Chạm mắt vào ký ức, hoài niệm Đà Nẵng ngày ấy

Chạm mắt vào ký ức, hoài niệm Đà Nẵng ngày ấy

Trần Ngọc|16:26 05/05/2022

(NADS) - Sau những lần công bố (theo đề nghị và tuyển chọn, biên tập của các tòa soạn báo chí), lần đầu tiên, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh chính thức công bố theo cách riêng của anh: Bộ sách ảnh “Đà Nẵng – Ký ức và Hiện tại”.

15c-khu-vuc-an-hai-tay-thap-nien-1990.jpg
Khu vực An Hải tây, Đà Nẵng (thập niên 1990). Ảnh: Ông Văn Sinh.

“Đà Nẵng – Ký ức và Hiện tại” mang đến cho người xem những so sánh tương phản trong mãn nhãn, để rồi mãn nguyện với những đổi thay của một thành phố, đã từng phải chịu “chật hẹp, gò bó” trong cơ chế phát triển của cấp huyện (nghĩa là thành phố mà các cơ chế, chủ trương, chính sách đầu tư phát triển áp dụng theo huyện ngoại thành và nông thôn, vùng xa). Đó là giai đoạn (1975-1996) thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam.

Kể từ ngày 1/1/1997, Đà Nẵng mới trở thành đơn vị hành chính độc lập, trực thuộc trung ương. 25 năm qua, khi không còn là “người lớn phải mặc chiếc áo nhỏ”, Đà Nẵng đã có đổi thay đến kinh ngạc.

Trước hết, phải nói đến những đổi thay lan tỏa mãnh liệt cả đôi bờ sông Hàn. Thay cho những những mảng tối lụp xụp ngày nào, là những tòa nhà cao tầng nguy nga. Phố xá mang hình hài đô thị hiện đại và trên mặt sông , những cây cầu độc, lạ tạo dáng trên sóng nước. Đô thị trẻ bên bờ biển Đông tự hào là điểm đến trên bản đồ thế giới và đang hướng đến mục tiêu lớn: Một thành phố đáng sống cho những ai có cơ duyên sống với Đà Nẵng, dù là người dân của Đà Nẵng hay chỉ là khách của phố biển.

Những tác phẩm về “một Đà Nẵng ngày ấy” được chọn, giới thiệu trong bộ sách ảnh “Đà Nẵng – Ký ức và Hiện tại”, được tác giả bấm máy kể từ những năm 1980-1990. Lúc đó, tác giả là “Phóng viên” trong biên chế của Tổ Thông tin – Tuyên truyền (thuộc Ngành Văn hóa). Đây là tư liệu rất quý để mỗi khi chạm mắt vào ký ức, một hoài niệm chân thật về Đà Nẵng của quá khứ lại tràn về. Ngày ấy, Đà Nẵng còn nghèo lắm, khó lắm, thành phố theo mô hình cấp huyện mà, lấy đâu sức phát triển !  

phia-nam-thanh-pho-thap-nien-2010-anh-ong-van-sinh.jpg
Phía nam thành phố Đà Nẵng những năm 2020. Ảnh: Ông Văn Sinh.

“Đầu tiên tôi chụp với máy Yashica, rồi đến Pentax, sau đó là Canon, đều là máy chụp film nhựa (negative film). Cơ quan thực hiện cấp phát phim, xuất máy ảnh, cấp kèm theo giấy giới thiệu cho mỗi lần đi chụp.

Nhiệm vụ Tổ Thông tin – Tuyên truyền bọn tôi lúc đó là chia nhau đi chụp ảnh, chụp theo chủ đề hay bám các sự kiện, hoạt động lớn. Ảnh sau đó được in – phóng rồi chọn, duyệt, kèm theo chú thích chi tiết, phục vụ trưng bày ở nơi quy định, cũng như mang đi trưng bày lưu động. Địa bàn tác nghiệp rộng lắm, cả tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Những năm đó khâu in ấn còn đơn sơ lắm. Phương tiện truyền thông còn rất hạn chế, làm gì có mạng internet, thông tin điện tử,. Chủ yếu là truyên truyền trực quan đến công chúng qua hình ảnh như thế. Phần lớn là ảnh trắng đen” – Nghệ sỹ Ông Văn Sinh nhớ lại.

