Gặp gỡ với giám khảo nước ngoài

VAPA|08:01 17/05/2006

QUAN TÂM CHỦ ĐỀ THÂN PHẬN CON NGƯỜI

Trước kia tôi nghĩ giám khảo nước ngoài ưa thích nghệ thuật phát hiện, hoặc thể hiện nét tài hoa của tác giả, mà không quan tâm đến chủ đề mang tính xã hội. Kỳ thực nghĩ như vậy là thiên lệch, bởi trong đó không ít người rất có trách nhiệm với cuộc sống xã hội. Mấy giám khảo cùng làm việc với tôi như R.Plrdge, E.Mopsik và giám khảo của cuộc thi trước Berkman, họ đều rất ủng hộ những tác phẩm mang tính ghi thực phản ánh những sự kiện nóng bỏng của xã hội. Những tác phẩm triển lãm lần này như “Bụi” của Ca-rê-nô (Bồ Đào Nha) và “Tín đồ trung thành của Stalin” của I-cơ-giơ (U-crai-na). Toàn bộ giám khảo nước ngoài đều không do dự bỏ phiếu tán thành. Tác phẩm trước đề cập tới bảo vệ môi trường sinh thái, tính sinh tồn của con người; tác phẩm sau biểu hiện trực tiếp động thái chính trị của nguyên chủ nghĩa xã hội. Bản thân tôi cũng rất thích hai tác phẩm này. Nó không những có nội dung chân thực mà còn biểu hiện chất báo chí, mang tính nghệ thuật nhất định. Trong cuộc triển lãm ảnh quốc tế lần thứ 9 ban giám khảo có chọn tác phẩm “Khóc than trước biển” của Mậu Kiện, nhà nhiếp ảnh quân đội, phản ánh sau sự kiện đụng độ máy bay Trung - Mỹ năm đó, thể hiện cảnh người vợ phi công Vương Vĩ hướng ra biển khơi khóc thương chồng. Đối với bức ảnh mang nặng màu sắc chính trị đó, tôi thấy đa số giám khảo nước ngoài đều ủng hộ, đặc biệt khiến tôi ngạc nhiên giám khảo người Mỹ, ông Berkman cũng tích cực tán thành. Khi giải lao, tôi nửa đùa nửa thật hỏi: “Bức ảnh đó lên án quân đội nước ông, ông cũng tán đồng?”. Ông trả lời rất tự nhiên “Tôi đồng cảm với nỗi đau thương mất mát của người vợ viên phi công đó... hơn nữa vụ đụng độ máy bay là sự kiện thời sự trọng đại, cần phản ánh”.

Tôi nghĩ các giám kảo nước ngoài tư tưởng chính trị rất khác với chúng ta, phần lớn họ là những người chính trực, lương thiện, có người xuất phát từ tư tưởng chủ nghĩa nhân đạo, nhân quyền bình đẳng. Có người xuất phát từ tư tưởng tôn giáo, để nhìn nhận số phận cộng đồng nhân loại, như bảo vệ môi trường sinh thái, nguy cơ chiến tranh, giải phóng phụ nữ, thiên tai và nỗi khổ của người dân những nước nghèo. Họ thường không coi trọng quan hệ quốc gia cụ thể trước mắt, ân oán dân tộc để suy nghĩ ý nghĩa đề tài, mà chọn những chủ đề xã hội, vượt qua biên giới quốc gia vì lợi ích toàn cầu.

Những nhà nhiếp ảnh trong nước gửi ảnh thi và triển lãm quốc tế, không ít người mắc phải hai sai lầm khi chọn đề tài. Một là không hiểu rõ sự khác biệt giữa trong nước và quốc tế: thường lấy tiêu chuẩn của triển lãm trong nước để gửi ảnh, mang đậm tính truyền thống chính trị, thậm chí có người còn gửi những ảnh về hoạt động chính trị của tổ chức Đảng, có nội dung tiến bộ, xác thực, nhưng người nước ngoài không hiểu, không quan tâm. Hai là xa rời chủ nghĩa xã hội, cho rằng giao lưu đối ngoại chỉ cần nghệ thuật đơn thuần. Thực ra triển lãm ảnh quốc tế cũng cần tác phẩm đề cập những giá trị xã hội. Chúng ta không mù quáng tiến hành tuyên truyền chính trị và cũng không nên hướng ngoại. Tôi cho rằng những nhà nhiếp ảnh Trung Quốc không nên vứt bỏ đề tài chính trị xã hội, số phận con người, trong hành trình giao lưu văn hóa chúng ta có thể tìm thấy con đường chung mà hai bên cùng đồng cảm, cùng thúc đẩy xã hội tiến bộ.

