Khi nhắc đến Cần Thơ, hẳn bất cứ ai cũng sẽ được giới thiệu qua một địa điểm du lịch nổi tiếng là chợ nổi Cái Răng (chợ nổi Cái Răng được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016). Hoạt động bằng hình thức nhóm chợ vào khoảng đầu thế kỷ XX, trên một đoạn sông lớn với chiều dọc gần 1500m và chiều ngang gần 200m, thuận tiện cho việc mua bán, trao đổi hàng hoá giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thời bấy giờ khi hệ thống giao thông đường bộ còn chưa phát triển. Tận dụng lợi thế địa hình có nhiều kênh rạch hình thành những con đường huyết mạch giữa Cần Thơ với các tỉnh như An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, v.v... nên người dân địa phương và thương hồ từ khắp nơi đổ về đây tụ họp đã tạo nên khu vực giao thương đường thuỷ sầm uất nhất miền Tây Nam Bộ.
Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn
Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng
Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ
(tác giả Huỳnh Kim)
Tên “Cái Răng” theo học giả Vương Hồng Sển trong sách “Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam” nhắc đến rằng đây là tên một địa danh duy nhất dẫn đầu bằng chữ “Cái” mà cụ biết, điển tích bắt đầu bằng chữ “cà ràng” (Kran) của người Khmer, nói nguyên câu là “cà ràng ông Táo”, tức là thứ lò nắn bằng đất do người Xiêm chế tạo rồi người Khmer bắt chước làm theo, rồi người Việt vùng Hậu Giang mua về bày bán ở chợ, đọc trại đi lâu ngày thành Cái Răng. Hay trong sách Pháp - Le Cisbassac và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi: “Krêk Karan: rạch Cái Răng”. Ngày xưa không biết từ đời nào, người Khmer ở xã Tri Tôn chuyên làm nồi đất và karan chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo Sông Cái đến đậu ghe chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, lâu ngày người mình phát âm karan biến ra Cái Răng rồi trở nên địa danh của chỗ này luôn.
Nền văn minh sông nước tại Nam Bộ phát triển nhờ vào biết bao nhiêu nhân sinh gắn bó cả cuộc đời mình cùng nhiều thế hệ trên con tàu, là nơi sinh hoạt của cả gia đình trên mặt nước, từ trẻ sơ sinh đến trẻ em, người lớn, người già, giống như một nhà vườn có nuôi cả gà và chó. Ngày nay khi xã hội phát triển đô thị hoá, hiện đại hoá dần nên các hộ gia đình này ít đi nhiều, người dân có cuộc sống ổn định hơn không còn lênh đênh 3 chìm 7 nổi trên sông nước, một hình ảnh dễ dàng bắt gặp như trước kia nữa.
Giao thông đường bộ thì được chính phủ đầu tư xây dựng mở rộng, Cần Thơ bây giờ trở thành đô thị lớn, nên những thương buôn chợ nổi bán bớt ghe, tàu rồi chuyển lên đất liền buôn bán ở chợ phổ thông rất nhiều vì lợi nhuận kinh tế không thay đổi. Tham quan chợ Cái Răng bây giờ, sẽ thấy tấp nập các dịch vụ nhỏ lẻ như nước uống, thức ăn để phục vụ cho khách du lịch, các tàu hàng buôn của địa phương hay tàu của những tỉnh thành lân cận đông đúc như trước kia thì thực tế đã giảm rất nhiều.
Vào những dịp lễ hay ngày thường, khách du lịch gần như đông hơn thương hồ, chợ nổi bây giờ chủ yếu có thể duy trì và tồn tại được là nhờ vào khách thập phương bao gồm cả người nước ngoài. Chợ nổi Cái Răng cách đây vài chục năm có từ 500 – 600 ghe, tàu nhóm chợ. Hiện nay thì chỉ còn khoảng 350 – 400 ghe, tàu (Theo Viện Kinh tế – Xã hội TP Cần Thơ). Nghiên cứu của các chuyên gia cho rằng về mặt lý thuyết nếu mỗi năm tiếp tục giảm từ 20 – 30 ghe, tàu thì đến năm 2040 chợ nổi Cái Răng sẽ biến mất. Phải đối mặt cùng với nhiều khó khăn thách thức, trăn trở về di sản văn hoá chợ nổi thì các cơ quan ban nghành của địa phương hiện đã vào cuộc để lên kế hoạch, giải pháp thực hiện phương án bảo tồn kết hợp giữ nguyên trạng và có can thiệp sắp xếp điều chỉnh trong thời gian tới.
Ngoài các yếu tố đặc trưng ở vùng sông nước, chính sự giản dị và phóng khoáng của con người nơi đây đã làm quyến luyến những ai đã từng đến đây rồi vẫn muốn quay trở lại, bởi sức hút của văn hoá, của tình người.