Khâu chụp vừa gian khó với thiết bị, vừa di chuyển trên một địa bàn rất rộng, vừa còn gặp những chuyện “oái ăm” do bối cảnh đất nước mới chuyển từ trạng thái chiến tranh sang hòa bình, tái thiết.

Việc chụp ảnh thời đó phải được phép của cơ quan thẩm quyền, chứ không phải cầm máy ảnh ra đường, thích chụp gì thì chụp. Lại có những khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng và chính trị, người mang theo máy ảnh đến các khu vực này, dễ bị tình nghi là hoạt động “gián điệp”, nhẹ hơn là “chụp ảnh có ý đồ xấu”.

“Hồi đó xảy ra chuyện nhiều người vượt biên, mà mình thì hay sang khu vực biển để chụp. Người muốn vượt biên lúc đó thì có đường dây móc nối, móc nối xong thì định giờ, hẹn bãi tập kết, có phương tiện đến đón … Mình mang máy ảnh đi dọc biển, bị nghi là “chụp bãi” hay giả vờ đi quan sát ‘chọn bãi”, hoặc “môi giới, móc nối”. Mấy lần phải chịu kiểm tra hành chính, các anh bên an ninh rồi biên phòng sau khi xem giấy giới thiệu, hiểu ra, rất tạo điều kiện….”

z3162009348828_d77d6e9ce35698601fff44956956462e.jpg
Trồng rau bên biển, bức ảnh gợi nhớ những ngày rất khó khăn sau giải phóng. Ảnh: Ông Văn Sinh

Chụp đã khó, việc lưu trữ cả mấy chục năm qua các thước film tư liệu, càng khó hơn. Không như ngày nay, chúng ta quá phong phú phương tiện và thiết bị lưu trữ.

Và những tấm ảnh được tác giả lưu giữ rất cẩn thận công phu, đã vượt qua những thăng trầm của đời người, nhất là sự tàn phá vô hình của thời gian, của tác động môi trường, giờ đây đã sẵn sàng để xuất hiện trong tập sách, xuất hiện trong những phiên triển lãm mà tác giả (cùng anh em đồng nghiệp, cơ quan chức năng hỗ trợ) đang tích cực chuẩn bị …

Người xem có thể cảm nhận được độ dài thời gian lẫn chiều sâu về nội dung, còn đằng sau mỗi bức ảnh, ẩn chứa những câu chuyện thầm lặng riêng, chuyện của nghề.

Cùng anh xem lại lần cuối maquette, trước khi bấm máy in, NSNA Ông Văn Sinh chỉ vào một số tác phẩm và cho hay, “ít nhất, thì 2 đến 3 lần, nhiều hơn phải 4 đến 5 lần, tôi chụp đi chụp lại. Cùng một vị trí thôi, nhưng mỗi lần trở lại, trong đầu tôi lại hình thành một nhận thức mới về đối tượng phản ảnh. Cố chụp cho đến khi hài lòng …”.

z3348757702024_4285962d81b3017303fcaa02c7c6ddfc.jpg
Bìa sách ảnh Đà Nẵng, Ký ức và Hiện tại, tác giả chọn bức ảnh những ngư dân đang giúp nhau hạ thủy một chiếc thuyền đánh cá vào những năm 1980.

Mà chuyện hài lòng với tác phẩm lúc đó cũng không như sau này.

Nếu sau này, với máy ảnh kỹ thuật số mọi việc trở nên dễ dàng hơn, thì lúc đó với máy ảnh cơ – chụp film nhựa, tác giả không thể xem ngay tác phẩm vừa chụp (qua LCD), để rút kinh nghiệm ngay, cài đặt lại các thông số kỹ thuật.

Mọi chuyện hồi đó, được xử lý chỉ qua “bộ nhớ” trong đầu, và bằng các linh cảm, kinh nghiệm nghề nghiệp. Nguồn năng lượng ‘dồi dào” cho những lần lặn lội và bấm máy này, cũng chỉ có niềm đam mê muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc hiện hữu. Rồi thời gian trôi đi, cái hôm nay của ngày này sẽ là cái hôm qua trong ký ức. Và cái của ký ức, hiển nhiên là một phần sống động, chân thật của lịch sử.

ky-uc-nha-cho-tren-song-nuoc-da-nang-xua.jpg.jpg
Bảo tàng Đà Nẵng (hiện nay) dành hẳn một không gian tái hiện Nhà Chồ, bởi trong ký ức của Đà Nẵng, không thể thiếu Nhà Chồ. - Ảnh: Trần Ngọc.

Và một phần lịch sử của Đà Nẵng, là những tác phẩm về Nhà Chồ mà nghệ sỹ Ông Văn Sinh đã chụp và lưu giữ.

Nghệ sỹ Ông Văn Sinh là một trong số rất ít, rất ít người chụp ảnh nhà chồ. Và sẽ càng ít hơn, thậm chí trở thành người cầm máy duy nhất chụp được nhiều ảnh về nhà chồ, đồng thời, còn lưu giữ trọn vẹn hình ảnh cho đến ngày hôm nay.

Có nhiều lý do để ít ai chụp ảnh nhà chồ.

Trong đó, có lý do là … khu vực nhà chồ rất bẩn.

Người viết bài này có một kỷ niệm “khó quên” trong một lần tác nghiệp ở nhà chồ. Theo lịch hẹn, 17giờ chiều sẽ đi cùng lực lượng chức năng đến tận các nhà chồ vận động và đón các em vào bờ tham gia các lớp học xóa mù hay bổ túc.

Có mặt sớm hơn giờ hẹn, đợi đến tầm 17giờ10, 17giờ15, bắt đầu thấy nóng ruột. Không biết là có sự cố gì…Lúc đó thì chưa có điện thoại di dộng như bây giờ để gọi và giải tỏa tâm lý. Dặn lòng hãy kiên nhẫn đợi, dù biết trời càng sập tối, càng khó chụp ảnh. Khoảng 17 giờ40, nghe tiếng gọi quen thuộc của “ông anh” đã cho cái hẹn từ xa vọng tới. Vậy là hai anh em thẳng đến xóm nhà chồ…

Sau này mới biết, hôm đó có triều cường, sóng đẩy dạt mọi thứ từ nhà chồ thải xuống vào bãi. Ông anh tốt bụng của tôi đã huy động làm vệ sinh. Anh giải thích ngắn gọn: Một phần các cháu lát nữa sẽ lên bãi để đi vào lớp học, một phần có nhà báo, không nhẽ để “lênh phềnh mất vệ sinh” đến lợm mùi như thế !

14-tre-em-khu-nha-cho-nai-hien-dong-di-hoc-ve.jpg
Trẻ em “nhà chồ” Nại Hiên Đông (những năm 1980) đi học về, phải đi trên cầu ván, mới từ đất liền lên nhà ở. Ảnh: Ông Văn Sinh.

Vậy mà “nhà chồ” cho đến ngày hôm nay, vẫn có riêng một không gian trưng bày ở Bảo tàng Đà Nẵng; đặc biệt hơn, “nhà chồ” đã trở thành đối tượng nghiên cứu của Đại học Bristol (Vương quốc Anh) với dự án “Di sản nghề chài và cuộc sống mưu sinh tại Đà Nẵng”. Kết quả của dự án này, là một triển lãm “chưa từng có tiền lệ”.

“Nhóm những ngư dân đã từng sống ở nhà chồ ven sông Hàn Đà Nẵng ngày xưa, được chúng tôi và các cộng sự tại địa phương, mời họ đến Bảo tàng Đà Nẵng. Họ thăm quan không gian trưng bày có tên gọi là “Nhà Chồ”. Thông qua những hiện vật tại bảo tàng liên quan mật thiết đến nếp nhà xưa của họ, chính họ tái hiện những kỷ niệm về không gian sống xa xăm ấy. Đây cũng chính là phương pháp tiếp cận và xây dựng trưng bày dựa vào cộng đồng của dự án chúng tôi” - GS Graeme Were - Trưởng khoa Nhân học, Đại học Bristol (và là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu) chia sẻ.

Năm 2004, từ chủ trương “xóa nhà chồ” của chính quyền thành phố, chính quyền quận Sơn Trà và các phường, bắt đầu chương trình định cư trên đất liền cho các hộ nhà chồ. Giờ đây, nhà chồ chỉ còn tìm thấy qua những lời kể, và qua các bức ảnh hiếm hoi. Nghệ sỹ Ông Văn Sinh là tác giả “có trách nhiệm với lịch sử” qua những bức ảnh ấy.

03a-nguoi-dan-di-cho-ve-khu-vuc-nha-cho-an-hai-bac-anh-.-ong-van-sinh.jpg
Đi chợ về phải lội một quãng sông mới lên được nhà, nhà ở trên mặt sông...

Cùng với “nhà chồ”, Nghệ sỹ Ông Văn Sinh đặc biệt quan tâm đến di sản nghề chài cùng cuộc sống của những ngư dân cách đây đã hơn 40 năm …

Làng chài Nại Hiên Đông (ảnh được chụp trong thập kỷ 1980) là một ví dụ.

Tác phẩm được gói gọn trong không gian một làng chài, tiền cảnh là công việc phơi lưới sau chuyến ra khơi của ngư dân – nét động đặc trưng của làng chài. Và những gợn sóng sông nước, như muốn đánh thức cái động của tự nhiên.

Hậu cảnh là sự tĩnh lặng của cả xóm chài, biểu đạt nét bình yên của một cộng đồng vốn rất bận rộn với chuyện mưu sinh.

Trong cái tĩnh cũng ẩn chứa câu chuyện về cái động. Nơi ấy, những con người phải vật lộn với sóng gió, có lúc đơn độc giữa đại dương mênh mông, đôi khi đã phải hốt hoảng khi biển cả gầm thét … Để rồi, khi đặt chân trở lại đất liền và về dưới mái nhà, sự an yên mới trở lại trong lòng. Bỏ lại sau lưng những gian nan, hiểm nguy của cuộc mưu sinh, người dân xóm chài có những phút giây hạnh phúc bên gia đình, nghe tiếng cười của trẻ thơ. Các đôi vợ chồng bàn nhau chuyện để dành lo cho con ăn học, mai sau con phải hơn cha.

Cái tĩnh - cái động như hòa quyện vào nhau, kể và vẽ nên bức tranh thủy mặc, về câu chuyện của làng chài duyên hải.

z3360938103243_381be6073b6da7ac28f3ade065496fca-1-.jpg
Làng chài Nại Hiên Đông. Ảnh: Ông Văn Sinh.

Với một đất nước có đến 3.260 cây số đường biển, chưa tính đến chiều dài sông ngòi chằng chịt, Việt Nam có biết bao xóm chài vừa tĩnh lặng, vừa sống động đến thế. Một xóm chài Nại Hiên Đông - Đà Nẵng của tác giả, là một gợi ý trong cảm thức nhiều thế hệ.

Đà Nẵng – Ký ức và Hiện tại”, đánh dấu cột mốc “10 năm lại có một lần “thưa chuyện” với nghề - với Đời và Người, của Nghệ sỹ Ông Văn Sinh.