GIÁM KHẢO NƯỚC NGOÀI KHÔNG HIỂU TRUNG QUỐC

Qua chuyện trò với giám khảo nước ngoài, tôi mới nhận ra rằng họ không mấy am hiểu về Trung Quốc và thế giới thứ ba, khác hẳn với chúng ta đã hiểu biết nhiều về họ. Còn họ chẳng biết mấy về chúng ta. Điều đó không phải bởi họ kiêu ngạo, mà bởi chúng ta là nước đang phát triển, thường hay hướng về những nước phát triển học tập. Cho nên khi tuyển chọn, giám khảo nước ngoài nhiều khi không hiểu rõ về tác phẩm của nước ta và những nước thế giới thứ ba.

Trong một lần giải lao sau sơ tuyển, ông HEDEKI FUJII - giám khảo Nhật Bản nổi tiếng về chụp ảnh chân dung hỏi tôi: “Ông thích thể loại ảnh nào?”. Tôi trả lời: “Tôi suy tôn những tác phẩm ảnh phản ánh nỗi niềm con người thời đại, bất kể nó có trực tiếp chụp nhân vật hay tĩnh vật, phong cảnh hoặc động vật, cây cảnh”. Tôi nói các nhà nhiếp ảnh Trung Quốc thường hay sử dụng tác phẩm để biểu hiện nỗi niềm của dân chúng. Tiếp đó tôi lấy bức ảnh “Không gian” (Lý Vĩ Khôn) và “Khát” làm thí dụ, hai ảnh đều được xử lý phần mềm photoshop để tạo nên ý tưởng: ảnh một thể hiện xe hơi chen chúc trên xa lộ, có chiếc bay lên không trung; ảnh hai biểu hiện một chú chim nhỏ há mỏ và những giọt nước đọng từ kẽ lá nhỏ xuống. Trong khi tôi nói có mấy giám khảo nước ngoài hỏi: “Cái đó có liên quan gì đến nỗi niềm của dân chúng?”. Tôi giới thiệu tình trạng Trung Quốc hiện nay các gia đình phổ cập dùng xe hơi, ảnh một phản ánh nỗi lo của xã hội sau quá trình phát triển kinh tế thiếu cân đối; ảnh hai cảnh báo nguy cơ cạn kiệt nguồn nước thiên nhiên. Họ nghe và cảm thấy có lý, sau đó hai tác phẩm trên rất được tán thưởng.

Từ sự việc này, tôi liên tưởng làm thế nào để nhiếp ảnh nước ta bước ra thế giới? Vì sao những ảnh chúng ta cho là tốt, nhưng họ lại cảm thấy bình thường. Điều này liên quan đến vấn đề am hiểu sâu rộng đối tượng biểu hiện. Tuy nói nhiếp ảnh mang tiếng nói quốc tế, nhưng còn do khác biệt về phong tục tập quán của từng quốc gia và phương thức biểu hiện. Để cho thế giới hiểu biết sâu hơn chúng ta cần tăng cường giới thiệu, thế nhưng báo chí và tư liệu nhiếp ảnh của chúng ta vừa quá ít, lại không có sách báo chuyển ngữ. Chúng ta chỉ tuyên truyền được nhiếp ảnh ở trong nước mà chưa giới thiệu được nhiếp ảnh của ta ra thế giớiª

HỒNG TRỌNG MẬU(dịch)

(Theo Tạp chí Nhiếp ảnh Đại chúng)


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Gặp gỡ với giám khảo nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO