cổ kính.
Khu “Hội An thu nhỏ” gồm 9 gian, bên cạnh trưng bày những chiếc áo dài Việt Nam còn trưng bày những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận có gắn liền với hình ảnh của chiếc áo dài, ví dụ như là đờn ca tài tử, hát xoan, ví dặm hay là quan họ Bắc Ninh…
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam chia sẻ: "Nhà thiết kế Sỹ Hoàng là người đã sáng lập nên Bảo tàng Áo dài, chắc chắn là anh đã đem lòng yêu mến kiến trúc cổ Kim Bồng và Kiến trúc Hội An và rất mong những người dân ở Nam Bộ có thể không có điều kiện đến với Kim Bồng, đến với Hội An vẫn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc cổ Việt Nam".
Vào những dịp đặc biệt như ngày Thơ Việt Nam, ngày Di sản Văn hóa Việt Nam…, Bảo tàng Áo dài còn tổ chức các chương trình, sự kiện giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam cho công chúng.
Bảo tàng áo dài không chỉ hướng đến mục tiêu văn hóa mà còn hướng đến giáo dục cho các em học sinh, sinh viên về tình yêu quê hương đất nước, gia đình… Vào cuối tuần hay các dịp lễ, bảo tàng thường đón tiếp các đoàn học sinh, sinh viên đến đây để tìm hiểu về áo dài, nơi đây cũng là địa điểm check-in quen thuộc của nhiều bạn trẻ.
Bạn Hà Kiều Trang (Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ: "Không gian ở đây em thấy rất yên bình và khi em đến đây cũng rất là thoải mái, rất tự nhiên, giống như là mình được đi về quê, về nhà của mình vậy, nó rất thoải mái tinh thần sau những ngày học tập".
Đến nay, Bảo tàng Áo dài đã thu hút nhiều sự quan tâm không chỉ từ du khách trong nước mà còn là những du khách nước ngoài bởi những giá trị văn hoá, lịch sử. Từ số lượt khách chỉ hơn 1.000 trong năm 2017, đến nay, nơi đây đã thu hút hơn 190.000 khách tham quan.