Năm 1990, với chủ đề Hoa xương rồng, anh có triển lãm cá nhân đầu tay (và cũng là triển lãm chuyên đề của cá nhân đầu tiên ở khu vực Miền Trung – Tây Nguyên). 10 năm sau, năm 2010, anh tiếp tục có triển lãm (và sau đó là sách ảnh Đời Nón – Đời người). Đời Nón – Đời người sau triển lãm ở Đà Nẵng đã được Hội liên hiệp Phụ nữ và Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh thành phố Hồ Chí Minh – Bảo tàng Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh mời vào triển lãm kéo dài trong 1 tháng (2011).

z3363136271006_7595d3629972cb7d11742e4d58de0fb1.jpg
Một tác phẩm trong “Đời nón – Đời người”. -Ảnh: Ông Văn Sinh

Cũng 10 năm sau, năm 2021, tập sách ảnh “Đà Nẵng – Ký ức và Hiện tại” được khởi động chuẩn bị để xuất bản trong năm 2022 (năm Đà Nẵng kỷ niệm 25 năm trở thành Thành phố trực thuộc trung ương).

Ngược dòng thời gian hơn 40 năm trước, vào những năm 1980 – 1982, với tâm huyết giới thiệu hai di sản văn hóa (ngày nay đã là di sản văn hóa quốc tế) Hội An, Mỹ Sơn; NSNA Ông Văn Sinh đã thực hiện hai bộ sách ảnh đầu tiên về Đô thị cổ Hội An và Quần thể tháp chăm ở Thánh địa Mỹ Sơn (trong đó, bộ ảnh Thánh địa Mỹ Sơn có sự tham gia của Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương).

z3360931843113_b041f85530c79537f3c8c4ae6a8aad97.jpg
Huyền Không động. Ảnh: Ông Văn Sinh.

Đà Nẵng – Ký ức và Hiện tại” không chỉ kể chuyện sử của Đà Nẵng, mà còn là tập sách để đọc, cảm nhận, tìm hiểu và học hỏi công việc sáng tác của nghệ thuật nhiếp ảnh. Chắc chắn tập sách được nhiều độc giả đón nhận, bởi khi đối diện với mỗi tác phẩm, người xem không khỏi nghĩ suy và đặt câu hỏi – mà theo cách nói mộc mạc của người xứ Quảng, sẽ rằng: Tấm ni chụp răng hay ri hè ? (tác phẩm được chụp như thế nào mà độc đáo thế này ?).

Huyền Không động (ảnh được chụp trong thập kỷ 1980) là một đơn cử.

Bức ảnh đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng chỉ để có được cú bấm máy đúng khoảnh khắc. Cùng hai nhân vật chính của bức ảnh, tác giả sớm có mặt ở động Huyền Không để chỉ chờ mặt trời lên đúng Ngọ, mới bấm máy. Những khoảng trống trên đỉnh Huyền Không chỉ đón tia nắng thẳng góc vào thời khắc này và trải dài vệt nắng vào lòng động.

Khâu tuyển chọn, kéo dài suốt cả năm 2021 … “Tôi chọn đi chọn lại khá nhiều lần, kể cả khi đã tinh chọn lắm rồi, lên maquette, thấy chưa “đã” lắm, lại chọn lại… Mong sao, độc giả đón nhận và hiểu công việc tôi đã cố gắng làm đi làm lại nhiều lần: Một tình yêu, xin dành cho quê hương tôi !” – Nghệ sỹ Ông Văn Sinh bộc bạch.

Tập sách đã được bấm máy in vào giữa tháng Tư này. Không bao lâu nữa, một bộ sách ảnh quý và hiếm về “một phần lịch sử Đà Nẵng” chính thức ra mắt công chúng.

Trần Ngọc


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Chạm mắt vào ký ức, hoài niệm Đà Nẵng ngày ấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO